Trong cuốn phim, “Harold and Maude,” Maude là người yêu đời, mời gọi Harold nhậy cảm với những kỳ quan chung quanh cuộc sống. Trước một cảnh đầy hoa, Harold nhìn thấy đó chỉ là những hoa vàng daffodils; Maude nói anh hãy nhìn vào từng đóa hoa khác biệt. Khi hai người lái xe vào thành phố Los Angeles, Harold nhìn thấy toàn là nhà cao và quá nhiều xe, trong khi Maude nhìn thấy những cây bị chết nghẹt. Maude muốn đánh những cây đó trồng nơi khác để nó có thể mọc lên đàng hoàng. Trong cuộc sống chúng ta thường để tâm vào những chuyện xã hội trình bày, và những điều đó chưa chắc đã là đúng sự thật.
Ngay cả về Kitô Giáo, chúng ta đã có tầm nhìn một cách đúng đắn. Lời kêu gọi của Kitô Giáo là lời kêu gọi giải thoát, kêu gọi tìm tự do để đạt tới con người toàn vẹn, trở thành một con người tốt đẹp, cá biệt như Chúa muốn dựng nên chúng ta. Đó là sứ điệp Chúa Giêsu muốn dạy trong dụ ngôn Những Nén Bạc của Phúc Âm hôm nay.
Câu chuyện nói đến ba đầy tớ được chủ trao những nén bạc để đầu tư. Một người được trao 5000 nén, người khác 2000 nén và người thứ ba 1000 nén. Chúa Giêsu nói rõ, số bạc họ được trao tùy theo khả năng của họ. Người thứ nhất và người thứ hai dùng tiền đầu tư, làm lợi gấp đôi như khả năng. Họ được chủ khen thưởng: “Tốt lắm! Ngươi là đầy tớ tốt lành và chịu khó. Ngươi đã trung tín trong điều nhỏ ngươi sẽ được trao phó công việc lớn hơn. Hãy vào hưởng sự vui mừng với chủ ngươi!” (Mt 25:21). Tuy nhiên, người thứ ba không làm như khả năng cho phép. Ông ta sợ dấn thân và vì sợ ông từ chối hành động. Thay vì mang đầu tư tiền của chủ, ông chôn giấu và đương nhiên nó không mang lại lợi tức nào cả. Ông chủ nghe vậy thì nặng lời không hài lòng: “Đầy tớ lười biếng, vô ích!” Rồi chủ ra lệnh: “Lôi cổ bỏ nó ngoài nơi tối tăm, nơi phải khóc lóc nghiến răng” (Mt 25:30).
Bài Phúc Âm này có thể dễ bị hiểu lầm như là ủng hộ việc lấy lời cao. Thật ra, bài Phúc Âm không có ý nói tí nào về đầu tư tiền của hay tích trữ làm giầu. Chúa Giêsu chỉ dùng hình ảnh đó để nói lên điểm quan trọng là sống đời Kitô Hữu. Ngài muốn nói là mỗi người hãy sống đạo theo khả năng của mỗi người. Mỗi người môn đệ được ban tặng những ơn cá biệt để thi hành ý Chúa và mỗi người phải dùng cho cân xứng những ơn đó. Hơn nữa, bài Phúc Âm còn cho biết khả năng mỗi người phát triển lên nếu biết dùng nó, nhưng sẽ tàn héo nếu không xử dụng nó.
Gần đây, một cha xứ miền Tây Hoa Kỳ đã gửi bức thư sau đây cho những giáo dân xem ra để khả năng tàn héo. Ngài nói rằng họ không có lý do nào mà không đi Lễ Chúa nhật tới:
Nhà thờ sẽ có…
– chỗ ngủ cho những ai nói là Chúa Nhật là ngày duy nhất được ngủ nướng;
– thuốc nhỏ mắt cho những ai mắt đỏ vì thức đêm xem movie tối thứ Bảy;
– nón sắt đội đầu cho những ai sợ mái nhà thờ sập;
– mền đắp cho những ai cho nhà thờ lạnh quá, quạt cho những ai cho nhà thờ nóng quá;
– giấy bút cho những ai muốn ghi danh sách những người giả hình trong nhà thờ;
– đồ ăn liền cho những ai không thể nấu ăn hay phải dành giờ nấu ăn mà đi nhà thờ…
Không biết cha xứ đó có thành công hay không trong việc kéo nhiều người đi nhà thờ. Dù có nhiều người đi nhà thờ cũng chưa chắc là mức để đo việc giáo dân dùng hết khả năng mỗi người để sống đạo.
