Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến

Hôm nay, Phụng vụ Lời Chúa trình thuật “Đức Giê-su mạc khải Người là Đấng Thiên Sai”. Tuy nhiên, Người là Đấng Thiên Sai giầu lòng thương xót, đem an bình, hòa giải đến cho thế gian. Đức Giê-su là Đấng Thiên Sai đem hòa bình cho nhân loại, nhưng thực tế, người Do Thái cứng lòng, đặc biệt những vị lãnh đạo tôn giáo, các Kinh sư, Biệt phái và Pha-ri-sêu lúc đó đã căm thù, ghen ghét Đức Ki-tô vì Người không đi theo đường lối của họ. Do đó mới có bản án bất công.

Trong Tuần Thánh, Giáo hội cử hành mầu nhiệm cứu độ mà Chúa Ki-tô đã hoàn tất vào những ngày cuối cùng Người ở trần gian, từ lúc Người vào thành Giê-ru-sa-lem với tư cách là Đấng Mê-si-a, đến cuộc Thương Khó hồng phúc và Phục Sinh vinh hiển. Mùa Chay kết thúc ngay trước Thánh lễ Tiệc Ly (Thứ năm Tuần Thánh). Mở đầu Tuần Thánh là Chúa nhật Lễ Lá gồm 2 phần chính: Phần đầu là cuộc rước kiệu lá kính nhớ Đức Giê-su vào Giê-ru-sa-lem và được dân chúng tôn vinh nhiệt liệt: “Hoan hô Con vua Đa-vít! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa! Hoan hô trên các tầng trời.” (Mt 21, 1-10). Phần thứ hai là Tam Nhật Vượt Qua tưởng niệm cuộc Thương Khó của Chúa. Trong một Thánh lễ tưởng niệm 2 biến cố trái ngược nhau: Tôn vinh # Hạ bệ.

Vì thế, có một nhận định xem ra có vẻ khó hiểu và khắc nghiệt: “Giữa Chúa nhật Lễ Lá và Thứ sáu Tuần Thánh phản ánh cả cuộc đời Ki-tô hữu”. Tuy nhiên, bình tâm mà suy xét sẽ thấy tuy khó hiểu và khắc nghiệt, nhưng lại rất chính xác. Nói cách cụ thể thì Chúa nhật Lễ Lá và Thứ sáu Tuần Thánh phản ánh đúng thực chất tâm trạng con người (nói chung), và cách riêng là các Ki-tô hữu. Chúa nhật Lễ Lá dân chúng Do Thái tung hô, chúc tụng, tôn vinh Chúa Ki-tô rất nồng nhiệt, bằng những lời lẽ tưởng chừng như chân thành nhất (“Hoan hô Con vua Đa-vít! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa! Hoan hô trên các tầng trời” – Mt 21, 9); vậy mà chỉ mấy ngày sau, cũng chính những người hoan hô ấy lại hò reo: “Đóng đinh nó vào thập giá!” Thậm chí khi Tổng trấn Phi-la-tô thấy không cứu vãn được tình thế, đã lấy nước rửa tay trước mặt đám đông mà nói: “Ta vô can trong vụ đổ máu người này. Mặc các người liệu lấy!”, thì đám đông còn gào thét như thách thức: “Máu hắn cứ đổ xuống đầu chúng tôi và con cháu chúng tôi! ” (Mt 27, 24-25). Thế đấy!

Cứ tưởng giữa tôn vinh và hạ bệ ít ra cũng phải có một khoảng cách thời gian khá xa, thật không thể ngờ nó lại đi liền với nhau trong gang tấc. Vừa mới “hoan hô” một ông tổng thống, thủ tường, nhưng khi nghe phía đối lập phản đối, hạ bệ ông ta, thì lại thấy cũng đúng, và cũng “đả đảo” liền. Thậm chí có nhiều nguyên thủ quốc gia vừa mới đắc cử với số phiếu áp đảo, ngồi chưa nóng ghế, đã bị biểu tình phản đối, đòi truất phế ngay tức thì. Đấy mới chỉ là nói về những sự kiện hữu hình xảy ra trên bình diện xã hội loài người, riêng về mặt tâm linh thì còn hơn thế nữa. Trong khi vừa ở toà hoà giải ăn năn sám hối về những lỗi phạm của mình, mới chỉ bước khỏi toà vài bước nếu gặp chuyện trái ý thì ngay lập tức nổi đoá văng tục liền (dù có thể chưa văng thành lời nói trên miệng, thì cũng thầm thĩ trong lòng!), vừa mới rước lễ trong thánh lễ, ra khỏi nhà thờ gặp phải một “người bạn quấy rầy” thì lập tức biểu lộ “nộ khí xung thiên” ngay.

