Nền tảng vững bền cho các mối tương quan.
Có lẽ chưa bao giờ chúng ta nghe nói hoặc gặp cha mẹ nào, kể cả chúng ta, chọn đoạn văn này của thánh Mátthêu cho con mình khi đưa con đến nhà thờ lãnh bí tích Thánh tẩy, bắt đầu cuộc sống theo Chúa Giêsu, bởi vì đoạn văn này thật khó nghe đối với các bậc cha mẹ: “Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy” (Mt 10: 37). Có cha mẹ nào lại nói, thậm chí dạy con cái mình như vậy không? Dạy con cái yêu thương cha mẹ còn chưa thấy đâu, ai đời lại bảo chúng hãy yêu “người khác” hơn yêu cha mẹ mình! Ngược lại, cha mẹ nào thực sự là cha mẹ, mà lại không “nước mắt chảy xuôi” yêu thương con cái mình cơ chứ? Thế mà “Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy!” Nếu không phải ngược đời thì hẳn những ý nghĩ như thế này quả là lạ lùng?
Quả vậy, đây là những lời giảng dạy vừa ngược đời vừa lạ lùng của Chúa Giêsu. Ngược đời nhưng không hề ngược ngạo; lạ lùng nhưng không hề trái lẽ. Bởi vì Chúa Giêsu đã từng phản ứng mạnh mẽ với những người Pharisêu khi họ trách khéo Ngài: “Sao môn đệ ông vi phạm truyền thống của tiền nhân, không chịu rửa tay khi dùng bữa? Ngài trả lời:“Còn các ông, tại sao các ông dựa vào truyền thống của các ông mà vi phạm điều răn của Thiên Chúa? Quả thế, Thiên Chúa dạy: Ngươi hãy thờ cha kính mẹ; kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử. Còn các ông, các ông lại bảo: “Ai nói với cha với mẹ rằng: những gì con có để giúp cha mẹ, đều là lễ phẩm dâng cho Chúa rồi, thì người ấy không phải thờ cha kính mẹ nữa” (Mt 15: 2-6). Chúa Giêsu không chỉ nói mà còn hành động cụ thể cho thấy Ngài tuân giữ điều răn thứ bốn trong Mười Điều Răn: “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, để được sống lâu trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi” (Xh 20: 12) mà Thiên Chúa đã ghi khắc vào bia đá trao cho Môsê, và vẫn còn được giữ gìn cách cung kính nơi cực thánh của đền thờ Giêrusalem vào thời của Ngài: “Sau đó, Ngài đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Nadarét và hằng vâng phục các ngài” (Lc 2: 51). Chúa Giêsu còn làm dấu lạ chữa khỏi bệnh cho bà mẹ vợ ông Phêrô: “Chúa Giêsu đến nhà ông Phêrô, thấy bà mẹ vợ ông đang nằm liệt và lên cơn sốt. Ngài đụng vào tay bà, cơn sốt dứt ngay” (Mt 8: 14-5). Chắc chắn gia đình là điều rất quan trọng cho dân Do thai thời Chúa Giêsu: chính dân tộc này được coi là “con” Thiên Chúa, thừa kế những lời hứa của Chúa và những nguời thuộc về dân này được coi là “anh em” với nhau.
Nhưng những lời của Chúa Giêsu mà chúng ta nghe hôm nay cho thấy cách nhìn của Ngài rất sâu xa, vượt ra khỏi cách nhìn nhận và cách sống thường tình của phàm nhân chúng ta, vốn bó hẹp vào cái tôi, vợ chồng, cha mẹ, con cái, anh chị em, họ hàng, dân tộc, quốc gia…của mình. Những mối tương quan này rất thiết thân và quan trọng đối với mỗi người được sinh ra ở đời, nhưng rồi ra không sớm thì muộn ai cũng nhận ra rằng chúng không phải luôn luôn vững chắc, đáng được coi là tiêu chuẩn tuyệt đối làm nền tảng mãi mãi cho cuộc hiện sinh của mỗi hữu thể con người. Dù ở lứa tuổi nào, một ngày kia, người ta cũng sẽ đi đến điểm kết thúc của đời mình là cái chết. Sự sống hằng ngày và tương lai của con người không quá chắc chắc như người ta vẫn tưởng, trong một thế giới, xưa cũng như nay, có rất nhiều tai ương và nguy cơ rình rập bất ngờ ập tới. Vì “Trời đất sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu” (Mt 24: 35). Vậy đâu mới là nền tảng vững bền mãi mãi cho các mối tương quan trong cuộc hiện tồn của mỗi người chúng ta? Hãy lặng nghe lời Chúa Giêsu: “Ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi” (Mt 12: 50). Chúa Giêsu cho thấy một điều hoàn toàn mới mẻ: bất cứ ai cũng có thể cảm nhận mình thuộc về gia đình này, nếu người đó nỗ lực tìm hiểu ý muốn của Cha, Đấng ngự trên trời, và thi hành ý muốn ấy. Bất cứ ai: lớn hoặc bé, đàn ông hay phụ nữ, khỏe mạnh hay bệnh tật, thuộc mọi văn hóa và vị trí xã hội, nếu thực thi ý muốn của Thiên Chúa: mến yêu Chúa và mến yêu mọi người như anh chị em, thì Chúa Giêsu nhìn nhận người ấy là người nhà: anh chị em của Ngài.
