Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu kể dụ ngôn mười trinh nữ – một thông điệp về việc chuẩn bị cho ngày Chúa đến lần cuối: “Nước Trời sẽ giống như chuyện mười trinh nữ cầm đèn ra đón chú rể” (Mt 25: 1). Chàng rể trong câu chuyện là Chúa Giêsu và các phù dâu tượng trưng cho dân Do thái đang mong chờ Đấng Mêsia, và cả chúng ta ngày nay là các tín hữu của Ngài, đang mong chờ ngày Chiên Thiên Chúa phán: “Đây, chẳng bao lâu nữa Ta sẽ đến, và Ta đem theo lương bổng để trả cho mỗi người tuỳ theo việc mình làm” (Kh 22: 12).
Vào thời Chúa Giêsu, nghi lễ đón chú rể diễn ra vào ban đêm, nên các cô phù dâu, vốn là những cô gái trẻ chưa chồng đang ở nhà gái chờ chàng rể đến, phải chuẩn bị đèn thắp sáng sẵn sàng để rước chú rể vào nhà của cha cô dâu, nơi lễ cưới sẽ diễn ra.
Dụ ngôn tập trung vào thái độ mà người ta phải có khi Chúa Giêsu đến. Chúa Giêsu cảnh báo cơn buồn ngủ, dẫn đến sự mất tỉnh thức và cảnh giác, đang xâm chiếm cõi lòng dân Do thái khiến họ dần trở nên mệt mỏi sau thời gian dài mong chờ. Nói cách khác, tự hào rằng mình là dân tuyển chọn của Thiên Chúa, đang “ở trong” Vương quốc, “ở trong Giáo hội” thôi thì chưa đủ: người ta còn cần phải canh thức và chuẩn bị cho Chúa Kitô đến bằng cách cầm đèn sáng trong tay. Sự cảnh giác này phải liên tục và không mệt mỏi, như Thánh Phêrô đã căn dặn: “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé” (I Phêrô 5:8).
Thời gian chờ đợi Chúa đến giống như một đêm dài, mà giờ Chàng Rể đến thì lại bất ngờ. Màn đêm trở nên khó đoán định: mọi việc không diễn ra như mọi người mong đợi. Thiên Chúa không làm việc theo lịch trình của chúng ta và Chàng Rể không đến vào lúc chúng ta muốn. Chúng ta có nguy cơ không đủ kiên trì sẵn sàng chờ đợi và đón nhận Chúa Kitô trong cuộc sống hàng ngày đa đoan và nhiễu sự của chúng ta.
Đối với những người đã có kinh nghiệm trông chừng người bệnh nghiêm trọng suốt đêm, đặc biệt nếu người bệnh là người rất thân thiết, họ sẽ nhận ra tầm quan trọng của việc cố gắng giữ cho mình khỏi buồn ngủ. Họ làm mọi thứ trong khả năng của mình để tỉnh táo. Tuy nhiên, vẫn có lúc họ chìm vào giấc ngủ, dù chỉ trong một thời gian ngắn, những khoảnh khắc vượt khỏi tầm kiểm soát của họ…Và khi ấy điều nguy hiểm có thể xảy ra.
