ĐỂ NÊN MỤC TỬ NHÂN LÀNH NOI GƯƠNG ĐỨC GIÊ-SU

HIỆP SỐNG TIN MỪNG

CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH A

Cv 2,14a.36-41 ; 1 Pr 2,20b-25 ; Ga 10,1-10

  1. HỌC LỜI CHÚA
  2. TIN MỪNG: Ga 10,1-10

(1) “Thật, tôi bảo thật các ông: Ai không đi qua cửa mà vào ràn chiên, nhưng trèo qua lối khác mà vào, người ấy là kẻ trộm, kẻ cướp. (2) Còn ai đi qua cửa mà vào, người ấy là mục tử. (3) Người giữ cửa mở cho anh ta vào, và chiên nghe tiếng của anh, anh gọi tên từng con, rồi dẫn chúng ra. (4) Khi đã cho chiên ra hết, anh ta đi trước và chiên đi theo sau, vì chúng nhận biết tiếng của anh. (5) Chúng sẽ không theo người lạ, nhưng sẽ chạy trốn, vì chúng không nhận biết tiếng người lạ. (6) Đức Giê-su kể cho họ nghe dụ ngôn đó. Nhưng họ không hiểu những điều Người nói với họ. (7) Vậy, Đức Giê-su lại nói: “Thật, tôi bảo thật các ông: Tôi là cửa cho chiên ra vào. (8) Mọi kẻ đến trước tôi đều là trộm cướp, nhưng chiên đã không nghe họ. (9) Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ. (10) Kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá hủy. Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào.

  1. Ý CHÍNH:

Bài Tin Mừng hôm nay giới thiệu Đức Giê-su vừa là mục tử vừa là cửa chuồng chiên:

– LÀ MỤC TỬ THẬT SỰ CỦA DÂN ÍT-RA-EN: Vì Người đi qua cửa chính mà vào chuồng chiên và được người giữ cửa là Gio-an Tẩy Giả giới thiệu. Do đó, Người được đàn chiên là dân chúng nghe theo. Còn các đầu mục Do thái chỉ là người lạ, nên chiên chạy trốn và không đi theo họ.

– LÀ CỬA CHO CHIÊN RA VÀO: Các luật sĩ và Biệt phát không tin Đức Giê-su và không được Thiên Chúa ủy nhiệm coi sóc đàn chiên. Họ leo rào mà vào chuồng nên chỉ là hạng trộm cướp. Kẻ trộm đến chỉ để giết hại và phá huỷ đàn chiên. Còn Đức Giê-su đến để đem lại cho chiên sự an toàn, tự do, lương thực và sự sống dồi dào.

  1. CHÚ THÍCH:

– C 1-3: + Ràn chiên: hay chuồng chiên, là hình ảnh quen thuộc của dân Do thái vốn là một dân du mục. Ở đây ràn chiên là hình ảnh ám chỉ Giáo hội là Nước Trời hay Nước Thiên Chúa. + Cửa vào: Mỗi chuồng chiên chỉ có một cửa chính để chiên ra vào. Ai muốn được công nhận là mục tử đích thực của Chúa phải qua cửa chính là Đức Giê-su mà vào Hội Thánh. Họ phải được Người tuyển chọn và trao sứ mệnh chăn chiên. Còn kẻ trèo qua lối khác mà vào, như các kinh sư hay Pha-ri-sêu, thì chỉ là mục tử giả hiệu hay hạng trộm cướp. + Người giữ cửa mở cho anh ta vào: Đức Giê-su chính là Mục tử đích thực, vì Người đã được người giữ cửa là Gio-an Tẩy Giả làm chứng là “Đấng được Thiên Chúa tuyển chọn” (Ga 1,31-34). + Và chiên nghe tiếng của anh: Đàn chiên chỉ nhận biết và nghe theo một chủ chăn duy nhất, như các Tông đồ đã nghe lời và đi theo một mình Đức Giê-su (x. Ga 1,35-51). + Anh gọi tên từng con rồi dẫn chúng ra: Trong ràn có nhiều đàn chiên. Ban chiều, mỗi mục tử sẽ đưa đàn chiên vào ràn, rồi đến sáng sẽ lại đến dẫn đàn chiên ấy ra khỏi chuồng để dẫn đến đồng cỏ cho chúng ăn cỏ uống nước. Đây là kiểu nói cường điệu. Thực ra các mục tử chỉ đặt tên và gọi tên một con chiên đầu đàn thôi và các con khác sẽ theo sau con chiên đầu đàn này ra ngoài. Ở đây Đức Giê-su nhấn mạnh tinh thần trách nhiệm của Người là vị Mục tử tốt lành, khác với các Pha-ri-sêu và kinh sư là những kẻ chăn thuê vô trách nhiệm.

