Một trong những lý do quan trọng khiến việc truyền giáo của Giáo Hội không những không tiến triển mà còn lâm vào bế tắc đó là bởi quan niệm cho rằng: “Chỉ cần là người…tốt cũng được cứu độ”.
Đức tgm Giu Se Nguyễn Chí Linh, CT HĐGM Việt Nam trong diễn từ triều yết đgh Phan Xi Cô dịp Ad Limina tháng 3/2018 nói đến não trạng…cầu an, thủ thân khép kín đang tồn tại nơi Giáo Hội Việt Nam. Não trạng này chịu ảnh hưởng của quan niệm cho rằng: Không nên loan báo Chúa ki Tô cho người chưa biết cũng như không nhất thiết gia nhập Giáo Hội vì người tốt cũng được Cứu Độ” ( Nguồn: LM Mic Nguyễn Khắc Minh, 17/7/2020 – Truyền giáo VN hiện nay – Ánh sáng và Bóng tối ).
Nếu…người tốt cũng được Cứu Độ thì tất nhiên đâu cần gia nhập Đạo Công Giáo làm gì ? Đang khi đó bản chất của Giáo Hội là truyền giáo theo lệnh truyền của Chúa Ki Tô Phục Sinh: “ Hãy ra đi khắp thế gian, rao giảng Tin Mừng cho muôn dân. Ai tin và chịu phép rửa thì được cứu. Còn ai không tin sẽ bị luận phạt” ( Mc 16, 15 -16 ).
Lệnh truyền của Chúa thật rõ ràng. Ai tin thì được cứu, trái lại không tin sẽ bị luận phạt. Với lệnh truyền này cho thấy phải chăng đã có sự…áp đặt ? Tại sao cần phải tin mới được cứu, còn không tin lại bị phạt !
Dưới nhãn quan tự do tôn giáo mà ngày nay GH Công Giáo cũng đang nhìn nhận cổ xúy thì quả đúng là có sự…áp đặt bởi lẽ tin hay không tin là…quyền của người ta ! Tuy nhiên, nếu xét trên bình diện tâm linh ắt sẽ thấy lệnh truyền ấy đã xuất phát từ Lòng Thương Xót vô biên của Đấng Cứu Độ. Điều này có thể tạm ví với câu tục ngữ Việt Nam: “ Cá không ăn muối cá ươn. Con cãi cha mẹ trăm đường con hư”. Đối với tình thương còn giới hạn của cha mẹ thế gian mà con cái còn phải vâng lời như thế huống chi Chúa Giê Su, Đấng thấu suốt mọi sự, Ngài muốn cho ta đặt lòng tin vào Tin Mừng của Ngài để được sống sự sống đời đời thì hà cớ chi lại không tin ?
Tin vào Tin Mừng của Đức Ki Tô để rồi dấn thân loan báo cho muôn dân Tin Mừng ấy. Đó là toàn bộ sứ mạng của Giáo Hội vẫn thực hiện từ bao thế kỷ nay. Thế nhưng sứ mạng ấy giờ đây đã và đang phá sản bởi chủ trương Đại Kết với ngụ ý cho rằng: “ Đạo nào cũng tốt”. Chẳng những cho… đạo nào cũng tốt, mà còn nói Chúa cứu chuộc tất cả, với Giá Máu của Đức Ki Tô, không riêng gì người Công Giáo mà người vô thần cũng được cứu !!!
Chính vì Chúa cứu…tất cả dù duy vật vô thần, những kẻ chẳng những không tin mà còn ra sức chống phá hòng tiêu diệt Tin Mừng của Đức Ki Tô thế nên việc truyền giáo ngày nay đã trở nên hoàn toàn vô nghĩa. Mặt khác cũng bởi quan niệm cho là…đạo nào cũng tốt thế nên ngay cả tầng lớp lãnh đạo Dân Chúa cũng chẳng còn có cho mình động lực truyền giáo: “ Các chủng viện tuy cũng nhắc đến việc truyền giáo nhưng hình như chưa đủ và thiếu điều gì đó rất là căn bản. Các tân chức ra trường hầu như thiếu khả năng đáp ứng cho bối cảnh truyền giáo. Nhất là thiếu tâm hồn truyền giáo, ngại khó, ngại khổ. Có quá đáng không khi nói nhiều chủng sinh ra trường chỉ để trở thành nhà kỹ trị bảo trì họ đạo đã có sẵn hơn là vui say dấn thân ra đi rao giảng Tin Mừng cho vùng dân ngoại. Thiếu cả các kỹ năng truyền giáo, thiếu những gương sáng cụ thể để noi theo” ( Nguồn: Lm MC Nguyễn Khắc Minh – 17/7/2020 đã dẫn ).
Cái thiếu mang tính căn bản không những chỉ có nơi các chủng sinh mà có khi còn ở nơi các Linh Mục đó là “ Tâm hồn truyền giáo”. Để có thể có được tâm hồn truyền giáo hết sức cần thiết đó thì nhất thiết cần phải có lòng tin nơi Tin Mừng của Đức Ki Tô về Nước Trời nội tại… “ở trong các ngươi” ( Lc 17, 20 -21 ).
