Nghìn trùng không xa cách

“Nghìn trùng xa cách, người đã đi rồi”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Nghìn trùng xa cách, người đã đi rồi” là câu hát quen thuộc với nhiều người trong chúng ta. Và hôm nay, thoạt nghe các bài đọc Lời Chúa trong ngày mừng Chúa Giêsu Lên Trời, chúng ta cảm giác có một cái gì đó tương tự khi người đã đi rồi; thế nhưng, với Chúa Giêsu, nghìn trùng nhưng không xa cách.

Bằng chứng là Đấng Phục Sinh đang ở đây, giữa cộng đoàn Chúa Nhật của chúng ta, một cộng đoàn phục sinh sống động, vui tươi và sốt sắng. Chính Chúa Giêsu Phục Sinh đang quy tụ chúng ta từ những phút đầu tiên của một tuần sống mới khi chúng ta đang dành những khoảnh khắc quý báu này để dâng lên lời ca tiếng hát hầu ngợi khen, cảm tạ và chiêm ngắm tình yêu Thiên Chúa trong Ngài.

Hôm nay mừng Chúa lên trời, tưởng nhớ ngày Ngài ra đi nhưng những lời yêu thương của Ngài vẫn văng vẳng đâu đây, “Thầy đi để dọn chỗ cho anh em, để Thầy ở đâu, anh em cũng sẽ ở đó với Thầy”; “Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở”; “Lạy Cha, con muốn rằng, những kẻ Cha đã ban cho con, thì con ở đâu, họ cũng sẽ ở đó với con”; “Này đây, Thầy ở lại với anh em, mọi ngày cho đến tận thế”. Như vậy, dẫu cho cả nghìn trùng, nhưng Ngài đâu có xa cách.

Lễ Thăng Thiên mời gọi chúng ta ngước nhìn lên trời nhưng đồng thời, cũng thúc giục mỗi người nhìn xuống đất, một trái đất hơn hai ngàn năm chứng kiến sự hiện diện của Chúa Phục Sinh qua Hội Thánh của Ngài cùng với hoạt động của Chúa Thánh Thần; đồng thời, chúng ta một lần nữa, được mời gọi ra đi chu toàn sứ vụ Ngài trao trước khi Ngài về trời, “Anh em hãy đi giảng dạy muôn dân, này đây Thầy ở lại với anh em mọi ngày cho đến tận thế”.

“Giảng dạy muôn dân”; chỗ khác, “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ mà loan báo Tin Mừng”. Muôn dân hoặc tứ phương thiên hạ có nghĩa là, cho mọi người, mọi nước, mọi dân đông đoài nam bắc, không trừ ai, không trừ một nơi nào. Ở đây, xem ra Chúa Giêsu khá tham vọng, hơi ôm đồm và nếu không nói là quá chủ quan. Người đời có thể nhận định đầy nghi ngờ như thế, vì đang khi Ngài chỉ có vỏn vẹn mười hai môn đồ, đã sẩy một; họ lại ít chữ, nói năng câu được câu mất; vậy mà họ lại được sai đến với “muôn dân tứ phương thiên hạ” để loan báo Tin Mừng… thì kể ra, cũng khá mạo hiểm khi xem ra Ngài quá lạc quan. Ấy thế, hơn hai ngàn năm, Hội Thánh Đức Giêsu, trong đó có chúng ta, đã và đang chứng tỏ điều đó; bởi lẽ, chính Ngài và Thánh Thần của Ngài đang đồng hành với chúng ta, hoạt động trong chúng ta. Vì thế cho dù vắng mặt, Chúa Giêsu vẫn đang hiện diện một cách khiếm diện để thực hiện ý định cứu rỗi của Ngài ngang qua chúng ta.

