HẠT GIỐNG SẼ SINH HOA KẾT QUẢ THÀNH MÙA GẶT BỘI THU

Trong các chương trước bản văn Tin mừng này, thánh Mátthêu đã tập trung vào những người Pharisêu chống đối Chúa Giêsu và cho thấy họ đã tấn công Ngài như thế nào:

  • Hôm ấy, vào ngày sabát, Chúa Giêsu đi băng qua một cánh đồng lúa; các môn đệ thấy đói và bắt đầu bứt lúa ăn. Người Pharisêu thấy vậy, mới nói với Chúa Giêsu: “Ông coi, các môn đệ ông làm điều không được phép làm ngày sabát!” (Mt 12:1-2).
  • Người ta hỏi Chúa Giêsu rằng: “Có được phép chữa bệnh ngày sabát không? ” Họ hỏi thế là để tố cáo Ngài” (Mt 12:10).
  • Bấy giờ họ đem đến cho Chúa Giêsu một người bị quỷ ám vừa mù lại vừa câm. Ngài chữa anh ta, khiến anh nói và thấy được. Tất cả dân chúng đều sửng sốt và nói: “Ông này chẳng phải là Con vua Đavít sao? ” Nghe vậy, những người Pharisêu nói rằng: “Ông này trừ được quỷ chỉ là nhờ dựa thế quỷ vương Bêendêbun” (Mt 12:22-24).
  • Bấy giờ có mấy kinh sư và mấy người Pharisêu nói với Chúa Giêsu rằng: “Thưa Thầy, chúng tôi muốn thấy Thầy làm một dấu lạ.” Ngài đáp: “Thế hệ gian ác và ngoại tình này đòi dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ngôn sứ Giôna” (Mt 12: 38-39).

Những câu chuyện này đặt ra những câu hỏi về lý do tại sao mọi người lại phản ứng khác nhau như vậy trước lời mời gọi của Chúa Giêsu trở nên thành viên của Nước Trời.

  1. Kitô hữu cần phải là thửa đất tốt.

Hôm nay Chúa Giêsu cho biết lý do của những phản ứng khác nhau đó qua dụ ngôn người gieo giống trong bản văn Tin mừng của thánh Mátthêu. Chúa Giêsu biết rõ việc Ngài rao giảng Ơn Cứu Độ của Thiên Chúa sẽ giống như người gieo hạt giống “có những hạt rơi xuống vệ đường, chim chóc đến ăn mất. Có những hạt rơi trên nơi sỏi đá, chỗ đất không có nhiều; nó mọc ngay, vì đất không sâu; nhưng khi nắng lên, nó liền bị cháy, và vì thiếu rễ nên bị chết khô. Có những hạt rơi vào bụi gai, gai mọc lên làm nó chết nghẹt” (Mt 13: 4-7). Có thể đó là những người Pharisêu, và những người có suy nghĩ theo kiểu Pharisêu, luôn chống đối và tìm cách bắt bẻ Ngài, thậm chí “bàn bạc để tìm cách giết Chúa Giêsu” (Mt 12: 4). Nhưng “Dân chúng theo Ngài đông đảo… và muôn dân đặt niềm hy vọng nơi danh Ngài” (Mt 12: 15,21). Và hôm nay “Dân chúng tụ họp bên Ngài rất đông, nên Ngài phải xuống thuyền mà ngồi, còn tất cả dân chúng thì đứng trên bờ” (Mt 13: 2). Họ có thể là “những hạt rơi nhằm đất tốt, nên sinh hoa kết quả: hạt được gấp trăm, hạt được sáu chục, hạt được ba chục” (Mt 13: 8).

Các loại đất khác nhau mà hạt giống rơi xuống tượng trưng cho lời Chúa được tiếp nhận bằng những cách khác nhau. Mức độ đón nhận phụ thuộc vào loại đất, tức là tâm trí và cõi lòng, của từng cá nhân và hoàn cảnh cụ thể trong cuộc sống của người đó. Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng trong dụ ngôn hạt giống và người gieo giống, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta tạo lại “mảnh đất” của cõi lòng mình bằng cách mang đến cho Ngài những hòn đá và gai góc cần được chữa lành, bằng lời cầu nguyện và việc xưng tội. “Hôm nay Chúa Giêsu mời gọi chúng ta quay về cõi lòng của mình: tạ ơn vì mảnh đất tốt của chúng ta và làm việc trên mảnh đất chưa tốt.” [1] Nếu người gieo giống là Chúa Giêsu, đại diện cho Thiên Chúa, và hạt giống là Lời Thiên Chúa, thì dụ ngôn nói đến việc đón nhận lời Thiên Chúa. Con người chúng ta trở thành đất tốt hay sỏi đá gai góc tùy vào việc đón nhận lời Thiên Chúa, dẫn đến sự lựa chọn cung cách sống của mình; có lúc chúng ta không tiếp nhận lời Thiên Chúa bao nhiêu hoặc tiếp nhận lời Thiên Chúa tạm thời thôi: nghe lời Chúa nhưng rồi để Lời ấy tắt ngấm hoặc bị bóp nghẹt bởi việc mải mê tranh giành những lợi ích vật chất cho riêng mình.

