Trong mùa sinh viên ra trường, chúng ta chứng kiến những hình ảnh nhộn nhịp đượm chút lo lắng. Tốt nghiệp sau những năm tháng vất vả học hành, các tân khoa cũng có phần lo âu làm sao kiếm được việc làm tốt. Tâm trạng ấy giúp chúng ta hiểu được hoàn cảnh của các môn đệ Chúa trong ngày Người lên trời về cùng Chúa Cha. Sau ba năm trời được đào tạo dạy dỗ dưới mái trường Giê-su Ki-tô để tiếp tục sứ mệnh rao giảng Tin Mừng của Người, giờ đây các tân khoa là các tông đồ và môn đệ Chúa được Người chính thức sai đi vào cánh đồng truyền giáo. Quả thực Phụng vụ Lời Chúa đã mô tả ngày lễ Chúa lên trời không chỉ là kết thúc cuộc đời trần thế của Chúa, mà cũng là khởi đầu mới cho sứ mệnh của các môn đệ và Giáo hội.
Bài đọc 1 hôm nay (Cv 1, 1-11) trình thuật mầu nhiệm thăng thiên: Đức Giê-su Ki-tô dặn bảo các Tông đồ xong, thì Người được cất lên trời, ngự bên hữu Chúa Cha. Tâm trạng các môn đệ tất nhiên là hoang mang lo sợ, bởi Người Thầy – mà cho đến giờ phút này các ông vẫn còn bán tín bán nghi (“Khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi” – Mt 28, 17) – lại một lần nữa nói một cách khó hiểu. Vừa mới nói “Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”, thì ngay lập tức “Người được cất lên ngay trước mắt các ông, và có đám mây quyện lấy Người, khiến các ông không còn thấy Người nữa”. Hiện tượng này khiến các Tông đồ cứ mải miết “đăm đăm nhìn lên trời phía Người đi”.
Tâm lý thông thường của con người là sống bằng và sống với giác quan : Phải nhìn thấy tỏ tường (thị giác), nghe thấy rõ ràng (thính giác), sờ mó cầm nắm được (xúc giác), biết được mặn nhạt (vị giác), ngửi được mùi hương (khứu giác). Do đó, Thầy vừa nói Thầy sẽ ở với mình luôn mãi, thì ngay sau đó Thầy lại đi mất hút, bảo sao khỏi ngỡ ngàng, hụt hẫng, nếu không muốn nói là lo sợ, đau đớn, buồn rầu. Chính vì thế nên các Tông đồ chỉ lo nhìn lên theo bóng Thầy, với tâm trạng vừa hoài nghi, vừa chán nản, chẳng còn tin tưởng vào đâu đựoc nữa. Niềm tin lại một lần nữa bị thử thách, khiến các môn đệ quên mất những điều Thầy vừa truyền dạy. Cũng vì biết rõ con người là thế, nên Thiên Chúa đã phải sai thiên sứ đến cảnh tỉnh: “Hỡi những người Ga-li-lê, sao còn đứng nhìn lên trời? Đức Giê-su, Đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời.” (Cv 1, 11).
Sự mâu thuẫn giữa Lời dạy của Đức Giê-su và hiện tượng thăng thiên không chỉ làm các môn đệ thêm bán tín bán nghi (nửa tin nửa ngờ), mà cho đến ngày nay cũng không ít người hoài nghi. Và nếu có tin vào biến cố thăng thiên, thì cũng chỉ coi Lời dạy “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” là lời an ủi suông. Ấy cũng chỉ vì họ đã quên mất một điều là khi suy niệm Lời Chúa trong Thánh Kinh, cần chú ý đến cả hai phương diện: “nghĩa chiểu tự” (nghĩa đen) và “nghĩa thiêng liêng” (nghĩa bóng). Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo (Điều 116-117) đã giải thích rõ: “Nghĩa chiểu tự” còn gọi là “nghĩa văn tự”, đó là nghĩa mà lời Thánh Kinh nêu lên. Tất cả các nghĩa trong Thánh Kinh đều dựa vào nghĩa văn tự… Nhờ sự thống nhất trong ý định của Thiên Chúa, không những bản văn Thánh Kinh, mà cả các thực tại và biến cố được bản văn đề cập đến đều có thể là những tiên trưng (“nghĩa thiêng liêng”).”
