Mù mà sáng, sáng mà mù

Sống trong cảnh mù loà là điều đáng sợ nhất. Thật là bất hạnh đối với một đứa trẻ ngay từ khi mở mắt chào đời đã phải sống trong tăm tối, phải chấp nhận một cuộc đời không thấy ánh sáng, không nhìn thấy vẻ đẹp của thiên nhiên, con người cũng như cỏ cây! Lúc lớn lên có thể nghe mọi chuyện, có thể sờ mó tất cả, nhưng không thể nào hình dung ra được hình dáng, màu sắc! Ở đời, khi nói về nỗi khổ thể lý của người bị mù lòa, người ta vẫn thường nói: “giàu hai con mắt, khó hai bàn tay”. Đó là nói về mặt thể xác, ngoài ra, về tinh thần, con mắt còn được gọi là “cửa sổ của linh hồn”, là “ngọn đèn của thân thể” (“Đèn của thân thể là con mắt của anh. Khi mắt anh sáng, thì toàn thân anh cũng sáng. Nhưng khi mắt anh xấu, thì thân anh cũng tối. Vậy hãy coi chừng kẻo ánh sáng nơi anh lại thành bóng tối. Nếu toàn thân anh sáng, không có phần nào tối tăm, thì nó sẽ sáng hoàn toàn, như khi đèn toả sáng chiếu soi anh.” – Lc 11, 34-36).

Bài Tin Mừng hôm nay (CN IV/MC-A – Ga 9, 1-41) trình thuật về phép lạ Đức Giê-su chữa cho một người bị mù từ lúc mới sinh. Có một chi tiết rất đàng suy gẫm là theo quan niệm của người Do-thái đối với những kẻ tật nguyền bẩm sinh (đui mù, què quặt, nói chung là những khuyết tật từ trong lòng mẹ, khi sinh ra đã phải gánh chịu) đều là những kẻ có tội phải chịu những hình phạt khủng khiếp đó. Vì thế, các môn đệ mới hỏi Đức Giê-su: “Thưa Thầy, ai đã phạm tội khiến người này sinh ra đã bị mù, anh ta hay cha mẹ anh ta?” (Ga 9, 2). Tuy nhiên, để cảnh tỉnh các môn đệ khỏi bị ảnh hưởng bởi giáo lý sai lầm ấy, đồng thời nhận chân được sự thật nơi Người Thầy của mình, nên Đức Giê-su trả lời: “Không phải anh ta, cũng chẳng phải cha mẹ anh ta đã phạm tội. Nhưng sở dĩ như thế là để thiên hạ nhìn thấy công trình của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh.” (Ga 9, 3).

Nội dung phép lạ lần này được thánh Gio-an tường thuật rất tỉ mỉ. Ngoài anh mù thể hiện lòng tin vào Người đã chữa lành cho mình, còn một số đông người Pha-ri-sêu không tin nên cứ tra vấn, vặn hỏi bệnh nhân (kể cả cha mẹ anh ta nữa) đủ điều, và cuối cùng trục xuất anh ra khỏi hội đường. Nghe tin ấy, Đức Giê-su gặp lại anh mù, đặt câu hỏi: “Anh có tin vào Con Người không?” để xác định niềm tin của anh. Anh mù đã sấp mình xuống tuyên xưng: “Thưa Ngài, tôi tin.” Còn đám người Pha-ri-sêu khi nghe Đức Ki-tô khẳng định: “Tôi đến thế gian này chính là để xét xử: cho người không xem thấy được thấy, và kẻ xem thấy lại nên đui mù!” (Mc 8, 39), liền ngớ người ra và hỏi lại: “Thế ra cả chúng tôi cũng đui mù hay sao?”, khiến Đức Giê-su bảo họ: “Nếu các ông đui mù, thì các ông đã chẳng có tội. Nhưng giờ đây các ông nói rằng: “Chúng tôi thấy”, nên tội các ông vẫn còn!” – Ga 9, 41).

Đức Ki-tô trả lời như thế thì cũng chẳng khác nào nói: Anh mù vì tin mà được sáng mắt, nhưng nhóm người Pha-ri-sêu mắt vẫn sáng, nhưng không tin, nên cũng chẳng khác kẻ đui mù. “Có mắt cũng như mù, có tai cũng như điếc” (tục ngữ VN), “Thấy mà không thấy – không thấy mà thấy”, đó là một nghịch lý trong cuộc sống, nhưng lại là “chuyện thường ngày ở huyện”. Nhân tình thế thái là vậy đó! Người không hiểu rõ, không thấy rõ mà vô tình làm những điều trái thường nghịch lý sẽ không cấu thành tội (như vô tình làm chết người sẽ được coi là “ngộ sát”, chẳng hạn); còn kẻ đã biết, đã thấy rõ mà vẫn làm như không thấy, cố tinh vi phạm thì bị kết án là điều tất nhiên (vd: cố tình giết người sẽ bị kết àn là “cố sát”). Câu trả lời của Đức Giê-su một lần nữa minh định điều luật trong Giao ước Si-nai: “Giết người không có mưu tính trước thì được tha, nhưng cố tình thì sẽ bị giết chết.” (Xh 21, 12-25).

