Vâng, tôi chắc chắn rằng cuộc sống của chúng ta rất dễ dàng, và tôi sẽ cố gắng chứng minh. Hãy nghĩ xem: 100 năm trước, không có đèn điện, không có nhà vệ sinh xả nước, và tuổi thọ ở Brazil là 33 năm! Và nếu trong thế giới công nghiệp hóa, tuổi thọ không vượt quá 47 năm, thì rất có thể các bạn, những người đang đọc bài viết này, hẳn đã ở trong cõi vĩnh hằng, hoặc rất gần với cõi vĩnh hằng.
Được rồi, 100 năm là một khoảng thời gian khá dài. Hãy nghĩ lại 50 năm trước: vào năm 1973, để gọi điện thoại, bạn phải sử dụng điện thoại cố định. Và để nhận một cuộc gọi bạn cũng phải như thế! Để hâm nóng bữa tối của bạn, bạn phải bật bếp. Để thay đổi một số kênh trên TV, bạn phải đứng dậy và nhấn nút. Không có điều khiển từ xa.
Sự phát triển công nghệ trong những năm gần đây đã làm cho cuộc sống của tất cả chúng ta dễ dàng hơn nhiều. Ngay cả những người nghèo và thiệt thòi nhất giờ đây cũng có thể ăn uống tốt hơn những người thuộc hoàng tộc vào thế kỷ 18. Những tiến bộ trong y học đã làm tăng đáng kể tuổi thọ, khoảng 77 tuổi ở Brazil và có thể đạt 88 tuổi ở Nhật Bản. Ai ngờ thiên tài âm nhạc Mozart đã qua đời ở tuổi 35 vì căn bệnh viêm họng.
Nhưng bất kể tất cả những tiện nghi mà thế giới hiện đại cung cấp cho chúng ta, chúng ta vẫn cảm thấy không hài lòng và cứ muốn phàn nàn. Lý do của chuyện này có thể là gì?
Lý do đầu tiên là chúng ta không dừng lại để suy ngẫm về thực tế của mình. Xu hướng của chúng ta là luôn nhìn vào những gì chúng ta chưa có, xem ai có nhiều hơn chúng ta hoặc có những thứ tốt hơn, đẹp hơn, thông minh hơn, quyền lực hơn… và điều này tạo ra sự bất mãn, một cuộc nổi loạn nào đó và rất nhiều lời phàn nàn.
Chúng ta quên mất giá trị của lòng biết ơn, của việc nhìn thấy tất cả những gì chúng ta đang có, tất cả những gì chúng ta đã hoàn thành, đã đạt được. Thái độ luôn không bằng lòng, phàn nàn này có thể làm tâm hồn chúng ta bị bệnh và tước đi những niềm vui nhỏ bé của cuộc sống hàng ngày. Những người không bằng lòng với cuộc sống của riêng mình thì không thể nhìn thấy nụ cười, ánh mắt rạng ngời của con cái họ khi họ về nhà; họ không thể chiêm ngưỡng hoàng hôn; họ không thể nhận thấy lòng tốt khi tham gia giao thông hoặc tại nơi làm việc. Hơn nữa, việc phàn nàn liên tục có thể làm tăng mức độ căng thẳng của cơ thể chúng ta, làm suy giảm trí nhớ, khiến cơ thể mệt mỏi hơn và làm giảm lòng tự trọng của chúng ta.
Một lý do sâu xa khác thúc đẩy chúng ta phàn nàn là trong sâu thẳm tâm hồn, chúng ta có một ước muốn không thể thỏa mãn hoàn toàn. Mọi phàn nàn đều xuất phát từ sự không thỏa mãn một ước muốn, nên dù không ý thức nhiều về ước muốn sâu thẳm này, chúng ta nhận ra rằng nó sẽ không được thỏa mãn, nên cuối cùng chúng ta phàn nàn.
Khao khát này là khao khát điều vô tận, điều vĩnh hằng. Mỗi linh hồn được tạo ra với sự khao khát này, một loại “khao khát Thiên Chúa”, để chúng ta có thể tìm kiếm Ngài trong suốt cuộc đời mình. Và như Thánh Augustinô đã nói: “Lòng chúng con khắc khoải cho đến khi được yên nghỉ trong Chúa”. Mong muốn này sẽ chỉ được thực hiện đầy đủ vào ngày chúng ta có thể ở với Đấng Tạo Hóa trên Thiên đàng.
Vật thì chúng ta phải àm gì cho đến lúc đó? Chúng ta cần thay chìa khóa cho cách nhìn của mình, bắt đầu bằng cách ngưỡng mộ vô số “phép lạ” trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta và tỏ lòng biết ơn. Nếu bạn còn có thể thức dậy hôm nay, hãy biết ơn, rất nhiều người đã không có được đặc ân đó và đã ở cõi vĩnh hằng. Nếu đất nước của bạn được hòa bình, hãy cảm ơn vì bao nhiêu anh chị em phải gánh chịu tai họa chiến tranh. Nếu bạn khỏe mạnh, hãy biết ơn, rất nhiều người đau khổ trên giường bệnh.
Tất cả mọi thứ đều là lý do để biết ơn. Một trái tim biết ơn tạo ra nhiều bình an, gia tăng khả năng yêu thương và hạnh phúc của chúng ta, ngay cả giữa những khó khăn và thất vọng.
