Lễ Hiện Xuống: Trưởng Thành Trong Đức Tin

Cuối Mùa Phục Sinh, các Kitô Hữu khắp nơi long trọng cử hành Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống với niềm vui khôn tả như mừng ngày khai sinh của Hội Thánh vậy. Nếu như sinh nhật được nhiều người coi là cột mốc đánh dấu cho từng bước phát triển và trưởng thành của một cá nhân hay tổ chức nào đó, thì Lễ Hiện Xuống năm nay là dịp thích hợp để chúng ta cùng suy gẫm về sự trưởng thành của dân Chúa. Cần phải nói ngay, chúng ta không thể đánh giá sự trưởng thành của Hội Thánh Chúa xét như Thân Thể Nhiệm Mầu Đức Kitô (x. Eph 4, 12 & 16) vì Hội Thánh là công trình của chính Thiên Chúa Ba Ngôi cực thánh và Đức Kitô thì “vẫn là một, hôm qua, hôm nay và như vậy mãi đến muôn đời” (Dt 13, 8). Vì vậy, điều chúng ta nhắm đến là tìm hiểu mức độ trưởng thành và tính cấp thiết của đức tin trong công cuộc loan báo Tin Mừng của toàn thể cộng đồng dân thánh Chúa theo biến chuyển thăng trầm của dòng thời gian.

Lịch sử hai ngàn năm của Hội Thánh Chúa Kitô chính là “bản tường trình” đầy đủ và minh bạch nhất về hoạt động của Chúa Thánh Thần, Đấng mà Chúa Giêsu đã hứa ban cho Hội Thánh trước khi Người lìa bỏ thế gian mà trở về cùng Chúa Cha (x. Ga 14, 26). Kể từ khi các Tông Đồ mở toang mọi cánh cửa phòng tiệc ly, mạnh dạn bước ra công khai rao giảng về một Đức Kitô Đấng cứu chuộc nhân loại bằng cái chết và sự phục sinh của Người (x. Cv 2, 14-36), cho đến khi Giáo Hôi Công Giáo, qua đường hướng của Công Đồng Vaticanô II, mở bung mọi khung cửa bít bùng, khơi thông lại sự đối thoại đầy cởi mở với mọi nền văn hóa, mọi dân tộc và mọi tôn giáo khác nhau, tác giả của tất cả những biến cố lạ lùng ấy chính Thánh Thần Thiên Chúa, Thần Khí Sáng Tạo, Thần Khí Hiệp Nhất (x. Lumen Gentium, #4). Nhưng có lẽ điều thiết thực nhất chúng ta nên làm trong ngày Lễ Hiện Xuống năm nay đó là xin Chúa Thánh Thần giúp chúng ta biết “tôn vinh Thiên Chúa nơi thân xác” chúng ta (1Cr 6, 20). Nghĩa là chúng ta luôn ý thức rằng Chúa Thánh Thần không chỉ hoạt động nơi Giáo Hội phổ quát nhưng còn hoạt động nơi tâm hồn mỗi người chúng ta: “Anh em chẳng biết rằng, anh em chính là đền thờ của Thiên Chúa và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em hay sao?” (x. 1 Cr 3, 16).

 

Lễ Hiện Xuống “Đầu Tiên”

Sách Công Vụ Tông Đồ ghi lại rằng vào ngày Lễ Ngũ Tuần, khi các Tông Đồ cùng với Đức Maria và các môn đệ khác (x. Cv 1, 13-14) “đang tề tựu ở một nơi, bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho” (Cv 2, 1-4). Ngày hôm đó, sau khi Đức Chúa Thánh Thần ngự xuống trên các Tông Đồ, các ngài bắt đầu sứ vụ rao giảng Tin Mừng cách công khai. Ngày đó được xem là ngày khai sinh của Hội Thánh hay đúng hơn ngày Hội Thánh được tỏ lộ cho mọi dân mọi nước được xem thấy (x. Lumen Gentium, #2).

