KHIÊM HẠ VÀ KIÊN TRÌ TRONG NIỀM CẬY TIN

  1. Bối cảnh của trình thuật

Tia và Xiđôn là những thành phố trên bờ biển Địa Trung Hải, thuộc Liban ngày nay. Xiđôn nằm cách Tyrô 36km về hướng Bắc, có độ tuổi khoảng 4000 năm trước Công nguyên, được đặt theo tên của Xiđôn, con trai của Canaan; Canaan là con trai của Kham, một trong ba người con trai của Noê; Nôê là người đã đóng một chiếc tàu khổng lồ cứu muôn loài khỏi trận đại hồng thủy: “Các con trai ông Nôê ra khỏi tàu là: Sêm, Kham và Giaphét; ông Kham là cha của ông Canaan…Ông Kham, cha ông Canaan, thấy chỗ kín của cha mình và báo cho hai anh ở ngoài biết…Ông Sêm và ông Giaphét lấy cái áo choàng, cả hai đặt áo lên vai mình, rồi đi giật lùi mà che chỗ kín của cha. Mặt họ quay về phía sau, nên họ không trông thấy chỗ kín của cha. Khi tỉnh rượu, ông Nôê hay biết điều mà đứa con nhỏ nhất của ông đã làm đối với ông; ông liền nói: “Canaan đáng bị nguyền rủa! Nó phải là đầy tớ các đầy tớ của các anh em nó!” Rồi ông nói:”Chúc tụng Chúa, là Thiên Chúa của Sêm; Canaan phải là đầy tớ nó! Xin Thiên Chúa mở rộng Giaphét, nó hãy ở trong lều của Sêm, và Canaan phải là đầy tớ nó!” (Stk 8: 18-27)). Đối với người Do Thái vào thời Chúa Giêsu, Xiđôn đồng nghĩa với sự gian ác. Còn Tia được xây dựng bởi những người ban đầu đến từ thành phố Xiđôn với nhiệm vụ thiết lập một bến cảng mới, cho nên được coi là thành phố chị em của Xiđôn. Những thành phố này chưa bao giờ là một phần của Galilê nhưng ở gần biên giới đông bắc của Galilê. Vào thời Chúa Giêsu, hai thành này ở bên ngoài lãnh thổ của Hêrôđê Antipater, biệt danh Antipas, thủ hiến của Galilê và Pêrêa sau cái chết của cha mình là Hêrôđê Cả (Hêrôđê Cha). Hêrôđê Antipas cai trị Galilê và Pêrêa với tư cách là chư hầu của La Mã và xây dựng các công trình bao gồm thủ phủ Tiberia trên bờ Biển hồ Galilê, còn gọi là hồ Ghennêxarét, để vinh danh người bảo trợ của mình là Hoàng đế La mã Tiberius bấy giờ. Như vậy, Xiđôn và Tia là hai thành phố của dân ngoại. Chúa Giêsu “lui về miền Tia và Xiđôn” (Mt 15:21) này, là để tránh sự chú ý của Hêrôđê Antipas, kẻ vừa cho chém đầu Gioan Tẩy giả, có thể gây hại cho sứ mạng của Ngài: “Thời ấy, tiểu vương Hêrôđê nghe danh tiếng Chúa Giêsu, thì nói với những kẻ hầu cận rằng: “Đó chính là ông Gioan Tẩy Giả; ông đã từ cõi chết trỗi dậy, nên mới có quyền năng làm phép lạ” (Mt 14: 1-2). Chúa Giêsu cũng muốn tránh đối đầu với nhà cầm quyền Do Thái khi chưa thực sự cần thiết, vì “Bấy giờ có mấy người Pharisêu và mấy kinh sư từ Giêrusalem đến gặp Đức Giêsu và nói rằng: “Sao môn đệ ông vi phạm truyền thống của tiền nhân, không chịu rửa tay khi dùng bữa?” (Mt 15: 1-2). Nhất là Ngài muốn tiếp tục tập trung vào việc huấn luyện các Tông đồ của Ngài như Ngài đã làm trong khoảng thời gian vừa qua: các bài giảng bằng dụ ngôn về Nước Trời (Mt 13), phép lạ hóa bánh ra nhiều (Mt 14: 13-21), đi trên mặt biển mà đến với các môn đệ (Mt 15: 22-33), và rao giảng cho những người Do Thái sống tha hương tại đó.

