KHỔ ĐAU VÀ LÒNG TIN – MÔISEN VÀ CHÚNG TA

Chúa nhật thứ II mùa Chay, Hội Thánh trình bày khuôn mặt hiển dung vinh quang của Chúa Giêsu để, như xưa, Chúa Giêsu mạc khải trước cuộc phục sinh vinh thắng và khải hoàn của Ngài, thì nay, qua việc trình bày khuôn mặt hiển dung này, Hội Thánh hướng chúng ta, chuẩn bị tâm hồn chúng ta mừng lễ Phục Sinh của Chúa Giêsu.

Trong cuộc hiển dung ấy có hai nhân vật Cựu Ước, thì một trong hai là thủ lãnh Môisen.

TỪ THỦ LÃNH MÔISEN.

Tên Môisen được cấu thành bởi hai từ:

– “Môi” nghĩa là “nước” (tiếng Ai cập cổ từ “Mo” nghĩa là “nước”). Chúng ta có thể đọc theo hai cách: Môisen hay Môsê).

– “Sa” nghĩa là “con trai” hoặc “ses” nghĩa là “cứu ra khỏi nước”.

– Người mẹ nuôi của thủ lãnh Môisen là công chúa Ai cập, hình như tên là Thermuthis, một trong 4 công chúa của Pharaô Ramesses II.

– Trong một lần tắm trên sông Nile, Thermuthis đã vớt Môisen từ trong một cái thúng do bà Jochebed, mẹ của Môisen thả trên sông Nile.

– Có lẽ Thermuthis, từ khi nhận cậu bé làm con nuôi, đã đặt tên cho cậu là Môsê (hay Môisen – đứa con trai ra khỏi nước) để ghi nhớ việc nàng vớt Môisen từ trên dòng sông Nile.Cũng như Tổ phụ Abraham, Thủ lãnh Môisen là nhân vật mạnh mẽ, sáng ngời trong đức tin vào quyền năng của Thiên Chúa.

Dẫu đầy gian nan trong sứ mạng giải phóng dân tộc, từ khi bắt đầu nhận lãnh lệnh truyền của Chúa, rồi bao nhiêu lần chứng kiến việc Chúa đánh đòn vua và dân Aicập, đến lúc tổ chức lễ Vượt qua, lúc phải thực hiện hành trình Vượt qua, rồi cùng dân rày đây mai đó nơi sa mạc đầy chết chóc, nào bị dân chúng trách móc, bị đe dọa giết chết…, Thủ lãnh Môisen không hề phản bội đức tin, không một chút mảy may nghi ngờ lòng thương xót của Chúa.

Có lúc áp lực như đè nặng quá sức, như lấy hết mọi sức lực, như khó có thể trụ nổi, Thủ lãnh như muốn chết đi. Thủ lãnh phải đau xót thốt lên:

“Sao Ngài lại làm khổ tôi tớ Ngài? Tại sao con không đẹp lòng Ngài, khiến Ngài đặt gánh nặng tất cả dân này lên vai con? Có phải con đã cưu mang dân này đâu, có phải con sinh ra nó đâu? Một mình con không thể gánh cả dân này được nữa, vì nó nặng quá sức con. Nếu Ngài xử với con như vậy, thì thà giết con đi còn hơn.” (Ds 11, 12 tt).

Nhờ đức tin và lòng yêu mến Chúa của mình, Thủ lãnh Môisen được Chúa tin tưởng trao cho sứ mạng đưa dân của Người thoát cảnh lầm than nô lệ cho Aicập. Người đã nâng Thủ lãnh lên thành một nhà giải phóng dân tộc lừng danh.

Do lòng tin và tình yêu mến dành cho Thiên Chúa, Thủ lãnh Môisen trở thành người của lịch sử, lập trang sử mới cho dân riêng của Chúa cả về đời sống trần thế lẫn đời sống đức tin.

 Thủ lãnh Môisen được Chúa trao cho vị trí quan trọng đến nỗi, khi ngắm nhìn chân dung của Thủ lãnh, Tân Ước phải thốt lên: “Những người tin vào ông Môisen, thật sự là tin vào Đức Kitô, và gương mặt của họ cũng như gương mặt của Môisen phản ánh vinh quang của Chúa” (2Cr 3, 18).

