GẶP GỠ CHÚA KITÔ PHỤC SINH TRÊN ĐƯỜNG ĐỜI

  1. Không có thập giá, không có Chúa Kitô phục sinh.

Hai môn đệ trong bài Tin Mừng hôm nay rời Giêrusalem hoàn toàn thất vọng. Họ đang trên đường trở về, và trở lại cuộc sống trước đây của họ, có lẽ như một cách để bỏ lại đằng sau trải nghiệm đã làm họ mất tinh thần: Đấng Thiên Sai của họ đã bị hành hình trên thập giá, như một tên tội phạm, và cùng với cái chết của Ngài, ước mơ phục hồi Vương quốc Israel của họ cũng tiêu tan. Thập giá đã làm tiêu tan hy vọng của họ. Họ đã can đảm rời bỏ nhà cửa và gia đình để theo Chúa Giêsu. Họ đã lắng nghe lời Ngài, họ đã chứng kiến ​​những phép lạ của Ngài, và thậm chí họ còn đi rao giảng nhân danh Ngài. Họ nghĩ rằng Chúa Giêsu sẽ được chào đón nhiệt tình như Đấng Mêsia được chờ đợi từ lâu. Và chính vào thời điểm mà Chúa Giêsu gọi là “giờ của Ngài”, thời điểm mà Ngài hoàn thành công việc vĩ đại nhất của mình, thì một chuyện không ai trong các môn đệ ngờ tới lại xảy đến! Chuyện gì đã xảy ra thế ? Thiên Chúa đã chọn con đường mà các môn đệ không lường trước được và họ không chấp nhận. Thập giá và đau khổ không nằm trong trù tính của họ. Bóng cây thập giá hiện ra, họ bỏ cuộc, quay trở lại lối sống cũ với mong muốn quên đi những đau thương trong trái tim nặng trĩu. Họ trao nhau những lời không niềm tin, không còn Chúa: “Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Ngài là Đấng sẽ cứu chuộc Israel” (Lc 24: 21). Họ chưa bao giờ hiểu những gì Chúa Giêsu rao giảng, bởi vì trong đáy sâu lòng mình, họ không muốn có một Đấng Cứu Thế như vậy, một Đấng Thiên Sai hoàn toàn yếu ớt, bị đánh đòn, bị sỉ nhục, bị đóng đinh chết trên thập giá.

 

Mỗi khi chúng ta cố gắng loại bỏ thập giá khỏi cuộc sống của mình, thì rốt cuộc chúng ta cũng loại bỏ Chúa Giêsu. Con người không thể thoát khỏi thập giá đủ mọi loại trong đời mình, dù họ cố tránh bao nhiêu chăng nữa! Không có thập giá, thì không có Chúa Kitô, như Thánh Phaolô nói với chúng ta: “Tôi cùng chịu đóng đinh với Chúa Kitô vào thập giá. Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Chúa Kitô sống trong tôi” (Gl 2: 19-20). Trong bài đọc thứ hai hôm nay, Thánh Phêrô khẳng định Ơn Cứu Độ không đến từ nơi đâu khác ngoài cái chết đổ máu của Con Chiên vẹn toàn là Chúa Kitô trên thập giá. Vinh quang phục sinh chỉ có được khi chúng ta nghiệm được và hiểu ra rằng “…không phải nhờ những của chóng hư nát như vàng hay bạc mà anh em đã được cứu thoát khỏi lối sống phù phiếm do cha ông anh em truyền lại. Nhưng anh em đã được cứu chuộc nhờ bửu huyết của Con Chiên vẹn toàn, vô tỳ tích, là Chúa Kitô… Nhờ Ngài, anh em tin vào Thiên Chúa, Đấng đã cho Ngài trỗi dậy từ cõi chết, và ban cho Ngài được vinh hiển, để anh em đặt niềm tin và hy vọng vào Thiên Chúa” (Bài đọc thứ hai, 1 Pr 1: 18-19, 21).

  1. Chúa Giêsu luôn đi bước đầu tiên.

Các môn đệ đã vứt bỏ mọi thứ, bỏ Thánh Đô Giêrusalem, nơi họ theo Thầy Giêsu của họ trong nhiều cuộc hành trình với nhiều biến cố lớn lao kỳ diệu. Nay mọi thứ lớn lao kỳ diệu đã chấm hết trên Đồi Sọ, đã bị chôn vùi trong mộ đá. Còn cách nào khác để tiếp tục sống và nuôi hy vọng ngoài việc trở về quê cũ: “Cũng ngày hôm ấy, có hai người trong nhóm môn đệ đi đến một làng kia tên là Emmau, cách Giêrusalem chừng mười một cây số” (Lc 24: 13).

