CUỘC TÌM KIẾM ĐỜI ĐỜI CỦA TRỜI

“Chúa gần gũi tất cả những ai cầu khẩn Người”.

Kính thưa Anh Chị em,

Bàn tiệc phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay cho thấy sự nôn nóng cần thiết của một cuộc tìm kiếm hai chiều: con người tìm kiếm Thiên Chúa; Thiên Chúa kiếm tìm con người. Từ bài đọc thứ nhất cho đến bài Tin Mừng, tất cả đều hối thúc, giục giã con người tìm kiếm Thiên Chúa; đồng thời, con người hãy học biết rằng, chính Thiên Chúa cũng đang kiếm tìm nó.

Trong bài đọc thứ nhất, ngôn sứ Isaia thúc bách dân Chúa, “Hãy tìm Chúa khi còn tìm được, hãy kêu cầu Người khi Người còn ở gần”; vì sẽ đến lúc, con người muốn tìm Chúa, nhưng không tìm được; và Người có ở gần đến mấy, họ cũng không thể kêu cầu. Ở đây, Isaia nói đến những con người mất đức tin; và một khi đức tin đã mất, Thiên Chúa có ở gần đến mấy cũng hoá xa; Người có đó, họ cũng không nhận ra Người. Vì thế, sẽ không ngạc nhiên khi Isaia nói tiếp, “Hãy trở về với Chúa, thì Người sẽ thương xót; hãy trở về với Thiên Chúa, vì Chúa rộng lòng tha thứ”; Thánh Vịnh đáp ca cũng xác tín, “Chúa gần gũi tất cả những ai cầu khẩn Người”. Với Thiên Chúa, không bao giờ là quá muộn. Thánh Phaolô trong bài đọc thứ hai cũng hối thúc tín hữu Philipphê, “Anh em hãy sống xứng đáng với Tin Mừng của Đức Kitô”, Đấng mà ngài xác tín, “Đối với tôi, sống là Đức Kitô”.

Đặc biệt với dụ ngôn Tin Mừng, một bất ngờ đến thú vị nhưng cũng thật xúc động và ấn tượng khi sự hối hả, nôn nóng không chỉ ở phía con người mà còn ở phía Thiên Chúa. Ông chủ vườn Chúa Giêsu nói đến là hình ảnh chính Thiên Chúa. Từ sáng sớm, ông chủ ra chợ tìm thợ vào làm vườn nho; đến lúc chiều tà, ông vẫn ra ngoài kiếm họ. Năm lần bảy lượt, ông vẫn chỉ nói với người đến trước, kẻ đến sau cũng một câu, “Các anh hãy đi làm vườn nho cho tôi”. Đây là một ân huệ, cũng là một mệnh lệnh; nhưng cùng lúc, đó là một lời van xin. Đây là lời van xin của một Thiên Chúa đang luôn luôn đi tìm con người, một cuộc tìm kiếm của Đấng hằng xót thương, một cuộc tìm kiếm đời đời của trời. Chúng ta đọc thấy trong dụ ngôn hôm nay có đến năm lần trong một ngày, chủ vườn ra tìm thợ, nài nỉ thợ, hối thúc thợ vào làm vườn nho mình. Để rồi, kết thúc câu chuyện, chủ đã trả tiền công cho các thợ cùng một mức như nhau; người làm cả ngày, kẻ làm tám tiếng hay cả với những người chỉ làm một giờ… tất cả họ đều nhận được một mức lương giống nhau.

Bài học chúng ta rút ra ở đây là, thông thường, với đời sống đức tin của mình, chúng ta thích ngồi “nhàn rỗi cả ngày”; nói cách khác, chúng ta dễ dàng trở nên con cái Chúa, tin nhận Người; nhưng, sẽ rất khó khi chúng ta phải chấp nhận ‘công việc hàng ngày’ của một đời sống làm con Chúa, xây dựng mối tương quan ngày càng gắn bó hơn với Người; một tương quan đòi hỏi cam kết, dấn thân và nhất là biến đổi. Sống một đời sống đức tin nhàn rỗi luôn luôn dễ dàng hơn so với một đời sống không ngừng hoạt động. Vì thế, Thiên Chúa luôn luôn đi tìm chúng ta; với Người, không bao giờ là quá muộn. Người rất hào phóng và không bao giờ là quá trễ để con người hướng đến Người.

