CÙNG CHÚA KITÔ, CHÚNG TA ĐƯỢC BIẾN HÌNH

Đôi khi cuộc sống của chúng ta thay đổi theo cách chúng ta muốn nhưng có nhiều lúc đó lại là những thay đổi mà chúng ta không bao giờ muốn. Đôi khi chúng ta cảm thấy thay đổi là tích cực và tốt. Lại có những lúc, sự thay đổi gây đau đớn và làm mất đi điều chúng ta coi trọng hoặc mong ước. Cho dù chúng ta thấy sự thay đổi là tốt hay xấu, mong muốn hay không mong muốn, nó luôn đi kèm với những hậu quả, thách thức và vấn đề.

Mỗi người trong chúng ta đều có thể kể những câu chuyện về những thay đổi mình đã trải qua, những thay đổi đang xảy ra trong cuộc sống ngay bây giờ hoặc những thay đổi mà mình hy vọng hoặc e sợ sẽ xảy ra. Làm thế nào để chúng ta sống giữa những thay đổi? Đâu là những chỗ vịn cho chúng ta bám vào khi thế giới quanh ta dường như cũng đang thay đổi?

Ngay trước khi Chúa Giêsu đưa Phêrô, Gioan và Giacôbê lên núi, Ngài nói với họ và các môn đệ khác rằng Ngài phải chịu khổ hình, chịu chết và sẽ sống lại vào ngày thứ ba. Chúng ta tự hỏi liệu các môn đệ trong bài Tin Mừng hôm nay (Mt 17:1-9) có thể hỏi cùng một câu hỏi như vậy không: “Làm thế nào để chúng tôi sống giữa những thay đổi?” và liệu các môn đệ có cảm thấy một luồng gió thay đổi đang thổi qua cuộc đời họ không. Chúa Giêsu sẽ nói với họ điều này một lần nữa sau khi họ xuống núi: “Đang khi thầy trò từ trên núi xuống, Chúa Giêsu truyền cho các ông rằng: “Đừng nói cho ai hay thị kiến ấy, cho đến khi Con Người từ cõi chết trỗi dậy.” Các môn đệ hỏi Ngài rằng: “Vậy sao các kinh sư lại nói Êlia phải đến trước? ” Ngài đáp: “Ông Êlia phải đến để chỉnh đốn mọi sự. Nhưng Thầy nói cho anh em biết: ông Êlia đã đến rồi mà họ không nhận ra, lại còn xử với ông theo ý họ muốn. Con Người cũng sẽ phải đau khổ vì họ như thế” (Mt 17: 10-12).

Việc Chúa Giêsu biến hình trên đỉnh núi diễn ra giữa hai lần Chúa Giêsu tuyên bố về những thay đổi sắp xảy ra. Sự kiện đó có thể là việc chuẩn bị và giúp các môn đệ trải qua được những thay đổi sắp xẩy đến. Câu chuyện biến hình có thể dạy và chỉ cho chúng ta một điều gì đó về cách sống giữa những thay đổi. Có lẽ đó là lý do tại sao trình thuật biến hình được Phụng vụ Hội thánh cho chúng ta nghe vào Chủ Nhật hôm nay khi chúng ta đang sống Mùa Chay, một mùa tập trung vào sự thay đổi, sự hoán cải. Thay đổi, dù là trên đỉnh núi của sự sống hay trong thung lũng bóng tối của cái chết, đều là thực tế đối với tất cả chúng ta.

“Các ngươi hãy vâng nghe lời Ngài!” (Mt 17: 5)

Một trong những điều chúng ta nhận thức được giữa sự thay đổi là có bao nhiêu tiếng nói bắt đầu cất lên. Một số từ bên ngoài và một số từ bên trong.

Có tiếng nói của các nhà bình luận huyên thuyên về những gì đang xảy ra, những tiếng phán xét, tiếng dự đoán, tiếng sợ hãi. Có những tiếng nói nghi ngờ, phê bình, và những tiếng nói nêu giải pháp “cần phải làm, nên làm và có thể làm”. Một số tiếng nói bảo chúng ta trốn tránh và những tiếng nói khác bảo chúng ta chiến đấu và chống cự. Một số tiếng nói đặt câu hỏi và muốn giải thích. Những tiếng nói khác phủ nhận những gì đang xảy ra, đổ lỗi hoặc tuyên bố đó là ngày tận thế. Nhiều giọng nói kêu gọi sự chú ý. Tuy nhiên, không phải giọng nói nào, dù nghe có vẻ ngọt ngào, cũng hữu ích hoặc đáng để lắng nghe.