Ngày Lễ Hiện Xuống tiên khởi quả thực là một sự kiện lịch sử chấn động địa cầu. Đó là ngày ghi dấu sự trưởng thành nơi các môn đệ, những người đã được chính Chúa Kitô kêu gọi, quy tụ, chuẩn bị và sai đi.  Ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống đánh dấu sự chuyển biến ngoạn ngục nơi con người và hoạt động của các Kitô Hữu đầu tiên: Từ nhát đảm sợ sệt các ngài đã trở thành những chứng nhân kiên cường bất khuất (x. Ga 20, 19; Cv 4, 13 & 32). Từ âm thầm lẩn trốn, các ngài đã mạnh dạn rao giảng công khai (x. Cv 1, 13; Cv 2, 14 & 42). Từ những người thuộc giới bình dân ít học, các ngài trở thành những nhà lãnh đạo tinh thần khôn ngoan và đầy uy quyền (x. Cv 4, 13; Cv 5: 12). Hơn nữa, kể từ ngày Thánh Thần Thiên Chúa ngự xuống trên nhóm người ít ỏi ấy thì “dân Israen mới” của Thiên Chúa (x. Lumen Gentium, #9), tức là Hội Thánh đã liên tục phát triển và lớn mạnh không ngừng (x. Cv 2, 41 & 47).  Giáo Hội tiên khởi khai sinh trong ngày Lễ Hiện Xuống cách đây gần hai ngàn năm là một cộng đoàn đức tin tuy nhỏ bé về số lượng nhưng lại có sức ảnh hưởng vô cùng lớn lao. Cộng đoàn ấy không ngừng lớn mạnh để rồi ngày hôm nay, Hội Thánh Chúa Kitô hãnh diện mang trong mình vinh dự là sự khởi đầu và là nơi thể hiện Nước Thiên Chúa giữa chốn trần gian (x. Lumen Gentium, #5)[1]. Nhờ có Chúa Thánh Thần tác động và hướng dẫn, Hội Thánh đã, đang và sẽ tiếp tục hiện diện giữa trần gian như nắm men đã được chính Chúa Kitô vùi vào đấu bột thế gian hầu làm cho bột ấy ngày càng thêm dậy men Tin Mừng (x. Mt 13, 33).

Cộng đoàn Hội Thánh Chúa không chỉ hãnh diện nhưng còn phải luôn ý thức để thực hiện đúng chức năng và sứ mạng của mình, là muối cho đời và ánh sáng cho trần gian (x. Mt 5, 33-34). Như thế, ngày Lễ Hiện Xuống trước hết là dịp để cho mỗi phần tử của Hội Thánh ý thức hơn nữa về sứ mạng cấp bách Thiên Chúa đã trao phó cho Giáo Hội – sứ mạng loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo (x. Lumen Gentium, # 1). Sau nữa, đây là cơ hội để tất cả Kitô Hữu đáp lại ơn Chúa kêu gọi mà thể hiện trách nhiệm của mình nơi trần gian này. Nếu không phải hôm nay thì đến bao giờ chúng ta mới cộng tác với ơn Chúa Thánh Thần để làm cho cả thế giới bừng sáng “chân lý toàn vẹn” (Ga 16, 13), tràn ngập “niềm vui trọn vẹn” (Ga 17, 13) và thắm thiết tình huynh đệ hiệp nhất yêu thương (x. Ga 17, 21; Cv 2, 44-46)? Bằng chứng cho thấy Chúa Thánh Thần vẫn luôn hiện diện trong Hội Thánh chính là việc Người đã thực hiện hết kỳ công này đến kỳ công khác, mà điển hình là cuộc “hiện xuống mới” nhằm “canh tân và làm cho Giáo Hội luôn tươi trẻ” (Lumen Gentium, #4).

 

Lễ Hiện Xuống “Mới” 

Năm 1962, khi Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII triệu tập và khai mạc Công Đồng Chung Vaticanô II[2], nhiều người đã hết sức ngỡ ngàng và thậm chí tỏ ra nghi ngại cho sự thành công của sự kiện lớn lao này. Ngày nay, sau 55 năm kể từ ngày bế mạc, những thành tựu vang dội của Công Đồng Vaticano II đã khiến cho mọi người phải thốt lên rằng, sự kiện lịch sử trọng đại đó đích thực là một “Lễ Hiện Xuống” mới cho cả Giáo Hội và nhân loại chúng ta.

