Hồng ân Thánh thể

Từ ngày tổ tông loài người sa ngã phạm tội, tương quan tốt đẹp giữa con người với Thiên Chúa bị cắt đứt hoàn toàn, loài người phải xa lìa Thiên Chúa và phải mang án phạt đời đời.

Tuy nhiên, Thiên Chúa không đành để cho loài người phải đắm chìm trong đau khổ và sự chết do tội lỗi gây ra, nên đã tìm cách cứu vớt loài người khỏi vòng oan nghiệt đó.

Thế là Thiên Chúa lập nên một phương thế thần diệu để cứu độ con người. Phương thế này là Bí tích Thánh thể. Qua Bí tích cực trọng này, Thiên Chúa nhắm đến ba mục tiêu quan trọng sau đây:

  1. Xóa bỏ tội lỗi con người.   
  2. Kết hợp nên một với con người và ở với họ mọi ngày cho đến tận thế.
  3. Thông ban Sự Sống viên mãn của Thiên Chúa cho loài người.

Đây là ba hồng ân vô cùng cao quý, trỗi vượt trên mọi hồng ân khác.

Vậy thì Bí Tích Thánh Thể là gì mà có thể mang lại hiệu quả tuyệt vời đến thế?

Có thể trả lời vắn gọn như sau: Bí Tích Thánh Thể, thường được gọi là Thánh Lễ, là việc Chúa Giê-su hiến dâng thân mình trên thập giá trên đồi Can-vê cách đây 2.000 năm và còn đang tiếp diễn qua các thời đại cho đến ngày tận thế (GLHTCG 1323,1366).

Nói khác đi, việc Chúa Giê-su dâng mình trên thập giá trên đồi Can-vê năm xưa và Thánh lễ hôm nay chỉ là một (GLHTCG 1367).

 

  1. Nhờ Thánh Lễ, Chúa Giê-su xóa bỏ tội lỗi và án phạt do tội gây ra.

Luật Chúa đã truyền: “Hậu quả của tội là sự chết[1]” (Rm 6,23). Chiếu theo luật nầy, kẻ nào phạm tội thì người đó phải chết, trừ phi có ai chết thay cho họ. Thế là Ngôi Hai Thiên Chúa tình nguyện làm Đấng chết thay.

Khi dâng mình làm lễ tế trên đồi Can-vê hôm xưa, cũng là khi dâng mình trong Thánh lễ hôm nay, Chúa Giê-su chịu đền tội và chịu chết thay cho người tội lỗi để họ được ơn tha thứ và thoát khỏi án phạt đời đời (GLHTCG 1365, 1366, 1367).

  1. Nhờ Thánh lễ, Chúa Giê-su cho ta được kết hợp nên một với Ngài và ở lại với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế.

Làm thế nào để cho con người  được nên một với Chúa Giê-su?

Chúa Giê-su có một sáng kiến tuyệt vời: Ngài hiện diện dưới hình tấm bánh, dưới hình rượu để cho chúng ta được ăn Ngài, được uống Ngài. Và một khi đã ăn Chúa Giê-su, chúng ta được nên cùng máu thịt, cùng một thân mình với Chúa như lời Ngài phán: “Ai ăn thịt và uống máu Tôi, thì ở lại trong Tôi, và Tôi ở lại trong người ấy” (Ga 6, 56).

Thiên Chúa như đại dương bao la. Còn chúng ta  như vũng nước nhỏ bên bờ đại dương.  Khi ta rước Chúa vào lòng, ngăn cách giữa ta với Chúa không còn nữa: Ta được tan hòa vào Chúa như ao nước nhỏ tan hòa vào đại dương, nên một với đại dương, được nước đại dương làm cho trong lành. 

  1. Nhờ Thánh lễ, Chúa Giê-su ban sự sống của Ngài cho ta.

Muốn cho cành nho rừng tiếp nhận được sự sống của cây nho vườn, thì nó phải được tháp nối nên một với cây nho vườn.

Muốn cho một bàn tay bị cắt lìa thân được tiếp nhận sự sống từ thân thể thì bàn tay đó phải được ghép nối vào thân thể, trở nên một với thân thể.

Vậy muốn cho loài người tiếp nhận được Sự Sống của Chúa Giê-su thì phải làm cho họ nên một với Chúa Giê-su.

Khi rước Mình Máu Chúa Giê-su, chúng ta được kết hợp mật thiết với Chúa Giê-su, như bàn tay nối liền cơ thể. Nhờ đó, Sự Sống đời đời của Thiên Chúa nơi Chúa Giê-su sẽ được thông ban cho ta, tựa như sự sống của thân mình chuyển thông cho bàn tay.                  Nhờ đó, chúng ta được mang lấy Sự Sống đời đời của Thiên Chúa nơi thân mình chúng ta, như lời Chúa Giê-su xác nhận: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời” (Ga 6,54)

Như thế, khi hiệp dâng Thánh lễ sốt sắng và trọn vẹn, chúng ta được hưởng cùng một lúc ba hồng ân vô giá:

– Được xóa bỏ tội lỗi;

– Được kết hợp nên một với Chúa Giê-su

– Và được tiếp nhận Sự Sống đời đời do Chúa thông ban.

Lạy Chúa Giê-su,

Chúa phải trả giá rất đắt, trả giá bằng cả cuộc đời và sinh mạng của Chúa để đem lại cho chúng con những ân huệ quá đỗi tuyệt vời này. Lẽ nào chúng con lại ngoảnh mặt quay lưng hay tỏ ra thờ ơ hững hờ với những hồng ân cao vời như thế?

Xin cho chúng con sớm nhận ra hồng ân vô giá nầy để ngày ngày siêng năng tham dự Thánh lễ để tận hưởng những ân huệ lớn lao.

 

Linh mục Inhaxiô Trần Ngà

[1] Ê-dê-ki-ên 18,20. Rm 5,12. Rm 6,23. Giacôbê 1,15

Chia sẻ Bài này:

Related posts