Lời đem lại ánh sáng và lời làm chứng.
Xuyên suốt Tin Mừng theo thánh Gioan, thánh sử kể lại Chúa Giêsu trả lời những câu hỏi của những người Pharisêu chất vấn Ngài và của những kẻ gièm pha khác. Nhưng trong chương thứ chín mà Giáo hội cho chúng ta nghe hôm nay, một người khác, một người mù, đã trả lời những câu hỏi của những người Pharisêu về Chúa Giêsu và anh đã trả lời rất tốt đến nỗi người ta thấy Chúa Giêsu không lên tiếng giảng giải gì thêm: “Ông ấy có phải là người tội lỗi hay không, tôi không biết. Tôi chỉ biết một điều: trước đây tôi bị mù mà nay tôi nhìn thấy được!… Tôi đã nói với các ông rồi mà các ông vẫn không chịu nghe. Tại sao các ông còn muốn nghe lại chuyện đó nữa? Hay các ông cũng muốn làm môn đệ ông ấy chăng?” (Ga 9: 25-26).
Khả năng diễn thuyết hùng hồn của người mù bẩm sinh này rất đáng quan tâm vì anh làm như vậy để bênh vực Chúa Giêsu, Đấng đã cho anh nhìn thấy. Trong phần mở đầu sách Tin Mừng của mình, thánh sử Gioan đã mô tả chính Chúa Giêsu là Ngôi Lời của Thiên Chúa:
“Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời.
Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa,
và Ngôi Lời là Thiên Chúa.
Lúc khởi đầu, Ngài vẫn hướng về Thiên Chúa.
Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành,
và không có Ngài, thì chẳng có gì được tạo thành.
Điều đã được tạo thành ở nơi Ngài là sự sống,
và sự sống là ánh sáng cho nhân loại”
(Ga 1: 1-4)
Thánh Gioan cho thấy người mù bẩm sinh rao truyền sự thật về Lời của Thiên Chúa. Đây là những lời của người mù bẩm sinh: “Kể cũng lạ thật! Các ông không biết ông ấy bởi đâu mà đến, thế mà ông ấy lại là người đã mở mắt tôi! Chúng ta biết: Thiên Chúa không nhậm lời những kẻ tội lỗi; còn ai kính sợ Thiên Chúa và làm theo ý của Ngài, thì Ngài nhậm lời kẻ ấy. Xưa nay chưa hề nghe nói có ai đã mở mắt cho người mù từ lúc mới sinh. Nếu không phải là người bởi Thiên Chúa mà đến, thì ông ta đã chẳng làm được gì” (Ga 9: 25,27, 30-33). Những lời này của người mù có cùng một cách lập luận rất thực tế như những điều Thánh Gioan viết: “Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người. Ngài ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ Ngài mà có, nhưng lại không nhận biết Ngài. Ngài đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1: 9-11).
Đặc điểm nổi bật nhất về người mù bẩm sinh này là anh sẵn sàng lên tiếng bênh vực Chúa Giêsu: “Người tên là Giêsu đã trộn một chút bùn, xức vào mắt tôi, rồi bảo: “Anh hãy đến hồ Silôác mà rửa. Tôi đã đi, đã rửa và tôi nhìn thấy” (Ga 9: 11). Người mù này được ban cho khả năng nhìn thấy, và chỉ điều đó thôi cũng đủ khiến những người xung quanh anh ta bắt đầu bàn tán về những dấu lạ mà Chúa Giêsu đã thực hiện. Mặc dù cha mẹ của người mù từ chối tham gia bàn luận về Chúa Giêsu với những người Pharisêu: “Họ hỏi: “Anh này có phải là con ông bà không? Ông bà nói là anh bị mù từ khi mới sinh, vậy sao bây giờ anh lại nhìn thấy được?” Cha mẹ anh đáp: “Chúng tôi biết nó là con chúng tôi, nó bị mù từ khi mới sinh. Còn bây giờ làm sao nó thấy được, chúng tôi không biết, hoặc có ai đã mở mắt cho nó, chúng tôi cũng chẳng hay” (Ga 9: 19-22). Nhưng người mù này không ngần ngại lên tiếng khi bị chất vấn: “Còn anh, anh nghĩ gì về người đã mở mắt cho anh?” Anh đáp: “Người là một vị ngôn sứ!”
Bởi Thiên Chúa mà đến.
Theo Tin Mừng thánh Gioan, trong hầu hết các dấu lạ mà Chúa Giêsu thực hiện, Chúa Giêsu chỉ nói một vài lời là đã mang lại sự thay đổi:
- Nước trở thành rượu: “Chúa Giêsu bảo họ: “Các anh đổ đầy nước vào chum đi! ” Và họ đổ đầy tới miệng. Rồi Ngài nói với họ: “Bây giờcác anh múc và đem cho ông quản tiệc.” Họ liền đem cho ông. Khi người quản tiệc nếm thử nước đã hoá thành rượu”(Ga 2: 7-10).
