Trong bài Tin mừng Chúa nhật tuần trước Chúa Giêsu nói: “Dọc đường hãy rao giảng rằng: Nước Trời đã đến gần. Anh em hãy chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại, cho người phong hủi được sạch bệnh, và khử trừ ma quỷ. Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy” (Mt 10: 7-8), sau đó Ngài bảo các môn đệ: “Này, Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữa bầy sói” (Mt 10: 16).
- Môn đệ của Chúa Kitô không sợ bị vu khống và gièm pha khi rao giảng Tin mừng.
Trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu bảo các môn đệ đừng sợ bị vu khống và gièm pha khi rao giảng Tin mừng: “Vậy anh em đừng sợ người ta” (Mt 10: 26). Những người thuộc về Thiên Chúa có thể bị bách hại: “Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng, và sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ. Và anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy” (Mt 10: 17-18) hoặc: “Bấy giờ, người ta sẽ nộp anh em, khiến anh em phải khốn quẫn, và người ta sẽ giết anh em; anh em sẽ bị mọi dân tộc thù ghét vì danh Thầy” (Mt 24: 9), nhưng đó lại là mối phúc mà Chúa Giêsu công bố: “Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa” (Mt 5: 11). Sẽ đến một ngày mọi người sẽ biết toàn bộ sự thật về những người khác, ý định thực sự của họ, toan tính thực sự trong lòng dạ của họ; những điều ẩn giấu sẽ được tỏ lộ: “Thật ra, không có gì che giấu mà sẽ không được tỏ lộ, không có gì bí mật, mà người ta sẽ không biết” (Mt 10: 26). Thánh Phaolô cũng nói: “Chính Chúa sẽ đưa ra ánh sáng những gì ẩn khuất trong bóng tối, và phơi bày những ý định trong thâm tâm con người. Bấy giờ, mỗi người sẽ được Thiên Chúa khen thưởng thích đáng” (1Cr 4: 5). Trong khi chờ đợi ngày tỏ lộ mọi sự thật ấy “Anh em đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì, vì trong giờ đó, Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì: thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em” (Mt 10:19-20).
Chúa Giêsu cảnh báo các môn đệ về sự sợ hãi cách sai lạc. Thiên Chúa là Đấng duy nhất mà chúng ta phải kính sợ; Ngài là Hoàng tử và Thẩm phán tối cao của chúng ta – chứ không phải con người. Các thánh tử đạo đã tuân giữ giới răn này của Chúa cách trọn vẹn, vì ý thức rõ rằng sự sống đời đời quý giá hơn nhiều so với cuộc sống trần thế. Đó là điều mà Chúa Giêsu đã nói đến ở mối phúc cuối cùng trong Bài Giảng Trên Núi: “Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ. Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao” (Mt 5: 10-12). Vì vậy, người Kitô hữu không nên sợ hãi những kẻ chỉ có thể giết thân xác. Chỉ có Chúa mới có thể ném cả xác và hồn vào địa ngục: “Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn. Đúng hơn, anh em hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hoả ngục” (Mt 10; 28). Kitô hữu sống trong sự kính sợ Thiên Chúa. Điều đó có nghĩa là chúng ta phải sống dưới ánh sáng của những thực tại đời đời của Thiên Chúa. Chúng ta cần nhận biết rằng chúng ta luôn sống trong sự hiện diện của Thiên Chúa, là Đấng mà mỗi người chúng ta sẽ phải ra trình diện: “Vì không có loài thụ tạo nào mà không hiện rõ trước Lời Chúa, nhưng tất cả đều trần trụi và phơi bày trước mặt Đấng có quyền đòi chúng ta trả lẽ” (Hípri 4: 3). Và chúng ta cần nhận ra rằng tất cả chúng ta cuối cùng đều phải chịu trách nhiệm trước sự phán xét của Thiên Chúa: “Phận con người là phải chết một lần, rồi sau đó chịu phán xét” (Hípri 9: 27). Và chúng ta biết rằng: “Thật là khủng khiếp, khi phải rơi vào tay Thiên Chúa hằng sống!” (Hípri 10: 30-31).