Là người triệu tập Công Đồng Chung Vaticanô II, Đức Gioan XXIII cũng đóng vai trò là người đề xuất mục tiêu và đưa ra đường hướng thực hiện cho Công Đồng. Lúc ấy, vị Giáo Hoàng trọng tuổi đã làm cho các cố vấn thân tín phải kinh ngạc khi đặt ra 2 mục tiêu sau đây  cho Công Đồng sắp nhóm họp: đó là “canh tân Hội Thánh” và “theo đuổi tiến trình đại kết”. Cả thế giới sững sờ vì trước đó, chưa có bất kỳ một Công Đồng Chung nào có mục tiêu “lạ lùng” và “táo bạo” đến như vậy. Thêm vào đó, những ý tưởng hết sức mới mẻ và hợp thời như thế không đến từ một vị Giáo Hoàng trẻ trung hiện đại mà lại đến từ một cụ già 77 tuổi, sức khỏe có phần yếu kém. Chính ở điểm này mà chúng ta thấy, ngay từ đầu, Công Đồng Chung Vaticanô II đã có dấu hiệu của một Lễ Hiện Xuống mới. Vì chỉ có Chúa Thánh Thần, Đấng mang sứ mạng “canh tân mặt địa cầu” (x. TV 104, 30) mới có thể biến những điều thế gian cho là cũ kỹ lạc hậu thành nguồn cảm hứng cho những điều mới mẻ diệu kỳ. Rõ ràng Chúa Thánh Thần vẫn ngày đêm hoạt động trong đời sống Giáo Hội, hoạt động nơi đường hướng mục vụ của các vị chủ chăn và hoạt động trong cung lòng của mỗi Kitô Hữu (x. 1 Cor 6, 19). Chính Thần Khí “trẻ trung” ấy đã tác động lên Đức Gioan XXIII để ngài mạnh dạn “mở cửa sổ” đón luồng gió mới thổi sinh khí vào tòa nhà Hội Thánh.

Luồng gió mới của Công Đồng Vaticanô II đã và đang từng bước đem lại sức sống mới cho cả Giáo Hội. Sức sống nảy sinh từ việc chấp nhận tính đa dạng và phong phú. Giáo Hội bắt đầu tiếp xúc với thế giới hiện đại, với các nền văn hóa và các tôn giáo khác bằng đường lối đối thoại cởi mở hơn trước rất nhiều. Giáo Hội không còn nhìn thế giới như kẻ thù cần phải xa lánh nhưng mà là cánh đồng mênh mông cần được chuẩn bị để hạt giống Tin Mừng gieo vào, cắm rễ và trổ sinh tươi tốt. Giáo Hội thay vì kết án và xem các hệ phái Kitô Hữu khác như những “tên phản bội” hay những “kẻ lạc giáo” thì nay cư xử với họ bằng tình hynh đệ, tôn trọng và chân thành lắng nghe. Chẳng phải thánh Phaolô đã xác quyết rằng tinh thần cởi mở, cách thức đối thoại và tình liên đới hiệp nhất là những biểu hiện cụ thể của Thần Khí Thiên Chúa hay sao? (x. Eph 4, 3-6). Chính vì vậy, trong ngày Lễ Hiện Xuống, chúng ta cùng tưởng nhớ đến công trình vĩ đại mà Thiên Chúa đã thực hiện trên Giáo Hội Công Giáo chúng ta ngang qua biến cố Công Đồng Chung đã diễn ra tại tòa thánh Vaticanô cách đây hơn 50 năm. Chúng ta tạ ơn Chúa vì luồng “sinh khí” mới Chúa Thánh Thần đã thổi vào và làm cho Hội Thánh, vốn dĩ là “Hiền Thê xinh đẹp” của Đức Kitô (x. Kh 19, 8), nay càng trở nên tinh tuyền thánh thiện trước mặt người đời.

Một trong những thành quả đặc sắc nhất của Công Đồng Vaticanô II là xóa bỏ mọi định kiến và ngăn cách giữa Giáo Hội và thế giới. Vì thế trách nhiệm của các Kitô Hữu trưởng thành là góp phần làm sự liên đới giữa Hội Thánh và nhân loại ngày càng thêm liền lạc và thắm thiết, hướng đến việc toàn thể nhân loại quy về chỉ một mối, làm nên một dân thánh thờ phượng một Thiên Chúa duy nhất (x. Ad Gentes, #1). Do đó, thật là đáng trách và đáng buồn khi chúng ta, phần tử Hội Thánh, làm lu mờ đi ánh hào quang mỹ miều của Hội Thánh Chúa Kitô bằng lối sống hoàn toàn nghịch lại với đường lối Chúa Thánh Thần. Thật vậy, mỗi khi chúng ta khiêu khích chia rẽ hận thù, cổ võ dối trá, kiêu căng, nóng nảy, giận hờn là chúng ta đang “bôi nhọ” Giáo Hội và trở nên nhân tố cản trở người khác quay về làm hòa với Thiên Chúa qua Hội Thánh. Những hành vi đáng hổ thẹn này vô tình làm cho Hội Thánh xuất hiện với bộ dạng xấu xí và kém thiện cảm trong mắt anh chị em lương dân. Trong ngày kỷ niệm sinh nhật Hội Thánh, Chúng ta hãy bày tỏ tình yêu mến và trách nhiệm của mình đối với mẹ Hội Thánh bằng cách thành tâm kiểm điểm và cương quyết khắc phục sai lầm thiếu xót. 