Ôi chao! Nhiều, nhiều lắm những cảnh vừa mới tuyên xưng đức tin, tôn vinh Thiên Chúa, thì ngay lập tức đã chối bỏ, hạ bệ. Như thế thì chẳng phải cái ranh giới giữa tôn vinh và hạ bệ trong thế giới loài người chỉ trong gang tấc đó sao? Cứ nhìn vào các Tông đồ tiên khởi thì đủ biết: Vì sao các ngài đi theo Đức Ki-tô? Vì tin tưởng Người chính là vị cứu tinh cho cuộc đời của mình. Cụ thể như Phê-rô khi nghe Đức Ki-tô hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” thì tuyên xưng liền: “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống.” (Mt 16, 16) và khi nghe Thầy tiên báo sẽ chối Thầy, thì ngay lập tức khẳng định chắc nịch: “Dầu có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy”. Thực ra, cũng không chỉ có một mình Phê-rô đâu, mà “Tất cả các môn đệ cũng đều nói như vậy” (Mt 26, 35). Như thế thì chẳng phải là tôn vinh đó sao? Nhưng đến khi Thầy gặp nạn thì  “Bấy giờ các môn đệ bỏ Người mà chạy trốn hết” (Mt 26, 56), còn Phê-rô lẽo đẽo theo sau và chỉ cần một tớ gái nhà Cai-pha vặn hỏi đã vội vàng “Tôi thề là không biết người ấy.” (Mt 26, 74). Bỏ trốn hết, chối Thầy như vậy thì có khác gì đả đảo, hạ bệ?

Ngày xưa thì như thế, còn ngày nay hẳn là còn hơn thế nữa là cái chắc. Ở Việt Nam tuy có gần 130.000 người chấp nhận cái chết chớ không chịu hạ bệ Ki-tô (bước qua, đạp lên thánh giá, bỏ đạo), nhưng con số người sẵn sàng đạp lên thánh giá (chớ đừng nói chỉ bước qua), sẵn sàng gỡ bỏ bàn thờ để chưng hình lãnh tụ (hạ bệ Giê-su, tôn vinh lãnh tụ), sẵn sàng ghi vào sơ yếu lý lịch là “không tôn giáo” (chối đạo)… thì không hiểu còn đông gấp bao nhiêu lần? Ngay đến cả những người bề ngoài thì rất siêng năng đi lễ, đọc kinh, cầu nguyện, nhưng chỉ cần một người nghèo khó (một hành khất, chẳng hạn) đến “quấy rầy” thì ngay lập tức “Không có gì hết! Cút đi chỗ khác!” Than ôi! “Bề ngoài thơn thớt nói cười, Mà trong nham hiểm giết người không đao!” (Truyện Kiều – Nguyễn Du). Vậy thì tôn vinh và hạ bệ có cách xa nhau không?

Có thể sẽ có phản biện: “Đó chỉ là cách bi thảm hoá vấn đề, làm gì có chuyện ngoài miệng thì tôn vinh, trong lòng thì hạ bệ?” Nếu chỉ nhìn một chiều thì có thể cho đó là bi thảm hóa vấn đề; nhưng nếu chịu khó “xoay cái nhìn ra khỏi cái tôi” (Sứ điệp Mùa Chay 2011, số 3) sẽ thấy ngay chính trong con người của mình cũng chẳng ít lần không chỉ hạ bệ Chúa suông thôi đâu, mà còn đóng đinh Chúa nữa là khác. Cũng xin nhấn mạnh ở đây về vấn đề đóng đinh Chúa, không nhất thiết là cứ phải thật sự trực tiếp bắt trói Chúa, cầm búa đóng đinh vào tay chân Chúa đâu. Cũng chẳng có cái vụ bắt bước qua hoặc đạp lên thánh giá như ngày xưa, mà hình thức bách hại Đạo Chúa còn tinh vi khủng khiếp hơn nhiều. Cứ thử gẫm suy cho thấu đáo mà xem, có đúng là chúng ta gây chia rẽ bất hoà với anh em nhiều hơn là xây dựng, đoàn kết nhau không? Có phải là chúng ta đố kỵ ghen ghét nhiều hơn là yêu thương đùm bọc nhau không? Những cái mà chúng ta cư xử với anh em như vậy chẳng phải là chúng ta đã làm cho Chúa đó sao? Đấy, vấn đề là ở chỗ đó.

Chúa nhật Lễ Lá mở đầu Tuần Thánh và kỷ niệm việc Chúa Giê-su được tôn vinh, nhưng đồng thời Chúa nhật Lễ Lá cũng còn gọi là Chúa nhật Chịu Nạn (Chúa Giê-su bị hạ bệ và giết chết). Trong một Chúa nhật tưởng niệm hai mặt trái ngược nhau của cuộc đời. Tôn vinh tung hô đó, hạ bệ phế truất đó. Vừa mới “Hoan hô Con vua Đa-vít! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa! Hoan hô trên các tầng trời.” (Mt 21, 9), thì tiếp liền theo đó, đã “Đóng đinh nó vào thập giá!” (Mt 27, 23). Câu chuyện “khẩu Phật tâm xà” (miệng Phật, lòng rắn) cứ tưởng chỉ có trên lý thuyết, không ngờ đó lại là “chuyện thường ngày ở huyện”!

