Trong dụ ngôn hôm nay, Chúa Giêsu nói về một ông vua mời nhiều người đến dự tiệc cưới của con trai mình, nhưng đáng ngạc nhiên là không ai trong số những người đã được mời trước đến dự tiệc: “Nước Trời cũng giống như chuyện một vua kia mở tiệc cưới cho con mình. Nhà vua sai đầy tớ đi thỉnh các quan khách đã được mời trước, xin họ đến dự tiệc, nhưng họ không chịu đến” (Mt 22: 3-3). Họ đưa ra nhiều lý do khác nhau để khước từ lời mời của Vị Vua, thậm chí còn cả gan hành hung những người được vua sai đi: “Nhưng quan khách không thèm đếm xỉa tới, lại bỏ đi: kẻ thì đi thăm trại, người thì đi buôn, còn những kẻ khác lại bắt các đầy tớ của vua mà sỉ nhục và giết chết” (Mt 22: 5-6). Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Thiên Chúa thật tốt lành đối với chúng ta, Ngài sẵn lòng ban cho chúng ta tình bạn của Ngài, Ngài ban cho chúng ta niềm vui và sự cứu rỗi của Ngài. Nhưng chúng ta thường không nhận ân huệ của Ngài; chúng ta đặt mối quan tâm thực tế, lợi ích của mình lên hàng đầu. Và khi Chúa kêu gọi chúng ta, dường như chúng ta thường khó chịu” (Kinh Truyền tin, 12 tháng Mười 2014).
- Tôi lại dám không nhận lời mời của Thiên Chúa sao?
Thiên Chúa thường bị khước từ bởi những người Ngài muốn ban quà tặng cho. Họ là các thầy thượng tế và kỳ mục Do thái, những nhà lãnh đạo tôn giáo thời Chúa Giêsu. Nhưng Thiên Chúa không hề chán nản trong việc Ngài yêu thương con người. Đó là lý do vì sao Ngài sai đầy tớ đi khắp mọi nẻo đường và mời tất cả những người họ gặp, không phân biệt. Đó là tất cả những dân tộc mà người Do thái coi là “dân ngoại”. Điều đáng chú ý là những người xấu cũng được mời: “Tiệc cưới đã sẵn sàng rồi, mà những kẻ đã được mời lại không xứng đáng. Vậy các ngươi đi ra các ngã đường, gặp ai cũng mời hết vào tiệc cưới” (Mt 22: 8-9). Thiên Chúa của chúng ta không loại trừ ai khỏi lời mời gọi của Ngài. Lời mời mà nhiều người từ chối bây giờ được trao cho những người trước đây không nằm trong danh sách mời của Ngài, những người này không có mối liên hệ gì với Ngài. Những người nam nữ thuộc mọi thành phần và hoàn cảnh xã hội, ngay cả những người không cầu nguyện hoặc thậm chí không biết nhiều về Thiên Chúa – tất cả đều được mời gọi nên thánh, để chia sẻ vinh quang thiên đàng. Không ai bị loại trừ. Thiên Chúa quảng đại mời gọi mọi người dự phần vào vinh quang trên trời với Ngài. Đó là lời mời “Đến cả đi, hỡi những người đang khát, nước đã sẵn đây! Dầu không có tiền bạc, cứ đến mua mà dùng; đến mua rượu mua sữa, không phải trả đồng nào” (Is 55: 1) hoặc như trong bài đọc thứ nhất: “Ngày ấy, trên núi này, Chúa các đạo binh sẽ đãi muôn dân một bữa tiệc: tiệc thịt béo, tiệc rượu ngon, thịt béo ngậy, rượu ngon tinh chế” (Is 25: 6).