Cũng sẽ xảy ra những nguy cơ như vậy trong cuộc sống của mỗi người chúng ta: dù chúng ta cố gắng hết sức để tỉnh táo, nhưng đôi khi chúng ta lại ngủ quên. Chúng ta ngủ quên vì mất lòng tin hoặc vì không kiên trì. Chúng ta ngủ quên khi cảm thấy vô vọng hoặc vì không muốn nhìn vào sự thật về cuộc sống của mình. Sự thật ấy là thời gian cứ trôi qua, thân xác dần lão hóa, tâm trí suy kiệt, bệnh tật xuất hiện, rồi cái chết đến, sau đó là gì nữa… Nhưng chúng ta cứ say ngủ trong một cuộc sống hời hợt, đầu tư quá nhiều tâm trí và lòng dạ vào những thứ phàm trần mau qua: tiền bạc, của cải vật chất, quyền lực, danh tiếng, thú vui, các mối quan hệ…Những thứ này ảnh hưởng đến cách suy nghĩ, phát ngôn và hành động của chúng ta, khiến chúng ta quên mất mục đích đời mình là luôn sẵn sàng ra đón Chúa Kitô – Chàng Rể của Bữa tiệc muôn đời, Đấng đem lại sự sống trọn vẹn. Giờ Chúa đến không ai biết trước được: “Anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến…Cho nên anh em cũng vậy, anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến” (Mt 24: 42-43). Quá gắn bó với chuyện đời, chúng ta sa vào lối sống thực dụng duy vật chất, xem nhẹ “những chuyện đời sau”, trở nên vô thần thực tế, chọn những lợi ích trần thế làm mục đích, không còn khát khao cõi trời cao, khởi đi từ cõi lòng của chính mình, để mình bị dìm ngập trong những mê say trần gian, như sách Sáng thế ký diễn tả: “Chúa thấy rằng sự gian ác của con người quả là nhiều trên mặt đất, và lòng nó chỉ toan tính những ý định xấu suốt ngày…Thiên Chúa nhìn đất và thấy nó đã ra hư hỏng, vì mọi xác phàm đã theo nếp sống hư hỏng trên mặt đất” (Stk 6: 5,12) hay như Thánh Phaolô căn dặn các tín hữu của ngài: “Ý muốn của Thiên Chúa là anh em nên thánh, tức là xa lánh gian dâm…chứ không buông theo đam mê dục vọng như dân ngoại, là những người không biết Thiên Chúa…Thật vậy, Thiên Chúa đã không kêu gọi chúng ta sống ô uế, nhưng sống thánh thiện” (I Tx 4: 3,5,7). Chúng ta đôi khi tự hỏi: bao giờ Chúa đến với tôi, nhưng ít khi lo tự hỏi: lúc này đây, tôi đã sẵn sàng đón Chúa chưa?
Theo dụ ngôn, mọi người đều ngủ quên: cả những cô trinh nữ khôn ngoan và những cô khờ dại: “Vì chú rể đến chậm, nên các cô thiếp đi, rồi ngủ cả” (Mt 25: 5). Việc ngủ quên là điều không tránh khỏi, một thực tế của cuộc sống. Vấn đề không nằm ở khả năng tỉnh táo của họ mà nằm ở cách họ chuẩn bị đèn. Đôi khi đèn của chúng ta có thể tắt nhưng nếu chúng ta biết thắp nó sáng lại và sử dụng nó thì chúng ta sẽ biết phải làm gì trong lúc tối tăm. Điều quan trọng là giữ cho đèn luôn có sẵn dầu. Dầu ở đây là Chúa Thánh Thần, và khi một người không có Thần Khí của Thiên Chúa thì không thể nào đến cùng Thiên Chúa, vì Thần Khí của Thiên Chúa chứng thực ai thuộc về Ngài: “Chính Thần Khí chứng thực cho thần trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa” (Rm 8: 16). Năm cô khờ dại không có dầu, nghĩa là họ không có Thần Khí của Thiên Chúa, họ không thể được kể vào số những con cái Thiên Chúa, được tham dự niềm vui Bàn Tiệc Nước Trời: “Đang lúc các cô đi mua, thì chú rể tới, và những cô đã sẵn sàng được đi theo chú rể vào dự tiệc cưới. Rồi người ta đóng cửa lại” (Mt 25: 10).
Những trinh nữ bị coi là dại dột không phải vì họ buồn ngủ mà điều cơ bản hơn là họ không bao giờ chăm sóc chiếc đèn của họ, không bao giờ nghĩ đến việc chuẩn bị đi đón Chàng Rể. Trong đời của họ, họ chưa bao giờ quan tâm đến Chàng Rể và mong chờ gặp gỡ Ngài; đó là lời giải thích tại sao họ không chuẩn bị đủ dầu. Chúng ta ngày nay có giống như những cô khờ dại này không, chẳng hạn, dửng dưng “không nhận ra hoặc công khai gạt bỏ sự liên kết mật thiết và sống động giữa con người với Thiên Chúa”? (Công đồng Vaticanô II, Gaudium et Spes, 19).
Dầu giữ cho đèn cháy sáng. Ngọn đèn nhắc nhở chúng ta lời mời gọi của Chúa Giêsu bước theo Ngài: “Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống” (Ga 8:12) để trở thành ánh sáng: “Chính anh em là ánh sáng cho trần gian. Một thành xây trên núi không tài nào che giấu được. Cũng chẳng có ai thắp đèn rồi lại để dưới cái thùng, nhưng đặt trên đế, và đèn soi chiếu cho mọi người trong nhà. Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5:14-16). Hơn nữa, người môn đệ của Chúa Giêsu phải trở thành ánh sáng thế gian, ngọn đèn không thể bị giấu dưới thùng: “Anh em phải chiếu sáng như những vì sao trên vòm trời” (Pl 2: 15). Cuộc sống của chúng ta sẽ tỏa sáng cho những người khác và giúp họ tìm ra con đường đích thực của đời mình.
