Chúng ta đang từng bước hành trình trong Mùa Chay Thánh, tiến về Tam Nhật Vượt Qua, tưởng niệm Cuộc Khổ Nạn và Cái Chết của Chúa Giêsu, dẫn đến Lễ Phục Sinh, chiến thắng của Chúa Giêsu Kitô trên sự chết. Phụng vụ Chúa II Mùa Chay năm A trình bày cho chúng ta biến cố Chúa Giêsu Biến hình. Ðây là giai đoạn thứ hai trong Mùa Chay: giai đoạn thứ nhất là những cám dỗ trong hoang địa (x.Mt 4, 1-11); giai đoạn thứ II là cuộc Biến hình (x.Mt 17, 1-9). Chúa Giêsu “đã gọi Phêrô, Giacôbê và Gioan là em ông này, và Người đưa các ông tới chỗ riêng biệt trên núi cao. Người biến hình trước mặt các ông” (Mt 17,1). Mặc dù trong phụng vụ có một ngày lễ dành riêng cho sự kiện này (ngày 06 tháng tám), hôm nay chúng ta được mời gọi chiêm ngưỡng cảnh tương tự như một phần không thể thiếu trong Cuộc Khổ Nạn, Cái Chết và Phục Sinh của Chúa Giêsu.
Quả thật, Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu đã gần kề, sáu ngày sau khi từ trên núi xuống, Chúa Giêsu tuyên bố : “Người phải đi lên Giêrusalem và chịu khổ nhiều đau khổ do hàng niên trưởng và các thượng tế cùng ký lục, và bị giết đi, ngày thứ ba sẽ sống lại” (Mt 16,21).
Nhưng các môn đệ chưa sẵn sàng chứng kiến Chúa của họ, Đấng, luôn thể hiện lòng từ bi đối với người ốm đau bệnh tật, làm cho người phung hủi được lành, kẻ điếc nghe được, người mù thấy được, kẻ què đi được, người chết sống lại, nay “sẽ phải chịu khổ nhiều đau khổ”. Thật, không thể! Không thể hiểu nổi!
Tuy nhiên, bất chấp sự hiểu lầm của họ, Chúa Giêsu biết lý do tại sao Người đi vào thế giới. Người biết mình phải mang lấy tất cả sự yếu đuối và lầm than của nhân loại để thánh hóa họ, cứu họ ra khỏi vòng vây của tội lỗi và sự chết. Người cứu họ bằng cách nào ? Thưa, bằng cách chiến thắng sự chết, để sự chết không còn làm gì được con người là hình ảnh của Thiên Chúa nữa.
Đó là lý do tại sao Biến hình là một biểu tượng của ơn cứu rỗi thể hiện nơi thân xác vinh quang Phục Sinh của Chúa Giêsu. Vì thế, khi loan báo cho các môn đệ Cuộc Khổ Nạn của mình, Chúa thấy rõ sự lo lắng trong các tông đồ, và vẻ rực rỡ về thần tính của Chúa. Chúa khẳng định với họ niềm hy vọng và loan báo cho họ niềm vui Phục Sinh, thậm trí, cả lúc Phêrô, Gioan và Giacôbê không biết rõ … phục sinh từ trong cõi chết nghĩa là gì ! (x. Mt 17,9). Họ cần phải có thời gian.
Nếu trong Sứ điệp Mùa Chay 2017 năm nay với chủ đề : “Lời Chúa là một hồng ân. Tha nhân là một hồng ân”. Khi trưng dẫn đoạn Tin Mừng Luca (16,19-31), Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta hữu lắng nghe Lời Chúa, để nhận ra và phụng sự Chúa trong tha nhân, nhất là nơi những người nghèo khổ, vì tha nhân là hồng ân. Thì hôm nay, có tiếng Chúa Cha tuyên bố Chúa Giêsu là Con yêu dấu của Ngài và mời gọi chúng ta: “Các ngươi hãy nghe lời Người” (Mt 17,5).
Đúng thật là một hồng ân, bởi có biết bao nhiêu lời chúng ta đã nghe, nhưng hiếm khi nghe được tiếng Chúa Cha. Chúa Cha đã nói với các Tông đồ và qua Giáo hội Chúa nói với chúng ta ngày hôm nay nữa: “Hãy nghe Chúa Giêsu, vì Người là Con yêu dấu của Chúa Cha”. Chúa Giêsu là Hồng Ân vô giá do Chúa Cha tặng ban cho chúng ta. Nay Ngài mời gọi chúng ta tuân giữ Lời Người. Lời Chúa Giêsu ban lại sự sống đời đời há chẳng phải là một hồng ân sao ?
Trong tuần này, chúng ta hãy lắng nghe Lời Chúa và cất giữ trong trí. Vì lời ấy không phải là lời của loài người, nhưng là Thiên Chúa Cha, nói với tất cả chúng ta! Lời ấy như một trợ lực để tiến bước trên con đường Mùa Chay. Chúng ta nghe lời Chúa Giêsu nhưng phải bước theo Người. Cũng như các môn đệ, sau khi nghe được lời Chúa Cha ban tặng, các ông không thể cứ ở mãi trên núi, nhưng phải theo Chúa Giêsu xuống núi dõi theo hành trình Thương Khó của Chúa và làm chứng cho Tin Mừng Phục Sinh.
Chúng ta cũng thế, trong Mùa Chay Thánh việc cần phải làm là : ăn chay, cầu nguyện, và bố thí. Ba việc này diễn tả ba chiều kích, ba mối tương quan giữa đương sự với Thiên Chúa và với anh em. Tương quan với Thiên Chúa là cầu nguyện, với tha nhân là bố thí và với chính mình là ăn chay. Ba tương quan này đồng hành với nhau và thể hiện cùng một lúc trong đời sống thường nhật của người kitô hữu. Chúng ta cần đi ra một nơi riêng, leo lên núi trong một nơi thinh lặng, để tìm lại chính mình và lắng nghe tiếng Chúa là hồng ân. Nhưng chúng ta không thể ở lại đó! Cần phải xuống núi gặp gỡ tha nhân. Họ là anh chị em chúng ta đang bị vất vả cơ cực, bệnh tật, bất công, dốt nát, nghèo khổ vật chất và tinh thần đè nặng, để chia sẻ với họ ân thánh đã nhận được vì họ cũng là hồng ân. Ðây là sứ mạng của chúng ta, những người đã chịu phép rửa tội, lắng nghe lời Chúa Giêsu và trao tặng Chúa cho người khác.
Lạy Chúa Thánh Thần, xin dạy chúng con biết nghe Lời Chúa, chuyên cần tham dự Thánh lễ, nguyện gẫm và sống tình bác ái với tha nhân. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