Đôi khi chúng ta phản ứng giống như họ: chúng ta từ bỏ Chúa Kitô và cố gắng tự sửa chữa mọi thứ theo tính toán riêng mình, nhưng điều này luôn dẫn chúng ta đến nản lòng. Để có năng lượng sống mới, chúng ta cần đến Chúa Kitô. Chính Ngài, chứ không phải ai khác, biết rõ cõi lòng của chúng ta rõ nhất. Chúa Kitô Phục Sinh sẽ đến đúng lúc, dù nhiều khi một cách bất ngờ chúng ta không nhận ra Ngài: “Đang lúc họ trò chuyện và bàn tán, thì chính Chúa Giêsu tiến đến gần và cùng đi với họ. Nhưng mắt họ còn bị ngăn cản, không nhận ra Ngài” (Lc 14: 15-16). Hai môn đệ quá bận tâm đến những lo lắng và vết thương lòng của mình đến nỗi họ không nhận ra người đang đi bên cạnh mình. Tự thương hại không giúp chúng ta nhìn thấy Chúa, mà chỉ làm chúng ta chìm sâu hơn trong sự bất lực của chính mình. Chúa Giêsu quan tâm đến những âu lo, những đổ vỡ trong tâm khảm của chúng ta. Ngài muốn chúng ta thổ lộ tất cả những điều ấy với Ngài: “Ngài hỏi họ: “Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy?” (Lc 24: 17). Một câu hỏi bất ngờ làm thay đổi hoàn cảnh đáng thương này: “Họ thưa: “Chuyện ông Giêsu Nadarét. Ngài là một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân. Thế mà các thượng tế và thủ lãnh của chúng ta đã nộp Ngài để Ngài bị án tử hình, và đã đóng đinh Ngài vào thập giá. Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Ngài là Đấng sẽ cứu chuộc Israel. Hơn nữa, những việc ấy xảy ra đến nay là ngày thứ ba rồi. Thật ra, cũng có mấy người đàn bà trong nhóm chúng tôi đã làm chúng tôi kinh ngạc. Các bà ấy ra mộ hồi sáng sớm, không thấy xác Ngài đâu cả, về còn nói là đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng Ngài vẫn sống. Vài người trong nhóm chúng tôi đã ra mộ, và thấy sự việc y như các bà ấy nói; còn chính Ngài thì họ không thấy” (Lc 24: 19-24). Trải nghiệm đó cũng ghi dấu trong cuộc sống của chính chúng ta và hành trình tâm linh của chúng ta, vào những thời điểm mà chúng ta buộc phải điều chỉnh lại những kỳ vọng và đương đầu với những thất bại cũng như những mơ hồ và sai lầm của cuộc sống. Khi những lý tưởng cao đẹp của chúng ta trong cuộc sống bị đổ nát, chúng ta từ bỏ mục tiêu của mình, vì nhận ra những yếu đuối và kém cỏi của chúng ta. Khi chúng ta bắt tay vào những dự án vĩ đại, nhưng sau đó lại thấy rằng chúng ta không thể thực hiện được: “Thật vậy, muốn sự thiện thì tôi có thể muốn, nhưng làm thì không. Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm” (Rm 7:18). Khi tất cả chúng ta, sớm hay muộn, trong cuộc sống hàng ngày và trong các mối tương quan của mình, trải qua một thất bại, một sai lầm, hay một cú ngã, và thấy những gì chúng ta đã tin tưởng, hoặc cam kết trở nên vô nghĩa. Khi chúng ta cảm thấy bị đè bẹp bởi tội lỗi của mình và bởi cảm giác hối hận. Tất cả những khi ấy Chúa Giêsu luôn đi bước đầu tiên trong cuộc đời chúng ta. Bất kể nghề nghiệp, thân phận của chúng ta là gì, Ngài quan tâm đến cõi lòng của chúng ta và muốn giúp chúng ta; chúng ta cần khiêm hạ chấp nhận mình “chẳng hiểu gì” về Kế hoạch Cứu độ của Thiên Chúa, vì thế chất tâm trí chất chứa nhiều nghi nan: “Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ!” (Lc 24: 25). Một câu trả lời bác bỏ những nghĩ suy sai lầm của hai lữ khách và mời họ nhìn xa hơn các dự án riêng và những hy vọng hạn chế của họ, cũng là của chúng ta hôm nay. Chúng ta cần bình tâm, lắng lòng lại và nghe Lời Ngài và để Lời Ngài bừng sáng lên trong trái tim chúng ta: “Nào Đấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Ngài sao? Rồi bắt đầu từ ông Môsê và tất cả các ngôn sứ, Ngài giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Ngài trong tất cả Sách Thánh” (Lc 24: 26-27). Thánh Phêrô, trong trình thuật Công vụ Tông đồ cũng đã kêu gọi: “Thưa đồng bào Israel, xin nghe những lời sau đây. Chúa Giêsu Nadarét, là người đã được Thiên Chúa phái đến với anh em. Và để chứng thực sứ mệnh của Ngài, Thiên Chúa đã cho Ngài làm những phép mầu, điềm thiêng và dấu lạ giữa anh em. Chính anh em biết điều đó. Theo kế hoạch Thiên Chúa đã định và biết trước, Chúa Giêsu ấy đã bị nộp, và anh em đã dùng bàn tay kẻ dữ đóng đinh Ngài vào thập giá mà giết đi. Nhưng Thiên Chúa đã làm cho Ngài sống lại, giải thoát Ngài khỏi những đau khổ của cái chết. Vì lẽ cái chết không tài nào khống chế được Ngài mãi...Vậy toàn thể nhà Israel phải biết chắc điều này: Chúa Giêsu mà anh em đã treo trên thập giá, Thiên Chúa đã đặt Ngài làm Đức Chúa và làm Đấng Kitô” (CvTđ 2: 22-24).