- Lý do người loan truyền Tin mừng của Chúa Kitô bị chống đối
Trong buổi tiếp kiến chung vào sáng thứ Tư 29/04/2020, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Lối sống Tin Mừng gây khó chịu cho thế gian. Thế gian, với những thần tượng của nó, những thỏa hiệp và ưu tiên của nó, không thể chấp nhận lối sống này. Các cấu trúc tội lỗi, những thứ thường được tạo ra bởi não trạng của con người và xa lạ với “Thần Khí sự thật, Đấng mà thế gian không thể đón nhận” (Ga 14,17), chỉ có thể chối bỏ tinh thần nghèo khó, hiền lành hay trong sạch và tuyên bố rằng lối sống theo Tin Mừng là một sai lầm và là một vấn đề, và do đó là điều gì đó cần gạt ra ngoài lề. Thế gian nghĩ rằng: đây là những người duy tâm hoặc cuồng tín … Họ nghĩ như thế. Nếu thế gian dựa trên tiền bạc, thì bất cứ ai chứng tỏ rằng cuộc sống có thể được viên mãn trong việc trao ban và từ bỏ, đều trở thành sự phiền toái đối với hệ thống của lòng tham lam. Từ “phiền toái” này là chìa khóa, bởi vì chứng tá Kitô giáo duy nhất, điều mang lại nhiều điều tốt đẹp cho nhiều người bởi vì họ sống theo nó, lại gây phiền toái cho những người theo não trạng thế gian. Họ thấy nó như một lời trách móc. Khi sự thánh thiện xuất hiện và cuộc sống của con cái Chúa nổi bật lên, trong vẻ đẹp đó có một điều không thoải mái, đòi hỏi phải chọn lựa: hoặc để cho chính mình bị tra vấn và mở lòng ra với điều tốt hoặc từ chối ánh sáng đó và trở nên cứng lòng, thậm chí đến mức chống đối và giận dữ: “Nó như kẻ luôn chê trách tâm tưởng của ta, thấy mặt nó thôi là ta chịu không nổi. Vì nó sống thật chẳng giống ai, lối cư xử của nó hoàn toàn lập dị. Nó coi ta như bọn lọc lừa, tránh đường ta đi như tránh đồ dơ bẩn…Ta hãy hạ nhục và tra tấn nó, để biết nó hiền hoà làm sao, và thử xem nó nhẫn nhục đến mức nào. Nào ta kết án cho nó chết nhục nhã, vì cứ như nó nói, nó sẽ được Thiên Chúa viếng thăm” (Kn 2,14-16, 19-20).
- Tin mừng của Chúa Kitô phải được rao truyền một cách trọn vẹn.
Chúa Kitô cũng bảo các Tông đồ phải nói ra một cách rõ ràng: “để làm chứng cho họ và các dân ngoại được biết” (Mt 10:18). Phương pháp dạy dỗ của Chúa Giêsu là dùng dụ ngôn nói với dân chúng đông đảo để họ dần dần khám phá ra con người thật của Ngài qua từng giai đoạn một cách dễ dàng. Nhưng sau khi Chúa Thánh Thần hiện xuống, các Tông đồ sẽ rao giảng công khai từ mái nhà những gì Chúa Giêsu đã dạy họ: “Điều Thầy nói với anh em lúc đêm hôm, thì hãy nói ra giữa ban ngày; và điều anh em nghe rỉ tai, thì hãy lên mái nhà rao giảng” (Mt 10: 27). Đó là điều Chúa Kitô nói với các Tông đồ như một lời hứa: “Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Ngài ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samari và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1:8). Chúng ta cũng phải làm cho giáo lý của Chúa Kitô được biết đến một cách trọn vẹn, không mơ hồ, không bị ảnh hưởng bởi sự e dè cách sai lầm hoặc sợ hãi về hậu quả, như các Tông Đồ cầu nguyện trong cơn bách hại: “Giờ đây, lạy Chúa, xin để ý đến những lời ngăm đe của họ, và cho các tôi tớ Ngài đây được nói lời Ngài với tất cả sự mạnh dạn” (Cv 4: 29). Thánh Phaolô chia sẻ với giáo đoàn Côlôxê của Ngài: “Tôi phải rao giảng lời của Ngài cho trọn vẹn” (Cl 1: 25).
- Thiên Chúa yêu thương các thụ tạo của Ngài, dù nhỏ bé và rất ít giá trị.
“Hai con chim sẻ chỉ bán được một xu phải không? Thế mà, không một con nào rơi xuống đất ngoài ý của Cha anh em” (Mt 10: 29). Từ ngữ một xu trong tiếng Hy lạp là ασσαριόν – assarion – trị giá 1/16 denarius La mã. Denarius là một đồng bạc La Mã tương đương với tiền lương một ngày của một người lao động phổ thông (Mt 20:1-16). Người ta có thể mua hai con chim sẻ với giá một assarion (Mt 10:29) hoặc năm con chim sẻ với giá hai assarion (Luca 12:6). Trích dẫn một tài liệu từ thời hoàng đế Diocletianus (trị vì 284-305 sau Công nguyên), Deissmann nói rằng nếu chúng ta phân tích các con số này như một tài liệu kinh tế của thời kỳ Đế quốc La Mã, chúng ta sẽ học được ba điều:
- Theo giá cả mua bán thì một assarion đổi được hai con chim sẻ.
- Chim sẻ là một thứ rất rẻ được bán ở chợ để làm thức ăn cho người nghèo.
- Chúng được bán theo cặp hoặc theo năm con.