Chính bởi không tin Nước Trời là thực tại nội tại như thế nên người ta mới cho rằng chẳng cần có đức tin mà vẫn …được cứu ? Đang khi đó Đức Ki Tô đòi hỏi cần có lòng tin vào Tin Mừng và việc sám hối ăn năn: “ Thời đã mãn, Nước Thiên Chúa đã gần. các ngươi hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng” ( Mc 1, 15 ).
Lòng tin vào Tin Mừng và việc ăn năn, sám hối tội lỗi mình cần gắn chặt với nhau. Có thực lòng sám hối ăn năn tội mình thì mới có thể có được lòng tin vào Tin Mừng, trái lại không ăn năn sám hối thì không thể nào có được lòng tin. Tại sao ? Bởi vì Nước Trời là một thực tại Tâm. Thực tại ấy ví như mặt trời bị che khuất bởi những đám mây đen. Ăn năn, sám hối chừa cải tội giống như vạch hết đám mây này đến đám mây khác để cho mặt trời chiếu sáng.
Ăn năn chừa cải tội là điều kiện ắt có để cho ta có được lòng tin nơi Tin Mừng. Thế nhưng làm sao chúng ta có thể thực hành việc sám hối ấy nếu không có Giáo Hội cùng với các Bí Tích do Đức Ki Tô thiết lập cùng với năng quyền tuyệt đối. Chúa nói với Phê Rô: “ Ta giao chìa khóa Nước Trời cho ngươi. Điều gì ngươi cầm buộc dưới đất thì trên trời cũng cầm buộc. Điều gì ngươi cởi mở dưới đất thì trên trời cũng cởi mở” ( Mt 16, 19 ).
Có tin vào Tin Mừng và lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội tức ở trong Giáo Hội thì mới được Ơn Cứu Độ. Thế nhưng cái việc…ở trong Giáo Hội không thể như một thứ hình thức nhưng cần trong Thân Mầu Nhiệm Chúa Ki Tô: “ Hãy cứ ở trong Ta, Ta cũng ở trong các ngươi. Như nhánh nếu không cứ ở trong cây nho thì không thể tự kết quả được. Nếu các ngươi chẳng cứ ở trong Ta thì cũng vậy. Ta là cây nho, các ngươi là cành. Ai cứ ở trong Ta và Ta ở trong họ thì kết quả nhiều. Vì ngoài Ta các ngươi không thể làm chi được” ( Ga 15, 4 -5 ).
Để có thể…ở trong Chúa thì không những phải tin mà cần có lòng yêu mến Ngài. Chính cái lòng yêu mến Chúa ấy mới làm nên động lực truyền giáo cách bền bỉ. Thánh Teresa HĐ Giê Su, tuy chỉ là một chị dòng rất trẻ và đau ốm quanh năm nhưng lại được GH phong làm quan thầy các xứ truyền giáo Phương Đông chỉ vì ngài có lòng ước ao yêu mến Chúa nơi các tâm hồn nhất là nơi dân ngoại là những con người chưa biết đến Tình yêu lớn lao của Chúa Ki Tô vẫn dành cho họ.
Động lực của việc truyền giáo là lòng yêu mến Chúa và lòng yêu mến Chúa sở dĩ có được là do tin vào Tin Mừng của Đức Ki Tô. Tại sao ? Bởi chỉ có Tin Mừng của Đức Ki Tô mới đưa đến cho ta sự nhận biết Thiên Chúa, Đấng là sự sống viên mãn ở nơi chính mình: “ Thiên Chúa của Apraham, của Isaac và của Giacop, ấy Ngài chẳng phải là Thiên Chúa của kẻ chết đâu, bèn là của kẻ sống. Bởi ai nấy đều vì Ngài mà sống” ( Lc 20, 37 -38 ).
Thiên Chúa là Đấng ai cũng vì Ngài mà sống bởi vì đó là Bản Thể Tình Yêu ở nơi mỗi người, bậc Thánh không tăng, kẻ phàm không giảm. Thánh Gioan nói: Thiên Chúa là Tình Yêu ( 1Ga 4, 8 ) có nghĩa Tình Yêu là nguồn của sự sống. Không có loài chúng sinh hữu tình nào mà lại không được sinh ra và nuôi dưỡng bằng Tình Yêu.
Mạc khải của Đức Ki Tô chính là để khai mở cho chúng ta về nguồn cội ( Bản Thể ) Tình Yêu đó cùng với lệnh truyền cho các môn đệ ra đi khắp thiên hạ loan báo Tin Mừng Tình Yêu đó cho muôn dân, ai tin và sống nguồn Tình Yêu đó thì sống, trái lại thì chết.
Chúng ta tin nơi Chúa là điều cần thiết nhưng lòng tin ấy chưa đủ mà cần phải sống điều mình tin có nghĩa thực hành những điều Ngài truyền dạy: “ Sao các ngươi gọi Ta là Chúa là Thầy mà không làm theo lời Ta truyền dạy ? Ta sẽ chỉ cho các ngươi biết kẻ nào đến cùng Ta, nghe lời Ta và làm theo thì giống ai ? kẻ ấy ví như người kia lập nền trên vầng đá khi nước lụt tràn về, ngọn nước đổ vào nhà đó cũng không rúng động vì đã được xây trên đá chắc chắn. Song kẻ nào nghe mà không làm theo thì ví như người kia xây nhà trên cát, nước lụt tràn vào nhà đó tức thì đổ sụp, thiệt hại rất lớn” ( Lc 6, 46 -49 ).
Chúa không thể cứu độ nếu ta không làm theo những điều Chúa truyền dạy. Lại nữa người ta chỉ cố gắng thực thi điều Chúa truyền một khi thiết tha ước muốn được cứu. Lòng muốn là điều kiện không thể thiếu để có được sự thành công cả trong đời thường lẫn đời tâm linh. Thử hỏi có ai không muốn làm giàu lại có thể trở nên giàu có được ư ? Tuy nhiên lòng muốn của người đời thì khác với người có đạo ở chỗ. Một đàng đối tượng của lòng muốn đó là những gì thuộc về thế gian như tài sản, danh vọng, chức quyền v.v…Một đàng lòng muốn đó thuộc về niềm hy vọng đời sau: “ Vì chúng ta được cứu trong sự hy vọng nhưng sự hy vọng đã thấy được thì chẳng phải là sự hy vọng vì có ai lại hy vọng điều mình đã thấy rồi ư ? Song nếu chúng ta hy vọng điều mình chưa thấy thì chúng ta mới nhẫn nại mà đợi trông” ( Rm 8, 24 -25 ).
Đặt niềm tin nơi Tin Mừng và sống trọn vẹn niềm tin ấy chắc chắn chúng ta không bao giờ thất vọng. Thế nhưng sống Tin Mừng của Đức Ki Tô cũng có nghĩa phải đối mặt với sự thù ghét chẳng những của thế gian mà ngay cả với những người…đồng đạo: “ Ta đã nói cùng các ngươi những điều đó để các ngươi khỏi vấp phạm. Họ sẽ đuổi các ngươi ra khỏi nhà hội. Hơn nữa giờ đến hễ ai giết các ngươi thì họ tưởng rằng như thế là phụng sự Thiên Chúa. Họ sẽ làm điều đó vì họ chẳng từng biết Cha cũng không biết Ta nữa” ( Ga 16, 1 -3 ).
Những gì đã và đang diễn ra hàng ngày trên thế giới cũng như trong Giáo Hội cho thấy điều Chúa đã báo trước thì nay đang ứng nghiệm: “ Vì dân này sẽ dấy nghịch cùng dân kia, nước này đánh nước khác. Nhiều nơi sẽ có đói kém và động đất. Song mọi sự ấy mới là khởi đầu của cơn quặn thắt. Bấy giờ người ta sẽ nộp các ngươi vào sự hoạn nạn và giết đi. Các ngươi sẽ bị mọi dân ghen ghét vì Danh Ta. Khi ấy nhiều kẻ sẽ vấp phạm, nộp lẫn nhau và ghen ghét nhau. Nhiều tiên tri giả sẽ dấy lên và lừa dối lắm kẻ. Lại vì cớ ấy sự gian ác thêm nhiều nên tình thương yêu của phần đông sẽ nguội dần. Song ai bền đỗ đến cùng thì người ấy sẽ được cứu” ( Mt 24, 7 -13 ).
Đạo Công Giáo có mặt trên chốn trần gian đã trên 20 TK nhưng chưa bao giờ lại bị thù ghét như bây giờ. Các tượng Chúa, tượng Đức Mẹ, các Thánh và các nhà thờ bị đập phá, đốt cháy với tất cả lòng thù hận. Sự hận thù ấy không chỉ trút lên các pho tượng vô tri nhưng là trên niềm tin tưởng, thành kính của người Công Giáo.
Nhân nào, qủa ấy, sống trong sự thù hận thì cái quả của nó chỉ có thể là chốn Hỏa Ngục trầm luân muôn kiếp. Trong dụ ngôn Nước Trời, Chúa Giê Su nói về nguyên nhân xuất hiện cũng như kết quả của cỏ lùng, khi các đầy tớ hỏi chủ:“ Vậy ông có muốn chúng tôi đi nhổ hết cỏ xấu ấy đi không ? Ông đáp: Không cần ! E khi nhổ cỏ lùng các ngươi lại nhổ cả lúa mì chăng ? Hãy để cho cả hai cùng lớn lên cho đến mùa gặt. Đến mùa gặt, ta sẽ sai con gặt, trước hết hãy nhổ cỏ lùng và bó từng bó mà đốt đi. Xong hãy chất lúa mì vào kho cho ta” ( Mt 13, 28 -30 )./.
Phùng Văn Hóa