Người ta thường nói rằng mục tiêu trong đời có thể được tóm tắt trong bốn điều sau: lợi lộc, quyền lực, thú vui và danh vọng. Tất cả những gì trần thế cung cấp cho chúng ta, nếu chúng ta muốn, đều thuộc một hoặc tất cả các loại này. Tuy nhiên, như chúng ta gặp trong Tin Mừng Thánh Mátthêu (Mt 5:1-12), Chúa Giêsu đã đảo ngược điều người ta mong muốn. Ngài đưa ra một chìa khóa giúp hiểu ra những khuynh hướng của con người chúng ta, đó là muốn lấp đầy cuộc sống bằng những điều danh lợi thú như vậy.
Bài giảng mà Chúa Giêsu công bố hôm nay là một bài giảng khó thực hiện. Điều Chúa Giêsu nói với những ai muốn theo Ngài và hưởng phúc thật của Thiên Chúa không dễ dàng. Một trong những lý do khiến bài giảng này khó làm theo là vì những gì Chúa Giêsu nói không phải là những gì chúng ta thấy trong cuộc sống. Tất cả đều xem ra đi ngược lại kinh nghiệm thực tế của chúng ta. Đây là những đặc điểm mà xã hội không ưa chuộng. Những phúc lành của Thiên Chúa mà Chúa Giêsu công bố đến với những con người khó tìm thấy nhất. Họ là những người có tinh thần nghèo khó, những người than khóc, hiền lành, tìm kiếm sự công bình, có lòng thương xót, trong sạch, những người kiến tạo hòa bình, những người bị bắt bớ và sỉ nhục.
Tuy nhiên, sẽ không đúng nếu đọc bài giảng này để rồi nói rằng Kitô giáo chỉ là một sự cấm đoán những mong muốn trong đời; hoặc nói Kitô giáo là một nỗ lực thái quá nhằm hạn chế các quyền tự do của con người. Hiểu một cách đúng đắn – dưới ánh sáng của đức tin và lý trí – tâm điểm của Kitô giáo là một con người mang tên gọi Giêsu, là mẫu mực hoàn thành mọi ước mong sâu xa của con người một cách trọn vẹn.
Trong Phụng vụ Thánh lễ hôm nay, chúng ta nghe được Lời của Chúa Giêsu, Lời đó giúp chúng hiểu ra tư cách môn đệ – để sống vui tươi trong kỷ luật tự thân và nhờ đó sống trong bình an, trở nên môn đệ đích thực của Ngài.
Thánh Mátthêu thuật rằng Chúa Giêsu lên núi và ngồi giảng dạy: “Thấy đám đông, Chúa Giêsu lên núi. Ngài ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên. Ngài cất tiếng dạy họ” (Mt 5: 1-2), giống như trong Cựu Ước, Môsê, vị lãnh đạo vĩ đại, cũng lên núi để nhận Lề Luật, rồi ngồi xuống giảng dạy: “Ông Môsê lên gặp Thiên Chúa. Từ trên núi, Chúa gọi ông… Ông Môsê về triệu tập các kỳ mục trong dân, trình bày cho họ biết tất cả những lời Chúa đã truyền cho ông” (Stk 19: 3,7). Trong Kinh thánh, núi được coi là nơi Thiên Chúa tỏ mình ra. Qua việc rao giảng trên núi, Chúa Giêsu tỏ mình là một Môsê mới, một Vị Lãnh đạo mới. Tuy nhiên, Chúa Giêsu không phải là người nhận lãnh Lề Luật như Môsê; chính Ngài là Đấng ban Lề Luật.
Theo cách nói của nhà thần học Nicholas Thomas Wright, Cựu Ước thực chất là một bản giao hưởng chưa hoàn thành. Đó là sự cố gắng thực hiện một hy vọng nhưng chưa hoàn thành được. Do đó, để hoàn thành toàn bộ câu chuyện của Israel, Chúa Giêsu bắt đầu bài giảng chính của mình với Các Mối Phúc, một cách gọi bắt nguồn từ danh từ tiếng Latinh beatitudo, có nghĩa là “phúc thật” hoặc “được chúc phúc”.
Bằng một loạt nghịch lý, bất ngờ và đảo ngược này, Chúa Giêsu bắt đầu sắp đặt lại một thế giới con người đã bị đảo lộn. Điểm mấu chốt là từ μακάριο trong tiếng Hy Lạp, được dịch là “được chúc phúc” hoặc “phúc thật” hoặc thậm chí có thể là “may mắn”, được sử dụng để bắt đầu mỗi Mối Phúc.
