Nói về gia đình là nói tới ba ngôi vị: Cha, Mẹ và Con. Muốn lấy một gia đình nào làm mẫu gương học tập cho cộng đồng, thì phải miêu tả đầy đủ cụ thể về 3 nhân vật chủ chốt đó; đồng thời làm nổi bật vai trò từng nhân vật sống và sinh hoạt trong bầu khí ấm cúng, hòa thuận, thương yêu nhau. Gia đình thánh Na-da-ret đã được Giáo Hội chọn làm mẫu gương cho toàn thể các gia đình Ki-tô hữu (lễ kính Thánh Gia Thất được Đức Giáo Hoàng Lê-ô XIII lập ra vào cuối thế kỷ XIX). Chia sẻ về Thánh Gia Thất quả thực rất khó. Khó vì ít tài liệu (các sách Kinh Thánh phần lớn chỉ tập trung trình thuật những gì liên quan tới công trình Cứu Độ của Đức Giê-su, ít chú trọng tới cuộc sống của Người nơi gia đình).
Thường thì người mẹ đóng một vai trò quán xuyến nội trợ trong gia đình, còn người cha dù được coi là gia trưởng, nhưng phần lớn thời gian thường phải dành cho công việc mưu sinh, ít có mặt nơi gia đình. Với Đức Maria trong vai trò Người Mẹ nơi gia đình thánh Na-da-ret thì Mẹ lại rất ít nói (Mẹ chỉ nói 6 lần, mà Tin Mừng có ghi lại: * 5 lần Mẹ nói với Chúa, nói về Chúa (x Lc 1, 34.38.48 ; Lc 2, 48 và Ga 2, 3); * Chỉ có một lần Mẹ nói với loài người: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo!’’ (Ga 2, 5). Mẹ chu toàn bổn phận mà Thiên Chúa đã trao phó bằng hành động phục vụ, còn tất cả mọi sự kiện liên quan tới Người Con Chí Thánh thì Mẹ chỉ “hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2, 19).
Còn Thánh Giu-se thì hầu như không nói gì, chỉ như một cái bóng âm thầm làm việc phục vụ Chúa và Đức Mẹ. Tuy vậy, nhưng ngài đã chu toàn bổn phận cách hoàn hảo như Chân phước Gio-an Phao-lô II nhận xét: ”Thánh Giu-se, vì yêu thương chăm sóc Mẹ Maria và vui mừng tận tụy giáo dục Đức Giê-su Ki-tô, như thế Ngài cũng giữ gìn và bảo vệ nhiệm thể của Ngài là Giáo Hội, mà Đức Thánh Trinh Nữ là hình ảnh và gương mẫu” (Tông huấn “Redemptoris Custos”, số 1). ĐGH đương kim Phan-xi-cô I cũng nhấn mạnh: “Trong các sách Phúc Âm, thánh Giu-se xuất hiện như một người mạnh mẽ, can đảm, chuyên cần làm việc, nhưng trong tâm hồn Ngài trổi vượt một sự rất dịu dàng, đây không phải là đức tính của kẻ yếu, trái lại, nó chứng tỏ một tâm hồn mạnh mẽ và có khả năng chú ý, cảm thương, thực sự cởi mở, yêu thương đối với tha nhân.” (Bài giảng tại Thánh lễ “Khai mạc sứ vụ Phê-rô của Giám mục Rô-ma” – 19/3/2013).
Đến như nhân vật chính là Đức Giê-su thì Kinh Thánh nói rất sơ lược về sinh hoạt của Người nơi gia đình Na-da-ret. Chỉ có duy nhất thánh sử Lu-ca viết: “Khi hai ông bà đã làm xong mọi việc như Luật Chúa truyền, thì trở về nơi cư ngụ là thành Na-da-rét, miền Ga-li-lê. Còn Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa… Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Na-da-rét và hằng vâng phục các ngài. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng. Còn Đức Giê-su ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta.” (Lc 2, 39-40.51-52)
Cũng vì thế, khi chia sẻ Tin Mừng lễ Thánh Gia Thất, đa số thường chỉ chú ý đến mặt tâm linh (mầu nhiệm hiệp thông sứ vụ). Điều đó là tất yếu, tuy nhiên, để có một cái nhìn cụ thể theo nhân sinh quan, thì vẫn có thể biện giải được. Đó là cảnh “đã nghèo lại gặp cái eo” (tục ngữ VN) khi từ quê nghèo Na-da-ret, Thánh Giu-se và Đức Mẹ phải về nguyên quán Bê-lem để chính quyền kiểm tra dân số, mà “hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ” (Lu-ca 2, 7). Cuối cùng phải ra cánh đồng và sinh con nơi hang bò lừa “lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ” (Lu-ca 2, 7). Nhân đức khó nghèo đã triển nở trong sự can đảm và nhẫn nại tột cùng.