Câu chuyện về sự biến hình nói rằng chỉ có một giọng nói để lắng nghe. Tiếng nói của Thiên Chúa phán từ đám mây sáng chói bao phủ Phêrô, Gioan và Giacôbê: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Ngài. Các ngươi hãy vâng nghe lời Ngài!” (Mt 17: 5). Có một gương mẫu vâng nghe dành cho chúng ta trong bài đọc thứ nhất, đó là Abram, người đã nghe và vâng theo những Lời Thiên Chúa phán với ông: “Chúa phán với ông Abram: “Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi…Ông Abram ra đi, như Chúa đã phán với ông. Ông Abram được bảy mươi lăm tuổi khi ông rời Kharan. Ông Abram đem theo vợ là bà Xarai, cháu là ông Lót, và mọi tài sản họ đã gầy dựng được, cùng với gia nhân họ đã có tại Kharan. Họ ra đi về phía đất Canaan và đã tới đất đó” (Stk 12: 1-4)

Điều gì sẽ xảy ra nếu giữa sự thay đổi, chúng ta tìm cách vâng nghe tiếng nói duy nhất đó, tiếng nói của Chúa Kitô? Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta lắng nghe những gì Ngài đang nói trong cuộc sống và thế giới của chúng ta ngày nay? Để chúng ta nhận thức và chú ý đến những gì Ngài đang nói và làm, để những mối quan tâm và mong muốn của Ngài trở thành mối quan tâm và mong muốn của chúng ta, để cung cách Ngài tham gia vào cuộc sống và vào thế giới trở thành cung cách chúng ta tham gia vào cuộc sống và vào thế giới.

Điều đó có nghĩa là bất cứ sự thay đổi nào xẩy đến với chúng ta đều không phải là tiếng nói quyết định cuối cùng. Còn có một giọng nói khác. Chúa Giêsu luôn nói một lời lớn hơn và mạnh mẽ hơn tất cả những tiếng nói khác. Giữa bao đổi thay, Chúa Giêsu nói lời thương xót, lời thứ tha, lời hy vọng, lời chữa lành, lời sự sống. Chúa Giêsu nói một lời cho bạn và tôi. Chúng ta có đang lắng nghe lời đó của Ngài không?

“Trỗi dậy đi!” (Mt 17: 7).

Tất cả chúng ta đều phải đối mặt với những thay đổi khiến chúng ta bị áp đảo hoặc vấp ngã, tê liệt. Vấn đề không phải là liệu sự thay đổi là tốt hay xấu. Vấn đề là lấy lại thăng bằng và đứng vững trở lại, là bước vào sự sống mới dù chúng ta không biết chắc nó như thế nào.

Mátthêu nói với chúng ta rằng ba môn đệ “kinh hoàng, ngã sấp mặt xuống đất” (Mt 17: 6). Chúa Giêsu chạm vào họ và nói, “Trỗi dậy đi!” (Mt 17: 7). Không chỉ đơn thuần là “đứng dậy”. Một bản dịch sát nghĩa hơn sẽ là “được nâng dậy,” “được đánh thức khỏi giấc ngủ của sự chết,” hoặc thậm chí có thể là “được sống lại”. Từ ngữ mà Mátthêu sử dụng ở đây là cùng một động từ mà ông sử dụng khi:

  • Chúa Giêsu chữa lành người bại liệt, bảo anh ta: “Hãy đứng dậy!” (Mt 9:6-7);
  • Chúa Giêsu nắm lấy tay đứa con gái đã chết của ông trưởng hội đường, “nó liền trỗi dậy” (Mt. 9:25);
  • Chúa Giêsu chỉ thị cho nhóm mười hai, “Làm cho kẻ chết sống lại” (Mt 10:8);
  • Chúa Giêsu báo trước sự sống lại của Ngài: “ngày thứ ba sẽ sống lại” (Mt 16:21), “Con Người từ cõi chết trỗi dậy” (17:9), “ngày thứ ba Ngài sẽ trỗi dậy” (17:23), “ngày thứ ba, Ngài sẽ trỗi dậy” (20:19), “Nhưng sau khi trỗi dậy, Thầy sẽ đến Galilê trước anh em” (26:32).
  • Thiên thần nói với những người phụ nữ đến mộ Chúa Giêsu: “Ngài không có ở đây vì Ngài đã sống lại như Ngài đã nói” (Mt. 28:6).