– C 4-6: + Anh ta đi trước và chiên đi theo sau: Câu này nhắc đến sứ mệnh Mục tử của Đức Giê-su: Khi đã kéo Môn đệ ra khỏi thế gian (x. Ga 15,19). Người đi tiên phong dẫn họ tới đồng cỏ non là Hội Thánh. Chiên sẽ nhận biết tiếng nói và chỉ đi theo Mục tử Giê-su, vì Người luôn nói Lời của Thiên Chúa cho họ (x. Ga 14,10). + Chúng sẽ không theo người lạ,..: Người lạ là những kẻ không do Thiên Chúa sai đến, nhưng đã leo rào mà vào. Người lạ ám chỉ các đầu mục dân Do thái đương thời. Vì họ không phải là mục tử đích thực, nên chiên đã không đi theo họ mà trái lại chúng còn lẩn trốn họ nữa.

– C 7-8: + Tôi là cửa cho chiên ra vào: Vì thính giả không hiểu ý nghĩa dụ ngôn, nên Đức Giê-su phải giải thích rõ ràng: Người chính là cửa chuồng chiên tức là cửa ngõ để vào Nước Trời, mà ai muốn vào Nước Trời ấy đều phải tin Người. + Mọi kẻ đến trước tôi đều là trộm cướp, nhưng chiên đã không nghe họ: Mọi kẻ đến trước ở đây không nhằm chỉ các ngôn sứ Cựu Ước, mà chỉ nhắm tới những kẻ không được Thiên Chúa sai như các pha-ri-sêu và kinh sư Do thái (x. Mt 23,1-8). Họ bị Đức Giê-su quở trách là bọn đạo đức giả, cản đường người khác gia nhập Nước Trời, có lòng tham lam, ăn ở bất công, dẫn dường đui mù và đã từng giết hại nhiều vị ngôn sứ chân chính (x. Mt 23,13-32).

– C 9-10: + Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu: Đức Giê-su là con đường người ta phải đi ngang qua để được vào Nước Trời. Tương tự như câu: “Thầy là đường…Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” (Ga 14,6). + Người ấy sẽ ra vào: Ra vào nghĩa là được tự do đi lại. + Gặp được đồng cỏ: Trong Đức Giê-su, các tín hữu sẽ được cứu khỏi làm nô lệ cho tội lỗi và ma quỷ. Họ sẽ được hưởng tự do đích thực (x. Ga 8,31-36). Nhờ Đức Giê-su, họ sẽ tìm được của nuôi thân là Nước hằng sống và Bánh trường sinh (x. Ga 4,14 ; 6,35). + Kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá hủy: Kẻ trộm ám chỉ các đầu mục Do thái, vì không được Thiên Chúa sai đến, nhưng họ đã leo rào mà vào chuồng chiên. Họ chỉ đi tìm lợi ích cho bản thân hơn là lợi ích của đàn chiên (x. Mt 23,4-7). + Tôi đến cho chiên được sống và sống dồi dào: Nhờ có lương thực là Lời Chúa và Thánh Thể, mà đức tin của các tín hữu sẽ trở nên vững mạnh và có được sự sống đời đời.

  1. CÂU HỎI:

1) Ràn chiên nghĩa là gì và là hình ảnh ám chỉ điều gì? Cửa vào ám chỉ ai? 2) Đức Giê-su là Mục Tử thực sự của đoàn chiên vì đã được Gio-an Tẩy Giả là người giữ cửa làm chứng như thế nào? 3) Đàn chiên chỉ nhận biết tiếng nói và đi theo ai? Phải chăng mọi con chiên đều được đặt tên và mỗi buổi sáng người mục tử phải gọi tên từng con chiên để dẫn chúng ra khỏi chuồng? 4) Ý nghĩa của câu: anh ta đi trước và chiên đi theo sau… là gì? 5) Tại sao đàn chiên không nghe theo người lạ? Người lạ nói đây ám chỉ những ai? 6) Những kẻ đến trước được liệt vào hạng trộm cướp nói đây ám chỉ ai? Tại sao? 7) Đức Giê-su tự nhận mình là cửa chuồng chiên mà ai muốn vào chuồng chiên phải đi qua, giống như nơi khác Người đã tự ví mình là gì? 8) Kẻ trộm đầu mục Do thái khác với vị Mục Tử tốt lành là Đức Giê-su thế nào?

