Hãy can đảm giữ niềm hy vọng

Bài Tin Mừng hôm nay có đến ba lần Chúa khuyên “đừng sợ”:

– Đừng sợ người ta (Mt 10, 26).

– Đừng sợ kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn (Mt 10, 28).

– Đừng sợ, anh em thật quý giá… (Mt 10, 31).

Giả thiết của thái độ không biết sợ là một tinh thần thép, một tâm hồn quật cường không chút suy suyễn, không chút nao núng, không chút e dè trước bất cứ tấn công nào dù đe dọa nhất, nguy hiểm nhất, thậm chí ảnh hưởng trên toàn bộ đời sống, ảnh hưởng trực tiếp trên chính sự sống của mình.

Dù biết trước chính mình sẽ bị bắt, bị áp bức, bị sỉ nhục, bị đánh đập dã man, bị vác thập giá, bị đội mão gai, cuối cùng bị đóng đinh trên thập giá cho đến chết, Chúa Giêsu vẫn can đảm đi đến cùng con đường tử nạn, chỉ một lòng vâng phục thánh ý Thiên Chúa để mang ơn cứu độ cho trần gian.

Đặc biệt, trước khi lịm tắt, Chúa thấy gì xung quanh thập giá? Đó là những con người đằng đằng sát khí, những kẻ chiến thắng vì đã loại trừ Giêsu, những khuôn mặt người nhưng trái tim hoàn toàn vô cảm, vô cảm đến tàn độc, những thái độ hả hê cho thấy lòng chất chứa đầy sự ác, sự dữ. Họ đã giết Giêsu rồi mà vẫn chưa buông tha, vẫn còn mở miệng thốt lên lời sỉ vả, thách thức: “Nó xuống khỏi thập giá đi”. Ngay cả môn đệ thân thiết cũng bỏ chạy…

Nhưng chính giây phút tưởng như tuyệt vọng đó, Chúa Giêsu kêu lên “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm” và “Lạy Cha, con phó thác sự sống con trong tay Cha”.

Đó là tiếng kêu của hy vọng, cậy trông, phó thác, dù đang bị vây bọc bởi đau đớn, tuyệt vọng.

Chỉ có tin tưởng mãnh liệt vào sự chiến thắng tối hậu của tình yêu mới làm cho người ta dám tha thứ cho những kẻ giết chết mình.

Chỉ có tình yêu mãnh liệt cùng lúc tin tưởng mãnh liệt vào Thiên Chúa, Đấng ban tặng sức mạnh mới có thể phó thác trọn vẹn nơi Thiên Chúa trong giờ phút kinh hoàng.

Đau khổ, bị bách hại, sự chết, phải hy sinh thân mình…, toàn là những thứ gây bất an, làm nát tan thân xác, thậm chí khủng bố và đày đọa tinh thần, ai mà không sợ.

Chúa Giêsu, dù vẫn một lòng tuân phục thánh ý Chúa Cha, cũng từng cầu xin cho khỏi uống chén đắng.

Nhưng Chúa vẫn nêu gương cho chúng ta về tình yêu dành cho Thiên Chúa. Chính trong tình yêu, Người dám đi đến cùng của thập giá cứu độ.

Cũng vậy, để sống lời mời gọi “đừng sợ” của Chúa Giêsu, chúng ta cần bước theo Chúa, mang lấy chính tình yêu của Chúa dành cho Chúa Cha, nhờ đó, ta dám đặt hy vọng, sự cậy trông và niềm phó thác của mình vào Thiên Chúa, để chính hy vọng, cậy trông, sự phó thác trở thành sức mạnh giúp ta vượt lên trên tất cả sợ hãi mà sống chết cho Thiên Chúa, cho đức tin, quyết không xa lìa Chúa, không vương vấn tội lỗi, không tìm an thân mà quên lề luật Chúa.

Chính vì thế, đến muôn đời, thập giá của Chúa Kitô trở thành nguồn hy vọng của chúng ta trong mọi hoàn cảnh của đời sống, giúp ta mạnh mẽ mà tuyên xưng lòng tin của mình, nhằm chiến thắng sợ hãi.

Và lịch sử Hội Thánh chứng minh, trùng trùng lớp lớp thế hệ tử đạo, bất chấp sợ hãi, nhìn lên thập giá của Chúa Kitô để múc lấy nguồn hy vọng.

Chính các ngài thay cho đám đông hò la lên án trên đồi Tử nạn hôm ấy, đã, đang và sẽ hát lên đến ngàn đời: “Vinh quang của ta là thập giá Đức Kitô, nơi Ngài, ơn cứu độ của ta, sức sống của ta, phục sinh của ta”.

Tự hào là Kitô hữu, thừa kế kho tàng đức tin của mọi thế hệ tử đạo, bạn và tôi phải sống đức tin trung kiên như lời Chúa dạy: “Anh em đừng sợ”.

Cái “đừng sợ” của chúng ta hôm nay là ý thức đức tin từ những việc làm hết sức nhỏ nhặt hằng ngày.

Ví dụ làm dấu thánh giá trang nghiêm. Thử đặt một vấn đề thật nhỏ: mỗi khi vào tiệm ăn, mình có dám tuyên xưng đức tin bằng dấu thánh giá trước khi bưng tô phở hay dĩa cơm không? Từ việc xem ra nhỏ nhặt, lại là hành động tuyên xưng đức tin quí giá!

Sao có những việc lớn lao ta làm được, còn những việc nhỏ bé như thế lại không thể? Bao hàm trong cái không thể đó, là sự sợ hãi: sợ người khác thấy, sợ người khác biết mình có đạo, sợ bị chê cười… Những cái sợ không đáng sợ lại là thực tế của người Công giáo hôm nay.

Ngày xưa tuyên xưng đức tin như thế, các thánh Tử Đạo đã trả bằng giá máu, nhưng các ngài vẫn kiên tâm, không sợ những kẻ giết được thân xác mà không giết được linh hồn. Ngày nay mạng sống không dễ bị tước đoạt, ta lại không giữ nổi những điều căn bản nhất mà cha ông đã làm?

Ví dụ về dấu Thánh giá chỉ là đại diện cho biết bao nhiêu lời nói, việc làm, suy tư, hình thức biểu lộ đức tin của từng người Công giáo hôm nay.

Chọn đức tin làm lẽ sống và chọn Chúa Kitô làm gia nghiệp đời mình. Đó là chọn lựa quan trọng và cần thiết. Giữa bao nhiêu cạm bẫy và cám dỗ trong đời, ta sẽ dễ mất phương hướng, nghi nan, chao đảo, có khi còn mất cả đức tin, nếu mình không có một chọn lựa dứt khoát đứng về phía đức tin chẳng những để bảo vệ mình khỏi ngã nhào mà còn đứng vững trong đức tin của mình.

Lm JB NGUYỄN MINH HÙNG

Chia sẻ Bài này:

Related posts