Trong “nghĩa thiêng liêng” lại cần chú ý đến “nghĩa ẩn dụ”, “nghĩa luân lý” và “nghĩa thần bí”: “Cần phải nhớ rằng thời các giáo phụ và thời trung cổ, mọi hình thức chú giải, kể cả hình thức chiểu tự, cũng đều được tiến hành trên căn bản đức tin, mà không nhất thiết phải phân biệt giữa nghĩa chiểu tự và nghĩa thiêng liêng. Về phương diện này, người ta có thể nhắc tới 2 câu thơ trung cổ diễn tả mối tương quan giữa các nghĩa khác nhau của Sách Thánh: “Littera gesta docet, quid credas allegoria, Moralis quid agas, quo tendas anagogia.” (Chữ đen tức “nghĩa văn tự” dạy về biến cố; “nghĩa ẩn dụ” dạy điều phải tin; “nghĩa luân lý” dạy điều phải làm; “nghĩa thần bí” hay “nghĩa thiêng liêng” dạy điều phải vươn tới.” – Giáo lý Hội Thánh Công Giáo, điều 118).
Hãy nhìn lên và cố gắng hiểu việc làm của Thầy (nghĩa chiểu tự: biến cố “thăng thiên”), để từ đó tin vào mầu nhiệm cứu chuộc (“nghĩa ẩn dụ”) qua Lời Chúa: “Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó. Và Thầy đi đâu, thì anh em biết đường rồi.” (Ga 14, 1-4). Đồng thời, hãy nhìn xuống bản thân mình cùng với anh em mình để mà thực thi sứ vụ do chính Người Thầy Chí Thánh truyền dạy trước khi về trời (“nghĩa luân lý”). Chỉ có như thế mới mong vươn tới cứu cánh Nước Trời (“nghĩa thần bí”) là mục đích cuối cùng của hành trình thực thi sứ vụ một Ki-tô hữu.
Tuy nhiên, cũng rất cần phải ghi nhớ lời dạy “Cần phải vượt quá “chữ viết” của ĐGH Bê-nê-đic-tô XVI trong Tông huấn Lời Chúa (số 28): “Như thế, muốn tái khám phá hành động qua lại giữa các nghĩa khác nhau của Sách Thánh, điều chủ yếu là phải nắm chắc việc bước từ chữ viết qua tinh thần. Đây không phải là một bước tự động, tự phát; đúng hơn, cần phải vượt quá (transcended) chữ viết: “Lời Chúa không bao giờ đơn thuần là một với chữ viết trong bản văn. Muốn nắm được Lời của Người, phải có một sự vượt quá (chữ viết) và một diễn trình tìm hiểu, được hướng dẫn bởi chuyển động bên trong của toàn bộ tác phẩm, và do đó, phải trở thành một diễn trình sống.”
Nói cách cụ thể, “được hướng dẫn bởi chuyển động bên trong” thì cũng có nghĩa phải cậy nhờ vào Thần Khí Chúa soi sáng, như Người đã từng linh hứng cho các tác giả Kinh Thánh. Như vậy, có thể nói mầu nhiệm thăng thiên nhắc nhở mọi Ki-tô hữu 2 điều:
1- Chúa Giê-su về trời: Chúa về trời vì Ngườii đã từ trời xuống, đó là một cuộc “trở về”. Hơn thế nữa, Người chính là Con Thiên Chúa, là Thiên Chúa thật, là Đấng Tạo Dựng, là Chủ Tể mọi loài thụ tạo, nên việc “trở về trời” của Người là trở về với địa vị Thiên Chúa của Người. Việc về trời của Chúa là một mầu nhiệm, nếu không được mạc khải thì khó lòng làm cho con người bất toàn có thể tin. Vì thế mới có hiện tượng thăng thiên để các môn đệ được thực mục sở thi (trông thấy nhãn tiền). Thực chất thì trời không có địa chỉ rõ ràng, nên Chúa về trời mà vẫn “ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”. Nói cách khác, khi Đức Giê-su Thiên Chúa về trời thì cũng có nghĩa là Người lại trở về với bản tính Thiên Chúa, không còn bị giới hạn bởi thân xác, không gian, thời gian nữa, mà là cùng lúc Người vẫn kết hợp mật thiết với Ngôi Cha và Ngôi Ba, đồng thời Người tiếp tục hiện diện cách thiêng liêng ở khắp mọi nơi, trong mọi thời đại, nhất là ở ngay trong tâm hồn các tín hữu của Hội Thánh Chúa.
