Từ cuối 2010, Liên Hiệp Quốc đã khẳng định rằng đến năm 2015 thì sẽ có đến 95 % dân số trên địa cầu được sử dụng nước ngọt. Thực tế không hẳn là như vậy vì theo thẩm định của các chuyên gia, hiện tại hãy còn 1,1 tỷ người trên thế giới thiếu nước sạch. Còn căn cứ vào các số liệu được Diễn Đàn Quốc Tế về Nước cung cấp vào năm ngoái: hiện còn 4 tỷ người trên trái đất không có nước ngọt để dùng 24 giờ trên 24 và có tới 3 tỷ không có máy nước trong nhà.
Theo dự tính của Liên Hiệp Quốc thì đến năm 2020 nhu cầu về nước ngọt để phục vụ cho ngành công nghiệp sẽ tăng lên gấp đôi so với hiện tại; nhu cầu tiêu thụ của các hộ gia đình sẽ tăng thêm 130 % ; và 40 % trên tổng số 9 tỷ con người sẽ sống ở những vùng bị thiếu nước…
Thế còn tại Việt Nam thống kê chính thức cho thấy hiện tại 92 % dân cư đã có nước ở trong nhà. Tỷ lệ đó chỉ là 52 % vào đầu thập niên 1990. Tuy nhiên theo một tổ chức phi chính phủ của Nhật thì ở thành phố 59 % các hộ gia đình đã lắp máy nước trong nhà, 41% còn lại vẫn phải sử dụng nước giếng hoặc máy nước công cộng. Tại các làng quê Việt Nam, tỷ lệ nói trên rơi xuống còn 15 %. Điều đáng quan ngại hơn cả vẫn theo tổ chức này, thì không một nơi nào tại Việt Nam, nước ngọt được coi là bảo đảm chất lượng an toàn. Người dân ở đây phải lọc nước và đun sôi trước khi uống.
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới Turn Down the Heat vừa được công bố gần đây, nếu như nhiệt độ trái đất tăng thêm 4 ° C thì sẽ có từ 43 đến 50 % nhân loại phải sống ở những vùng khô cằn. Nước bẩn là nguyên nhân gây nhiều bệnh tất và là khiến có tới 4000 trẻ em tử vong mỗi ngày. Vẫn theo báo cáo nói trên, thiệt hại kinh tế do không có được hệ thống lọc nước an toàn có thể lên tới 7 % GDP của một quốc gia. (viet.rfi.fr)
Trong những nhu cầu căn bản, nước sạch có lẽ là hệ trọng bậc nhất. Vì nước nuôi sống, rửa sạch, điều hòa sinh thái. Tuy nhiên, còn có một loại nước quan trọng, cao siêu, cấp bách hơn nhiều: Nước Hằng Sống! Hôm nay, sau một buổi hăng say giảng dạy, mệt mỏi, rã rời, khát khô cổ họng, Đức Giêsu xin người phụ nữ Samari cho nước uống.
Khiêm hạ
Ngỏ lời xin nước từ ngưởi đàn bà Samari, xóa đi ranh giới bất thân thiện giữa dân Do Thái và Samari, bỏ qua kỳ thị nam nữ, Đức Giêsu chủ động bắt chuyện với người phụ nữ xa lạ. Vượt qua truyền thống xã hội thành kiến, cừu địch, hiềm khích, bước qua lịch sự, tế nhị về đời tư cá nhân, cũng không đếm xỉa đến bất đồng niềm tin, Đức Giêsu phá bỏ hết mọi rào cản, đố kỵ, chia rẽ, thành kiến, thân hành đến với con chiên bị đối xử khá phân biệt trong xã hội được coi như “toàn tòng.” Người từng giải thích sự dấn thân: “Con Ngưòi đến để cứu vớt, chứ không phải để huỷ diệt; Ta đến không phải kêu gọi người công chính, nhưng kêu gọi người tội lỗi” (Lc 5,32)
Chẳng phải tình cờ bên giếng Giacóp, mà Đức Giêsu gặp người phụ nữ Samari. Song le, chính Người cố tình tìm đến, chờ đợi và tìm gặp. Bất chấp những chướng ngại bao đời thiên hạ dựng nên, Đức Giêsu vẫn thẳng thắn gặp gỡ người phụ nữ này, chẳng hề nao núng, ngại ngùng, e sợ, hay bối rối. Người một mực tiếp tục khiêm tốn hạ mình, chỉ vì quá đỗi yêu thương loài người lam lũ, đói khát sự thật, sự công chính.