“Assarion”, được dịch sang tiếng Anh là “penny – 1/100 của đồng bảng Anh”, hoặc thậm chí là “farthing – 1/4 của penny”, là một đồng tiền có giá trị rất nhỏ. Chúa Kitô dùng nó để minh họa rằng Thiên Chúa yêu thương các thụ tạo của Ngài biết bao. Như Thánh Giêrônimô đã nói: “Nếu những con vật tầm thường và rẻ tiền không thể chết nếu không có ý muốn của Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa của chúng, vì có một sự quan phòng trong tất cả mọi thứ, và giữa những thứ này có những thứ vốn sẽ bị diệt vong lại không bị diệt vong ngoài ý muốn của Thiên Chúa, thì bạn vốn là vĩnh cửu không nên sợ rằng bạn sống mà không có sự quan phòng của Thiên Chúa.” [1]
Chúa Giêsu một lần nữa dạy chúng ta về sự quan phòng yêu thương của Thiên Chúa là Cha: “Vì vậy Thầy bảo cho anh em biết: đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc. Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn, và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao?… Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó. Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Ngài, còn tất cả những thứ kia, Ngài sẽ thêm cho. Vậy, anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy” (Mt 6:25-34). Khi chúng ta có đức tin đủ mạnh vào quyền năng và uy quyền tối cao của Thiên Chúa trên muôn vật, chúng sẽ thấy lòng mình mãn nguyện như tác giả Thánh vịnh 27: “Chúa là nguồn ánh sáng và ơn cứu độ của tôi, tôi còn sợ người nào? Chúa là thành luỹ bảo vệ đời tôi, tôi khiếp gì ai nữa? Khi ác nhân xông vào,định nuốt sống thân tôi, ai ngờ chính đối phương, chính những thù địch ấy, lại lảo đảo té nhào. Dù cả một đạo quân vây đánh, lòng tôi chẳng sợ gì. Dù có phải lâm vào chiến trận, tôi vẫn cứ cậy tin” (Tv 27: 1-3).
- Sống đời chứng nhân đức tin.
Ở đây, Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng việc công khai tuyên xưng đức tin của chúng ta nơi Ngài – bất kể hậu quả ra sao – là điều kiện không thể thiếu để được cứu độ đời đời. Sau Cuộc Phán Xét, Chúa Kitô sẽ đón nhận những ai làm chứng cho đức tin của mình và lên án những ai sợ hãi và xấu hổ vì Ngài: “Còn những kẻ hèn nhát, bất trung, đáng ghê tởm, sát nhân, gian dâm, làm phù phép, thờ ngẫu tượng, và mọi kẻ nói dối, thì phần dành cho chúng là hồ lửa và diêm sinh cháy ngùn ngụt: đó là cái chết thứ hai” (Khôn ngoan 21:8). Giáo hội tôn vinh những vị thánh dù không chịu tử đạo về thể xác nhưng vẫn là “chứng nhân đức tin” vì các ngài có cuộc sống làm chứng cho đức tin Công giáo. Mặc dù mọi Kitô hữu không chịu tử đạo về thể xác hoặc bị giết chết vì đức tin của mình, nhưng tất cả các Kitô hữu đều được kêu gọi trở thành những người làm chứng cho đức tin. Chúng ta được kêu gọi phục vụ người khác, dù ở nhà, ở chợ, hay ở trong khu phố, xóm làng. Giữa mọi người, Kitô hữu là những người sẵn sàng cúi xuống sàn nhà để dọn dẹp rác rến, dành thêm thì giờ để nâng đỡ người khác, nói lời động viên “đem lại sự sống đời đời” (Ga 6: 68) và giúp đỡ những người thiếu thốn. Thánh Phaolô nói: “Vậy bao lâu còn thời giờ, chúng ta hãy làm điều thiện cho mọi người, nhất là cho những anh em trong cùng đại gia đình đức tin” (Gl 6:10). Mục đích sau cùng và tột đỉnh của Kitô hữu là gì (?) nếu không phải ân huệ ban sự sống đời đời của Thiên Chúa, mà thánh Phaolô nói trong thư gửi tín hữu Rôma: “Ân sủng của Thiên Chúa ban nhờ một người duy nhất là Chúa Giêsu Kitô, còn dồi dào hơn biết mấy cho muôn người…Điều Thiên Chúa làm qua một người duy nhất là Chúa Giêsu Kitô, lại còn lớn lao hơn biết mấy. Quả vậy, những ai được Thiên Chúa ban ân sủng dồi dào và cho trở nên công chính, thì sẽ được sống và được thống trị” (Rm 5: 5-17).
Phêrô Phạm Văn Trung
[1] ST. JEROME, COMMENTARY ON MATTHEW, Translated by THOMAS P. SCHECK, Ave Maria University, THE CATHOLIC UNIVERSITY OF AMERICA PRESS, Washington, D.C, BOOK ONE, trang 123.