- Hóa bánh ra nhiều: “Vậy, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó. Cá nhỏ, Người cũng phân phát như vậy, ai muốn ăn bao nhiêu tuỳ ý. Khi họ đã no nê rồi, Ngài bảo các môn đệ: “Anh em thu lại những miếng thừa kẻo phí đi.” Họ liền đi thu những miếng thừa của năm chiếc bánh lúa mạch người ta ăn còn lại, và chất đầy được mười hai thúng” (Ga 6: 11-3).
- Một người què bước đi:Chúa Giêsu bảo: “Anh hãy trỗi dậy, vác chõng mà đi! ” Người ấy liền được khỏi bệnh, vác chõng và đi được” (Ga 5: 2-9).
Nhưng hôm nay, khi ban cho người mù bẩm sinh ân huệ được nhìn thấy, Chúa Giêsu “nhổ nước miếng xuống đất, trộn thành bùn và xức vào mắt người mù” (Ga 9: 6) như lặp lại việc Thiên Chúa tạo ra con người đầu tiên từ bụi đất: “Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người” (Stk 2: 4 -7). Chúa Giêsu ám chỉ rằng Thiên Chúa là Đấng Sáng tạo, và nay Ngài, bởi Thiên Chúa mà đến, cũng là Thiên Chúa sáng tạo, đúng như người mù trả lời cho câu nói của nhóm người Pharisêu:
– “Chúng ta không biết ông Giêsu ấy bởi đâu mà đến” (Ga 9: 29).
– “Nếu không phải là người bởi Thiên Chúa mà đến, thì ông ta đã chẳng làm được gì” (Ga 9: 23).
Một đôi mắt được tạo dựng hoàn toàn mới.
Điều quan trọng cần lưu ý là người mù bẩm sinh này không nói lời nào hoặc làm một cử chỉ nào xin được sáng mắt. Chính Chúa Giêsu đã tự ý thực hiện việc đó. Người mù bẩm sinh này không được phục hồi thị lực, như nhiều người chúng ta thường nghĩ. Ngay từ khi mới sinh anh đã không thấy và do đó không nhận biết ánh sáng: “Cha mẹ anh đáp: “Chúng tôi biết nó là con chúng tôi, nó bị mù từ khi mới sinh” (Ga 9: 20). Anh sinh ra đã không có khả năng nhìn thấy, vì vậy những gì Chúa Giêsu làm cho anh không phải là phục hồi thị lực. Chúa Giêsu không chữa lành đôi mắt đã hư hỏng của anh. Ngài tạo dựng cho anh một đôi mắt hoàn toàn mới. Việc Chúa Giêsu “trộn một chút bùn, xức vào mắt” anh để thực hiện dấu lạ này là ám chỉ một việc sáng tạo mới. Chúa Giêsu là Thiên Chúa Tạo Dựng, và người mù đang trải qua một cuộc tái sinh, từ u tối bước vào ánh sáng. Anh là người được Chúa Giêsu cho gia nhập vào đoàn “Dân đang bước đi trong tăm tối đã nhìn thấy một ánh sáng huy hoàng” (Is 9,1) vì Chúa Giêsu chính là: “Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người…Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Ngài, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Ngài, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật” (Ga 1: 9-4).
Những người không tên nhưng vẫn có mặt.
Người mù này là ai? Anh ta không có tên. Cha mẹ anh cũng chỉ xác nhận: “nó là con chúng tôi, nó bị mù từ khi mới sinh” (Ga 9: 20). Ngay cả “Các người láng giềng và những kẻ trước kia thường thấy anh ta ăn xin mới nói: “Hắn không phải là người vẫn ngồi ăn xin đó sao? ” Có người nói: “Chính hắn đó! ” Kẻ khác lại rằng: “Không phải đâu! Nhưng là một đứa nào giống hắn đó thôi!” (Ga 9: 8-9). Còn anh ta thì sao? Anh ta nói gì về danh tính của mình? Trình thuật kể rằng: “Còn anh ta thì quả quyết: “Chính tôi đây!” (Ga 9: 9). Điều này rất có ý nghĩa trong Tin mừng theo thánh Gioan vì việc thiếu tên cũng được thấy, chẳng hạn như, trong câu chuyện “người phụ nữ Samaria bên giếng nước Giacóp.” Thực tế không tên tuổi này cho thấy rằng mỗi người trong chúng ta đều có mặt trong câu chuyện này. Chúng ta có khả năng nhận ra tình trạng mù tối của chính mình và quả quyết “Chính tôi đây” như anh mù này trước mặt mọi người và nhất là trước mặt Thiên Chúa, thể hiện nơi Chúa Giêsu Kitô không? Chúng ta có “dám tuyên xưng Chúa Giêsu là Đấng Kitô” (Ga 9: 22) dù có thể bị trục xuất khỏi “hội đường” của những kẻ mà Chúa Giêsu nói: “Nếu các ông đui mù, thì các ông đã chẳng có tội. Nhưng giờ đây các ông nói rằng: “Chúng tôi thấy”, nên tội các ông vẫn còn!” (Ga 9: 41).