2- Phải làm sao để được về trời với Chúa: “Chúa về trời”, đó cũng chính là ước mơ, là hoài bão của con người muốn được tồn tại trên nơi vĩnh hằng, xa khỏi thế giới vật chất đầy cạm bẫy chông gai. Con đường về trời của mỗi người cũng chính là con đường “làm chứng nhân” mà chính Chúa đã thực hiện và mời gọi mỗi người ”Phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem cho đến tận cùng trái đất. Và chính anh em là chứng nhân về những điều nầy.” (Lc 24, 47-48). Chỉ đến khi người Ki-tô hữu thi hành sứ vụ chứng nhân đến độ thực sự “trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô” (Pl 3, 10), thì “phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao” (Mt 5, 12).
Tóm lại, khi nhìn theo bóng Người Thầy được cất lên trời, các môn đệ tiên khởi mang một tâm trạng hoang mang lo lắng, nhưng được thiên sứ nhắc nhở, thì các ngài đã hiểu ra mọi sự. Nhờ thế, các ngài đã mau mắn thực hành Lời Chúa dạy: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” (Mt 28, 18-20). Và kết quả thật mỹ mãn: Giáo hội với 12 vị Tông Đồ tiên khởi (đã chọn Mat-thi-a thay cho Giu-đa It-ca-ri-ốt) đã thành lập được nhiều Giáo đoàn (với “khoảng ba ngàn người theo đạo” – Cv 2, 41) trong một thời gian ngắn và cho đến ngày nay thì đã hiện diện trên khắp thế giới.
Người Ki-tô hữu hôm nay hãy hân hoan “đứng thẳng và ngẩng đầu lên” (Lc 21, 28) để nhớ lại việc Đức Giê-su Ki-tô thăng thiên và chiêm ngưỡng Người trong vinh quang Thiên Chúa. Đồng thời làm theo lời Thánh Phao-lô Tông đồ trong thư gửi tín hữu Ê-phê-sô: “Tôi cầu xin Chúa Cha vinh hiển là Thiên Chúa của Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, ban cho anh em thần khí khôn ngoan để mạc khải cho anh em nhận biết Người. Xin Người soi lòng mở trí cho anh em thấy rõ, đâu là niềm hy vọng anh em đã nhận được, nhờ ơn Người kêu gọi, đâu là gia nghiệp vinh quang phong phú anh em được chia sẻ cùng dân thánh, đâu là quyền lực vô cùng lớn lao Người đã thi thố cho chúng ta là những tín hữu. Đó chính là sức mạnh toàn năng đầy hiệu lực, mà Người đã biểu dương nơi Đức Ki-tô, khi làm cho Đức Ki-tô trỗi dậy từ cõi chết, và đặt ngự bên hữu Người trên trời.” (Ep 1, 17-20).
Xin hãy nhìn lên và cầu nguyện để hiểu được mầu nhiệm thăng thiên, và hãy nhìn xuống để sống Lời Chúa cách cụ thể với mục đích tối hậu là chiếm hữu và giúp anh em cùng chiếm hữu Nước Trời. Ôi ! “Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xin cho cộng đoàn chúng con biết hoan hỷ vui mừng mà dâng lời cảm tạ, vì hôm nay, Con Một Chúa đã lên trời vinh hiển. Là Thủ Lãnh, Người đã đi trước mở đường dẫn chúng con vào Nước Chúa khiến chúng con là những chi thể của Người nắm chắc phần hy vọng sẽ cùng Người hưởng phúc vinh quang. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen.” (Lời nguyện nhập lễ lễ Thăng Thiên).
JM. Lam Thy ĐVD.