  1. SỐNG LỜI CHÚA
  2. LÒI CHÚA: “Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ” (Ga 10,9)
  3. CÂU CHUYỆN:

1) ĐỨC GIO-AN PHAO-LÔ II – HÌNH ẢNH MỤC TỬ NHÂN LÀNH :

Ngày 27/04/2014, Đức Thánh Cha Gio-anPhaolô II đã được Giáo hội tôn phong lên bậc hiển thánh. Người là một người môn đệ đã hoạ lại rõ nét hình ảnh mục tử của Thầy Chí Thánh Giê-su. Một vị mục tử luôn làm việc : Cho dù tuổi đã cao lại thêm nhiều bệnh tật, thế mà ngài vẫn luôn hiện diện bên đàn chiên, vẫn lên tiếng gọi đàn chiên, vẫn là chỗ dựa vững chắc và an toàn cho đàn chiên. Đến nỗi khi ngài qua đời, Đức tổng Giám mục Lê-ô-nar-do San-dri, thứ trưởng Ngoại giao của Toà Thánh đã nói với toàn thể thế giới rằng: “Hôm nay, chúng tôi trở thành những đứa con mồ côi”.

Tại sao người ta lại tỏ lòng thương tiếc một cụ già như thế? Có phải người ta ngưỡng mộ Ngài vì ngài nhiều tiền, nhiều quyền thế không? Thưa không phải thế. Người ta thương tiếc ngài như một mục tử đã sống hết mình vì đàn chiên. Một mục tử canh giữ hoà bình không chỉ cho đàn chiên mà cho hàng tỉ người trên khắp hành tinh này. Người mục tử với 26 năm chăn dắt đàn chiên của Chúa đã không ngừng bảo vệ quyền sống của con người, nhất là của các thai nhi. Người mục tử đã không ngừng đi đến tận cùng thế giới để gieo rắc an bình, công bình, tha thứ và yêu thương. Người mục tử đã đi đến cùng đường để quy tụ đàn chiên, để tìm kiếm các con chiên lạc đưa về một mối và cuối đời, trong những tiếng nấc hoà trộn với hơi thở bị ngắt quãng, ngài đã nói với đàn chiên đang canh thức cầu nguyện cho ngài trong giờ lâm chung rằng: “Ta đã đi tìm kiếm các con. Và bây giờ các con đã đến với Ta. Ta xin cám ơn các con”.

2) TINH THẦN MỤC TỬ CỦA MỘT BÀ MẸ:

Trong cuốn tự thuật, DIM-MY CÁC-NÂY (Jimmy Cagney) một nam diễn viên nổi tiếng ở HÔ-LI-GÚT (Hollywood) đã thuật lại câu chuyện cảm động về bà mẹ của ông. Câu chuyện xảy ra vào thời thơ ấu của Các-nây khi mẹ ông nằm thoi thóp chờ chết. Chung quanh giường có bốn anh em trai và một cô em gái út duy nhất. Vì bị tai biến mạch máu não, nên bà mẹ của Các-nây không thể nói thành tiếng. Sau khi bà cố lần lượt hôn năm đứa con, bà liền giơ cánh tay phải còn cử động được lên. Dim-my kể lại những gì đã xảy ra như sau “Mẹ tôi dùng ngón tay phải chỉ vào anh con trai trưởng rồi lại chỉ vào ngón tay trỏ của bàn tay trái bị tê liệt của bà, rồi bà lần lượt chỉ vào từng người trong mấy anh em chúng tôi, mỗi người được tượng trưng bằng một trong bốn ngón tay trái. Riêng ngón cái thì bà chỉ vào đứa em gái út Din-ni (Jeannie) mới ba tuổi. Bà cầm ngón cái ấy để vào giữa lòng bàn tay và ép bốn ngón tay kia lên ngón cái ấy. Cuối cùng bà dùng bàn tay phải vỗ nhẹ lên nắm đấm của bàn tay trái”. Dim-my nhận xét rằng cử chỉ của mẹ ông lúc đó thật tuyệt vời. Năm anh em hiện diện đều hiểu được ý nghĩa mà bà muốn diễn tả: Bốn anh em trai phải thay bà để che chở và giúp đỡ cho cô em gái út bé nhỏ sau khi bà qua đời. Đó là một cử chỉ đầy ý nghĩa mà không lời nói nào có thể diễn tả hay hơn được. Cử chỉ ấy của bà đã để lại ấn tượng mạnh mẽ không bao giờ phai mờ trong tâm khảm của anh em chúng tôi, khiến chúng tôi luôn giữ lời trăn trối của bà”.