Giờ đây, chúng ta hiểu, trời không phải là một nơi chốn hoặc là một không gian vật lý nhưng trời là sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi, là cung lòng Cha, là thiên đàng, cũng là điểm đến của mỗi người chúng ta, đây cũng chính là điều chúng ta tuyên tín mỗi ngày khi đọc kinh Tin Kính. Chúa lên trời không phải là bay bổng lên không trung, nhưng là một sự chuyển đổi cấp độ sự sống để bước vào sự sống siêu nhiên của Thiên Chúa. Chúa lên trời không là vắng mặt cách lòng, nhưng là hiện diện mọi nơi, mọi lúc, trong mọi người và qua mọi thời.

Chúa Giêsu lên trời, nhưng Ngài đang hoạt động cùng với Thánh Thần của Ngài ngay hôm nay trong chúng ta, cụ thể trong vị lãnh đạo nước Mỹ mấy ngày qua. Cách đây hai hôm, vào ngày 22/05/2020, Tổng thống Donald Trump nói rằng nước Mỹ cần “nhiều lời cầu nguyện hơn, chứ không ít hơn”, các nơi thờ phượng là “thiết yếu” và ông ra lệnh cho thống đốc các tiểu bang trên khắp toàn nước Mỹ hãy làm điều đúng đắn và mở cửa các nơi thờ phượng ngay cuối tuần này, đúng dịp lễ Chúa Thăng Thiên của người công giáo. Ông nói, “Người dân đang yêu cầu được đi đến nhà thờ, hội đường Do Thái và đền thờ Hồi giáo của họ. Hàng triệu người Mỹ xem thờ phượng là một phần thiết yếu trong cuộc sống”. Tổng thống Hoa Kỳ lưu ý rằng, một số thống đốc “xem các cửa hàng bán rượu và các phòng khám phá thai là điều cần thiết nhưng đã bỏ qua các nhà thờ và các nơi thờ phượng khác. Điều đó là không đúng”.

Phần chúng ta, chúng ta rao giảng Tin Mừng Phục Sinh của Chúa bằng một đời sống chứng tá yêu thương phục vụ nhất là đối với những ai nghèo khó. Chúng ta rao giảng bằng một đời sống không quá bám víu vào vật chất, không quá dính bén với những gì thuộc đất thấp, bèo bọt… nhưng rao giảng khi tâm hồn mỗi người ngày càng hướng thượng mà gắn bó hơn với những thực tại trên trời, nơi mà một ngày kia, chúng ta sẽ được ở với Ngài bên cạnh những người thân yêu cùng muôn triều thần thánh hợp hoan bên Thiên Chúa Ba Ngôi.

 

Anh Chị em,

Chúa lên trời, con vào đời, chúng ta được mời gọi ra đi rao giảng Tin Mừng Phục Sinh đơn sơ như thế đó. Sống trên đất nhưng mắt tâm hồn đăm đăm nhìn trời, chúng ta trở thành những thiện nam tín nữ của Chúa; là những người kiếm tìm Chúa Kitô dọc chiều dài các nẻo đường của thời đại khi chúng ta đem lời cứu rỗi của Ngài đến tận cùng bờ cõi trái đất. Trong lộ trình này chúng ta gặp gỡ chính Chúa Kitô nơi các anh chị em khác, nhất là nơi những ai khốn khó, những người đau khổ trên thân xác và trong tâm hồn; chúng ta sống chính những kinh nghiệm khó khăn và đớn đau những tình trạng nghèo túng cũ và mới của họ.

Nguyện xin Trinh Nữ Maria, Đức Bà Mông Triệu Thăng Thiên, Nữ Vương Các Thánh Tông Đồ giúp chúng ta can đảm ra đi rắc gieo hạt yêu thương trong các tâm hồn ở những hoàn cảnh cụ thể của cuộc sống và của lịch sử.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, dù gần đất, nhưng xin đừng để lòng con xa trời; xin cho con biết mê trời để bớt lấm đất”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Gp. Huế)

Chia sẻ Bài này:

Related posts