Và như vậy, “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó” (Mt 5: 3) có thể hiểu là: “Bạn thật may mắn nếu bạn không mê đắm trong những sự thuộc về trần gian”. Ở đây, Chúa Giêsu nói cho chúng ta biết làm thế nào để nhận ra ước muốn sâu xa nhất của chúng ta, đó là khao khát Thiên Chúa chứ không phải những thứ chóng qua vốn chỉ mang lại sự vui vẻ tạm thời. Nơi thẳm sâu cõi lòng của mỗi người, nếu người ấy có khả năng giữ im lặng đủ và cố gắng suy tư, tìm kiếm lẽ sống của đời mình, họ sẽ phát hiện và cảm nhận ra rằng có một khát khao khôn nguôi hướng về cõi vô hình vô hạn, mà không gì nơi trần thế này có thể đáp ứng và thỏa mãn được. Thánh Augustinô đã từng nói: “Chúa đã dựng nên con cho Chúa nên lòng con khắc khoải cho đến khi nghỉ yên trong Chúa” (Sách Tự Thú của Thánh Augustinô. Bản dịch của Lm. Ngô Tường DZũng, Texas, USA, phần 1, chương 1, số 2).
Nếu chúng ta thực sự mở lòng ra với những khát vọng sâu thẳm nhất trong trái tim mình, chúng ta sẽ nhận ra rằng mình sở hữu một khao khát hạnh phúc không thể nguôi ngoai, và điều này sẽ giúp chúng ta xem nhẹ những lời đề nghị và những mục tiêu “hữu hạn rẻ tiền chóng qua” của trần thế chung quanh mình. Những mục tiêu ấy không phải là ưu tiên số một, chúng phải được đặt vào đúng vị trí của chúng, thậm chí cần được buông bỏ nhằm đạt được mục tiêu trên hết và cuối cùng nhờ các Mối Phúc Thật: “Phần thưởng dành cho anh em ở trên trời” (Mt 5: 12). Khi chúng ta chỉ tìm kiếm thành công, sự vui vẻ và của cải, và nếu chúng ta biến những thứ này thành ngẫu tượng, chúng ta có thể có những cảm giác thành đạt, nhưng trong phút chốc chúng lại trở thành một cảm giác thỏa mãn hão huyền, và cuối cùng chúng ta trở thành lệ thuộc, không bao giờ hài lòng, luôn luôn tìm kiếm nhiều hơn nữa. Chính trong tâm thức này Lời của Chúa Giêsu vang lên như một tiếng chuông cảnh báo và đồng thời chỉ ra một con đường hy vọng: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ… Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa” (Mt 5: 3, 8). Tinh thần nghèo khó có nghĩa là chúng ta nhận ra sự bất lực hoàn toàn về tinh thần của mình. Người có tinh thần nghèo khó nhận ra rằng họ không thể dựa vào chính mình. Điều đó có nghĩa là chấp nhận sự nghèo hèn hoàn toàn của chúng ta trước mặt Thiên Chúa, như tiên tri Xôphônia kêu gọi khi xưa: “Hỡi tất cả những ai nghèo hèn trong xứ sở, những kẻ thi hành mệnh lệnh của Chúa, anh em hãy tìm kiếm Ngài; hãy tìm sự công chính, hãy tìm đức khiêm nhường thì may ra anh em sẽ được che chở trong ngày thịnh nộ của Chúa” (Xp 2: 3).
Điều này trái ngược với các chuẩn mực văn hóa của chúng ta. Thế giới của chúng ta ngưỡng mộ sự tự lực và độc lập hoàn toàn. Xã hội con người nói với chúng ta rằng chúng sẽ được hạnh phúc khi không lệ thuộc bất cứ ai và làm sao để mọi thứ chúng ta cần đều có nơi chúng ta. Bằng kinh nghiệm, chúng ta thấy mình cần phải đủ khôn khéo, đủ thông minh để hoàn toàn tự lo cho cuộc sống của mình. Nhưng Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng chúng ta không phải như vậy. Chúng ta không đủ tốt lành, không đủ trí tuệ để thực sự hạnh phúc trọn vẹn. Chúng ta không hoàn toàn đủ sức mạnh để tự giữ được mãi sự sống của mình. Trên thực tế, chính chúng ta đang hủy hoại mình bằng nhiều cách. Nền văn hóa của chúng ta bảo chúng ta hãy nghĩ nhiều về bản thân và coi trọng bản thân mình. Bạn cần được nhìn nhận và đánh giá đúng con người của bạn! Tiêu chuẩn của Thiên Chúa khác hẳn: “Ta sẽ cho sót lại giữa ngươi một dân nghèo hèn và bé nhỏ; chúng sẽ tìm nương ẩn nơi danh Chúa” (Xp 3: 12-13). Chúa Giêsu nói đừng tự cao tự đại, đừng thu hút sự chú ý về mình và đừng tự phụ: “Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp” (Mt 5: 4), vì nơi mỗi người đều có những yếu đuối, khuynh hướng tội lỗi làm suy sụp tâm linh, không đáng ca ngợi.
