Một trong những lời khuyên bảo của Chúa Kitô dành cho các môn đệ, trong thời gian ba năm rao giảng Tin Mừng lẫn sau khi từ cõi chết phục sinh, đó là “anh em đừng sợ!”. Bài Tin Mừng Chúa Nhật XII TN A một lần nữa cho ta nghe sứ điệp này. Hẳn không là vô cớ khi Chúa Kitô thường lặp đi lặp lại sứ điệp: “Đừng sợ!” Là con người, chúng ta khó tránh nhiều nỗi sợ hãi, có nguyên nhân cũng nhiều mà vô cớ cũng không thiếu: sợ đói, sợ khát, sợ khổ, sợ thất bại, sợ thiên tai, sợ dịch bệnh, sợ gặp phải những điều xúi quẩy, không may… Phúc bất trùng lai mà họa vô đơn chí. Chính vì thế người ta thường hành xử kiểu khôn ngoan, tìm sự an toàn bằng cách không kiêng thì cũng dè. Những hình thức kiêng cử, úy kỵ trong dân gian là một minh chứng về nỗi sợ hãi ít nhiều đã và đang hiển hiện. Chúng ta có thoát khỏi cái vòng lẩn quẩn của sự bất an ấy không? Là Kitô hữu, hy vọng rằng ít có ai để cho nhiều nỗi sợ hãi “vu vơ” khiến mình dây vào những chuyện mê tín. Tuy nhiên thử hỏi có ai dám vỗ ngực xưng mình không hề sợ hãi bất cứ điều gì. Có nhiều nỗi sợ như sợ đói, sợ khổ, sợ chết…mang tính tự nhiên dễ chấp nhận với kiếp nhân sinh. Tuy nhiên có những nỗi sợ thiếu chính đáng cần loại bỏ. Được gợi ý từ ba bài đọc Lời Chúa ngày Chúa Nhật XII TN A, xin được chia sẻ một vài nỗi sợ mà ta phải biết nói “không” hay là“ đừng sợ!”.
1. Đừng sợ sống trong sự thật: Xét về bình diện hữu thể, thì chỉ có một “sự thật” duy nhất đúng nghĩa đó là Đấng “có sao, có vậy” (Xh 3,14). Mọi sự thụ tạo khi chúng hiện hữu như chúng là, thì chúng chỉ tham gia hay thông phần vào “sự thật viên mãn” là chính Đấng Sáng Tạo. Xét về phương diện luận lý hay tư duy thì sự thật là sự phù hợp giữa nhận thức với thực tại khách quan. Trên bình diện này thì nhận thức của “chiếc bình gốm” quả là có nhiều hạn chế về cả chính nó, đừng nói gì đến các chiếc bình khác hay đến người thợ gốm. Duy chỉ người thợ gốm mới hiểu rõ sản phẩm do mình làm nên.
Không sợ sai lầm khi khẳng định rằng duy chỉ có Thiên Chúa mới là sự thật viên mãn. Vì thế khi ở trong sự thật là ta đang ở trong Thiên Chúa, Đấng chăm sóc chúng ta từ đường đi nước bước đến cả số phận của từng sợi tóc trên đầu chúng ta (x.Mt 10,30). Xác tín được điều này thì lẽ nào ta lại sợ sống trong sự thật.
2. Đừng sợ đón nhận sự thật: Sự thật thì dễ mất lòng nhưng sự thật lại giải phóng chúng ta. Có nhiều khi ta biết sự thật nhưng không muốn đón nhận, vì sự thật thường đòi hỏi ta phải thay đổi, thay đổi cái nhìn, thay đổi lối sống. Có khi sự thật lại đến từ những con người vai vế nhỏ hơn ta, chức vụ kém hơn ta và có khi sự thật đòi hỏi ta phải từ bỏ một kiểu sống, một mối quan hệ hay một mối lợi nào đó thì quả là không dễ đón nhận. Dẫu cho có thể chần chừ, có thể lần lữa một thời gian, nhưng rồi sẽ có lúc ta phải trực diện với sự thật đó là lúc ta phải giả từ trần thế này.