  1. Kitô hữu cần phải là người gieo giống.

Hơn nữa, ở một cấp độ khác, chúng ta có thể là người gieo giống. Chẳng phải Chúa Giêsu đang nói với các môn đệ rằng trong vương quốc của Thiên Chúa, họ phải trờ nên chính Ngài đó sao? Từ cách nhìn này, chúng ta được mời gọi suy nghĩ về những gì chúng ta gieo vãi trong cuộc đời mình; những gì chúng ta nói và hành động tạo nên ảnh hưởng tốt hoặc xấu trên những người chung quanh: vợ chồng, con cái, bạn bè, đồng nghiệp, hàng xóm, họ đạo, giáo xứ…Chúa Giêsu cảnh báo rất rõ ràng, mạnh mẽ: “Nhưng ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin Thầy đây phải sa ngã, thì thà treo cối đá lớn vào cổ nó mà xô cho chìm xuống đáy biển còn hơn” (Mt 18:6). Sống trong thế giới, vàng thau lẫn lộn, gương tốt thì ít và gương xấu lại quá nhiều. Ngày nay, phương tiện truyền thông là con dao hai lưỡi khiến những gương mù gương xấu dễ tràn lan và đầu độc con người, đặc biệt là giới trẻ. Nhưng cái xấu xem ra hấp dẫn hơn, mạnh mẽ hơn và dễ bắt chước hơn. Trái lại, “Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm mà tôn vinh cha của anh em” (Mt 5:16). Bổn phận của Kitô hữu, người gieo giống, là để cho ánh sáng ở nơi họ chiếu ra ngoài, trở nên “dấu chỉ” về sự hiện diện của Thiên Chúa giữa con người.

  1. Kitô hữu cần phải là hạt giống Lời Chúa.

Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể là hạt giống, là cách nhận thức và hành động đích thực theo Lời Chúa, được Thiên Chúa gieo vào những hoàn cảnh khác nhau. Chúng ta đối mặt với thất bại vào lúc này, nhưng lại tìm thấy mảnh đất màu mỡ vào những lúc khác. Dù giải thích dụ ngôn này như thế nào, thì câu chuyện vẫn chứa đựng những bài học cần rút ra: đừng nản lòng; hãy đón nhận thử thách; quyết định cẩn thận cần phải gieo những gì; không ngừng gieo hạt giống Lời Chúa! Thánh Phaolô khích lệ anh Timôthê: “Tôi tha thiết khuyên anh: hãy rao giảng lời Chúa, hãy lên tiếng, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện; hãy biện bác, ngăm đe, khuyên nhủ, với tất cả lòng nhẫn nại và chủ tâm dạy dỗ. Thật vậy, sẽ đến thời người ta không còn chịu nghe giáo lý lành mạnh, nhưng theo những dục vọng của mình mà kiếm hết thầy này đến thầy nọ, bởi ngứa tai muốn nghe. Họ sẽ ngoảnh tai đi không nghe chân lý, nhưng hướng về những chuyện hoang đường” (2 Tm 4: 2).

Dụ ngôn người gieo giống là một lời mời gọi: hãy hy vọng. Câu chuyện dụ ngôn mang lại hy vọng và sự khích lệ, trong đó người gieo giống cuối cùng cũng đã thành công trong việc tạo ra một vụ mùa bội thu từ những hạt rơi trên “đất tốt”.