Chúa Giêsu đến với chúng ta trong bất cứ hoàn cảnh thay đổi nào, chạm vào chúng ta và nói: “Hãy trỗi dậy, hãy trỗi dậy đi”. Đó là lời hứa rằng mặc dù cuộc sống có thay đổi nhưng vẫn chưa kết thúc. Cách nào đó, sự sống mới được ẩn giấu giữa những thay đổi, ngay cả khi chúng ta không thể nhìn thấy hoặc không tin vào sự sống đó. Chúa sử dụng những hoàn cảnh thay đổi trong cuộc sống và trong thế giới của chúng ta để đưa chúng ta vào sự sống mới. Thiên Chúa không bao giờ lãng phí cơ hội để tạo ra sự sống mới.

“Đừng sợ!” (Mt 17: 7).

Hầu hết chúng ta, sống với một nỗi sợ hãi nào đó. Thay đổi thường mang đến nỗi sợ hãi –  sợ mất đi những gì chúng ta yêu thích, trân trọng và mong muốn. Giữa những thay đổi, Chúa Giêsu nói: “Đừng sợ!” Chúa Giêsu nói với thân phận sâu thẳm của con người. Đó là những lời chúng ta gần như nghe thấy mỗi khi chúng ta đứng dậy và đứng vững trở lại.

Lời của Chúa Giêsu không loại bỏ nỗi sợ hãi của chúng ta một cách ảo diệu. Thay vào đó, Lời của Chúa Giêsu là lời kêu gọi bước vào một sự sống mới và biến đổi bất chấp nỗi sợ hãi của chúng ta. Lời nói của Chúa Giêsu là sự đảm bảo rằng sự thay đổi không có lời quyết định cuối cùng, Chúa Kitô mới có lời quyết định cuối cùng. Chúng ta không được kêu gọi để không sợ hãi nhưng để can đảm giữa những thay đổi và sợ hãi.

Những thay đổi bạn đang đối mặt là gì? Có thể đó là những thay đổi trong cuộc hôn nhân của bạn, hoặc với con cái của bạn. Có thể đó là những thay đổi về công việc, việc làm ăn, thu nhập của bạn. Có thể đó là những thay đổi về sức khỏe, tuổi tác, thể chất hoặc tinh thần của bạn. Có thể đó là cái chết của một người thân yêu.

Hãy vâng nghe lời Ngài! Hãy trỗi dậy đi! Đừng sợ!” Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta chấp nhận những lời này là lời khôn ngoan thánh thiện cho thời đại đang thay đổi của chúng ta? Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta chấp nhận những lời này là cách thế để chúng ta bước vào tiến trình biến hình của chính mình? Chúa Giêsu đã biến hình trên đỉnh núi. Nhưng có thể chính Phêrô, Giacôbê và Gioan, và cả mỗi người chúng ta nữa nếu muốn,  cũng đang được biến hình, được thay đổi. Có thể mắt họ được mở ra và tầm nhìn của họ thay đổi, đến nỗi nhìn đâu họ cũng thấy “chỉ còn một mình Chúa Giêsu mà thôi” (Mt 17: 8). Có lẽ đây lần đầu tiên họ nhìn thấy Chúa Giêsu như bản tính đích thực của Ngài vẫn luôn là thế.

Chúng ta tin điều đó là đúng, có nghĩa là mọi thay đổi – dù tốt hay xấu, mong muốn hay không mong muốn, vui mừng hay đau buồn – đều được soi chiếu bằng ánh sáng của Thiên Chúa và tràn ngập Ân sủng của Thiên Chúa, được biểu lộ qua Chúa Kitô Giêsu, như Thánh Phaolô nói trong bài đọc thứ hai: “Dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa, anh hãy đồng lao cộng khổ với tôi để loan báo Tin Mừng. Ngài đã cứu độ và kêu gọi chúng ta vào dân thánh của Ngài, không phải vì công kia việc nọ chúng ta đã làm, nhưng là do kế hoạch và ân sủng của Ngài. Ân sủng đó, Ngài đã ban cho chúng ta từ muôn thuở trong Chúa Kitô Giêsu, nhưng giờ đây mới được biểu lộ, vì Đấng cứu độ chúng ta là Chúa Kitô Giêsu đã xuất hiện. Chính Chúa Kitô đã tiêu diệt thần chết, và đã dùng Tin Mừng mà làm sáng tỏ phúc trường sinh bất tử” (2 Tm 1: 8-10).

 

Phêrô Phạm Văn Trung.

 

 

 

 

Chia sẻ Bài này:

Related posts