“Mù quáng” là chúng ta không có khả năng nhìn thấy bàn tay của Chúa đang hoạt động chung quanh chúng ta. Chúng ta cần cố gắng nhận ra sự khiếm thị tâm linh của mình để nhìn ra những phép lạ hàng ngày của ân sủng Chúa sống động trong cuộc sống của chúng ta và của những người khác. Nhận thức này sẽ đem lại cho chúng ta ước muốn được chữa lành tâm linh, ước muốn nhận ra Thiên Chúa đang hành động.
Tin Mừng cho thấy Chúa Giêsu đã đem lại ánh sáng cho người mù này, cũng như Ngài sẵn sàng đem lại ánh sáng cho chúng ta, vốn là điều dễ dàng đối với Chúa Giêsu. Vì vậy, lời cầu nguyện đầu tiên chúng ta nên thực hiện sau câu chuyện này đơn giản là: “Lạy Chúa, Chúa đã phán “Tôi đến thế gian này chính là để xét xử: cho người không xem thấy được thấy, và kẻ xem thấy lại nên đui mù!” (Ga 9: 39), vậy thì xin cho con được thấy!” Việc khiêm tốn nhận ra sự mù quáng của chúng ta sẽ để cho ân sủng của Thiên Chúa, qua Chúa Giêsu, hành động và chữa lành. Chúng ta thường tìm kiếm hành động của Chúa trong điều phi thường. Có lẽ chúng ta dễ bị cám dỗ nghĩ rằng Thiên Chúa chỉ trao ban ân sủng của Ngài qua những hành động vĩ đại hoặc anh hùng, rằng Thiên Chúa không thể sử dụng các hoạt động bình thường hàng ngày của chúng ta để thực hiện các phép lạ của Ngài. Điều này là không đúng! Chúa Giêsu có thể làm cho một điều rất bình thường trong cuộc sống hàng ngày trở nên nguồn ân sủng thiêng liêng của Ngài: “Chúa Giêsu nhổ nước miếng xuống đất, trộn thành bùn và xức vào mắt người mù, rồi bảo anh ta: “Anh hãy đến hồ Silôác mà rửa” (Ga 9: 6). Chính những hành động bình thường của cuộc sống là nơi Thiên Chúa hiện diện. Thiên Chúa có mặt khi tôi đang rửa bát đĩa, làm việc nhà, chở con cái đến trường, chơi trò chơi với nhau trong gia đình, trò chuyện hoặc chìa tay giúp đỡ nhau. Điều căn bản là khi Chúa Kitô hỏi: “Anh có tin vào Con Người không?” chúng ta luôn biết thưa với Ngài như anh mù: “Thưa Ngài, tôi tin” vì “Anh đã thấy Ngài. Chính Ngài đang nói với anh đây” (Ga 9: 37-38).
Trong thực tế, hoạt động càng bình thường, chúng ta càng phải cố gắng để thấy Thiên Chúa đang hành động. Khi ấy, chúng ta sẽ được chữa lành khỏi sự mù quáng tâm linh của mình. Nhận ra sự hiện diện của Ngài trong cuộc sống của mình khiến chúng ta trở thành ánh sáng, tức là sống lương thiện, công chính và chân thật, như Thánh Phaolô nói với các tín hữu Êphêsô: “Xưa anh em là bóng tối, nhưng bây giờ, trong Chúa, anh em lại là ánh sáng. Vậy anh em hãy ăn ở như con cái ánh sáng; mà ánh sáng đem lại tất cả những gì là lương thiện, công chính và chân thật. Anh em hãy xem điều gì đẹp lòng Chúa. Đừng cộng tác vào những việc vô ích của con cái bóng tối” (Ep 5: 7-11).
Lạy Chúa là ánh sáng muôn đời chiếu soi mọi người sinh ra trong trần thế, xin rộng ban ân sủng làm cho tâm hồn chúng con được bừng sáng huy hoàng, để chúng con hằng biết suy tưởng những điều đẹp lòng Chúa, và chân thành yêu mến Chúa mỗi ngày một hơn. Amen. (Lời nguyện hiệp lễ CN 4 Mùa Chay năm A).
Phêrô Phạm Văn Trung.