Con Đường Hạnh Phúc

Con đường tơ lụa được biết tới là con đường giao thoa của các nền văn hoá giữa Châu Á và Châu Âu. Bắt đầu từ Phúc Châu, Hàng Châu, Bắc Kinh (Trung Quốc) qua Mông Cổ, Ấn Độ, Afghanistan, Kazakhstan, Iran, Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp  xung quanh vùng Địa Trung Hải và đến tận châu Âu. Con đường kéo dài tới Hàn Quốc và Nhật Bản với chiều dài khoảng 6.437 km.

Trung Quốc là nước đầu tiên tìm ra cách trồng dâu nuôi tằm, lấy kén ươm tơ,dệt lụa sớm nhất trên thế giới vào thế kỷ 3 TCN. Tơ lụa thời đó được dành riêng cho vua chúa và hàng quí tộc, sau này lụa tơ tằm được đưa đi các vùng. Con đường tơ lụa dần dần được hình thành từ đó.

Trường An (nay là Tây An) là nơi các thương gia Trung Hoa tập kết hàng hóa, tơ lụa để chuẩn bị cho những chuyến buôn bán lớn qua Con đường tơ lụa. Người Trung Hoa mang vải lụa, gấm vóc, sa, nhiễu,… đến Ba Tư và La Mã. Đồng thời những doanh nhân các vùng khác cũng tìm đường đến với Trung Hoa vì sự nổi tiếng của lụa là gấm vóc nơi đây

Thời kỳ đầu, những bậc đế vương và những nhà quý tộc của La Mã thích lụa Trung Hoa đến mức họ cho cân lụa lên và đổi chỗ lụa đó bằng vàng với cân nặng tương đương. Chuyện cũng nói rằng Nữ hoàng Ai Cập Cleopatra lúc đó chỉ diện váy lụa Trung Quốc mà thôi. Chính trị thời đó cũng có ảnh hưởng lớn đến Con đường tơ lụa. Trở thành chiến trường đẫm máu với mong muốn kiểm soát kinh tế để bành trướng thế lực tại Trung Quốc. Nhưng đến thời nhà Minh, Con đường tơ lụa đã bị vương triều này khống chế và bắt mọi người phải nộp thuế rất cao, khiến cho những thương gia phải tìm đến những con đường vận chuyển bằng đường biển.

Con đường tơ lụa trên đất liền tồn tại khá lâu, rồi suy tàn dần theo năm tháng. Người ta thiết kế con đường khác an toàn, dễ dàng và thuận tiện hơn trên biền. Nhưng cũng không thoát khỏi nguy nan như phong ba bão táp, hay chiến tranh bùng nổ cắt đứt con đường thông thương này. Trong khi đó, hơn 2000 năm nay, Đức Giêsu đã tuyên xưng: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy.” (Ga 14, 6) Một con đường duy nhất dẫn con người đến hạnh phúc vĩnh cửu, với nhiều đặc tính vượt trội, mà không con đường nào sánh được.

Con đường cải lão hoàn đồng

 Nhân chi sơ tính bản thiện, Đức Giêsu luôn mời gọi mọi người lên đường, trở nên trẻ trung, đơn sơ, tốt lành, như trẻ em ngây thơ, trong sáng, khiêm tốn, đơn sơ, vô tư, phó thác, không chút mưu mô, gian dối, xảo quyệt, hay kiêu căng, ngạo mạn:  “Thầy bảo thật anh em: Nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ em, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.” (Mt 18, 3)

Người còn nhủ với mọi người qua ông Nicôđêmô con đường tái sinh: “Thật Tôi bảo thật cho ông hay: “Nếu ai không tái sinh bởi Nước và Thánh Linh, sẽ không được vào Nước Thiên Chúa.” (Ga 3, 5) Nhiệm Tích Thánh Tẩy do Đức Giêsu thiết lập và truyền cho Giáo Hội thực hiện, để thông ban cho mọi người được ơn tái sinh trở nên con cái Chúa và Giáo Hội, nhờ Nước và Thánh Thần.

Thánh Phaolô giải thích cặn kẽ về con đường canh tân đổi mới: “Không phải vì tự sức mình chúng ta đã làm nên những việc công chính, nhưng vì Người thương xót, nên Người đã cứu chúng ta, nhờ phép rửa ban ơn Thánh Thần, để chúng ta được tái sinh và đổi mới.” (Tt3, 5)

Con đường Tình Yêu

Con đường Đức Giêsu hướng dẫn và đồng hành luôn bừng sáng, choáng ngập Tình Yêu: “Vì Ta muốn tình yêu chứ không cần hy lễ, thích được các ngươi nhận biết hơn là được của lễ toàn thiêu.” (Hs 6, 6)..
Với Tình Yêu nồng nàn, Đức Giêsu luôn làm đẹp lòng Đức Chúa Cha, (Mt 3, 17) cũng như luôn vâng phục ý Cha cho đến hiến mạng sống, phản ảnh một tình yêu tuyệt đối. (Pl 2, 8) Ngài cũng yêu con người bằng một tình yêu tột đỉnh, tình yêu chí nhân, chí ái: “Người đã yêu thương họ cho đến cùng.” (Ga 13,1)
Tình yêu liên kết mật thiết giữa Đức Chúa Cha và Đức Chúa Giêsu với con người: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy  và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy.” (Ga 14, 23)  Cũng như  Tình Yêu biến đổi tất cả mọi người đều trở thành huynh đệ thắm thiết: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu anh em.” (Ga 14, 34)

Tình yêu dấn thân, xả kỷ vị tha: Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta.” (Mc 8, 34)

Tình yêu hóa giải, xóa tan chia rẽ, oán cừu, thù hận: “Các con hãy yêu thương thù địch và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi các con”(Mt 5,43-44).

Tình yêu phục vụ: “Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em.” (Ga 13, 14-15)

Con đường hồi hương
 
Trước cuộc chia ly tử biệt, Đức Giêsu mặc khải con đường quan trọng duy nhất Người dẫn đoàn chiên về: “Trong nhà Cha của Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không Thầy đã nói với anh  em rồi, vì Thầy dọn chỗ cho anh  em.” (Ga 14, 2)

Hồi hương về với quê nhà đích thật, nguồn cội và cứu cánh của con người: “Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em.” (Ga 20:17)

Về với Nước Trời còn là cùng đích con người: “Trước hết hãy tìm kiếm  Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho.” (Mt 6, 33)

Con có một lý tưởng: hướng về Chúa Cha, một người Cha đầy yêu thương.  Cả cuộc đời Chúa Giêsu, mọi tư tưởng , hành động, đều nhắm một hướng: “Để thế gian biết Thầy yêu mến Đức Chúa Cha và Đức Chúa Cha yêu mến Thầy…” “Những gì đẹp lòng Đức Chúa Cha thì Thầy thực hiện luôn.” (Đường Hy Vọng, số 990)

Lạy Chúa Giêsu, Người là con đường dẫn về quê hương yêu dấu, xin giúp chúng con can đảm chọn và theo Người, tái sinh, trẻ hóa, tình yêu chân thật, cùng luôn hướng về quê Cha Nhân Lành.
Lạy Mẹ Maria, chúng con kính xin Mẹ luôn khích lệ, an ủi và đồng hành cùng chúng con trên con đường hồi hương hạnh phúc viên mãn. Amen.

AM Trần Bình An

Chia sẻ Bài này:

Related posts