Hầu hết cư dân của thành Tia và Xiđôn là người thờ các thần ngoại giáo, như đã được thuật lại trong sách Thủ lãnh: “Con cái Israel lại làm điều dữ trái mắt Chúa và làm tôi các thần Baan và Áttôrét, các thần của người Aram, các thần của người Xiđôn…” (Thủ lãnh 10:6), và trong quyển thứ I sách các Vua: “Vua Salômôn yêu nhiều người đàn bà ngoại bang; ngoài ái nữ của Pharaô, còn có các bà thuộc dân Môáp, Ammon, Êđôm, Xiđôn, Khết, những dân mà Chúa đã truyền cho con cái Israel là “các ngươi không được đi lại với chúng, và chúng cũng chẳng được đi lại với các ngươi; vì chắc chắn chúng sẽ làm cho lòng các ngươi ngả theo các thần của chúng” (1 V 11: 1-2). Theo sách Sáng thế ký: “Canaan sinh ra Xiđôn, là con đầu lòng” (Stk 10: 15). Như thế, thành Xiđôn có mối liên quan rất gần gũi với những người Canaan, và là một trong những thành đầu tiên được định cư bởi người Canaan. Thánh Mátthêu gọi người phụ nữ trong đoạn Tin mừng hôm nay là “một người đàn bà Canaan, ở miền ấy” (Mt 15: 22), chỉ ra rằng bà ấy là một người ngoại giáo, dân của một thành thờ các thần ngoại giáo. Điều đó cho thấy đức tin của bà vào Chúa Giêsu là rất đáng chú ý. 

  1. Một tiếng kêu phát ra từ một cõi lòng đau khổ

Lời cầu khẩn của người phụ nữ Canaan khá khác lạ: bà nhận ra Chúa Giêsu là Đấng Mêsia, thậm chí bà còn kêu Chúa Giêsu là Con Vua Đavít, danh hiệu vốn chỉ những người Do thái mới biết: “Lạy Ngài là con vua Đavít” (Mt 15: 22). Người ta không biết chắc bà học được điều này ở đâu, có lẽ bà nghe được nhiều người đồn thổi khi bà cố tìm cách chữa bệnh cho con gái của bà khi bà nhận ra rằng các thầy thuốc và ngay cả các vị thần thánh của xứ sở của bà không thể giúp ích gì cho con gái bà! Chỉ còn cách cầu cứu Vị Thầy Do thái Giêsu mà khắp nơi người ta đang bàn tán rất nhiều: “Khi qua biển rồi, thầy trò lên đất liền, vào Ghennêxarét. Dân địa phương nhận ra Chúa Giêsu, liền tung tin ra khắp vùng, và người ta đem tất cả những kẻ đau ốm đến với Ngài. Họ nài xin Ngài cho họ chỉ sờ vào tua áo của Ngài thôi, và ai đã sờ vào thì đều được khỏi” (Mt 14: 34-36). Có thể bà đã hỏi han nhiều người, tìm hiểu về Chúa Giêsu và bắt đầu tin tưởng vào Ngài. Bà đợi có dịp gặp được Ngài. Nay dịp tốt đã đến, bà liền vội vã đi gặp Chúa Giêsu. Thánh Mátthêu kề: “Ra khỏi đó, Chúa Giêsu lui về miền Tia và Xiđôn, thì này có một người đàn bà Canaan ,ở miền ấy đi ra, kêu lên rằng: “Lạy Ngài là con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi!” (Mt 15: 21-22). Bà không đợi Chúa Giêsu lên tiếng nhưng mau chóng đưa ra lý do, và cũng là một lời cầu khẩn: “Đứa con gái tôi bị quỷ ám khổ sở lắm!” (Mt 15: 22). Một lời cầu xin cho con gái khổ sở của bà và cũng là cho tình cảnh đáng thương của chính bà, đầy lòng tin tưởng vào quyền năng của Vị Thầy Giêsu, dù không cùng dân tộc với bà. Có sao đâu, miễn là con gái tôi được cứu, và cả tôi nữa! Chúng ta nhớ lại câu kêu cứu của Phêrô tuần trước: “Thưa Ngài, xin cứu con với!” (Mt 14: 30). Có sao đâu, đây là Vị Thầy có thể cứu tôi thì sao tôi lại không kêu cầu Ngài cơ chứ? Điều này trái ngược với sự không tin của người Do Thái đối với Chúa Giêsu: “Những kẻ đạo đức giả kia, ngôn sứ Isaia thật đã nói tiên tri rất đúng về các ông rằng: Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta” (Mt 15: 8-9). Bà bày tỏ nhu cầu của mình bằng những từ rõ ràng, đơn giản trong đời thường của một người mẹ thương con, xuất phát từ một tấm lòng tin tưởng và với tất cả sự khiêm nhường. Vậy mà… “Ngài không đáp lại một lời” (Mt 15: 23), lại nói tránh đi, không nói thẳng với bà, mà với các môn đệ của mình: “Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc của nhà Israel mà thôi” (Mt 15: 24). Hẳn bà nghe thấy và hiểu ra rằng ngay cả là con chiên lạc của nhà Israel bà cũng không phải, không xứng đáng được nói chuyện với Vị Thầy Israel này, nói chi đến chuyện được quan tâm và cứu chữa. Thánh Mátthêu kể tiếp: “Bà ấy đến bái lạy Ngài” (Mt 15:25); rõ ràng bà không nản lòng trước những trở ngại, nhưng kiên trì và sẵn sàng làm mọi thứ, kể cả quỳ xuống phủ phục bái lạy Đấng mà mình tin chắc có thể cứu giúp mình. Chính vì thế, một lần nữa, bà lại kêu lên: “Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi! Xin dủ lòng thương tôi!” (Mt 15: 22).