Chúa Giêsu nói: “Cứ dấu này người ta nhận biết các con là môn đệ Thầy là các con thương yêu nhau,” (Jn 13:35). Nếu chúng ta đến nhà thờ chỉ để phô trương với nhau, cuộc sống Kitô Hữu đang úa héo. Nếu chúng ta nghĩ là chúng ta đã làm đủ rồi, đó là dấu chúng ta ngưng sống đạo. Sức sống ban cho người môn đệ sẽ lớn lên hay héo tàn tùy biết xử dụng hay không xử dụng sức sống đó. Không thể có chuyện đứng yên; sức sống phải linh hoạt. Vì thế, theo nghĩa thực tế, chúng ta đến nhà thờ để chứng tỏ trước mặt Chúa và trước tha nhân, chúng ta làm bất cứ điều gì vì danh Chúa Giêsu đòi hỏi chúng ta.
Chúng ta có nhiệm vụ chuẩn bị cho trần gian này cho Nước Chúa, sự hiện diện của Chúa giữa dân Ngài. Và qua cuộc sống, cái chết, phục sinh của Chúa Giêsu, chúng ta được ban tặng sự tự do và sức mạnh để phát triển thành con người tốt đẹp, cá biệt như Chúa muốn nơi chúng ta trong tình yêu. Vẻ đẹp thiêng liêng của chúng ta chỉ tăng vẻ tối đa khi chúng ta thi hành sự tự do của chúng ta và dùng khả năng yêu thương để yêu anh chị em chúng ta, nhìn họ như đang tiến tới sự hoàn hảo Chúa muốn.
Chúng ta nhớ lại “Harold and Maude,” Harold nhìn thành phố Los Angeles như là một hỗn hợp những toà nhà cao, những người mất tích và những xe di chuyển vội vàng. Maude xem từng người, từng tạo vật tốt đẹp. Chị xem thấy cả những cây bị nghẹt cần được cứu giúp để phát triển đúng mức. Chúa Giêsu đến để dạy chúng ta biết tế nhị nhìn thấy vẻ đẹp tuyệt vời của các tạo vật của Chúa và đặc biệt vẻ đẹp của mỗi người. Chúa Giêsu đến để cho chúng ta thấy tình yêu cao cả của Chúa đối với mỗi người và dạy chúng ta chia sẻ tình yêu của Chúa cho mọi người.
Có người đã thí dụ những người không biết tế nhị nhìn thấy nhu cầu của kẻ khác như những người trên chiếc thuyền bị rò nước sắp chìm, ngồi nhìn những người bên phía đầu thuyền đang làm việc vất vả, tìm mọi cách để thuyền không bị chìm. Họ thản nhiên và nói với nhau: “Tạ ơn Chúa, lỗ rò không ở bên phía chúng ta.”
Khả năng làm môn đệ Chúa lớn lên nếu biết dùng nó và tàn héo nếu không dùng nó. Là một Kitô Hữu chúng ta phải trở nên tế nhị trước nhu cầu của kẻ khác. Tất cả chúng ta cùng ở trên một thuyền, di chuyển về một cùng đích là Nước Thiên Chúa. Là Kitô Hữu chúng ta nhìn ra Chúa Giêsu là quà tặng Thiên Chúa ban cho nhân loại, và chúng ta qua sự trao ban chúng ta cũng là quà chúa ban cho tha nhân. Trần gian cần chúng ta và đòi hỏi nơi chúng ta bởi vì đó là thế giới của Chúa chúng ta đang phục vụ. Con cái loài người cần chúng ta bởi vì họ là con cái Thiên Chúa những người mà chúng ta đang phục vụ theo khả năng Chúa ban.
Đền Thánh Khiết Tâm Mẹ