3) ĐỨC TÍNH HY SINH CỦA NGƯỜI MỤC TỬ :

Có hai vợ chồng trẻ làm nghề đốn củi vào mùa nước lũ. Chiều tối, khi trở về họ đặt củi trên chiếc thuyền lan mong manh, nhỏ bé để xuôi theo dòng nước quay về nhà. Thình lình một dòng lũ từ những sườn núi ồ ạt tuôn xuống dòng sông, tạo thành một dòng xoáy mỗi lúc một mạnh khiến chiếc thuyền lan nhỏ bé của họ bị bể vỡ tan tành. Người chồng cố níu kéo vợ khỏi bị nước lũ cuốn trôi. Nhưng dòng nước xoáy mỗi phút giây qua đi lại trở nên mạnh mẽ hơn. Sức lực của anh chồng xem ra mỗi lúc đuối dần khi phải một mình bơi sải vừa để thoát thân lại vừa phải cứu vợ. Người vợ thấy sức chịu đựng của chồng đã sắp cạn kiệt, nên đã buông tay ra để mặc cho dòng nước lũ cuốn đi. Chị chỉ kịp gào thét trong cơn mưa giông và nước lũ: “Anh phải sống để nuôi dạy đàn con anh nhé !”.

4) MỤC TỬ CÓ SỨC MẠNH BIẾN ĐỔI SỐ PHẬN ĐỜI NGƯỜI:

Dương Ân Điển là đứa bé bị bỏ rơi, người ta nhặt được nó ở một quầy bán thịt, trong cái chợ nghèo vùng núi miền Nam, đảo Đài Loan. Câu chuyện thương tâm này xảy ra năm 1974, ấy là lúc vừa lọt lòng, em đã không có hai cánh tay, chân phải thẳng đơ không thể co duỗi.

Thế mà 25 năm sau, đứa bé tàn tật bất hạnh ấy đã trở thành nhà danh họa tài ba, chuyên vẽ tranh bằng chân và miệng. Cô đã tổ chức nhiều cuộc triển lãm ở Mỹ và Nhật, và là thành viên của Hiệp Hội quốc tế những người vẽ tranh bằng chân và miệng.

Cuộc đời co thay đổi nhanh chóng như thế, thành công rực rỡ như thế, cũng là nhờ mục sư Dương Húc và vợ ông là Lâm Phương Anh nhận nuôi. Đặc biệt là ông Tưởng Kinh Quốc đã cho cô đi giải phẫu chỉnh hình cột sống, nắn chân phải, sửa đường làm cầu cho cô dễ dàng đi tới trường. Ông đã nói với cô: “Cháu không có tay, nhưng còn chân, và có thể làm được rất nhiều việc”. Chính tình thương, sự chăm sóc, và lời động viên của ông Tưởng Kinh Quốc đã thay đổi số phận của một con người.

“Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi” (Ga 10, 27). Thiên Chúa là chủ chiên nhân lành, Người yêu thương mỗi người chúng ta bằng một tình yêu cá biệt, cho dù chúng ta có què quặt đui mù, có xấu xa đốn mạt đến đâu, mỗi người chúng ta đều có chỗ đứng độc nhất vô nhị trong tình yêu bao bọc của Chúa; mỗi người chúng ta đều có vị trí đặc biệt trong trái tim yêu thương của Người. Tấm lòng quảng đại yêu thương của ông Tưởng Kinh Quốc dành cho cô bé tàn tật Dương Ân Điển chỉ là hình bóng tình yêu thương vô bờ của Thiên Chúa đối với chúng ta, những con chiên của Người.