Phải biết cách từ bỏ để đi theo Chúa Giêsu.
Sự hiện diện của Chúa Giêsu trong đời sống của những môn đệ Ngài là điều sẽ khiến cha mẹ, anh chị em của họ, nếu không tin nhận Chúa Kitô, chống lại họ, vì Ngài đòi hỏi lòng trung thành tột bậc. Trong nhiều gia đình, những người đến với Chúa Giêsu và sống theo lời Ngài sẽ bị phản đối bởi những thành viên gia đình không tin theo Ngài. Chúng ta, môn đệ của Chúa Kitô, yêu thương mọi người trong gia đình của mình. Nhưng tình yêu của chúng ta dành cho Chúa Kitô phải là nền tảng và lớn lao hơn nhiều so với tình yêu của chúng ta dành cho những người thân trong gia đình mình, nếu không chúng ta không xứng đáng với Chúa Kitô: “Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy” (Mt 10: 37). Khi sự chia rẽ như thế xảy ra, người tự xưng là môn đệ có thể bị cám dỗ giảm nhẹ sự cam kết với Chúa Giêsu. Tuy nhiên, sự thỏa hiệp như vậy không phải là một lựa chọn tốt lành, vì Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ của Ngài yêu mến Ngài trên hết, thậm chí còn hơn cả những người thân thiết nhất của họ. Nếu không, họ đã đánh mất sự sống vĩnh cửu của mình: “Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được” (Mt 10: 39).
Mặc dù con cái được kêu gọi tôn kính cha mẹ, nhưng họ cũng được kêu gọi trung thành với Chúa Giêsu Kitô. Giờ đây, một môn đệ của Chúa Kitô hoàn thành các bổn phận trần thế, kể cả tôn kính cha mẹ, vì vâng lời Chúa Kitô, chứ không phải vì lý do nào khác ngoài sự vâng lời Chúa Kitô. Khi những hướng dẫn và ý kiến của cha mẹ mâu thuẫn với mệnh lệnh và sự khôn ngoan của Chúa Giêsu, thì lòng trung thành với Chúa Giêsu luôn chiếm vị trí ưu tiên nơi người môn đệ chân chính, ngay cả khi lòng trung thành đó gây ra sự chia rẽ và xung đột giữa các thành viên trong gia đình.
Tuy nhiên, cũng cần nhớ là khi Chúa Giêsu nói: “Anh em đừng tưởng Thầy đến đem bình an cho trái đất; Thầy đến không phải để đem bình an, nhưng để đem gươm giáo. Quả vậy, Thầy đến để gây chia rẽ giữa con trai với cha, giữa con gái với mẹ, giữa con dâu với mẹ chồng. Kẻ thù của mình chính là người nhà” (Mt 10: 34-36), Ngài như muốn nói rằng người không tin Ngài mới là người sẽ chống lại người tin Ngài, chứ không phải ngược lại. Môn đệ của Đấng Kitô là những người “có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại” (Cl 3: 12). Chắc chắn lòng trung thành với Chúa Giêsu sẽ không làm cho người môn đệ của Ngài “chống lại” những người thù ghét họ vì Danh Chúa Kitô. Thánh Phaolô nói: “Đừng lấy ác báo ác, hãy chú tâm vào những điều mọi người cho là tốt. Hãy làm tất cả những gì anh em có thể làm được, để sống hoà thuận với mọi người…Đừng để cho sự ác thắng được mình, nhưng hãy lấy thiện mà thắng ác” (Rm 12:18- 21).