Nếu bạn gặp vấn đề với việc hay phàn nàn thì bạn không phải là người duy nhất; con cái Israel cũng đã từng lầm bầm chống lại Môsê, Aharon và Thiên Chúa: “Tất cả con cái Israel đều kêu trách ông Môsê và ông Aharon” (Ds 14: 2). Đôi khi, phàn nàn là đánh mất khôn ngoan – không nhận ra AI là người điều khiển vũ trụ này. Một thái độ thắc mắc: “Chúa có thực sự biết điều gì là tốt nhất cho tôi không?” Thư Giuđa câu14-16 cho chúng ta biết rằng sự phàn nàn nảy sinh trong tấm lòng ích kỷ: “Này Chúa đến giữa muôn vàn thần thánh của Ngài, để xét xử mọi người, và kết án mọi kẻ vô luân về tất cả các việc vô luân của họ, về tất cả những lời hỗn xược quân tội lỗi vô luân đã nói phạm đến Ngài. Họ là những người hay lẩm bẩm, phàn nàn, đi theo các dục vọng của mình, miệng nói lời huênh hoang, tâng bốc người ta để trục lợi.”
Nói chung người hay phàn nàn là một người không hài lòng với số phận của mình trong cuộc sống – với những hoàn cảnh mà Chúa đã cho phép xảy đến với người ấy. Thói hay phàn nàn của con cái Israel chỉ là triệu chứng của một căn bệnh nguy hiểm hơn nhiều – sự vô tín – thiếu sự tin tưởng rằng Chúa biết Ngài đang làm gì.
Các giải pháp
- Nhận ra rằng phàn nàn là nguy hiểm. Chúng ta biết kẻ thù của linh hồn chúng ta không muốn chúng ta hoàn thành mục đích mà Chúa đã định cho cuộc đời chúng ta. Nếu hắn không thể làm hỏng tôi hoặc bạn vì dục vọng hoặc sự vô đạo đức trong đời sống riêng tư của chúng ta, thì ma quỷ sẽ tìm một miếng mồi khác cho cái bẫy của hắn. Đối với nhiều người trong chúng ta, cái bẫy đó là cám dỗ chúng ta phàn nàn, lẩm bẩm và phàn nàn chống lại Chúa: “Không một thử thách nào đã xảy ra cho anh em mà lại vượt quá sức loài người. Thiên Chúa là Đấng trung tín: Ngài sẽ không để anh em bị thử thách quá sức; nhưng khi để anh em bị thử thách, Ngài sẽ cho kết thúc tốt đẹp, để anh em có sức chịu đựng” (1 Cr 9: 24; 10:13).
- Hãy nhớ rằng, Thiên Chúa biết Ngài đang làm gì. Ông Giuse trong Cựu ước cho chúng ta thấy mình ở một vị trí rất thấp kém – Ông bị các anh em ném xuống hố, bị họ bán làm nô lệ, bị buộc tội một cách oan uổng là gian dâm với vợ của Pôtipha, bị tống vào tù, bị bỏ quên bởi một người bạn mà ông đã giúp đỡ – nhưng Kinh thánh lại không ghi lại một lời phàn nàn nào từ môi miệng của ông.
Ông có thể trở nên cay đắng với các anh em của mình, hoặc đập tay vào tường nhà tù và phàn nàn rằng hoàn cảnh của ông thật bất công. Nhưng ông đã không làm thế.
Bí quyết sống không phàn nàn của ông là gì? Câu trả lời nằm trong Sáng thế ký 45:5-8, trong đó chúng ta thấy ông Giuse, lúc đã là tể tướng triều đình, nói với những người anh em đang chết đói của mình, “Nhưng bây giờ, các anh đừng buồn phiền, đừng hối hận vì đã bán tôi sang đây: chính là để duy trì sự sống mà Thiên Chúa đã gửi tôi đi trước anh em.” Chỉ trong bốn câu mà ông Giuse đã nói ba lần “Thiên Chúa đã gửi tôi đi trước anh em.” Đó là một cách nhìn xuất phát từ niềm tin hiếm có vào một Thiên Chúa toàn năng. Ông Giuse nắm được sự thật rằng Thiên Chúa đang kiểm soát và Ngài biết điều Ngài đang làm.
- Hãy gạt bỏ những lời phàn nàn về chuyện đã qua vốn có thể trở thành nỗi cay đắng. Phàn nàn là một thứ hằn học già cỗi vẫn đang chống lại người khác. Bạn càng phàn nàn lâu dài với người khác thì điều đó lại càng trở thành một mối hận thù nặng nề không thể giải quyết được. Phàn nàn có thể sinh ra oán giận. “Hãy tiếp đón nhau mà không lẩm bẩm kêu ca.” (1 Phêrô 4:9). Nếu bạn có lời phàn nàn về một anh em nào đó, hãy đến gặp riêng người ấy và giải quyết vấn đề đó.
- “Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh” (1 Tessalônica 5:18). Đây không chỉ là cách tiếp cận “năng lượng suy nghĩ tích cực”. Không, chúng ta sẽ không bao giờ có thể “tạ ơn” Thiên Chúa và vui hưởng sự bình an nếu chúng ta không nhận ra rằng Thiên Chúa là Đấng thống trị tối cao của vũ trụ, đang hành động trong cuộc đời chúng ta thông qua hoàn cảnh của chúng ta.
Phêrô Phạm Văn Trung.
(dựa theo catholicmom.com và cru.org)