Lance Edward Armstrong, sinh năm 1971, là một cựu vận động viên đua xe đạp chuyên nghiệp nổi tiếng người Mỹ. Ông từng được biết đến như một vận động viên xe đạp đã phá kỷ lục giải Tour de France, khi giành chiến thắng bảy lần liên tục, sau khi vượt qua bệnh ung thư tinh hoàn, nhà sáng lập và chủ tịch của Tổ chức Lance Armstrong, một tổ chức nghiên cứu và hỗ trợ cho bệnh nhân ung thư. Tháng 10 năm 2012, Lance Armstrong bị phát hiện liên quan đến vụ bê bối doping và bị tước hết mọi danh hiệu vô địch và bị cấm thi đấu môn xe đạp suốt đời.
Tên khai sinh của ông là Lance Edward Gunderson, sinh ngày 18 tháng 9 năm 1971. Khởi nghiệp đua xe đạp vào năm 1990, Armstrong đã chuyển lên thi đấu chuyên nghiệp chỉ một năm sau đó. Tháng 10 năm 1996, ông được chẩn đoán là mắc ung thư tinh hoàn với một khối u đã di căn tới não và phổi và tiên lượng bệnh ban đầu xấu. Quá trình điều trị ung thư của ông bao gồm giải phẫu não và tinh hoàn, hóa trị kéo dài.
Mặc dù vậy, Armstrong vẫn tiếp tục thi đấu, và đến năm 1999, đã giành được chiếc áo vàng danh giá Tour de France lần đầu tiên và giữ được ngôi vị này trong 7 lần liên tục, được ghi nhận trong lịch sử bộ môn đua xe đạp đường trường, là người duy nhất chiến thắng 7 lần liên tiếp, phá vỡ kỷ lục trước đó là giành chiến thắng 5 lần từng đạt bởi Miguel Indurain, Bernard Hinault, Eddy Meckx, và Jacques Aquetil.
Tuy nhiên, sự nghiệp một đời của Armstrong bị xóa bỏ sau một bản cáo buộc của Ủy ban Phòng chống Doping Hoa Kỳ U.S. Anti-Doping Agency – USADA), kết tội Armstrong và các tay đua đội Bưu điện Mỹ đã thi đấu gian lận bằng cách sử dụng chất kích thích và tìm cách qua mặt các cuộc kiểm tra doping. Sau khi xem xét và đồng ý với các cáo buộc này, ngày 22 tháng 10 năm 2012, Liên đoàn xe đạp quốc tế đã ra phán quyết tước 7 danh hiệu vô địch Tour de France và cấm thi đấu suốt đời đối với Armstrong, đặt dấu chấm hết của cựu vận động viên đua xe đạp từng là tấm gương về nỗ lực tập luyện và thi đấu. (Wikipedia)
Lance Armstrong đã hoàn toàn mất tất cả vì trò gian lận. Hạt giống nghị lực ganh đua xen với cỏ dại doping đã gây ra thảm họa. Trong bài Tin Mừng Chúa nhật hôm nay, Đức Giêsu kể dụ ngôn cây lúa và cỏ dại tranh sống cho đến ngày chung thẩm.
Cỏ dại trong lòng
Chủ ruộng chính là Thiên Chúa, đã gieo hạt giống lương tâm trong sáng vào lòng từng người, để cây lúa đơm bông, kết hạt. Nhưng Satan lại lén lút gieo cỏ dại vào ruộng lúa, khiến cho lương tâm mờ tối, lầm lạc. Khi chịu phép rửa tội, tín hữu Kitô lại được tái gieo vào lòng hạt giống Tin Mừng, nhưng ác thần cũng ráo riết gieo tiếp cỏ dại, hòng lấn át, bóp nghẹt Lời Chúa. Vì tôn trọng tự do con người, Thiên Chúa không hủy diệt ngay cỏ dại.