Điển hình như trường hợp thánh Phao-lô với biến cố Đa-mát: Khi còn sáng mắt, nhưng vì nhiễm phải giáo lý sai lầm của nhóm luật sĩ, kinh sư Pha-ri-sêu, nên Sao-lô cũng chẳng khác chi người mù. Đến khi bị ánh sáng chói loà làm mù mắt ở Đa-mát thì lại là lúc được sáng mắt sáng lòng và trở thành một Tông đồ dân ngoại kiệt xuất Phao-lô (Cv 9, 1-19). “Mù mà sáng, sáng mà mù” là thế! Kể ra cũng thú vị, những người sáng mắt lúc nào cũng huênh hoang: “chúng ta là môn đệ của ông Mô-sê. Chúng ta biết rằng Thiên Chúa đã nói với ông Mô-sê; nhưng chúng ta không biết ông Giê-su ấy bởi đâu mà đến.” (Ga 9, 28-29), đã khiến cho người mù cũng phải ngạc nhiên: “Kể cũng lạ thật! Các ông không biết ông ấy bởi đâu mà đến, thế mà ông ấy lại là người đã mở mắt tôi! Chúng ta biết: Thiên Chúa không nhậm lời những kẻ tội lỗi; còn ai kính sợ Thiên Chúa và làm theo ý của Người, thì Người nhậm lời kẻ ấy. Xưa nay chưa hề nghe nói có ai đã mở mắt cho người mù từ lúc mới sinh. Nếu không phải là người bởi Thiên Chúa mà đến, thì ông ta đã chẳng làm được gì.” (Ga 9, 30-33).

Những người từng đứng trên toà ông Mô-sê mà giảng dạy, thì lại không biết một tí gì về Con Người đã được ông Mô-sê (nhờ được Thiên Chúa mạc khải) tiên báo. Trong khi đó, một anh mù từ lúc mới sinh (chắc chắn không được học hành và giả thử có được học thì cũng chẳng tới đâu) lại biết về Thiên Chúa còn hơn cả đám người sáng mắt, khiến họ phát khùng (“Họ đối lại: “Mày sinh ra tội lỗi ngập đầu, thế mà mày lại muốn làm thầy chúng ta ư?” – Ga 9, 34). Chẳng cần lý luận đanh thép, lý thuyết sâu xa, mà chỉ căn cứ vào thực tế (anh được chữa khỏi bệnh mù), mà anh mù đã khiến đám Pha-ri-sêu lâm vào thế… bí, và đành giở chiêu quyền lực: trục xuất anh khỏi hội đường! Thế đấy! Như vậy thì ai sáng, ai mù thực sự đây?

Chung quy thì cũng chỉ vì vấn đề cốt tuỷ: đức tin. Anh mù được chữa lành bởi anh tin vào Con Người; mà cũng không phải chỉ riêng anh, tất cả những người bệnh hoạn, tật nguyền đến với Đức Ki-tô đều được chữa lành vì “Đức tin của anh em đã chữa lành anh em”. Còn đám người Pha-ri-sêu thì mù vẫn hoàn mù, bởi họ không tin vào Con Nguời, mà chỉ tin vào những giáo lý sai lầm như thánh Phao-lô trước khi biến cố Đa-mát xảy ra. Phép lạ chữa lành người mù bẩm sinh là dấu hiệu chứng tỏ rằng, cùng với thị giác, Chúa Ki-tô cũng muốn mở cái nhìn nội tâm, để đức tin của người tín hữu ngày càng sâu xa hơn và có thể nhận thấy nơi Người là Đấng Cứu Độ duy nhất. Chính Người soi sáng mọi tối tăm trong cuộc sống và làm cho con người sống ”như người con của ánh sáng”.

Nói đi nói lại không gì bằng mượn chính ngay lời người mắc bệnh mù nội tâm và được chữa lành, để minh hoạ: “Xưa anh em là bóng tối, nhưng bây giờ, trong Chúa, anh em lại là ánh sáng. Vậy anh em hãy ăn ở như con cái ánh sáng; mà ánh sáng đem lại tất cả những gì là lương thiện, công chính và chân thật. Anh em hãy xem điều gì đẹp lòng Chúa. Đừng cộng tác vào những việc vô ích của con cái bóng tối, phải vạch trần những việc ấy ra mới đúng. Vì những việc chúng làm lén lút, thì nói đến đã là nhục rồi. Nhưng tất cả những gì bị vạch trần, đều do ánh sáng làm lộ ra; mà bất cứ điều gì lộ ra, thì trở nên ánh sáng. Bởi vậy, có lời chép rằng: Tỉnh giấc đi, hỡi người còn đang ngủ! Từ chốn tử vong, trỗi dậy đi nào! Đức Ki-tô sẽ chiếu sáng ngươi!” (Ep 5, 8-14). Ước được như vậy. Amen.

JM. Lam Thy ĐVD.

Chia sẻ Bài này:

Related posts