Hôm nay, Chúa Giêsu vẫn đang ngỏ với chúng ta, “Các anh hãy đi làm vườn nho cho tôi”. Đây là một thách đố mà nhiều người trong chúng ta phải đối mặt, vì có thể, chúng ta đã mất nhiều năm để sống một đức tin vu vơ, sống một đời sống ươn lười ì ạch và không biết làm cách nào để thay đổi. “Hãy đi làm vườn nho” vì thế, có thể là hãy đi mà thay đổi đời sống, trở về cùng Chúa, trở về cùng anh em; là bước ra khỏi tình trạng tội lỗi để sống trong ánh sáng; hoặc cũng có thể là một cam kết dấn thân mà nhiều lúc chúng ta còn lưỡng lự. Dụ ngôn Tin Mừng tiết lộ rằng, Thiên Chúa, Đấng xót thương và nhân từ vô cùng đang chờ đợi chúng ta và cũng đang nôn nóng đi tìm mỗi người; Người không bao giờ trốn tránh việc ban tặng sự giàu có của Người cho chúng ta, dù chúng ta đã xa Người bao lâu cũng như đã sa ngã đến thế nào. Thiên Chúa cũng sẽ trả cho chúng ta ‘một đồng’ như bao người khác. Đừng sợ! Ơn cứu độ là ‘một đồng’, ân sủng của Người là ‘một đồng’, Thiên Chúa hằng luôn mong ước cho ai ai cũng được hưởng ‘một đồng’ đó. Sự công bằng của Thiên Chúa là thế, một sự công bằng mang tính cứu độ. Đó là lý do khiến Thiên Chúa mãi mãi đi tìm con người, và đó cũng là lý do thúc bách chúng ta kiếm tìm Người.

Trong một buổi chia sẻ khinh nghiệm sống, một phụ nữ đã kể lại, “Tôi nhớ ngày tôi còn là một thiếu nữ; lần kia, cha mẹ tôi dắt tôi đi xem cuốn phim tựa đề là “Ảo ảnh cuộc đời”. Phim kể chuyện một cô gái không những đã bội bạc mà còn khinh dể, làm khổ người mẹ đang hết lòng yêu thương mình. Qua nhiều biến cố, cuối cùng, người mẹ đau khổ đó chết; cô gái trở về, thống hối, tiếc thương. Về đến nhà hôm ấy, gia đình tôi bàn tán ý nghĩa của chuyện phim. Tôi nhớ rõ là tôi đã bực bội phê bình lớn tiếng, “Bấy giờ mới trở về, ăn năn thống hối làm gì nữa, vì mẹ đã chết rồi”. Tôi thấy mẹ tôi định trả lời, nhưng cha tôi dùng ánh mắt ngăn mẹ tôi lại và nói, “Không có sự trở về nào là trễ trong tình thương con ạ”. Thú thật, ngày đó, tôi không hiểu gì nhiều về câu trả lời của cha tôi, nhưng bây giờ đã là mẹ, tôi mới thấm thía ý nghĩa của nó. Chính câu nói ấy đã giúp tôi luôn sẵn sàng trở về với Chúa, và nhất là, tôi dễ dàng yêu thương tha thứ cho các con tôi”.

Anh Chị em,

Cô gái ấy chỉ hiểu được ‘không có sự trở về nào là trễ trong tình thương’ một khi đã làm mẹ. Cũng thế, chúng ta chỉ hiểu được điều đó khi chúng ta mang lấy tấm lòng xót thương của Thiên Chúa, một Thiên Chúa ở gần khi chúng ta kêu cầu Người. Vậy thì, chúng ta đang đi tìm Thiên Chúa hay Thiên Chúa đang đi tìm chúng ta? Chúng ta đang nhàn rỗi hay đang chăm chỉ trong công việc? Nếu đang chăm chỉ, hãy tạ ơn Chúa và tiếp tục cam kết mà không do dự; hoặc nếu đang nhàn rỗi, rõ ràng, Chúa muốn chúng ta đổi thay. Sự rộng lượng và khoan dung của Thiên Chúa thì luôn luôn như trời, như bể.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, thật lạ lùng, khi con đang ở trong vườn nho ân sủng của Chúa thì Chúa vẫn mời gọi con ‘hãy đi làm’; thì ra, con chưa nên giống Chúa và Chúa vẫn đang đi tìm con mỗi ngày. Xin xót thương con”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

Chia sẻ Bài này:

Related posts