Khó khăn trong hoàn cảnh Chúa Giáng Sinh vừa qua khỏi thì khó khăn bách hại lại đến. Hung thần Hê-rô-đê “đùng đùng nổi giận, nên sai người đi giết tất cả các con trẻ ở Bê-lem và toàn vùng lân cận, từ hai tuổi trở xuống” (Mt 2, 16), cố tình sát hại Hài Nhi Giê-su cho kỳ được! Ở đây thấy nổi bật vai trò của vị gia trưởng là Thánh Giu-se. Trước hết ngài luôn vâng phục thánh ý của Thiên Chúa, thông qua lời sứ thần: “Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập”. Đã là ý Chúa thì phải mau mắn thi hành. Thánh Giu-se lập tức trỗi dậy, và dù là đang đêm, ngài cũng lên đường đi Ai-cập ngay chứ không chờ trời sáng. Sau thời gian tạm trú bên Ai-cập, Thánh Giu-se lại mau mắn thi hành ý Chúa do Sứ thần báo mộng (“Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người về đất Ít-ra-en, vì những kẻ tìm giết Hài Nhi đã chết rồi.” – Mt 2, 20), đem Thánh Gia trở về It-ra-en; nhưng không về Giu-đê-a nữa, mà ghé qua miền Ga-li-lê “và đến ở tại một thành kia gọi là Na-da-rét, để ứng nghiệm lời đã phán qua miệng các ngôn sứ rằng: Người sẽ được gọi là người Na-da-rét.” (Mt 2, 23).
Như vậy, học hỏi nơi mẫu gương Thánh gia Na-da-rét là học sự thể hiện lời khuyên Phúc Âm (Khó nghèo – Khiết tịnh – Vâng phục) bằng hành động, bằng cuộc sống cụ thể. Ba nhân đức đối thần (Tin – Cậy – Mến) được minh họa đến tuyệt đỉnh nơi 3 nhân tố tuyệt hảo trong Gia đình thánh: Đức Giê-su, Đức Maria và Thánh Giu-se. Do đó, mừng lễ Thánh Gia Thất, mọi gia đình Ki-tô giáo từ nay biết đặt Thánh ý Chúa lên trên hết, để không những biết sống thuận hòa yêu thương nhau, mà hơn nữa còn biết sống tinh thần phục vụ cho hạnh phúc của mọi người, để có thể nói mỗi gia đình Ki-tô giáo là một Thánh gia thất ở Ga-li-lê dân ngoại, tức là biết chuyển ơn cứu độ của Chúa đến môi trường chung quanh.
Hơn lúc nào hết, năm 2014 lại là năm Giáo Hội Việt Nam khởi đầu cho “kế hoạch mục vụ kéo dài 3 năm (2014-2016): – Năm 2014: Phúc-Âm-hoá đời sống gia đình. – Năm 2015: Phúc-Âm-hoá đời sống giáo xứ và các cộng đoàn. – Năm 2016: Phúc-Âm-hoá đời sống xã hội.” (Thư Chung 2013 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, số 4). Các gia đình Ki-tô hữu Việt Nam hãy thực hiện lời khuyên nhủ quý báu của Thư Chung 2013 (số 6): “xin anh chị em hãy xây dựng gia đình mình thành một cộng đoàn cầu nguyện, sống tình yêu hợp nhất thủy chung, phục vụ sự sống và hăng say loan báo Tin Mừng”.
Cũng chính năm 2014 sẽ là năm khai mạc THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC ĐẠI HỘI CHUNG NGOẠI THƯỜNG LẦN THỨ BA tại Rô-ma (05 – 19/10/2014), với chủ đề: “CÁC THÁCH ĐỐ MỤC VỤ VỀ GIA ĐÌNH TRONG BỐI CẢNH CỦA CÔNG CUỘC LOAN BÁO TIN MỪNG”; chia ra 2 giai đoạn : “Giai đoạn thứ nhất, Đại hội ngoại thường năm 2014, nhằm mục đích xác định “Status quaestionis” (các vấn đề đặt ra) và thu thập các chứng từ và đề nghị của các Đức Giám mục để loan báo và sống Tin Mừng về gia đình một cách thuyết phục; Giai đoạn thứ hai, Đại hội thường lệ năm 2015, nhằm tìm kiếm những hướng hành động cho mục vụ hướng đến nhân vị và gia đình.” (xc “Tài liệu chuẩn bị cho THĐ/GM Đai hội Ngoại thường lần III – 2013”).
Ấy là chưa kể ĐTC Phan-xi-cô I trong Sứ điệp “Ngày thé giới hòa bình” (số 1), cũng nhấn mạnh đến vai trò nền tảng của gia đình trong Giáo Hội, trong xã hội: “Vì chúng ta là một hữu thể tương quan, tình huynh đệ là một phẩm chất thiết yếu của con người. Một ý thức sống động về mối tương quan này giúp chúng ta nhìn và đối xử với nhau như là anh chị em đích thực. Không có tình huynh đệ thì không thể xây dựng một xã hội công bình và một nền hòa bình bền vững và viên mãn. Chúng ta nên nhớ rằng tình huynh đệ cách chung được học biết tại gia đình, trên hết là nhờ vào vai trò trách nhiệm và sự giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên, đặc biệt là người cha và người mẹ. Gia đình là nguồn mạch của tình huynh đệ, và như thế gia đình chính là nền tảng và là con đường đầu tiên dẫn đến hòa bình, vì ơn gọi của gia đình chính là thông truyền tình yêu cho thế giới xung quanh.”