Thiên Chúa mời gọi chúng ta tự do đón nhận hồng ân dự tiệc chung vui với Ngài, Ngài mời gọi nhưng không ép buộc chúng ta. Nhưng, lạ thay, chúng ta có khi sử dụng quyền tự do của mình một cách tồi tệ và không nhận ra và đón nhận điều duy nhất thực sự khiến chúng ta hạnh phúc. Điều này xảy ra khi chúng ta quên mất Thiên Chúa, không còn dành cho Ngài sự tôn thờ và lòng mến yêu mà Ngài xứng đáng được nhận với tư cách là Đấng Tạo Hóa và là Abba – Cha của chúng ta: “Để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: Abba, Cha ơi!” (Gl 4: 6). Chúng ta luôn đặt mình lên hàng đầu và biến mình trở thành tiêu chuẩn duy nhất cho các quyết định và hành động của chúng ta. Đoạn văn này giúp chúng ta nhớ lại loại tự do mà chúng ta có. Chúng ta không có quyền tự do tuyệt đối, tự do vô biên, để tự cho mình cái quyền làm bất cứ điều gì mình muốn. Sự tự do của chúng ta là một thứ tự do có giới hạn, vốn là tất định của một thụ tạo được Thiên Chúa tạo dựng. Vì thế, chúng ta không thể chọn chính mình làm tiêu chuẩn đạo đức và cứu cánh cho chính mình. Con người chúng ta luôn bị cám dỗ coi mình là Chúa của chính mình: “Rắn nói với người đàn bà: “Chẳng chết chóc gì đâu! Nhưng Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác” (Stk 3: 4-6). Chỉ có Thiên Chúa mới là Chúa và là cùng đích của chúng ta. Nhưng chúng ta được tự do lựa chọn những phương tiện giúp chúng ta đạt được cùng đích đó một cách hiệu quả nhất.
- Một lời mời chúng ta không đáng được.
Việc chúng ta được mời gọi dự tiệc thiên đàng thực sự là một ân huệ từ Thiên Chúa. Ngài mời gọi chúng ta dù chúng ta là tội nhân: “Thế mà Chúa Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta” (Rm 5: 8). Thánh Phaolô, trong thư gửi tín hữu Rôma, đã nói rằng thật khó biết bao để một người hiến mạng sống mình cho người khác: “Hầu như không ai chết vì người công chính, hoạ may có ai dám chết vì một người lương thiện chăng” (Rm 5:7). Nhưng Chúa Kitô đã không chỉ hiến mạng sống mình cho người tốt lành – trước mặt Thiên Chúa mấy ai đáng được coi là người tốt lành? Ngài ban sự sống đó cho những kẻ tội lỗi: “Đầy tớ liền đi ra các nẻo đường, gặp ai, bất luận xấu tốt, cũng tập hợp cả lại, nên phòng tiệc cưới đã đầy thực khách” (Mt 22: 10). Chúng ta không bao giờ xứng đáng hoặc tự cho mình cái quyền đòi hỏi ân huệ này từ Thiên Chúa. Được Thiên Chúa ban cho sự sống của Ngài là được một kho báu – kho báu đó hoàn toàn miễn phí. Kho báu đó, tức là tình bạn trọn vẹn và mãi mãi với Thiên Chúa trong Chúa Kitô, hoàn toàn miễn phí, vì được mua cho chúng ta bằng máu của Chúa Kitô. Không ai có thể mua được Thần khí của Thiên Chúa, không ai có thể mua được một trái tim mới vốn dĩ có khả năng làm đẹp lòng Thiên Chúa: “Ta sẽ ban tặng các ngươi một quả tim mới, sẽ đặt thần khí mới vào lòng các ngươi. Ta sẽ bỏ đi quả tim bằng đá khỏi thân mình các ngươi và sẽ ban tặng các ngươi một quả tim bằng thịt. Chính thần trí của Ta, Ta sẽ đặt vào lòng các ngươi…Các ngươi sẽ cư ngụ trong đất Ta đã ban cho tổ tiên các ngươi. Các ngươi sẽ là dân của Ta. Còn Ta, Ta sẽ là Thiên Chúa các ngươi” (Êdêkiel 36: 26).
Điều này đơn giản có nghĩa là để được vui hưởng bữa tiệc mà Thiên Chúa khoản đãi qua Chúa Kitô, nghĩa là được cứu độ, tôi phải để Thiên Chúa thay tim mới cho tôi bằng Thần khí của Ngài: buông bỏ tất cả mọi thứ trần gian, hơn cả “đi thăm trại, đi buôn” (Mt 22: 5), buông bỏ ngay cả chính cái tôi quá lớn của mình, gia đình hay danh tiếng. Không gì có thể so sánh với Tiệc cưới của Con Thiên Chúa. Đó là tất cả những gì Chúa Giêsu muốn nói: “Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng người kia gặp được” (Mt 13: 44). Một kho báu khiến người ấy mãn nguyện, chôn giấu lại, và “Rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy” (Mt 22: 44).