Ngày nay thế giới đang thay đổi nhanh chóng hơn nhiều so với những gì con người thời Chúa Giêsu đã có thể tưởng tượng. Chúng ta phải tìm ra những giải pháp sáng tạo và mới mẻ cho những thách thức của thời đại chúng ta. Truyền thống thôi chưa đủ, chúng ta phải sống với sự sáng tạo. Chúng ta đang sống trong một xã hội tục hóa hơn bao giờ hết và các phương pháp truyền thống để chia sẻ những câu chuyện về Chúa Giêsu, tức là việc truyền bá Tin mừng, kém hiệu quả hơn. Điều này không có nghĩa là những gì chúng ta gieo vãi không có giá trị nhưng cung cách chia sẻ phải sử dụng vốn hiểu biết về Kinh Thánh tốt nhất cùng với óc sáng tạo và sự bạo dạn. Dụ ngôn này thách thức chúng ta bước vào những cách sống mới với Thiên Chúa. Mặc dù có một số người thờ ơ, phản đối, dẫn đến thất bại, thông điệp của Chúa Giêsu về vương quốc sắp đến sẽ thành công rực rỡ. Khi nào điều này xảy ra có lẽ không phải là việc của chúng ta, nhưng là của Thiên Chúa, như tiên tri Isaia công bố trong bài đọc thứ nhất: “Cũng như mưa với tuyết sa xuống từ trời không trở về trời nếu chưa thấm xuống đất, chưa làm cho đất phì nhiêu và đâm chồi nẩy lộc, cho kẻ gieo có hạt giống, cho người đói có bánh ăn, thì lời Ta cũng vậy, một khi xuất phát từ miệng Ta, sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả, chưa thực hiện ý muốn của Ta, chưa chu toàn sứ mạng Ta giao phó” (Isaia 55:10-11), và Thánh Phaolô nói trong bài đọc thứ hai: “Chúng ta đã lãnh nhận Thần Khí như ân huệ mở đầu, nhưng còn trông đợi Thiên Chúa ban cho trọn quyền làm con, nghĩa là cứu chuộc thân xác chúng ta nữa. Quả thế, chúng ta đã được cứu độ, nhưng vẫn còn phải trông mong” (Rm 8:23-24).

  1. Lý do Chúa Giêsu giảng dạy bằng dụ ngôn.

Các môn đệ hỏi Chúa Giêsu tại sao Ngài dạy bằng dụ ngôn. Ngài trả lời rằng những ai sẵn sàng lắng nghe lời dạy của Ngài sẽ hiểu ra ý nghĩa của dụ ngôn. Những người đó sẽ gia tăng hiểu biết, còn những ai không lắng nghe, ngay cả kiến ​​thức ít ỏi mà họ có cũng sẽ bị lấy đi: “Anh em thì được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không. Ai đã có thì được cho thêm, và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy mất. Bởi thế, nếu Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ, là vì họ nhìn mà không nhìn, nghe mà không nghe không hiểu” (Mt 13: 11-3).

Chúa Giêsu dùng dụ ngôn để phân biệt những người tiếp nhận sứ điệp của Ngài với những người ương ngạnh: “Lòng dân này đã ra chai đá: chúng đã bịt tai nhắm mắt, kẻo mắt chúng thấy, tai chúng nghe, và lòng hiểu được mà hoán cải, và rồi Ta sẽ chữa chúng cho lành” (Mt 13: 15). Dụ ngôn cần nỗ lực để giải mã. Dụ ngôn cho thấy cõi lòng của một người là sỏi đá hay đất màu mỡ.

Để hiểu và sống theo những ý nghĩa ẩn kín trong những dụ ngôn của Chúa Giêsu, chúng ta cần có ơn ban của Thiên Chúa. Chúng ta càng sử dụng ơn ban ấy một cách xứng đáng, chúng ta càng trở nên mạnh mẽ hơn. Đức tin, sự hiểu biết, sự khôn ngoan, lời cầu nguyện; tất cả đều đòi hỏi nỗ lực từ phía chúng ta nếu chúng ta muốn lớn lên trong mối tương giao với Thiên Chúa. Đối với những người nỗ lực tìm kiếm Chúa, họ sẽ hiểu biết nhiều hơn về Ngài, và do đó, về chính mình, về con người và về thế giới. Tôi có sẵn sàng nỗ lực để xây dựng mối tương giao của tôi với Chúa không? Tôi sẽ dành thời gian để cầu nguyện và đọc Kinh Thánh chứ? Tôi có để cho “nỗi lo lắng sự đời, và bả vinh hoa phú quý bóp nghẹt, khiến Lời không sinh hoa kết quả gì” (Mt 13:22) không?

Phêrô Phạm Văn Trung.

[1] Bài giảng Chúa nhật, ngày 16 tháng 7 năm 2017.

 

 

Chia sẻ Bài này:

Related posts