Thánh Augustinô dạy “Hãy tỉnh thức bằng trái tim, tỉnh thức bằng đức tin, tỉnh thức bằng tình yêu thương, tỉnh thức bằng bác ái, tỉnh thức bằng việc lành…; chuẩn bị sẵn đèn, đảm bảo chúng không bị tắt…; đổi mới chúng bằng thứ dầu bên trong là một lương tâm ngay thẳng; thì Chàng Rể sẽ ôm bạn vào lòng yêu thương của Ngài và đưa bạn vào phòng tiệc của Ngài, nơi ngọn đèn của bạn không bao giờ tắt” (Bài giảng 93).
Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Giữa lần đầu Chúa Kitô đến và lần cuối cùng Ngài trở lại, có một khoảng “thời gian gần kề” và đó chính là thời gian mà chúng ta đang sống…Thời gian chờ đợi Ngài đến là thời gian Ngài ban cho chúng ta, cho tất cả chúng ta, với lòng thương xót và kiên nhẫn; đó là thời gian cảnh giác; một thời gian trong đó chúng ta phải thắp sáng những ngọn đèn đức tin, hy vọng và bác ái, thời gian để giữ cho tâm hồn chúng ta luôn rộng mở trước sự Chân,Thiện, Mỹ. Đó là thời gian để sống theo Lời Thiên Chúa, vì chúng ta không biết ngày giờ Chúa Kitô trở lại. Điều Ngài yêu cầu chúng ta là sẵn sàng cho cuộc gặp gỡ – sẵn sàng cho một cuộc gặp gỡ đẹp đẽ, cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu, nghĩa là có thể nhìn thấy những dấu hiệu về sự hiện diện của Ngài, giữ vững đức tin của chúng ta bằng lời cầu nguyện, bằng các bí tích, và chú ý đừng ngủ quên để rồi quên mất Chúa. Cuộc sống của những Kitô hữu đang ngủ mê là một cuộc sống buồn bã, không phải là một cuộc sống hạnh phúc. Người Kitô hữu phải hạnh phúc, với niềm vui của Chúa Giêsu. Chúng ta đừng ngủ quên!” (Buổi tiếp kiến chung, ngày 24 tháng 4 năm 2013).
Đừng cất ngọn đèn Tin Cậy Mến vào tủ mà hãy cầm chúng trên tay và thắp sáng, ngay cả khi thế gian nói rằng điều đó là ngu ngốc và vô nghĩa. Thời gian chờ đợi không kéo dài mãi mãi, rồi ra giữa tăm tối sâu thẳm nhất cõi lòng, sẽ có tiếng kêu vui mừng vang lên: “Chú rể kia rồi, ra đón đi!” (Mt 25:6).
Chắc chắn khi Chúa đến, chúng ta không ai muốn nghe Ngài nói những lời này: “Tôi bảo thật các cô, tôi không biết các cô là ai cả!” (Mt 25: 12). Còn thời gian, còn hy vọng. Chúa của chúng ta, với lòng thương xót dồi dào, liên tục tìm kiếm chúng ta và ban cho chúng ta cơ hội để sửa chữa lối sống của mình, hãy luôn sống trong Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa như trong bài đọc thứ hai viết: “Ai mến chuộng Đức Khôn Ngoan, thì Đức Khôn Ngoan dễ dàng cho chiêm ngưỡng. Ai tìm kiếm Đức Khôn Ngoan, thì Đức Khôn Ngoan cho gặp. Ai khao khát Đức Khôn Ngoan, thì Đức Khôn Ngoan đi bước trước mà tỏ mình cho biết. Ai từ sáng sớm đã tìm Đức Khôn Ngoan, thì không phải nhọc nhằn vất vả. Họ sẽ thấy Đức Khôn Ngoan ngồi ngay trước cửa nhà. Để tâm suy niệm về Đức Khôn Ngoan là đạt được sự minh mẫn toàn hảo. Ai vì Đức Khôn Ngoan mà thức khuya dậy sớm, sẽ mau trút được mọi lo âu” (Kn 6: 12-15).
Phêrô Phạm Văn Trung.