5) ĐỨC GIÊ-SU LÀ CỬA BẢO VỆ ĐÀN CHIÊN:

George Smith kể lại một loại chuồng chiên khi đi du lịch ở Đông phương : Bấy giờ ông cùng đi với một người chăn chiên. Thấy một chiếc chuồng ông liền hỏi người chăn chiên:

– Đó có phải là chuồng chiên không ?

Người ấy đáp :

– Dạ, phải.

Rồi Geoge nói :

– Tôi thấy chỉ có một lối đi vào.

Giơ tay chỉ khoảng trống ở hàng rào, người ấy đáp :

– Vâng, ở đàng kia là cái cửa.

Ông Geoge rất ngạc nhiên bảo :

– Nhưng ở đó đâu có cửa ?

Người chăn chiên đáp :

– Dạ, tôi là cửa.

Geoge chợt nhớ câu truyện trong Tin Mừng Gio-an nên tiếp tục hỏi người chăn chiên :

– Anh muốn nói gì khi bảo chính anh là cái cửa ?

Người chăn chiên giải thích :

– Chiên vào chuồng xong, tôi đến nằm ngay ngưỡng cửa, và sẽ không có con chiên nào có thể đi ra hoặc con chó sói nào có thể đi vào chuồng nếu không nhảy qua người tôi.

  1. SUY NIỆM:

Chúa nhật IV Phục Sinh được gọi là Chúa nhật lễ Chúa Chiên lành. Tin Mừng Gio-an đề cập đến hình ảnh quen thuộc của vùng Trung Đông: các mục tử, cửa chuồng chiên:

1) TÔI LÀ MỤC TỬ NHÂN LÀNH (Ga 10,7):

– Mục tử là người vào chuồng chiên ngang qua cửa chính, chứ không lén lút leo rào mà vào chuồng (x. Ga 10,1-2). Người giữ cửa quen biết mục tử nên sẵn sàng mở cửa, và chiên cũng quen biết mục tử quen với giọng nói của anh, nên dễ dàng phân biệt anh với người lạ hay kẻ trộm (x. Ga 10,3-5). Mục tử nhân lành yêu thương chiên, biết tên và âu yếm gọi từng con chiên trong đoàn ra ngoài. Mục tử sẽ đi trước dẫn đường, các con chiên sẽ yên tâm theo sau, vì chúng biết đang đi theo ai và người chủ chiên sẽ dẫn chúng đi đâu. Hầu như có một sự hiểu biết cảm thông và gần gũi giữa đoàn chiên và người mục tử.

– Trong lịch sử dân Ít-ra-en, các vua chúa và đại tư tế được gọi là mục tử. Danh hiệu Mục Tử Nhân Lành thường được dành riêng để gọi Đức Chúa. Qua trung gian ông Mô-sê, Đức Chúa đã dẫn đưa con dân Ít-ra-en vượt qua Biển Đỏ, qua sa mạc 40 năm để về miền Đất Hứa dành cho tổ phụ Áp-ra-ham và con cháu đến muôn đời. Đức Chúa như người mục tử đã gắn liền số phận với đàn chiên là dân Ít-ra-en. Hình ảnh mục tử đó chỉ được rõ nét nơi Đức Giê-su trong thời Tân Ước sau này. Hôm nay, Đức Giê-su tuyên bố Người là Mục Tử nhân lành. Khác với các đầu mục Do thái là bọn người chăn thuê. Chúng chỉ biết lợi dụng đàn chiên để tìm tư lợi, Mục Tử nhân lành Giê-su yêu thương đàn chiên, hiểu biết từng con, luôn phục vụ đàn chiên và sẵn sàng thí mạng sống bảo vệ đàn chiên khỏi bị sói dữ cắn xé. Đáp lại, con chiên cần nghe tiếng chủ chiên, yêu mến và vâng lời chủ chiên. Đức Giê-su tóm lại sứ mệnh mục tử của Người như sau: “Kẻ trộm đến chỉ để ăn trộm, giết hại và phá hủy. Phần Tôi, Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10).

2) TÔI LÀ CỨA CHUỒNG CHIÊN (Ga 10,9) :

Sau khi đã tự mô tả là một người mục tử nhân lành, Đức Giê-su lại nhận mình là cửa chuồng chiên. Hôm nay Đức Giê-su tuyên bố: « Tôi là cửa cho chiên ra vào… Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ » (Ga 10,7.9)Đức Giê-su chính là mục tử chăn dắt đoàn chiên là các tín hữu. Khác với kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá hủy, Đức Giê-su đến để cho chiên được sống, và sống dồi dào (x. Ga 10,10).

– Cửa chuồng chiên là lối cho chiên ra vào chuồng để được bảo vệ an toàn và được sống dồi dào. Chỉ người nào đi qua Cửa chuồng chiên Giê-su tức là Hội Thánh thì người ấy mới là mục tử thực sự của Thiên Chúa và mới được hưởng ơn cứu độ của Ngài ban cho (x. Ga 10,9). Thánh Gio-an Kim Khẩu nói: “Khi Đức Giê-su đưa chúng ta đến với Chúa Cha, Người nhận mình là Cửa. Khi Người săn sóc dưỡng nuôi ta, Người nhận mình là Mục Tử”. Cửa Giê-su cũng giúp phân biệt mục tử giả và thật : Mục tử giả sẽ không dám đi ngang qua Cửa Giê-su để vào chuồng chiên. Chớ gì Hội Thánh có nhiều mục tử thực sự của Chúa Giê-su, có tình yêu thương thể hiện qua lối sống gần gũi « có mùi chiên », biết tên từng con chiên và mang lại cho chiên của ăn thiêng liêng là Lời Chúa và Thánh Thể đem lại sự sống dồi dào.

3) NGUYÊN NHÂN THIẾU ƠN THIÊN TRIỆU TRONG CÁC NƯỚC TÂN TIẾN ?

  1. a) Hiện nay nhiều nơi trên thế giới nhất là tại các nước Âu Mỹ, đang thiếu trầm trọng ơn gọi linh mục tu sĩ. Nhiều nhà thờ không có linh mục nên phải đóng cửa hoặc bán đi để trả nợ. Cũng có nhiều dòng tu bị giải thể vì không còn lớp tu sĩ trẻ kế thừa.
  2. b) Hiện tượng thiếu ơn gọi linh mục tu sĩ thường do mấy nguyên nhân như sau:

– Một là vì các đôi vợ chồng trẻ do thói ích kỷ nên không muốn sinh nhiều con, để dành tiền bạc và thời gian phục bụ cho các nhu cầu riêng của mình.

– Hai là các người trẻ hôm nay luôn chịu ảnh hưởng của lối sống thực dụng và hưởng thụ: chỉ biết tìm thỏa mãn các đam mê nhục dục thấp hèn, các nhu cầu ích kỷ bản thân… và mất đi cảm thức đức tin.

– Nhưng nguyên nhân quan trọng nhất có lẽ là do người lớn đã không nhiệt tâm cổ võ cho ơn thiên triệu và không quảng đại hiến dâng con mình cho Chúa và Hội Thánh.

– Mỗi Giáo xứ phải trở thành vườn ươm trồng ơn thiên triệu: Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II trong sứ điệp về ơn gọi năm 1996 đã nhắc đến việc cần phải làm là tạo một môi trường thuận lợi cho hạt giống ơn gọi dễ phát triển là các giáo xứ. Ngài nói như sau: “Phải làm sao để mỗi giáo xứ trở thành một cộng đoàn lắng nghe Lời Chúa, cộng đoàn cầu nguyện, hăng say làm việc tông đồ và luôn quan tâm phục vụ những người nghèo khổ. Giới trẻ hôm nay vẫn không thiếu những tâm hồn quảng đại, không thiếu những người trẻ muốn sống cuộc đời lý tưởng và có ý nghĩa. Họ cần được Hội Thánh hướng dẫn để gặp được Đức Giê-su, để nghe lời Người và theo làm môn đệ của Người, sẵn sàng chia sẻ sứ mệnh cứu độ của Người. Giới trẻ hôm nay cũng cần được nghe những tiếng kêu than của bao người đói khát chân lý hay đang cần được công lý bảo vệ. Hội Thánh phải giúp giới trẻ cảm nhận được bổn phận lớn lao là xây dựng thế giới này trở thành một ngôi nhà của tình thương và hạnh phúc. Giới trẻ cũng cần có những người thầy, người bạn dám sống niềm tin giữa muôn trở lực khó khăn, và luôn đứng vững trước sức mạnh của các cám dỗ muốn thỏa mãn các đam mê bất chính”.