Người tín hữu ngày hôm nay cần phải nhớ Lời Chúa: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: “Lạy Chúa! lạy Chúa!” là được vào Nước Trời cả đâu!” (Mt 7, 21). Ngoài miệng thì không ngớt tung hô Chúa, nhưng trong lòng thì lạnh tanh, chẳng một chút cảm xúc. Thậm chí, ngoài miệng nói một đàng, trong lòng nghĩ một nẻo. Vừa mới tung hô Chúa nơi thánh đường, về tới khu xóm đã hiềm khích, đố kỵ, ghen ghét với người này nguời khác, thậm chí cả với người thân trong gia đình, như thế thì nào có khác gì hạ bệ Chúa? Đó phải chăng là một di chứng “lầm than luân lý có thể được gọi là một sự bắt đầu tự sát” như Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã viết trong Sứ điệp Mùa Chay 2018?

Vâng, “Điều không kém phần gây lo âu chính là lầm than luân lý, nó hệ tại trở nên nô lệ cho những tật xấu và tội lỗi. Bao nhiêu gia đình lo âu vì có một trong những phần tử của mình, thường là người trẻ, nghiện ngập rượu, ma túy, cờ bạc và dâm ô! Bao nhiêu người đã đánh mất ý nghĩa cuộc sống, thiếu những viễn tượng tương lai và mất hy vọng! Và bao nhiêu người bị bó buộc sống trong lầm than luân lý do những điều kiện xã hội bất công, thiếu công ăn việc làm, khiến họ không còn phẩm giá mang cơm bánh về nhà, thiếu bình đẳng trong các quyền giáo dục và sức khỏe. Trong những trường hợp ấy, lầm than luân lý có thể được gọi là một sự bắt đầu tự sát.” (Sứ điệp Mùa Chay 2018).

Căn bệnh trầm kha “lầm than tinh thần”chỉ có hy vọng được chữa khỏi khi xác tín “Tin Mừng là thuốc giải độc đích thực chống lại lầm than tinh thần: Ki-tô hữu được mời gọi mang vào mọi môi trường lời loan báo giải thoát, theo đó có sự tha thứ tội lỗi đã phạm, Thiên Chúa cao cả hơn tội lỗi chúng ta và Ngài yêu thương chúng ta một cách nhưng không, luôn luôn, và chúng ta được dựng nên để hiệp thông và sống vĩnh cửu. Chúa mời gọi chúng ta hãy trở thành những người hân hoan loan báo sứ điệp từ bi và hy vọng ấy! Thật là đẹp khi cảm nghiệm niềm vui loan truyền Tin Mừng đó, chia sẻ kho tàng đã được ủy thác cho chúng ta, để an ủi những con tim tan vỡ và mang lại hy vọng cho bao nhiêu anh chị em chúng ta đang bị bóng đêm bao phủ. Vấn đề ở đây là đi theo và noi gương Chúa Giê-su, Đấng đã đi đến với người nghèo và tội nhân như một mục tử đi tìm con chiên bị lạc mất, và Ngài đến gặp chúng ta với đầy tình yêu thương. Khi hiệp nhất với Chúa, chúng ta có thể can đảm mở ra những con đường mới để loan báo Tin Mừng và thăng tiến con người.” (Sứ điệp Mùa Chay 2018).

Nhìn những cảnh người đời có lập trường xoay như chong chóng, người Ki-tô hữu ngày hôm nay hãy vững một niềm tin, kiên định lập trường chọn “Con Đường Giê-su” mà tiến bước. Muốn được vậy thì cần phải sẵn sàng “xoay cái nhìn ra khỏi cái ”tôi” của mình, để khám phá người ở cạnh chúng ta và nhận thấy Thiên Chúa nơi khuôn mặt của bao nhiêu anh chị em chúng ta” (Sứ điệp Mùa Chay 2017, số 3); ngõ hầu được “tái sinh bởi nước và Thánh Linh”, và “tái khẳng định quyết tâm vững vàng đáp ứng hoạt động của Ơn Thánh để làm môn đệ của Chúa” (Sứ điệp Mùa Chay 2017, số 2). Nào, “Mạnh bạo lên, can đảm lên! Đó chẳng phải là lệnh Ta đã truyền cho ngươi sao? Đừng run khiếp, đừng sợ hãi, vì ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi, sẽ ở với ngươi bất cứ nơi nào ngươi đi tới.” (Gs 1, 9).  

Ôi! “Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã muốn cho Ðấng cứu chuộc loài người phải sống kiếp phàm nhân và chịu khổ hình thập giá để nêu gương khiêm nhường cho thiên hạ noi theo. Xin cho chúng con biết đón nhận bài học Người để lại trong cuộc thương khó, và được thông phần vinh quang phục sinh với Người. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển tri cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen.” (Lời nguyện nhập lễ Lễ Lá).

JM. Lam Thy ĐVD.

Chia sẻ Bài này:

Related posts