 

Lễ Hiện Xuống “Riêng”                                          

Sứ mạng làm cho ánh sáng Chúa Kitô chiếu dãi khắp thiên hạ không chỉ là nhiệm vụ chung của Giáo Hội phổ quát nhưng còn là trách nhiệm riêng của từng người Kitô hữu. Để toàn thể Giáo Hội chu toàn sứ mạng ấy thì mỗi phần tử phải ý thức làm tròn bổ phận của mình. Bấy lâu nay, nhiều linh mục quản xứ vẫn hay chọn ngày Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống để mời Đức Giám Mục địa phận về ban Bí tích Thêm Sức cho con em trong giáo xứ của mình. Có lẽ là vì mối liên hệ chặt chẽ về phương diện thần học giữa ngày Lễ Chúa Thánh Thần và Bí Tích Thêm Sức. Quả vậy, Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo xác định rằng Bí Tích Thêm Sức “tiếp nối ân sủng của Lễ Hiện Xuống” khi xưa (GLHTCG, #1288). Khi cử hành Bí Tích Thêm Sức, vị thừa tác đặt tay khẩn cầu ơn Chúa Thánh Thần xuống trên các ứng viên lãnh nhận Bí Tích. Đồng thời ngài sức dầu trên trán ứng viên như dấu chỉ “ấn tín ơn Chúa Thánh Thần” xác nhận rằng cuộc đời của người mới lãnh nhận Bí Tích Thêm Sức từ nay bước sang một trang sử mới. Thực vậy, Bí Tích Thêm Sức giúp tăng trưởng và hoàn bị các ơn mà người Kitô Hữu đã lãnh nhận trong Bí Tích Thánh Tẩy (x. GLHTCG, #1303). Nói cách khác, qua Bí Tích Thêm Sức, Chúa Thánh Thần giúp cho người Kitô Hữu trưởng thành hơn trong đời sống làm con cái Chúa (x. Rm 8, 15), giúp cho họ kết hiệp mật thiết với Đức Kitô hơn (x. 1Cr 12, 3), và gắn bó hơn nữa trong đời sống của Giáo Hội (x. 1Cr 12, 4-13.27-30). Nói chung, Bí Tích Thêm Sức đánh dấu sự trưởng thành trong đức tin, khai mở môt giai đoạn mới, giai đoạn dấn thân loan báo Tin Mừng và xây dựng Nước Thiên Chúa nơi trần gian. Hiệu năng của Bí Tích Thêm Sức đối với người lãnh nhận không khác gì mấy so với những gì đã xảy ra đối với các Tông Đồ khi xưa trong ngày Lễ Ngũ Tuần. Do đó, chúng ta có thể gọi ngày chúng ta lãnh nhận Bí Tích Thêm Sức là ngày Lễ Hiện Xuống ‘riêng’ trong tâm hồn mỗi người chúng ta.

Nếu ngày Lễ Ngũ Tuần xưa kia, sau khi Chúa Giêsu vừa mới về trời, đánh dấu sự trưởng thành đức tin của các Tông Đồ thì Bí Tích Thêm Sức đánh dấu sự trưởng thành của các Kitô Hữu hôm nay. Đối với Thánh Phaolô, các Kitô hữu trưởng thành trong đức tin là những người không cậy vào “lẽ khôn ngoan của thế gian” nhưng “dựa vào quyền năng Thiên Chúa”. Thánh Tông Đồ còn chỉ cho chúng ta biết rằng đức tin trưởng thành sẽ không dễ dàng bị mê hoặc bởi những lời lẽ khôn khéo của phàm nhân, nhưng chỉ chịu khuất phục bởi “bằng chứng xác thực của Thần Khí và quyền năng của Thiên Chúa” mà thôi (x. 1 Cor 2, 4-6; Eph 4, 14). Thánh Phaolô còn sánh ví những người có lòng tin kém cỏi như những “trẻ nhỏ” và biểu hiện của những kẻ kém tin là sống buông thả theo tính xác thịt; ghen tương, cãi cọ, tranh giành (x. 1 Cor 3, 1-3). Như một sự tương phản rõ nét, người có đức tin trưởng thành thì hoàn toàn khác. Họ là những người “sống theo Thần Khí” (1 Cor 3,1; x. Rm 8, 5-6) nghĩa là “sống theo sự thật và trong tình bác ái” (Eph 4, 15). Kitô Hữu trưởng thành trong đức tin là những người biết để cho “Thần Khí đổi mới tâm trí” và giúp họ “mặc lấy con người mới”, mặc lấy nếp sống mới, nếp “sống công chính và thánh thiện” (x. Eph 4, 24).

