A. DẪN NHẬP.
Hôm nay Chúa sẽ nói với chúng ta :”Tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi và đường lối của Ta cũng không phải là đường lối của các ngươi”(Is 55,8). Đúng vậy, có bao giờ chúng ta ngạc nhiên và sửng sốt bởi cách hàng động của Chúa không ? Những hành động đó không đúng với tính toán và dự liệu của chúng ta, và có khi đi ngược lại các dự tính của chúng ta.
Tư tưởng và đường lối của Thiên Chúa khác hẳn con người, khác nhau như trời cao đất thấp. Con người thì thấp hèn nhỏ nhen, hay so đo ghen tị. chỉ thích giữ công bằng mà quên đi Tình yêu. Còn Thiên Chúa thì khác hẳn, Ngài không thích chúng ta chỉ sống như người làm thuê, tính toán sòng phẳng như kẻ mua người bán, mà Ngài chỉ muốn là người Cha yêu thương hằng săn sóc đến con cái, cung cấp cho nó những cái gì cần thiết và tốt đẹp nhất.
Vì thế dụ ngôn những người thợ được thuê vào giờ thứ 11 mà phụng vụ hôm nay đọc lại cho chúng ta sẽ va chạm với ý niệm của chúng ta về công bằng trong phân phát. Đấy và vì Chúa Kitô đặt công lý của Nước Trời trên một bình diện khác hẳn bình diện của chúng ta dưới thế gian, đến độ mà “đường lối và tư tưởng của chúng ta” bị xáo dộng và sửng sốt.
Chúng ta hãy cố gắng sống với Chúa như người con thảo, muốn làm đẹp lòng Cha yêu thương. Đừng bao giờ sống như người làm thuê trong nhà Cha mà so đo tính toán với Chúa. Hãy bằng lòng với hiện trạng của mình, đừng kiêu ngạo, đừng phân bì với tha nhân. Hãy sống trong tình anh em con một Cha trên trời.
B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA.
+ Bài đọc 1 : Is 55,6-9.
Kẻ có tội thường sợ Thiên Chúa trừng phạt nên trốn tránh Ngài. Tiên tri Isaia hối thúc dân Israel từ chốn lưu đầy trở về, phải sám hối và hãy tìm đến Chúa. Hay tin tưởng vào Thiên Chúa bởi vì những dự định và cách hành xử của Ngài không giống với tư tưởng của ta. Ngài không nghĩ đến trừng phạt mà chỉ nghĩ đến cứu vớt, Ngài không bắt tội mà chỉ thứ tha.
Nếu đem so sánh tư tưởng và cách cử xử của loài người và của Thiên Chúa, chúng ta sẽ nhận ra một khoảng cách rất xa, rất cách biệt :”Như trời cao hơn đất thế nào, thì đường lối của Ta cao hơn của các ngươi và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng của các ngươi chừng ấy”
+ Bài đọc 2 : Pl 1,21-24,27.
Thánh Phaolô viết thư này ở trong tù vào khoảng năm 63 gửi cho tín hữu Philipphê biết : Ngài không biết số phận của Ngài sẽ ra sao, được tha hay bị kết án. Nhưng Ngài sẵn sàng đương đầu với tất cả :
– Nếu được thả tự do, Ngài sẽ tiếp tục rao giảng Tin mừng Đức Giêsu Kitô, và Đức Kitô sẽ được vẻ vang.
– Nếu bị giết chết, Ngài sẵn sàng hy sinh vì Chúa. Vì cái chết của Ngài cũng làm vẻ vang cho Đức Kitô.
Và Ngài kết luận : Dù tôi sống hay tôi chết, Đức Kitô sẽ được vẻ vang nơi tôi.
+ Bài Tin mừng : Mt 20,1-16a.
Chúa Giêsu đưa ra dụ ngôn này có ý nói lên lòng quảng đại của Thiên Chúa. Ngài là người Cha yêu thương và nhân hậu. Cách cử xử của Ngài không giống với lối cư xử của con người.
Dụ ngôn này gợi cho ta hai cách suy nghĩ :
a) Suy nghĩ của loài người : theo cách cư xử thông thường thì người thợ làm nhiều sẽ được lãnh nhiều, người làm ít sẽ lãnh lương ít. Như thế mới công bằng và hợp lý.
b) Suy nghĩ của Thiên Chúa : ông chủ vẫn trả lương cho người làm nhiều giờ như đã hợp đồng. Nhưng ở đây, ông chủ có lòng quảng đại, muốn trả cho người thợ làm có một giờ cũng được lãnh một quan tiền mà không có hợp đồng , hoàn toàn do lòng tốt của ông chủ. Như vậy, người làm thợ giờ cuối cùng được ông chủ thương cách riêng, không có lỗi đức công bằng.
C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA.
Tất cả là hồng ân
I. TÌM HIỂU DỤ NGÔN.
1. Tình trạng thất nghiệp.
Mọi người phải có công ăn việc làm để nuôi sống mình và gia đình. Ai cũng phải có một việc làm hoặc bằng chân tay hoặc bằng trí óc. Không có việc làm là thất nghiệp. Tình trạng thất nghiệp đã làm đau đầu các nhà lãnh đạo quốc gia vì phải tìm cách tạo công ăn việc làm cho dân. Ngay như nước Mỹ vẫn còn 9.500.000 người thất nghiệp, hơn 4 triệu người ăn xin, hơn 300.000 người tự tử hằng năm (theo đài Hà nội đưa tin hồi 07g15 sáng ngày 21.09.1987) . Ngày nay, những người thất nghiệp được nhận vào làm việc trong các nhà máy là một niềm vui và hy vọng. Ngày xưa cũng không thiếu gì người thất nghiệp cả ngày ngồi ở chợ chờ đợi mà không có chủ thuê, nếu được gọi vào làm công cho người ta thì là một sự may mắn.
2. Cách thuê thợ ở Palestine.
Ở Palestine, mùa hái nho chính vào đầu tháng 10. Sau đó là mùa mưa. Nếu không hái nho kịp trước khi mưa đến thì nho sẽ hư, vì vậy người ta phải chạy đua với thời gian để kịp thu hoạch. Bất cứ người làm công nào cũng được thu nhận dù người đó chỉ làm được một giờ.
Tiền công trả cũng bình thường, một denier (một quan tiền) là tiền công của một ngày bình thường của một người làm mướn. Những người đứng ở chợ không phải là những người biếng nhác ở đầu đường xó chợ, hạng ăn không ngồi rồi. Ở Palestine, chợ là nơi trao đổi lao động. Người ta đến đó vào sáng sớm, mang theo dụng cụ lao động của mình và chờ ở đó cho đến khi có người đến mướn. Họ ở đó chờ công việc, bằng chứng là trong số họ có người chờ đến 5 giờ chiều, chứng tỏ họ muốn làm việc như thế nào.
Thời giờ trong dụ ngôn cũng là thời giờ bình thường của người Do thái. Giờ của người Do thái bắt đầu từ 6 giờ sáng và được tính từ đó đến 6 giờ chiều. Tính từ 6 giờ sáng thì giờ thứ 3 là 9 giờ sáng, giờ thứ 6 là 12 giờ trưa, và giờ thứ 11 là 5 giờ chiều.
3. Ý nghĩa dụ ngôn.
Để hiểu dụ ngôn này, chúng ta phải chú ý tới tâm trạng của người Do thái lúc bấy giờ. Họ quan niệm rằng : Nước Trời chỉ dành cho họ những con cái Abraham, còn người ngoại bang, dân ngoại bị loại trừ hoàn toàn. Người Do thái chiếm được Nước Trời là vì sự trung thành của họ đối với Lề luật Moisen, được thể diện ở giao ước Sinai giữa Israel và Giavê. Để đả phá quan niệm sai lầm này, Chúa Giêsu đã đưa ra dụ ngôn “Thợ vườn nho” đây, vì Nước Trời không phải là món tiền lương, hay một đặc ân, nhưng là một ơn nhưng không Thiên Chúa ban cho toàn thể nhân loại.
Dụ ngôn này là lời cảnh cáo đối với người Do thái. Người Do thái biết họ là dân được chọn, và không bao giờ quên được sự tuyển trạch đó. Kết quả là họ khinh người ngoại bang, chỉ muốn cho người ngoại bang bị hủy diệt. Thái độ này có nguy cơ được đem vào Hội thánh Chúa. Nếu người ngoại bang được cho vào thân hữu của Hội thánh thì phải vào như những kẻ thấp kém hơn.
Trong đạo Chúa không có quan niệm ưu đãi một dân tộc nào. Chính những người tin Chúa lâu năm có thể học hỏi được nhiều nơi những người tân tòng, những người mới bước vào cộng đồng đức tin.
Ông chủ trong Tin mừng hôm nay thật là siêu việt, ông đã thực thi và đề ra chính sách công bằng, bác ái vượt thời gian và không gian. Ông chủ đó chính là Thiên Chúa, là Đức Giêsu Kitô. Đấng cứu thế đã đặt ra giải pháp cứu con người và truyền dạy con người phải biết sống công bằng và bác ái, như thế mới mong xây dựng được một xã hội tuyệt hảo.
Thế nhưng, con người từ bao nhiêu ngàn năm vẫn đốù kỵ, ghen ghét lẫn nhau.”Họ lẩm bẩm kêu trách chủ rằng : bọn sau chỉ làm một giờ mà ông trả bằng chúng tôi sao” ? Ông buộc lòng phải sửa trị thói ghen tị đó bằng cách vạch ra cho họ thấy lòng bác ái cao cả của ông :”Chẳng lẽ tôi không có quyền cho của cải của tôi sao ? Hay vì bạn thấy lòng tốt của tôi, mà bạn ghen tức ư” ?
Truyện : Với Chúa không có mặc cả so đo.
Một người công giáo thấy mình chết phải đến tòa phán xét. Vừa bước chân vào pháp đình, một tòa nhà nguy nga đồ sộ, liền thấy một quang cảnh vừa uy nghiêm vừa im lặng đáng sợ. Trên ngai cao rực rỡ, Chúa Giêsu ngồi oai nghi xử án, có các Thiên thần mặc toàn trắng chầu chực giúp việc. Bên hữu Chúa có một cánh cửa rộng mở một lối đi tràn ngập ánh sáng. Còn bên tả cũng có một cánh cửa, nhưng lớn hơn và nhìn vào chỉ thấy đen thăm thẳm. Trước mắt Chúa đặt một chiếc bục để con người đến đứng trình diện . Cả một biển người đủ mọi lứa tuổi, mọi chủng tộc, sang hèn cao thấp chen chúc nhau, hồi hộp chờ đợi.
Và một hồi chuông rung lên, một Thiên thần cầm một quyển sổ đọc tên thì thấy một đứa bé da đen khoảng 10 tuổi đi đến đứng trên bục. Rồi Thiên thần trình cho Chúa một tờ giấy , thấy Chúa mỉm cười và giơ tay chúc lành cho em. Lập tức các Thiên thần xúm lại dẫn em vào cửa có ánh sáng giữa tiếng đàn đón chào tưng bừng.
Tiếp đến là một thanh niên da trắng và Thiên thần cũng làm như lần đầu, nhưng thấy mặt Chúa phẫn nộ giơ tay xua đuổi. Tức khắc, mấy thằng qủi nhảy tới chộp ngay lấy chàng thanh niên và lôi tuột vào cửa đen ngòm giữa tiếng la hét chửi rủa. Cứ như thế cuộc phán xét tiếp tục khi thì vui mừng khi thì đau thương.
Bỗng người công giáo thấy bà già bên luơng bước lên bục phán xét và bà ta được Chúa cho lên thiên đàng. Thấy thế, ông công giáo mừng thầm trong bụng. Đến lượt một người mà ông biết rất rõ và tin chắc thế nào cũng bị phạt vì đời sống của người ấy quá bê tha tội lỗi. Nhưng kìa Chúa mỉm cười và được các Thiên thần an ủi dẫn vào luyện ngục.
Đến đây người công giáo chắc mẩm mình sẽ được Chúa thương vì dù sao mình cũng đã theo Chúa bấy lâu nay. Do đó, khi được gọi lên toà phán xét, ông ta tỏ vẻ hiên ngang vui sướng, nhưng khi nghe Thiên thần báo cáo với Chúa về những gì đã sống thì ông ta xanh mặt run rẩy. Chúa phẫn nộ xua đuổi, lập tức ba thằng quỉ lôi tuột ông ta vào hỏa ngục. Ông ta thét lên đau đớn và tỉnh dậy. Té ra ông ta nằm mơ. Một giấc mơ hãi hùng khủng khiếp khiến ông lạnh toát cả người, suy nghĩ đặt lại vấn đề sống xưa nay. Vậy Chúa đã tỏ cho biết sai chỗ nào nghiêm trọng đến nỗi bị sa hoả ngục.
(Quê Ngọc, Dấu ấn tình yêu, năm A, tr 117)
Đọc câu truyện trên, chúng ta thấy Chúa muốn chúng ta sống với Chúa như tình con thảo chứ không muốn chúng ta sống như một người làm thuê, tính toán sòng phẳng. Thực ra, những gì chúng ta có là do hồng ân Chúa ban, là món quà Chúa ban nhưng không.
Suy đi nghĩ lại, chúng ta thấy đó là sai lầm của ông công giáo kia đã hành xử suốt đời mình khi đặt mối liên hệ giữa ông ta với Chúa trên cơ sở trao đổi mặc cả giống như những người làm thuê giờ thứ mười một đã lẩm bẩm kêu trách Ông Chủ trong dụ ngôn của Tin mừng hôm nay. Và phải chăng đây cũng là lối suy nghĩ và cung cách sống đạo của chúng ta thường mắc phải và cứ cho là đúng, nhưng thực tế lại sai lầm trầm trọng.
II. BÀI HỌC CHO CHÚNG TA.
1. Tư tưởng của Chúa và của ta.
Loài người chúng ta suy nghĩ giống như một người buôn bán : món hàng trị giá thế nào, vậy phải mua thế nào, bán thế nào ? bao nhiêu thì đúng, bao nhiêu thì sai ?
Chúng ta áp dụng suy nghĩ ấy chẳng những trong đối xử với người khác, mà còn cho cả Thiên Chúa nữa: tôi đã làm gì và làm bao nhiêu, cho nên Thiên Chúa phải ban cho tôi ơn gì và ban bao nhiêu. Chúng ta cho rằng như thế là công bằng.
Nhưng Thiên Chúa không muốn làm người bán cũng không muốn làm người mua. Ngài chỉ muốn làm người Cha, yêu thương chúng ta là con. Ngài chỉ có yêu thương và chỉ dùng lòng tốt để đối xử. Đối với từng đứa con, Ngài không xem xét nó đã làm được gì, nó đáng được bao nhiêu. Ngài chỉ nghĩ nó cần được chăm sóc như thế nào, ban cho nó cái gì là tốt nhất.
Khi lẩm bẩm trách, những người thợ làm nhiều giờ muốn lấy suy nghĩ của mình áp đặt lên lối suy nghĩ của ông chủ, họ muốn ông chủ đừng làm người cha yêu thương mà hãy làm người buôn bán vô tình.
(Lm Carôlô, Sợi chỉ đỏ, năm A, tr 478).
2. Hai bài học cho ta.
a) Bài học thứ nhất : như đã nói : mọi công việc đối với Chúa đều bằng nhau, Vấn đề không phải ở số lượng công việc nhưng ở tình yêu thúc đẩy làm công việc đó. Một người có thể tặng chúng ta một món quà cả trăm ngàn, chúng ta rất biết ơn người đó. Một em bé có thể tặng chúng ta một món quà chỉ đáng giá vài ngàn, nhưng đó là món quà dành dụm đầy nỗ lực và yêu thương của nó, dù món quà nhỏ không giá trị bao nhiêu nhưng nó khiến chúng ta cảm động nhiều hơn. Thiên Chúa không nhìn vào số lượng công việc của chúng ta. Bao lâu ta còn làm, công việc đều được xếp như nhau trước mặt Chúa.
b) Bài học thứ hai : Đó là tất cả mọi sự Chúa ban cho ta đều là ân sủng của Ngài. Chúng ta không thể làm ra những điều Chúa ban cho, chúng ta không xứng đáng với điều đó. Thiên Chúa cho chúng ta là do bởi lòng tốt của Ngài, bởi ân sủng Ngài. Tất cả những gì Chúa ban cho không phải là để trả công nhưng là quà tặng, đó không phải là phần thưởng nhưng là ân sủng.
3. Thái độ chúng ta phải có.
Chúng ta phải chấp nhận như một người con khiêm nhường những hành động của Chúa vì chúng ta biết rằng động cơ duy nhất thúc đẩy người ta trong sự lựa chọn là tình yêu. Chúng ta hãy khôn ngoan chấp nhận những quyết định của Người với sự mau mắn và biết ơn.
Chúng ta phải hành động như Chúa đối với tha nhân : không ganh tị, không nghiêm khắc, không phán xét xấu, không lên án chung thẩm, nhưng phải thông cảm, ưu ái với một “nụ cười của tâm hồn”.
Muốn nên giống Chúa Kitô, chúng ta phải sống theo tinh thần Tân ước, không chỉ chú ý đến công bằng mà nhất là chú ý đến Bác ái. Đối với Chúa, đức công bằng chưa đủ vì như thế chúng ta còn đang sống theo tinh thần Cựu ước vì Cựu ước chưa được hoàn hảo. Chính vì vậy mà dụ ngôn hôm nay nhắc cho chúng ta là phải chú trọng đến Tình yêu đối với Chúa và với tha nhân. Từ nay chúng ta đừng bao giờ phân bì với nhau mà hãy để cho Chúa hành động theo ý Ngài.
Truyện : Cha Sở và Cha Phó.
Tại một xứ đạo kia số giáo dân khá đông, có Cha Sở, Cha Phó. Một số giáo dân, vì cuộc sống bác ái chưa trưởng thành, nên có hai nhóm xung khắc với nhau. Một nhóm quí Cha Sở, nhóm kia mến Cha phó, vì ngài còn trẻ, năng nổ.
Một hôm nhóm ủng hộ Cha Sở đến trao đổi tâm tình với ngài :
– Thưa cha, cha ở đây đã lâu năm, công dầy, đức cao, sao cha để Cha Phó thay đổi nề nếp giáo xứ mình – bỏ đi công lao cha xây dựng ? Và đám thanh niên cùng một số lớn giáo dân có vẻ nghiêng cảm tình về Cha Phó. Xin cha ngăn cản đi.
Cha Sở bình tĩnh trả lời :
– Giữa tôi và Cha Phó ai vất vả hơn ?
– Cha Phó.
Cha Sở chậm rải nói tiếp :
– Ngài còn trẻ, còn có sức hoạt động, phải dấn thân nhiều, và Chúa cũng lo liệu và trợ giúp Ngài bằng cách cho những tâm hồn biết thông cảm, cộng tác. Đó là điều công bằng, điều tốt đẹp, sao các ông bà so bì với tôi – một người đáng lẽ đã về hưu ?
Nghe Cha Sở nói sai tần số với mình, nhóm kia chống chế :
– Cha cũng đã từng hoạt động dấn thân, có khi còn hơn Cha Phó bây giờ.
Cha Sở nói tiếp :
– Và tôi cũng đã từng được người ta qúi mến, ủng hộ. Và biết đâu còn hơn Cha Phó. Vì bây giờ Cha Phó vẫn còn một số người thiếu thông cảm, muốn hạ thấp.
Đám người kia ra về, họ cảm phục Cha Sở “đức cao” và cảm thấy tâm hồn, cõi lòng mình sao nhỏ nhen, trần thế quá ! Từ đó nạn “bè phái” bớt nhiều.
(Cử hành Phụng vụ Chúa nhật, năm A, tr 175-177).
Chúng ta hãy nhớ : ghen tị là một trong bảy mối tội đầu. Kẻ ghen tị là người không muốn ai hơn mình, mà nếu có ai hơn mình thì tỏ ra khó chịu, buồn sầu, tức bực và oán ghét với những thành công của người khác.
Người ta ghen tị về đủ mọi mặt : của cải, tài ba, nhan sắc, thành công, nhân đức. Người ta ghen tị nhau vì không lượng đúng giá trị những gì mình có, không thỏa mãn với hiện trạng của mình, không nhận ra vị thế của mình, lúc nào cũng thấy núi khác cao hơn.
Người ta ghen tị nhau vì kiêu ngạo, vì ích kỷ, không muốn ai thành công hơn mình, đạo đức hơn mình, phục vụ hơn mình. Càng liên hệ thân thiết với nhau người ta càng ghen tị nhau. Thường thường những người ở trong một hoàn cảnh, cùng gia tộc, cùng một tình thân như bạn bè mới ghen tị nhau, chẳng hạn chị em ghen tị nhau, nhà giáo, nghệ sĩ, hàng thịt hàng cá… ghen tị nhau.
Bài Tin mừng trong Thánh lễ hôm nay nhắc cho chúng ta hai điều:
1. Chúng ta phải luôn luôn khiêm nhường nhìn nhận mình không có gì cả, lúc nào cũng phải nương nhờ vào ơn Chúa, vì tất cả những gì chúng ta đã có, đang có hay sẽ có đều là do Chúa ban. Chúa là Đấng tốt lành vô cùng. Ta hãy nói như thánh Phaolô :”Tất cả là hồng ân”.
2. Mỗi nguời hãy bằng lòng với hiện trạng của mình, bằng lòng với những gì mình đang có, đừng nhìn vào người khác mà phân bì ghen tị. Ghen tị làm mất tình yêu thương và gây nên những gương mù gương xấu.
“Lạy Chúa, xin cho chúng con biết sống tâm tình tạ ơn vì muôn ơn phúc Chúa đã tặng ban cho chúng con suốt cả cuộc đời.
“Xin giúp chúng con lánh xa lối suy nghĩ do lòng ghen tị, và biết cố gắng làm cho trổ hoa kết trái ân phúc Chúa đã ban cho mỗi người, để Chúa được vinh danh, anh em được an bình và hạnh phúc”.
Ta hãy có tâm tình như Chúa Giêsu đã dạy trong Tin mừng :
Khi hoàn tất việc phải làm
Nâng lòng lên Chúa mà than thở rằng :
Này con vô dụng muôn phần,
Phần con, con đã thi hành mà thôi.
(Mt 5,16)
Lm Giuse Đinh lập Liễm