Bữa Tiệc Nước Trời quý giá hơn mọi thứ trên thế gian này, vì đó chính là sự sống chan chứa, là tình yêu bao la mà Thiên Chúa, qua cái chết và sự sống lại của Chúa Giêsu, đã chuộc lại cho chúng ta. Bây giờ chúng ta vui hưởng Bữa Tiệc Nước Trời, là điều làm thỏa mãn mọi khao khát của chúng ta mãi mãi. Chỉ có một cách duy nhất để đáp lại tình yêu cao vời mà Thiên Chúa dành cho chúng ta: đó là khiêm hạ, hân hoan đón nhận và thực hiện Ý Muốn của Thiên Chúa, hoàn toàn gắn bó với Ngài.
- Trang phục phù hợp:
Nhưng Tin Mừng tiếp tục: “Bấy giờ nhà vua tiến vào quan sát khách dự tiệc, thấy ở đó có một người không mặc y phục lễ cưới” (Mt 22: 11). Mọi người ở đó đều đã được mời, giống như tất cả chúng ta đều được mời, đến với ơn cứu độ. Cửa mở cho bất cứ ai muốn vào, nhưng trước khi tận hưởng vinh quang, mỗi người tự xét xử chính mình trước Vị thẩm phán tối cao, Đấng soi rọi những ngóc ngách sâu thẳm nhất trong cõi lòng vốn bị che dấu lâu nay của chúng ta. Khi đó chính chúng ta sẽ tự thấy mình có xứng đáng hoặc xứng đáng bao nhiêu với bàn tiệc vinh quang Thiên Chúa.
Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo nhắc nhở chúng ta: “Chúa Giêsu, sau các Tiên tri và ông Gioan Tẩy Giả, trong lời rao giảng của mình, đã loan báo cuộc Phán Xét vào ngày tận thế. Lúc đó những cách sống của mỗi người và sự kín nhiệm trong các tâm hồn được đưa ra ánh sáng. Lúc đó tội cứng lòng tin, tức là tội coi thường ân sủng do Thiên Chúa ban, sẽ bị kết án. Cách đối xử với đồng loại sẽ biểu lộ là người ta đã đón nhận hay đã từ chối ân sủng và tình yêu Thiên Chúa… Nhưng Chúa Con không đến để xét xử, mà để cứu độ, và để ban sự sống Ngài có nơi chính mình. Qua việc từ chối ân sủng khi còn sống ở đời này, mỗi người tự xét xử chính mình, lãnh nhận tuỳ theo các công việc của mình, và cũng có thể tự kết án mình muôn đời khi từ chối Thần Khí tình yêu” (GLGHCG, số 678-679).
Dụ ngôn của Chúa Giêsu cho thấy rõ rằng, để xứng đáng dự Tiệc cưới Thiên đàng, điều kiện không thể thiếu là mặc áo cưới, nghĩa là có tâm hồn sám hối, hoán cải và trong sạch, chấp nhận lối sống làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa đối với mọi người, chia sẻ sự giàu sang mà Thiên Chúa đã ban dư tràn cho chúng ta với những ai gặp cơn quẫn bách, như Thánh Phaolô nói trong bài đọc thứ hai: “Anh em đã chia sẻ với tôi, khi tôi gặp cơn quẫn bách, như thế là phải… Thiên Chúa của tôi sẽ thoả mãn mọi nhu cầu của anh em một cách tuyệt vời, theo sự giàu sang của Ngài trong Chúa Kitô Giêsu” (Pl 4: 14, 19).
- Quyết định là của chúng ta
Mỗi ngày đều là một ngày tốt lành, chúng ta có đón nhận tình yêu của Thiên Chúa và vui hưởng lời mời của Chúa Giêsu đến dự bữa tiệc thiên quốc không? Thiên Chúa tốt lành nhưng chúng ta không thể hiệp thông trọn vẹn với Ngài nếu chúng ta để chiếc áo linh hồn mình bị vấy bẩn, tức là không trân trọng lời mời của Chúa Giêsu một cách đúng đắn. Tâm hồn đầy ắp “cái tôi” ích kỷ, ganh ghét, đố kỵ đồng nghĩa với trang phục không đúng mực. Chúng ta có khi nào coi thường Tiệc cưới Thiên đàng không? Linh hồn mặc áo cưới là linh hồn luôn hoán cải đón nhận Lời Thiên Chúa, qua Chúa Giêsu, qua Giáo hội của Ngài, và sẵn sàng đem ra thực hành.
Phêrô Phạm Văn Trung.