Trong từng lúc, từng hoàn cảnh, con người đều phải đứng trước sự chọn lựa dứt khoát. Sống trong sáng, tốt lành theo hạt giống Lời Chúa, hay tham, sân si, hưởng lạc theo cỏ dại xác thịt. “Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng. Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế.” (Mc 7, 15, 21-23)
Một sự chiến đấu dai dẳng, khốc liệt diễn ra giữa tinh thần và xác thịt, giữa cây lúa và cỏ dại. Chính Thánh Phaolô đã cảm nghiệm:“Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm; sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm.” (Rm 7, 19) May mắn thay, Đức Giêsu đã kịp thời đến cứu vãn tình thế nguy nan “Khốn thay cho tôi! Ai có thể cứu tôi khỏi thân xác hư đốn này? Tạ ơn Thiên Chúa, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.” (Rm 7, 24-25) Nhờ đó, Thánh Phaolô sau cùng đã chiến thắng bản thân, nhổ được cỏ dại trong lòng:”Tôi đã đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin.” (2Tm 4, 7)
Cỏ dại trong đời
Trong xã hội thực dụng hôm nay, cỏ dại mọc nhan nhản, tươi tốt, xum xuê, xanh mướt, át cả cây lúa gieo trồng. Bất cứ môi trường nào hầu như cỏ dại cũng giành phần thắng lợi, lấn lướt, phát triển hơn cây lúa èo uột, lép vế. Trước đám cỏ dại vô đạo, phi nhân, buông tuồng mất nết, Đức Giêsu không ngần ngại cảnh báo: “Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn.” (Mc 9, 42)
Với cỏ dại, con người vẫn thản nhiên chấp nhận sống chung. Mackeno, vẫn giữ đạo, đi lễ đọc kinh, mặc cho cỏ dại tha hồ tác oai, tác quái. Nhưng Đức Giêsu lại đòi hỏi một thái độ tích cực khó tránh né. “Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã được món lợi là người anh em mình. Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân. Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh. Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế. (Mt 18, 15-17)
Chủ Ruộng khoan dung
Làm ruộng thì nông dân nào cũng đều tích cực nhổ bỏ, phòng trừ cỏ dại, để chăm sóc cây lúa tươi tốt, mới mong bội thu. Làm người cũng thế, ai cũng mong muốn xã hội lành mạnh, ổn định, không còn kẻ ác ức hiếp người lành, không còn cảnh bất nhân, man trá, bất công, phi lý. Người ta dùng luật lệ và hình phạt để răn đe và phòng chống tội ác. Thế nhưng, đường lối Thiên Chúa lại khác. Bởi vì “Chúa là Đấng từ bi nhân hậu, Người chậm giận và giàu tình thương. Chúa nhân ái đối với mọi người, tỏ lòng nhân hậu với muôn loài Chúa đã dựng nên.” (Tv 145, 8-9)
Dù không chấp nhận điều ác, Thiên Chúa vẫn không dùng bạo lực để tiêu diệt sự dữ, mà nhân từ, khoan dung chờ đợi sự cải hóa, sám hối trở về chánh đạo.’Ta chẳng vui gì khi kẻ gian ác phải chết, nhưng vui khi nó thay đổi đường lối để được sống.”(Ed 33, 11). Do vậy, Ngài chờ đến ngày chung thẩm mới xét đoán luận phạt và ban thưởng. “Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: Hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt, còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi.” (Mt 13, 30)
Thiên Chúa giàu lòng thương xót, đã ban cho Kitô hữu nhiều vũ khí chống lại sự dữ, chống lại cỏ dại trong đời. Đó chính là Lời Chúa, Thánh Thể và nhất là Đức Chúa Thánh Thần, ban sức sống, sức mạnh, can đảm chống lại ba thù, chống lại cỏ dại đương thời.
“Xác thịt là đặc công nằm sẵn trong con, sách báo, phim ảnh, bè bạn xấu là những khí giới ngày càng tối tân hơn. Nếu con không hiện đại hóa khí giới của con: Cầu nguyện, bí tích, hy sinh,… Nếu con không tỉnh thức canh phòng, nếu con không dẹp ngay mầm mống nổi loạn, nếu con nuôi dưỡng đặc công, nếu con bỏ các đồng minh là các thánh, là bạn tốt, con sẽ bị tấn công vũ bão và thảm hại.” (Đường Hy Vọng, số 439)
Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa ân ban Đức Chúa Thánh Thần đến giúp chúng con can đảm, mạnh mẽ, khôn ngoan, bền vững chiến đấu và chiến thắng cỏ dại, sự dữ, ba thù, đang bao vây tấn công chúng con hàng ngày, hàng giờ.
Lạy Mẹ Maria, Mẹ đã đạp nát đầu con rắn đầu mối tội, xin Mẹ cầu bầu che chở chúng con khỏi những thách đố, cạm bẫy thế gian, để chúng con sống mãi trong ân nghĩa Thiên Chúa. Amen.
AM Trần Bình An