Một trong những sự thật ta cần đón nhận đó là sự hiện hữu của tội và đầu mối của nó là thần dữ. Tội lỗi ở trong ta, ở giữa chúng ta. Thần dữ luôn rảo quanh ta như “sư tử rình mồi chờ cắn xé” (1P 5,8). Tuy nhiên Thánh Phaolô khẳng định: ở đâu tội lỗi càng lan tràn thì ở đó ân sủng càng chan chứa. Vì sự sa ngã của Ađam không thể nào sánh được với ân huệ của Thiên Chúa qua công trình cứu độ của Đức Kitô (x.Rm 5,15). Đón nhận sự thật này thì thái độ của Kitô hữu chúng ta là sẽ không bi quan yếm thế và cũng không chểnh mảng coi thường nhưng sẽ luôn cẩn trọng trong niềm hy vọng.
3. Đừng sợ công bố sự thật: “Anh em đừng sợ người ta. Thật ra, không só gì che giấu mà sẽ không được tỏ lộ, không có gì bí mật, mà người ta sẽ không biết. Điều Thầy nói với anh em lúc đêm hôm, thì hãy nói ra giữa ban ngày; và điều anh em nghe rỉ tai, thì hãy lên mái nhà rao giảng” (Mt 10, 26-27). Khi nói lên một sự thật là ta đã mặc nhiên nhìn nhận và đón nhận sự thật ấy. Khi đã can đảm nói lên sự thật thì ta cũng đã chấp nhận những hệ quả kéo theo. Ngôn sứ Giêrêmia là một trong những ngôn sứ cảm nhận điều này. Dù được gán cho biệt danh “Lão tứ phía kinh hoàng”, Giêrêmia vẫn trung kiên nói lời Chúa dạy. Giêrêmia đã phải gánh bao truân chuyên khốn khó vì công bố sự thật. Số phận của Vị Ngôn sứ trên các ngôn sứ là Đức Kitô còn bi thảm gấp bội. “Để làm chứng cho sự thật” (x.Ga 18,37), Đức Kitô đã phải gánh lấy án hình thập giá đau thương.
Vì sao, đôi khi, đôi lần chúng ta ngại ngần nói lên sự thật? Chúng ta “không được nói” những gì theo luật dạy như những sự việc mang tính bí mật an ninh quốc gia, như bí mật tòa cáo giải, bí mật chuyện lương tâm cá nhân…hay “được nói không” tức là từ chối nói sự thật khi gây phương hại đến đức ái… Tuy nhiên, cần thú nhận rằng vẫn có không ít trường hợp “nói không được”, tức là không dám nói sự thật vì những nguyên cớ thiếu trong sáng và thậm chí là mờ ám, xấu xa. Chúa Kitô đã tự xưng Người chính là Sự Thật (x.Ga 14,6). Và chúng ta đừng quên Người đã minh nhiên khẳng định: “Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ thì Thầy cũng sẽ chối người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt 10,32-33).
Ngoại trừ Mẹ Maria, chúng ta, ai ai cũng dẫy đầy lầm lỗi với kiếp người “đa thọ đa nhục”. Một trong những chiêu bài của thần dữ và những người xấu, những thế lực đen tối, để kìm giữ con người trong sự nô lệ, đó là gieo rắc nỗi sợ hãi bằng nhiều hình thức. Một vài hình thức thông dụng chúng thường dùng đó là trấn áp, kết án, loại trừ… Nếu như chúng ta tích cực cộng tác với ơn Chúa dệt xây một môi sinh ắp đầy tình khoan dung, sự tha thứ, ắp đầy tình yêu thương đón nhận nhau, thì chắc chắn ta đã giúp cho tha nhân và cả chính bản thân mình thêm can đảm sống trong sự thật, đón nhận sự thật và loan báo sự thật. Chính lúc này vương quốc Nước Trời, vương quốc Tình yêu đang trị đến, một vương quốc không hề có bóng dáng của sự sợ hãi.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột