Các tín hữu xác tín rằng Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót, nhưng thử hỏi: Lòng thương xót của Thiên Chúa đạt đến đỉnh cao vào thời điểm nào?
Có phải khi Chúa Giê-su hóa bánh ra nhiều cho dân chúng ăn?
Có phải khi Chúa Giê-su bôn ba rao giảng Tin mừng?
Hay khi Chúa Giê-su xua trừ ma quỷ và chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền cho dân?
Hoặc là khi Chúa Giê-su làm cho kẻ chết sống lại?
Câu trả lời đúng nhất là: Lòng thương xót của Thiên Chúa đạt tới đỉnh cao, đỉnh cao tuyệt đối, khi Chúa Giê-su hiến dâng thân mình chết thay cho muôn người tội lỗi. Chúa Giê-su xác nhận rằng: “Không có tình yêu nào cao cả bằng tình yêu của người chết thay cho bạn hữu mình” (Ga 15, 13).
Cha Maximilian Kolbe chết thay cho bạn tù
Cha Maximilian Kolbe sinh năm 1894 tại Ba Lan. Trong thế chiến thứ hai, Cha bị Đức quốc xã đưa vào trại tập trung Auschwitz.
Vào ngày 29 tháng 7 năm 1941, khoảng 1 giờ chiều, tiếng còi hú báo động rúc lên vang khắp trại, báo động có một tù nhân bỏ trốn. Thế là những người lính Đức tập trung toàn bộ tù nhân lại để điểm danh, cuối cùng họ phát hiện có một tù nhân bỏ trốn.
Theo luật trại tù, nếu có một tù nhân trốn trại thì 10 tù nhân khác sẽ bị chết thay.
Việc chỉ định bắt đầu. Viên sĩ quan cai tù đằng đằng sát khí, duyệt qua hàng tù nhân run lẩy bẩy trước mặt y và chọn ra 10 tù nhân xấu số, trong đó có Franciszek Gajowniczek, một hạ sĩ quan của quân đội Ba Lan. Anh này kinh hoàng tột độ vì thần chết đã điểm mặt anh, anh hoảng hốt kêu lên: “Giê-su Maria! Vợ tôi! Con cái tôi!”
Bấy giờ Cha Maximilian bước ra khỏi hàng, tiến lên trước mặt viên cai tù, bày tỏ ý nguyện chết thay cho Franciszek. Viên cai tù đồng ý, ra hiệu cho Franciszek trở về hàng và Cha Maximilian đứng thay vào vị trí anh ta để chịu chết.
Thế là Cha Maximilian cùng với 9 tù nhân xấu số khác lặng lẽ bước vào “hầm tử thần” để bị giam đói cho đến chết.
Tình yêu của Cha Maximilien đạt tới đỉnh cao khi Cha chấp nhận chết thay cho người bạn tù. Hy sinh chịu chết cho người khác được sống là một nghĩa cử anh hùng, rất đáng khâm phục và hiếm có trên thế gian này.
Con cái chết thay cho cha mẹ để báo đáp công ơn sinh thành dưỡng dục là điều phải đạo. Tuy nhiên, hiếm người thực hiện được điều này vì nó đòi hỏi phải có tình thương rất lớn lao.
Một tù nhân hy sinh chết thay cho một tù nhân khác như Cha Maximilien đã làm, còn khó hơn người con chết thay cho cha mẹ rất nhiều. Việc này đòi phải có tình thương chục lần lớn lao hơn.
Không chủ nhân nào có thể chết thay cho tôi tớ thấp hèn, vì việc này đòi phải có tình thương trăm lần lớn hơn.
Không ông vua nào có thể chết thay cho người dân đen cùng khốn, vì việc này đòi phải có tình thương vạn lần lớn lao hơn.
Trong khi đó
Chúa Giê-su là Chúa tể trời đất; còn ta là người phàm kém cõi;
Chúa là Đấng cao sang vô lượng, tốt lành vô song; còn ta là loài thấp hèn yếu đuối, xấu xa tội lỗi.
Chúa là Đấng sáng tạo vô vàn kỳ quan trong vũ trụ vô biên, tạo nên muôn vàn tinh tú trên bầu trời; còn chúng ta như những hạt bụi li ti trong vũ trụ, chẳng có gì đáng kể so với Chúa. Độ chênh lệch và sự cách biệt giữa Thiên Chúa và loài người vô cùng lớn lao.
Thế mà Chúa Giê-su đã hạ mình xuống làm người phàm yếu đuối và trao nộp thân mình, hy sinh chịu chết cách đau thương tủi nhục, để đền tội cho con người, để chết thay cho muôn dân, để cho họ được tha tội, được thoát cảnh trầm luân trong hỏa ngục và được sống hạnh phúc trên thiên đàng.
Như vậy, việc Chúa Giê-su hiến thân chịu chết cho loài người là đỉnh cao của lòng thương xót, phải có cả một đại dương thương xót thúc đẩy mới có thể thực hiện được điều này.
Lòng thương xót Chúa được thể hiện trong Thánh lễ hằng ngày [1]
Điều tuyệt vời là lòng thương xót của Chúa Giê-su dành cho nhân loại không phải là chuyện dĩ vãng cách đây 2.000 năm, nhưng lòng thương xót đó vẫn được thể hiện hôm nay, trong các Thánh lễ hằng ngày.
Trong mỗi Thánh lễ, Chúa Giê-su tiếp tục hiến tế thân mình, để cho muôn người được tha tội và được sống đời đời.
Mỗi lần lời Chúa Giê-su ngân vang trong Thánh lễ: “Này là Mình Thầy sẽ bị nộp vì các con… Này là Máu Thầy sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội”, là lúc Đấng chí tôn, Đấng tuyệt đối, Đấng tạo dựng vũ trụ càn khôn… đang nộp mình chịu chết thay cho chúng ta là loài thụ tạo thấp hèn, kém cỏi, chỉ như hạt bụi trong vũ trụ bao la… Thế mới biết lòng thương xót Chúa bao la, vĩ đại biết dường nào!
Lạy Chúa Giê-su,
Xin cho chúng con luôn tìm đến tôn vinh lòng thương xót Chúa đang thể hiện trong Thánh lễ hằng ngày, để chiêm ngắm đại dương lòng thương xót Chúa, để múc lấy muôn vàn ân sủng tuôn ban từ hy tế thập giá của Chúa. Amen.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
[1] GLHTCG số 1365, 1366, 1367