4) LÀM GÌ ĐỂ GIÚP HỘI THÁNH THÊM NHIỀU LINH MỤC TU SĨ ?

  1. a) Hỗ trợ của các bậc cha mẹ trong gia đình: Hiện nay sở dĩ thiếu ơn gọi một phần cũng là do lỗi của chúng ta chưa thiết tha cầu xin Thiên Chúa sai thêm thợ gặt đến, chưa quyết tâm trở thành chứng nhân của Chúa, chưa quảng đại dâng con và khuyến khích chúng quảng đại phục vụ Chúa và Hội Thánh trong bậc tu trì.
  2. b) Vai trò của gương sáng: Đức Giáo hoàng Phan-xi-cô đã nói về các mục tử trong Hội Thánh như sau: “Giám Mục không phải là Giám Mục cho bản thân ngài, mà là cho dân. Cũng vậy, Linh Mục không phải là Linh Mục cho bản thân ngài, mà là cho dân: để phục vụ, nuôi dưỡng, chăm sóc dân là đoàn chiên của ngài…” Đức Giáo Hoàng đòi hỏi linh mục như sau : “Tôi yêu cầu anh em hãy là những mục tử mang nặng mùi con chiên của mình.” Hiện nay trong giáo xứ của chúng ta, vẫn còn nhiều người chưa biết Chúa, hoặc đã biết Chúa nhưng chối bỏ đức tin, cố tình loại Chúa ra khỏi cuộc đời mình… Các cha xứ phải đi tìm kiếm họ để an ủi, chữa lành và giúp họ trở về với Chúa.
  3. c) Gây ý thức về tầm quan trọng và nhiệm vụ ươm trồng ơn thiên triệu : Mỗi người chúng ta cần cầu nguyện cho mình sống đúng vai trò là linh mục, là quý chức giúp việc, là chồng vợ, cha mẹ và con cái trong gia đình.
  4. d) Quảng đại đóng góp tinh thần vật chất cho chủng viện : Các gia đình, hội đoàn, giáo xứ… hãy quảng đại để tích cực cộng tác với Hội Thánh ươm trồng ơn thiên triệu và có thêm nhiều linh mục tu sĩ hiến thân chăm sóc đàn chiên và loan báo Tin Mừng cho an hem lương dân chưa nhận biết Chúa, vì « lúa chín đầy đồng mà thiếu thợ gặt ».
  5. THẢO LUẬN:

Theo bạn mục tử tốt như lòng Chúa mong ước hôm nay cần có những phẩm chất nào : khôn ngoan, đạo đức, có bằng cấp cao, thông thạo ngoại ngữ, đàn hay hát giỏi, giảng hấp dẫn, nhiệt tình tông đồ, sống đơn giản, dấn thân hy sinh, chu toàn bổn phận, thái độ khiêm tốn, hiền hòa, vui vẻ, tiết độ, trung thực, vị tha, đúng đắn trong giao tiếp, quan tâm đến giới trẻ, có lòng thương xót ? Tại sao ?

  1. NGUYỆN CẦU:

LẠY CHÚA GIÊ-SU. Xin ban cho chúng con những linh mục biết quảng đại, hy sinh trong đời phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân. Xin ban cho chúng con những linh mục có trái tim biết yêu thương bằng tình yêu của Chúa, một trái tim mở rộng để sẵn sàng đón nhận hết mọi người, nhất là những người đau khổ và bị bỏ rơi. Xin ban cho chúng con những linh mục có đức tin vững mạnh, luôn sống kết hiệp mật thiết với Chúa, để giúp chúng con gặp được chính Chúa. Xin ban cho chúng con những linh mục biết chăm chỉ rao giảng Lời Chúa, có sức làm nóng lên đức tin yếu kém và làm bùng cháy ngọn lửa yêu thương trong lòng chúng con, giúp chúng con thêm đức tin để nhìn thấy Chúa trong mọi người. Cuối cùng xin Chúa ban cho chúng con những linh mục là những vị chủ chăn tốt lành noi gương Chúa xưa, đến để cho chiên “được sống và sống dồi dào”.

X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON

LM ĐAN VINH –  HHTM

Chia sẻ Bài này:

Related posts