Thật ý nghĩa biết bao, nếu như mỗi người chúng ta ý thức được giá trị cao quý của những món quà chúng ta nhận được trong ngày chúng ta được Thêm Sức. Trước hết là quà tặng Chúa Thánh Thần với 7 ơn cao trọng: Ơn khôn ngoan, ơn hiểu biết, ơn lo liệu, ơn sức mạnh, ơn thông minh, ơn đạo đức và ơn biết kính sợ Chúa (x. GLHTCG, #1831). Để ghi dấu ngày lãnh nhận Bí Tích Thêm Sức, nhiều Giáo xứ hay có thông lệ tặng cho các “chiến sĩ mới” của Đức Kitô mỗi em 1 cuốn Kinh Thánh tượng trưng cho “thanh kiếm Lời Chúa” (x. Eph 6, 17). Đây là việc làm đầy ý nghĩa vì bất cứ chiến sĩ nào cũng cần khí giới trước khi lâm trận. Chúng ta cần phài biết rằng trong cuộc chiến đấu thiêng liêng, chúng ta không đối phó với phàm nhân nhưng là đương đầu với “những thần linh quái ác chốn trời cao.” Cho nên để có thể đứng vững, mỗi Kitô Hữu cần phải mang lấy “toàn bộ binh giáp vũ khí của Thiên Chúa” (x. Eph 6, 12-13). Trong tất cả các khí giới mà Thiên Chúa ban cho, tất cả các Kitô Hữu, đặc biệt là các “tân binh” của Đức Kitô cần phải đặc biệt xem trọng “thanh gươm Lời Chúa.”

 

Kết: Trưởng Thành Đức Tin cho Sứ Mạng Truyền Giáo

Ngày chúng ta lãnh nhận Bí Tích Thêm Sức sẽ thực sự là ngày Lễ Hiện Xuống mới đối với mỗi người chúng ta nếu chúng ta biết sử dụng tận dụng những món quà và biết sử dụng những phương thế Chúa ban nhằm phục vụ cho sứ mạng loan báo Tin Mừng. Chúng ta cần kiên trì học hỏi và suy gẫm Lời Chúa vì chúng ta không thể Phúc Âm hóa người khác nếu bản thân chưa được Phúc Âm hóa trước. Cũng vậy, để cho hoa trái của Chúa Thánh Thần trổ sinh trong cuộc sống của chúng ta, chúng ta cần nghiêm túc thực hiện lời khuyên của Thánh Phaolo Tông Đồ: “Vâng theo Thần Khí hướng dẫn, anh em hãy tỉnh thức và chuyên cần cầu nguyện, cầu nguyện liên lỉ không chỉ cho bản thân mà còn cho toàn thể dân thánh” (x. Eph 6, 18).

“Các con hãy đi dạy dỗ muôn dân, thanh tẩy họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, hãy dạy dỗ họ vâng giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con. Và đây Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 19-20). Đây là mệnh lệnh Chúa Kitô đã truyền lại cho Giáo Hội thông qua các Tông Đồ. Chính vì thế, Giáo Hội xem lời sau đây của Thánh Tông Ðồ như lời của mình: “Khốn cho thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1 Cor 9, 16). Chúa Thánh Thần thúc đẩy Giáo Hội cộng tác với Ngài để hoàn tất trọn vẹn kế hoạch của Thiên Chúa. Mỗi môn đệ Chúa Kitô đều có bổn phận góp phần truyền bá đức tin. Mọi thành phần trong Giáo Hội vừa cầu nguyện vừa hoạt động để toàn thể vũ trụ trở thành Dân Thiên Chúa, Thân Thể Chúa Kitô và Ðền Thờ Chúa Thánh Thần, và trong Đức Kitô là thủ lãnh muôn loài, mọi danh dự và vinh quang được dâng lên Thiên Chúa Cha Ðấng Tạo Thành trời đất hôm nay và cho đến mãi muôn đời. Amen. (x. Lumen Gentium, #17)

[1] Đồng thời xem phần “Chú giải Mt 13, 31-33” trong Kinh Thánh Cựu Ước và Tân Ước: Lời Chúa Cho Mọi Người, tr. 1616.

[2] Công Đồng Chung: là cuộc họp có quy mô lớn nhất trong Giáo Hội Công Giáo Rôma, do Đức Giáo Hoàng triệu tập hầu hết các Giám Mục trên toàn thế giới về một địa điểm nào đó để cùng thảo luận các vấn đề hệ trọng liên quan đến đức tin, luân lý và quản trị của Hội Thánh.

Rôma, 29/05/2020

Lm. Jos Phan Quang Trí, O.Carm.

Chia sẻ Bài này:

Related posts