“Tôi bảo thật các ông, những người thu thuế
và gái điếm sẽ vào nước Thiên Chúa trước các ông”.
Kính thưa Anh Chị em,
Một câu hỏi rất thú vị đặt ra cho chúng ta hôm nay là, Thiên Chúa tạo thành, Thiên Chúa cứu chuộc, Thiên Chúa yêu thương con người và mọi loài… vậy thì còn gì hơn nữa để Thiên Chúa phải làm, phải bận tâm? Tắt một lời, giờ này, Thiên Chúa đang làm gì? Phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay cho chúng ta câu trả lời đầy bất ngờ. Thiên Chúa đang thở dài, Người đang thở dài.
Thiên Chúa đang thở dài trước sự cứng lòng của Israel, dân Người. Êzêkiel trong bài đọc thứ nhất cho thấy đó là một dân bất tuân, cứng đầu cứng cổ đến nỗi Thiên Chúa phải hạ mình thanh minh, đôi co, cãi cối cãi chày với họ, “Các ngươi nói rằng, ‘Đường lối của Chúa không chính trực’; vậy hỡi nhà Israel, hãy nghe đây. Có phải đường lối của Ta không chính trực? Hay trái lại, đường lối của các ngươi không chính trực?”; Người đang thở dài.
Trước sự chia rẽ và phân hoá giữa cộng đoàn Philipphê, một giáo đoàn đang bị xáo trộn bởi những con người chỉ tìm hư danh, Thiên Chúa cũng đang thở dài; Người thở dài qua những khắc khoải của Thánh Phaolô, “Anh em hãy làm cho tôi được trọn niềm hân hoan”; “Chớ làm điều gì bởi ý cạnh tranh hay bởi tìm hư danh”.
Đặc biệt, với bài Tin Mừng, trước sự cố chấp của các thượng tế và kỳ lão là những lãnh đạo tôn giáo thời bấy giờ, Thiên Chúa đang thở dài, Người ngao ngán họ đến tận cổ. Chúa Giêsu không còn lời nào nữa để đánh thức lương tâm họ, những con người đầy kiêu căng, tự mãn; những con người tự cho mình là công chính. Sau khi kể cho họ dụ ngôn hai đứa con ngủng nghỉnh được cha sai đi làm vườn nho, Ngài buộc phải thốt lên một kết luận rất nặng, “Tôi bảo thật các ông, những người thu thuế và gái điếm sẽ vào nước Thiên Chúa trước các ông”. Qua đó, Ngài muốn nói với họ rằng, những người thu thuế và gái điếm đang trên đường nên thánh; còn họ, thì không. Ngài là Thiên Chúa xót thương, đó là một sự thật đơn giản mà những người tội lỗi đã khám phá được; họ đã không khám phá được điều đó.
Cả hai đứa con trong Tin Mừng hôm nay đều có những giây phút làm cho cha mình thở dài; đứa thì bảo không làm, rồi lại làm; đứa thì nói làm, rồi lại không làm. Qua bao đời, con người vẫn là thế; xưa cũng như nay, nó luôn khiến cho Thiên Chúa phải thở dài. Đang khi Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa thì khác, từ trời xuống thế, Ngài luôn luôn làm đẹp lòng Cha mọi đàng. Qua đó, Ngài chỉ cho những người con của đất cách sống với Chúa Cha như Đứa Con Của Trời; Ngài phận là phận của một vị Thiên Chúa, lại hoàn toàn hạ mình vâng phục Cha, hằng làm vui lòng Cha trong mọi sự. Đó là cái “hơn” của người ‘anh trưởng Giêsu giữa một đàn em đông đúc’ đã nêu gương. Vì thế, trong thư Philipphê hôm nay, Phaolô còn khuyên rằng, “Anh em hãy cảm nghĩ trong anh em điều đã có trong Đức Giêsu Kitô”; “Người đã tự hạ mình mà vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá”.
Để Thiên Chúa thôi thở dài, chúng ta cũng hãy mặc lấy tâm tình của Chúa Giêsu; hãy bắt đầu hành trình nên thánh với việc nhìn nhận con người yếu hèn tội lỗi của mình trong khiêm nhượng, trong cởi mở và chân thật như những người thu thuế và gái điếm; sống trong tâm tình thống hối của đứa con vốn chối từ đi làm vườn nho cho Cha, nhưng sau đó, hối hận mà đi. Thánh Vịnh đáp ca hôm nay là một lời cầu nguyện của những hối nhân, cũng là lời cầu nguyện của mỗi người chúng ta, “Lạy Chúa, xin nhớ lại nghĩa nặng với ân sâu của Ngài”; “Lạy Chúa, xin hãy nhớ lòng thương xót của Ngài, lòng thương xót tự muôn đời vẫn có. Xin đừng nhớ lỗi lầm và tội ác khi con còn trẻ, nhưng hãy nhớ con theo lòng thương xót của Ngài, vì lòng nhân hậu của Ngài, thân lạy Chúa!”.
Chuyện kể rằng, ngày xưa, nữ hoàng Saba nghe biết sự khôn ngoan của Salomon; bà yết kiến vua, mang theo hai bó hoa, cốt để thử xem vua khôn ngoan làm sao; đó là một bó hoa thật và một bó hoa giả rất giống nhau. Salomon lặng lẽ đặt hai bó hoa lên bàn và đi mở những cánh cửa. Nữ hoàng Saba đầy kinh ngạc, khiếp sợ… vì ngay lúc ấy, không biết từ đâu, ong bướm sà xuống ngay trên những bông hoa thật vì những bông hoa giả có sắc mà không có hương, có hình hài mà không có sự sống.
Anh Chị em,
Chúng ta là hoa thật hay hoa giả; là hoa thật khi chúng ta nhìn nhận mình là tội nhân, chắc chắn lòng thương xót của Thiên Chúa cũng sẽ sà xuống trên chúng ta. Chúng ta sẽ không sợ khi phải hạ mình trước mặt Chúa để thừa nhận tội lỗi và thất bại của mình. Càng khiêm tốn chấp nhận con người xấu xa của mình, chúng ta càng có cơ may mở ra cánh cửa lòng thương xót Chúa; vì lẽ, khi không sẵn lòng nhìn ra tội lỗi mình, ân sủng của Thiên Chúa sẽ không thể đi vào và chữa lành chúng ta; và rồi, Thiên Chúa vẫn phải tiếp tục thở dài.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, con là một cánh hoa rất thật, một tội nhân, xin giũ lòng thương xót trên con; hôm nay, con thật lòng ăn năn, chỗi dậy, ‘đi làm vườn nho’ Chúa; Chúa sẽ không còn phải thở dài”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)