Đây là lần thứ hai bà khẩn cầu Chúa Giêsu, nhưng lại là lần thứ hai Chúa Giêsu khước từ; Ngài so sánh có vẻ nặng nề hơn: “Không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con” (Mt 15: 26). Kinh Thánh cho biết chó có thói quen ăn những vật dơ bẩn. Chó ăn xác chết (I V 21:23-24), liếm máu người (II Vua 22:38), liếm lại thứ nó đã mửa ra (Cn 26:11), liếm ghẻ chốc (Lc 16:21). Vì chó ăn những vật dơ bẩn, cho nên các dân tộc sống ở vùng Cận Động đã dùng chữ “chó” để mô tả khái niệm bẩn thỉu như liếm ghẻ chốc, hung bạo như liếm máu người, dại dột vì liếm lại đồ đã mửa ra, và man rợ vì ăn xác chết. Câu nói của Chúa dường như có vẻ tàn nhẫn, lạnh lùng, và mang tính miệt thị. Hẳn người phụ nữ Canaan hiểu Vị Thầy Do thái Giêsu có ý nói rằng bánh phúc lành mà Thiên Chúa dành cho người Do Thái, con cái của Ngài, không thể quăng ném phung phí cho dân ngoại như quăng ném cho chó con. Bà không thể mong đợi nhận được những điều chỉ dành cho những đứa con trong gia đình, vì bà không phải là một thành viên trong gia đình của Thiên Chúa.

  1. Sứ mệnh của Chúa Giêsu hướng đến những con chiên lạc nhà Israel.

Người ta nhớ đến câu Chúa nói trước kia: “Của thánh, đừng quăng cho chó; ngọc trai, chớ liệng cho heo, kẻo chúng giày đạp dưới chân, rồi còn quay lại cắn xé anh em” (Mt 7: 6). Chúa Giêsu đến để đem Tin Mừng của Ngài cho toàn thế giới, nhưng chính Ngài chỉ ngỏ lời với người Do Thái, dân tuyển chọn của Thiên Chúa. Chỉ sau này Ngài mới giao nhiệm vụ cho các Tông Đồ của Ngài đi rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại. Chính Thánh Phaolô, trong các cuộc hành trình truyền giáo, cũng đã chủ trương rao giảng cho người Do Thái trước tiên: “Bấy giờ ông Phaolô và ông Banaba mạnh dạn lên tiếng: “Anh em phải là những người đầu tiên được nghe công bố lời Thiên Chúa, nhưng vì anh em khước từ lời ấy, và tự coi mình không xứng đáng hưởng sự sống đời đời, thì đây chúng tôi quay về phía dân ngoại” (Cv 13,46). Thánh Phaolô cũng nói rõ trong bài đọc thứ hai hôm nay: “Tôi xin ngỏ lời với anh em là những người gốc dân ngoại. Với tư cách là Tông Đồ các dân ngoại, tôi coi trọng chức vụ của tôi, mong sao nhờ vậy mà tôi làm cho anh em đồng bào tôi phải ganh tị, và tôi cứu được một số anh em đó. Thật vậy, nếu vì họ bị gạt ra một bên mà thế giới được hoà giải với Thiên Chúa, thì việc họ được thâu nhận lại là gì, nếu không phải là từ cõi chết bước vào cõi sống?… Quả thế, khi Thiên Chúa đã ban ơn và kêu gọi, thì Ngài không hề đổi ý” (Rm 11:13-15, 29). 