Đến tận cuối đời, Thủ lãnh Môisen vẫn trung thành liên đới với dân dù liên tục đón nhận đau khổ và gánh nặng từ dân mà ra.

Do tội bất trung của dân, nhất là những lần dân phản kháng và chống đối Thiên Chúa, vì tình liên đới này, Thủ lãnh Môisen đã phải nằm xuống bên ngoài hứa địa. Thủ lãnh hoàn thành xuất sắc chính lời mà bản thân từng thốt lên: “Tôi không muốn một mình sống hạnh phúc bên cạnh Chúa, nếu ở đó tôi không có Dân của tôi!”.

ĐẾN CHÚNG TA.

Dù là ai, sống trong cuộc đời, chắc chắn không ít lần nếm trải đau khổ và hạnh phúc. Rất có thể đau khổ triền miên, hạnh phúc lại chỉ như ánh chớp lóe, rồi lịm tắt, để lại lối đi tăm tối mênh mông. Lúc đó đức tin bị thử thách nặng nề.

Hãy nhìn ngắm mẫu gương Thủ lãnh Môisen, nhờ đó, chúng ta thêm nghị lực và ý chí mà sống đời sống đức tin của mình.

Hãy luôn xác tín rằng, Thiên Chúa không bao giờ mệt mỏi trao ban lòng từ nhân và tình thương yêu vô cùng của Ngài. Dù phải bế tắc tận cùng hay trong ánh sáng chứa chan của hạnh phúc, Chúa vẫn luôn đưa dẫn lịch sử nhân loại đi vào mầu nhiệm cứu độ trọn vẹn và hoàn hảo.

Thánh ý Chúa luôn khôn ngoan. Chúa sẽ chăm sóc, sẽ quan phòng xếp đặt tất cả những gì cần thiết cho cuộc đời chúng ta theo ý Chúa. Hãy nhớ, trước mặt Chúa, ơn phần rỗi của ta mới là điều quan trọng trên hết. Hãy trung thành trong mọi hoàn cảnh để đạt tới ơn cứu rỗi Chúa ban.

Ngoài ra, chúng ta còn thấy, dù đau khổ tự bản chất là xấu, tuy nhiên, trong cái nhìn đức tin, trong tương quan với ơn cứu độ, nhất là trong lòng yêu mến và tín thác cho Thiên Chúa, đau khổ vẫn mang lại nhiều giá trị tích cực to lớn.

Đau khổ sẽ tinh luyện tâm hồn chúng ta tinh ròng, giúp chúng ta yêu mến Chúa hơn. Đau khổ cho chúng ta trưởng thành về nhân cách, về sức chịu đựng, về lòng trông cậy nơi Chúa, nếu biết hiến dâng lên Chúa tất cả sự chấp nhận của mình. Đau khổ dạy ta bài học của tình yêu, thông cảm, nhờ đó ta hiểu sâu xa hơn nỗi đau của anh chị em xung quanh…

Hãy hiến dâng Thiên Chúa đức tin của bản thân. Hãy mạnh dạn tin để thấy ơn Chúa kỳ diệu trong từng khoảnh khắc của đời ta. Lời thánh Phaolô căn dặn đáng được chúng ta ghi khắc: “Hãy luôn cầm khiên mộc là đức tin, nhờ đó anh em sẽ có thể dập tắt mọi tên lửa của ác thấn” (Eph 6, 20).

“Mọi tên lửa” mà ta “có thể dập tắt”, là sự nghi nan, là lòng mất bình an, là lời trách móc Thiên Chúa, là bao nhiêu chai lỳ, là tội lỗi, là sự chán nản muốn buông xuôi, muốn bỏ cuộc… Tất cả chỉ nhờ đức tin, và trong đức tin mà ta chiến thắng, và sẽ tồn tại trong ơn cứu độ đời đời mà thôi.

Vậy, đặt đức tin và lòng yêu mến trọn đời mình nơi Thiên Chúa, nơi Chúa Kitô, Con của Ngài, mỗi người hãy cất cao lời xác tín: “Cho dù là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm, hay bất cứ một loài thụ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa, thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta” (Rm 8, 38-39).

Lm JB NGUYỄN MINH HÙNG

Chia sẻ Bài này:

Related posts