Điều đó cho thấy vai trò quan trọng của gia đình trong sứ vụ loan báo Tin Mừng trong bối cảnh nhiễu nhương của xã hội hiện nay, như Tài liệu chuẩn bị cho THĐ/GM Đai hội Ngoại thường lần III – 2013” (mục II- “Giáo Hội và Tin Mừng về Gia đình”) đã nhận xét: “Tin Mừng về tình yêu Thiên Chúa phải được loan báo cho những ai sống kinh nghiệm nhân bản nền tảng cá vị này, kinh nghiệm sống đời vợ chồng và hiệp thông mở ra với tặng phẩm sự sống là con cái, tức là cộng đoàn gia đình. Giáo lý đức tin về hôn nhân phải được trình bày một cách có hiệu quả và thông truyền sống động, để có thể chạm tới cõi lòng người ta và làm họ biến đổi theo thánh ý của Thiên Chúa được tỏ lộ trong Đức Giêsu Kitô.”
Quả thật “Thời đại hôm nay trong đó chúng ta đang sống, khủng hoảng xã hội và tâm linh hiển nhiên đã trở thành một thách đố mục vụ chất vấn sứ vụ loan báo Tin Mừng của Hội Thánh cho gia đình, vốn là tế bào sống động của xã hội và Giáo Hội. Việc loan báo Tin Mừng cho gia đình trong bối cảnh này là một việc khẩn cấp và cần thiết hơn bao giờ hết.” (“Tài liệu chuẩn bị cho THĐ/GM Đai hội Ngoại thường lần III – 2013”, mục I- Gia đình và việc loan báo Tin Mừng”). Cũng vì thế nên “xin anh chị em hãy xây dựng gia đình mình thành một cộng đoàn cầu nguyện, sống tình yêu hợp nhất thủy chung, phục vụ sự sống và hăng say loan báo Tin Mừng”. (Thư Chung 2013 của HĐGMVN, số 6):
Nói tóm lại, để “Tân Phúc-Âm-hóa” đạt hiệu quả tốt, hãy làm sao cho mỗi gia đình trở nên một “cộng đoàn cầu nguyện, thờ phượng Thiên Chúa, đền thờ tại gia”. Khi đã coi gia đình là “đền thờ tại gia phụng thờ Thiên Chúa”, thì mọi thành phần trong gia đình cần phải biết “nâng tâm hồn và trí khôn lên với Thiên Chua” (cầu nguyện); vì cầu nguyện chính là : “Chúc tụng và thờ lạy – Khấn xin – Chuyển cầu – Tạ ơn – Ngợi khen” (Giáo lý HTCG), Một cách cụ thể là “dẫn mọi người vào cuộc gặp gỡ cá vị với Đức Giê-su Ki-tô, trong Thánh Thần, nhờ đó gặp gỡ Thiên Chúa Cha của Người, cũng là Cha của chúng ta, và để đời sống mình được biến đổi theo tinh thần Phúc Âm.” (Thư Chung 2013 của HĐGMVN, số 3).
Cần hiểu thêm về ý “gia đình là cộng đoàn cầu nguyện” tức là cầu nguyện mang ý nghĩa tập thể, vậy thì làm sao lại nói đó là cuộc “gặp gỡ cá vị (gặp riêng) với Đức Giê-su”. Đúng là mọi Ki-tô hữu phải biết sống đời cầu nguyện, và cầu nguyện chung với cộng đoàn có tác dụng động viên con người rất hiệu quả (trong lời kinh, tiếng hát “Chúc tụng và thờ lạy – Chuyển cầu – Tạ ơn – Ngợi khen”); nhưng còn mỗi cá thể sẽ “Khấn xin” những điều riêng tư cho bản thân – nhất là xin cho bản thân biết “củng cố và làm mới lại đức tin của mình” – thì mỗi người mỗi khác. Vì thế nên trong cuộc gặp gỡ chung, thì mỗi người cần phải biết “gặp gỡ riêng” (cá vị) với Đức Ki-tô. Tắt một lời, trong cầu nguyện chung, thì vẫn luôn có cầu nguyện riêng. Nói cách khác, hãy hiệp ý với cộng đoàn trong những giờ cầu nguyện chung, nhưng vẫn rất cần những cuộc gặp gỡ riêng với Đức Giê-su Thiên Chúa; vì chính Người đã dạy: “Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh”.
Ôi! “Lạy Chúa, Chúa đã muốn đề cao Thánh Gia như tấm gương xán lạn để mọi người bắt chước. Xin làm cho chúng con cũng biết noi gương để ăn ở đúng lễ nghĩa gia phong, sống đùm bọc lẫn nhau trong tình yêu mến, hầu được chung hưởng niềm an vui vĩnh cửu trong nhà Chúa trên trời. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con. Amen.” (Lời nguyện nhập lễ lễ Thánh Gia Thất).
JM. Lam Thy ĐVD.