Trên thực tế, điều này có nghĩa là nếu bạn đang sống dưới mái nhà của cha mẹ và họ hướng dẫn bạn những điều trái ngược với Lời của Chúa Kitô trong Kinh thánh, thì bạn phải vâng lời Chúa Kitô hơn cha mẹ mình. Vâng lời Chúa Kitô không có nghĩa là bạn bất kính với cha mẹ mình, hay nặng lời hoặc tìm cách gây sự với họ. Nhưng điều đó có nghĩa là bạn sẽ vâng lời và noi theo Chúa Kitô, ngay cả khi việc theo Chúa Kitô mâu thuẫn với kỳ vọng, ý kiến và lời khuyên của cha mẹ bạn. “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm” (Cv 5:29).
Thực vậy, Chúa Giêsu không thúc ép ai phải xa cha bỏ mẹ, nhưng Ngài đặt vấn đề về tình yêu. Ngài cũng không bảo chúng ta ghét những người thân yêu của chúng ta. Và nếu thiếu tình yêu có thể là nguồn gốc của những tổn thương, thì tình yêu cũng có thể trở nên ngột ngạt, thậm chí độc hại, khi nó trở nên chiếm hữu độc tôn và khi người “được yêu” chỉ sống dưới sự kiểm soát của người khác. Dĩ nhiên Chúa Giêsu không yêu cầu chúng ta cắt đứt mối liên hệ với những người thân yêu của mình. Không phải thế, Ngài mời gọi yêu thương mọi người, thậm chí Ngài mời gọi chúng ta yêu kẻ thù của mình. Nhưng không phải với một tình yêu vẫn còn chứa đầy bản năng ích kỷ, vốn rất dễ trở thành vật cản cho một tình yêu rộng lớn hơn. Đó chính là thứ tình yêu φιλια – philia – ưa thích – như những người Pharisêu “Họ ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là “rápbi” (Mt 23: 5-7), thể hiện mình hay thậm chí như Giuđa hôn Chúa Giêsu lúc nộp Ngài. Tình yêu mà Chúa Giêsu mời gọi chúng ta là ἀγάπε – agape – bác ái vị tha, là tình yêu vô vị lợi của người Kitô hữu, tình yêu đặc trưng cho tình yêu của Thiên Chúa dành cho loài người trần thế.
Một chén nước lã cho kẻ bé nhỏ làm nên môn đệ của Chúa Giêsu.
Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy xác định và chọn lựa mối tương quan đích thực, mối tương quan mang lại sự sống, sự giải thoát, không bị bất cứ sự ràng buộc nào, để bước đi theo Ngài trong một tình yêu bao la như “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4: 16). Tình yêu thương này được biểu lộ rỏ ràng khi người môn đệ Chúa Giêsu quan tâm giúp đỡ những người yếu đuối nhất, là những người cần đến tình yêu thương đó hơn những người khác: “Ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ một chén nước lã thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu” (Mt 10: 42). Đó là phần thưởng dành cho tình thương vị tha mà Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa Tình Yêu, mong chờ các môn đệ của Ngài thực hiện, điều mà từ lâu các kinh sư, biệt phái, thậm chí các tư tế Do thái giáo, và cả chúng ta ngày nay, vẫn quên bẵng trong đời sống tưởng chừng đã đủ đạo hạnh của mình, vì: “Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy” (Mt 10: 40). Hy vọng rằng chúng ta vượt ra khỏi lối mòn suy nghĩ của Phêrô và các tông đồ thuộc nhóm mười hai: “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy. Vậy chúng con sẽ được gì?” (Mt 19: 27) và rằng hành động của chúng ta không bị điều khiển bởi bất cứ phần thưởng nào, ngoài lời khẳng định của Chúa Giêsu: “Phàm ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái hay ruộng đất, vì danh Thầy, thì sẽ được gấp bội và còn được sự sống vĩnh cửu làm gia nghiệp” (Mt 19: 28-29).
Chúng ta hãy xin như Thánh Inhaxiô: “Lạy Chúa, xin nhận lấy trọn cả tự do, trí nhớ, trí hiểu, và trọn cả ý muốn của con, cùng hết thảy những gì con có, và những gì thuộc về con. Mọi sự ấy, Chúa đã ban cho con, lạy Chúa, nay con xin dâng lại cho Chúa. Tất cả là của Chúa, xin Chúa sử dụng hoàn toàn theo ý Chúa. Chỉ xin ban cho con lòng mến Chúa và ân sủng. Ðược như thế, con hoàn toàn mãn nguyện. Amen.”
Phêrô Phạm Văn Trung.