Hạ mình làm lữ khách lỡ bước độ đường, Người chủ động gần gũi, làm quen, chủ động xin nước, chủ động xin sự quan tâm, chủ động xin người ta thân thương nhìn đến, chia sẻ nước sạch. Không hề trịnh thượng ra lệnh, đòi hỏi hay bắt buộc phục vụ. Người tiếp tục xả kỷ vị tha cho đến khi trút hơi thở trên thập giá.
Đối thoại
Đức Giêsu không hề trách móc, cũng không kết án, chỉ nhắc chị phụ nữ nhìn lại tình trạng hôn nhân bất ổn định mà thôi, trắc nghiệm lòng thành thật của chị, để tha thứ và cứu rỗi. Với lòng khiêm nhường tận tụy, lòng khoan dung độ lượng, lòng từ bi nhân ái vô song, Đức Giêsu đã biến cuộc gặp gỡ vô tình thành hữu tình, có chủ đích rõ ràng, biến cuộc trò chuyện tưởng chừng vô bổ, thành cuộc đối thoại hữu ích.
Đối thoại trực tiếp, Đức Giêsu đã khéo léo dẫn dắt người phụ nữ đang còn đói khát tình yêu, đói khát hạnh phúc, vô vọng với tương lai mịt mờ, tìm thấy lối thoát cuộc đời. Nhận được nguồn mạch Nước Hằng Sống, vì ”Thầy là đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Chúa Cha mà không qua Thầy”(Ga 14,6).
Bây giờ, con chiên vẫn có thể tiếp tục đối thoại với Vị Mục Tử Nhân Lành qua cầu nguyện hằng ngày. “Cha nói thứ nhất là cầu nguyện,” không phải vô căn cứ. Chúa Giêsu đã bảo: “Maria đã chọn phần nhất,”ngồi dưới chân Chúa, nghe Lời Chúa, mến yêu Chúa. Maria đã được Thánh Thể, Thánh Kinh và Thánh Nguyện. (Đường Hy Vọng, số 129)
Cảm hóa
Từ thái độ dửng dưng, bất thân thiện, người phụ nữ Samari đã thay đổi hoàn toàn, thật ngoạn mục. Nàng gặp gỡ Đức Giêsu, thấm nhuần Lời Hằng Sống, đã biến đổi thành con chiên nhiệt thành, trở nên chứng nhân sống động, hăng say, khả tín và năng nổ, cuốn hút, chiêu mộ cả thành phố, đồng tâm gia nhập vào đoàn chiên duy nhất của Vị Mục Tử Nhân Lành.
Người phụ nữ để vò nước lại, vào thành và nói với người ta: ”Đến mà xem: có một người đã nói với tôi, tất cả những gì tôi đã làm. Ông ấy không phải là Đấng Kitô sao?” (Ga 4, 28-29)
Đông đảo dân thành Xykha tin vào Đức Giêsu, đều được chung hưởng Nước Hằng Sống, từ lời loan báo nóng hổi của chị phụ nữ Samari kia. Cuộc gặp gỡ kỳ diệu với Đức Giêsu đơm hoa kết trái thật bội thu. Người đã gieo hạt giống đức tin vào nơi sỏi đá khô cằn, thù nghịch, nhưng kết quả vượt quá mong đợi.
Đối với người Ki tô hữu, tin trước hết là chấp nhận, được cứu rỗi, được tha thứ, được yêu thương vô cùng. Chúa không phải là Đấng bắt con phải kính mến, nói đúng hơn, Chúa là Đấng mà con phải để cho Ngài yêu thương con vô hạn. (Đường Hy Vọng, số 288)
Lạy Chúa Giêsu, xin thức tỉnh chúng con rằng, Chúa đang chờ sẵn bên ngoài tâm hồn, đang muốn đi vào tận con tim, trí óc, thân xác chúng con, để tâm tình, khuyên nhủ, răn bảo, dạy dỗ, an ủi, chỉ bảo đường ngay nẻo chính, để hóa giải cơn khát tâm linh, biến hóa chúng con nên con chiên ngoan của đoàn chiên duy nhất của Người.
Lạy Mẹ Maria, xin giúp chúng con tìm đến nguồn mạch Nước Hằng Sống, để biến đổi, thánh hóa chúng con, cũng như cho chúng con biết chia sẻ và làm chứng với tha nhân về Nước Hằng Sống. Amen.
AM Trần Bình An