  1. Đức tin được chữa lành.

Chúa Giêsu Kitô là chủ chăn đi tìm hai con chiên lạc này. Như mọi khi, Ngài nhẹ nhàng soi sáng lương tâm của họ và khéo léo dẫn dắt họ đến với sự thật. Việc lắng nghe Lời Chúa chuẩn bị cho hai môn đệ nhận ra Ngài khi Ngài cầm lấy bánh, bẻ ra, chúc tụng và trao cho họ: giống như những cử chỉ như trong Bữa Tiệc Ly. Nhận ra Chúa trong việc “bẻ bánh”, mọi nghĩ suy của họ đều thay đổi. Lòng các môn đệ tràn ngập niềm vui biết bao khi nhận ra Chúa Giêsu, nhưng Ngài đã biến mất! Điều kỳ diệu xảy ra: các môn đệ không còn rơi vào tình trạng chán nản “vẻ mặt buồn rầu” (Lc 24: 17) vì họ đã “đánh mất” Chúa Giêsu như mấy ngày trước. Ngược lại, trái tim của họ bừng cháy: “Họ mới bảo nhau: “Dọc đường, khi Ngài nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?” (Lc 24: 32). Không thể kìm nén sự hân hoan vui mừng để ngủ lại Emmau như dự tính, họ liền chạy trở lại Giêrusalem ngay trong đêm tối, tin chắc rằng Chúa Giêsu còn đang sống. Đức tin của họ đã sống lại. Bây giờ đức tin đó dựa trên Sách thánh và Bí tích Thánh Thể. Chúa Giêsu đã phục hồi đức tin của họ.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Tất cả chúng ta đều đã từng trải qua những khoảnh khắc khó khăn trong cuộc đời, những khoảnh khắc tăm tối khi bước đi trong buồn bã, trầm ngâm, không có chân trời, chỉ có một bức tường trước mặt. Và Chúa Giêsu luôn ở bên cạnh chúng ta để ban cho chúng ta niềm hy vọng, sưởi ấm trái tim chúng ta và nói: “Hãy bước tới, Thầy ở cùng anh em. Hãy bước tới”. Bí mật của con đường dẫn đến Emmaus đơn giản là thế này: mặc dù bề ngoài có vẻ trái ngược, chúng ta vẫn tiếp tục được yêu thương và Thiên Chúa sẽ không bao giờ ngừng yêu thương chúng ta. Chúa Giêsu luôn đồng hành với chúng ta, luôn luôn, ngay cả trong những lúc đau khổ nhất, ngay cả trong những lúc tồi tệ nhất, ngay cả trong những lúc thất bại. Đó là nơi Chúa có mặt. Và đó là hy vọng của chúng ta. Chúng ta hãy tiến lên với niềm hy vọng này! Bởi vì Ngài ở bên cạnh chúng ta và bước đi cùng chúng ta. Mọi nơi mọi lúc!” (Buổi tiếp kiến chung, thứ Tư 24/5/2017)

Cùng với Đức Thánh Cha, chúng ta nguyện xin:

“Lạy Chúa Giêsu là đường đi, là sức mạnh và là niềm an ủi của chúng con, giống như các môn đệ Emmaus, chúng con nài xin Chúa: “Xin ở lại với chúng con vì trời đã xế chiều” (Lc 24:29). Lạy Chúa Giêsu, xin ở lại với chúng con khi niềm hy vọng lụi tàn và đêm tối thất vọng ập xuống. Xin hãy ở lại với chúng con, vì cùng với Chúa, cuộc hành trình của chúng con tiếp tục và từ những con hẻm mù mịt của sự ngờ vực, niềm vui kinh ngạc được tái sinh. Xin ở lại với chúng con, vì với Chúa, đêm đau thương biến thành bình minh rạng ngời của cuộc đời. Lạy Chúa, xin ở lại với chúng con! Vì nếu Chúa đi bên cạnh chúng con, thất bại sẽ nhường chỗ cho hy vọng của sức sống mới. Amen.”

Phêrô Phạm Văn Trung.

Chia sẻ Bài này:

Related posts