  1. Thành khẩn trông chờ sự thương xót và lòng nhân từ của Chúa

Dẫu sao, một người bình thường sẽ rất khó chịu khi bị người ta gọi mình là chó. Một người kính trọng Chúa Giêsu như bà, và cả chúng ta, sẽ kinh ngạc và thắc mắc tại sao Chúa lại dùng những lời lẽ như vậy. Tuy nhiên, người phụ nữ Canaan này đã không cảm thấy bị xúc phạm trước câu nói của Chúa. Bà không quan tâm đến từ ngữ mang tính miệt thị mà người Do Thái thường dùng – và Chúa đã cố tình sử dụng để thử đức tin và thái độ của bà. Bà cũng không dám thay đổi chương trình và ý định của Thiên Chúa ban phúc lành cho người Do Thái. Bà công nhận những gì Chúa Giêsu nói là đúng và đã thưa với Chúa Giêsu rằng: “Thưa Ngài, đúng thế” (Mt 15:27). Bà vui lòng chấp nhận mình là lũ chó con, một cách hết mực khiêm cung, thành khẩn trông chờ sự thương xót và lòng nhân từ của Chúa: “nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống.”

Trước tấm lòng thành khẩn, khiêm cung, cùng với đức tin của người phụ nữ Canaan, Chúa Giêsu đã chữa lành cho con gái của bà. Chúa Giêsu khen người phụ nữ này: “Này bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được vậy” (Mt 15: 28). Và tác giả Mátthêu viết tiếp: “Từ giờ đó, con gái bà được khỏi” (Mt15:28). Chúa Giêsu đã đuổi quỷ ám ra khỏi con gái của người phụ nữ dân ngoại này, và ban bánh dành cho con cái của Thiên Chúa cho gia đình ngoại đạo này.

  1. Đặt cuộc đời bị tổn thương của mình dưới chân Chúa Giêsu

Tôi có bao giờ kêu cầu Chúa Giêsu “Lạy Chúa Giêsu, xin cho con được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống, những mảnh vụn ân sủng từ Chúa. Thế là đủ cho con rồi” với tất cả lòng khiêm hạ, kiên trì và cậy tin như người phụ nữ dân ngoại chưa?

Chúng ta cũng cần phải có những phẩm chất đức tin, cậy trông, kiên trì và khiêm hạ như thế khi trò chuyện với Chúa Giêsu. Cuộc trò chuyện của chính chúng ta với Chúa Kitô cần phải có tâm tình của người phụ nữ Canaan, như Đức Thánh Cha Phanxicô trong bài chia sẻ Tin mừng tại buổi đọc kinh Truyền tin ngày 16 tháng 8 năm 2020: “Mỗi người chúng ta đều có câu chuyện của riêng mình, một câu chuyện thường khó khăn, đầy đau đớn, bất hạnh và tội lỗi. Tôi phải làm gì với câu chuyện của mình. Tôi có giấu nó không? Không. Thay vào đó, chúng ta phải mang nó đến với Chúa. Hãy suy nghĩ về câu chuyện cuộc đời của chính mình và biến lời cầu nguyện của người phụ nữ Canaan thành của chính mình. Chúng ta hãy đến với Chúa Giêsu, gõ cửa trái tim Chúa Giêsu và nói với Ngài: “Lạy Chúa, nếu Chúa muốn, Chúa có thể chữa lành con.” Chúng ta sẽ có thể làm được điều này, nếu chúng ta luôn giữ khuôn mặt của Chúa Giêsu trước mặt chúng ta. Chúa Giêsu yêu thương chúng ta, con người thật của chúng ta, không giả tạo, với một tình yêu và lòng trắc ẩn gánh chịu tội lỗi, lỗi lầm và thất bại của chúng ta. Chúa Giêsu là Đấng yêu thương chúng ta, yêu thương chúng ta rất nhiều, vô cùng mong muốn cho chúng ta được hạnh phúc.” [1]

Lời cầu nguyện kiên trì của chúng ta không nhất thiết làm Thiên Chúa thay đổi, nhưng nó sẽ thay đổi chúng ta. Tất cả những điều này đều có thể thực hiện được nếu chúng ta để Chúa kiểm soát và để ý muốn, kế hoạch của Ngài thành hiện thực trong cuộc sống của chúng ta.

 

Phêrô Phạm Văn Trung.

[1] https://www.vaticannews.va/en/pope/news/2020-08/pope-angelus-faith-canaanite-woman-healing.html

                                                              .

 

Chia sẻ Bài này:

Related posts