Tinh thần khó nghèo là biết nhận ra và chấp nhận sự bất lực về tinh thần của chúng ta, vốn trái ngược với lòng tự hãnh và tự khen mình. Thánh Phaolô nói với chúng ta về sự khôn ngoan của thế gian và sự khôn ngoan của Thiên Chúa: “Thưa anh em, anh em thử nghĩ lại xem: khi anh em được Chúa kêu gọi, thì trong anh em đâu có mấy kẻ khôn ngoan trước mặt người đời, đâu có mấy người quyền thế, mấy người quý phái. Song những gì thế gian cho là điên dại, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ khôn ngoan, và những gì thế gian cho là yếu kém, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ hùng mạnh; những gì thế gian cho là hèn mạt không đáng kể, là không có, thì Thiên Chúa đã chọn để huỷ diệt những gì hiện có, hầu không một phàm nhân nào dám tự phụ trước mặt Ngài. Phần anh em, chính nhờ Thiên Chúa mà anh em được hiện hữu trong Chúa Kitô Giêsu, Đấng đã trở nên sự khôn ngoan của chúng ta, sự khôn ngoan phát xuất từ Thiên Chúa, Đấng đã làm cho anh em trở nên công chính, đã thánh hoá và cứu chuộc anh em, hợp như lời đã chép rằng: Ai tự hào thì hãy tự hào trong Chúa” (1 Cor 1: 26-31).
Thật là một điều đáng buồn khi thấy người ta ngày nay, nhất là các bạn trẻ bắt đầu vào đời, ra sức tìm cách chiếm hữu tất cả nhưng lại sống trong mệt mỏi và yếu nhược, bởi vì như thánh Gioan nói: “Mọi sự trong thế gian: như dục vọng của tính xác thịt, dục vọng của đôi mắt và thói cậy mình có của, tất cả những cái đó không phát xuất từ Chúa Cha, nhưng phát xuất từ thế gian; mà thế gian đang qua đi, cùng với dục vọng của nó” (1 Ga: 16-17). Thánh Gioan nói với họ: “Hỡi các bạn trẻ, tôi đã viết cho anh em: anh em là những người mạnh mẽ; lời Thiên Chúa ở lại trong anh em và anh em đã thắng ác thần… Anh em đừng yêu thế gian và những gì ở trong thế gian. Kẻ nào yêu thế gian thì nơi kẻ ấy không có lòng mến Chúa Cha” (1 Ga 2:14, 15, 17).
Những ai chọn Chúa Kitô là những người mạnh mẽ: họ được nuôi dưỡng bằng lời của Ngài và họ sẽ thắng những khuynh hướng gian ác! Họ có can đảm để bơi ngược dòng, có can đảm để được thực sự hạnh phúc: “Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng” (Mt 5: 6). Nói không với một lối sống hời hợt, phù du, và vứt bỏ, một nền văn hóa qui về cái tôi riêng mình, không có khả năng đảm nhận trách nhiệm chung và đối mặt với những thách thức to lớn của cuộc sống!
Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Chúa Giêsu mời gọi chúng ta, hãy lên đường theo Tám Mối Phúc Thật. Vấn đề không phải là làm những điều phi thường, mà là mỗi ngày đi theo con đường dẫn chúng ta đến thiên đàng, dẫn chúng ta đến với gia đình của chúng ta, dẫn chúng ta về nhà. Vì vậy, hôm nay chúng ta nhìn vào tương lai của mình và chúng ta vui mừng về những gì mà chúng ta được sinh ra vì chúng: chúng ta được sinh ra không phải để chết; chúng ta được sinh ra để hưởng hạnh phúc của Thiên Chúa! Thiên Chúa khích lệ chúng ta và nói với những ai đang bước đi trên con đường Tám Mối Phúc Thật: “Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao (Mt 5:12)” (Đức Thánh Cha Phanxicô, Kinh Truyền tin, ngày 01 tháng Mười một, năm 2018).
Phêrô Phạm Văn Trung.