Chúa Giêsu dâng lời cầu nguyện lên Chúa Cha: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha” (Mt 11 : 25-26). Chỉ những kẻ bé mọn mới hiểu và đón nhận được Tin Mừng Nước Trời. Những người khôn ngoan, các tiến sĩ luật Do thái giáo thời Chúa Giêsu, đã tạo ra một loạt luật lệ mà họ nhân danh Thiên Chúa áp đặt lên con người. Họ nghĩ rằng Thiên Chúa yêu cầu dân tuân giữ điều này. Nhưng Luật Yêu Thương do Chúa Giêsu đưa ra lại nói ngược lại: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Ngài cho mặt trời của Ngài mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính” (Mt 5: 43-45). Điều quan trọng không phải là chúng ta làm gì cho Chúa, mà là Chúa làm gì cho chúng ta, cùng với tình yêu bao la của Ngài! Khi mọi người hiểu lời của Chúa Giêsu, họ sẽ tràn ngập niềm vui.
Những người tự coi mình là thông thái và khôn ngoan thời Chúa Giêsu không nhận ra được Ngài là chân lý. Các Kinh Sư, những người chuyên về Kinh Thánh, làm sáng tỏ những điều Thiên Chúa truyền dạy như sách Đệ Nhị Luật viết: “Đức Chúa sẽ lấy làm vui vì hạnh phúc của anh em, cũng như Ngài đã lấy làm vui vì hạnh phúc của cha ông anh em, miễn là anh em nghe tiếng Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, mà giữ những mệnh lệnh và thánh chỉ Ngài, ghi trong sách Luật này, miễn là anh em trở về với Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ” (30, 9-10). Nhưng họ lại đặt thêm ra nhiều thứ luật. Đến thời Chúa Giêsu, bộ luật đạo Do Thái đã có 613 điều. Các Kinh Sư và Pharisêu đã đi quá mức, đến chỗ nô lệ cho luật của mình, quá câu nệ vào hình thức bên ngoài. Họ cho rằng Lề luật và những qui định, chuẩn mực của họ là quan trọng hơn cả, với lý do tuân giữ luật là tuân giữ Giao ước với Thiên Chúa.
Ngày nay, nhiều người lại bám vào những hiểu biết khoa học duy lý và duy vật. Họ cho rằng có thể hiểu được mọi sự theo kiểu lấy cái “tư duy thuần lý” làm chuẩn mực cho mọi hiểu biết, không cần đến một đấng Linh Thánh Siêu Việt nào. Do đó, họ rơi vào thứ thế giới quan duy vật, dẫn đến thứ nhân sinh quan vô thần và một lối sống lấy lợi ích vật chất làm tiêu chuẩn. Họ tự làm ra những khoản luật nhằm có được những lợi ích ấy. Họ cũng như các Kinh sư Do thái ngày xưa không thể hiểu được lề luật mới, tức là sự dạy bảo của Chúa Giêsu về tình yêu thương vô cùng tận của Thiên Chúa. Sự dạy bảo yêu thương này thay đổi mối tương giao của dân Thiên Chúa với Ngài, nhờ đó thay đổi mối tương giao giữa người và người với nhau.
Chúa Giêsu, Con Chúa Cha, biết Chúa Cha. Ngài biết điều mà Chúa Cha muốn, ngay cả trước khi Lề Luật được ban cho Môsê. Điều Chúa Cha muốn nói với chúng ta, Ngài đã trao cho Chúa Giêsu, và Chúa Giêsu đã mạc khải điều đó cho những người bé mọn: “Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho” (Mt 11: 27). Ngày nay, Chúa Giêsu cũng tiếp tục dạy nhiều điều cho người có tinh thần nghèo khó và những người bé mọn, vì họ sẵn sàng mở lòng đón nhận sứ điệp của Ngài. Người khôn ngoan và thông thái trần thế cũng sẽ hiểu ra sứ điệp của Ngài nếu họ trở thành những người có tinh thần nghèo khó, sẵn sàng buông bỏ những suy nghĩ, những toan tính và lối sống vốn lấy mình làm trung tâm, để trở nên bé mọn, nghe và làm theo những lời dạy bảo của Thiên Chúa, qua Chúa Giêsu. Không phải ai cũng có thể giàu có, nhưng tất cả đều có thể có tinh thần nghèo khó. Không phải tất cả đều có thể khôn ngoan và thông thái, nhưng tất cả chúng ta đều có thể khiêm nhường và suy phục trước mặc khải của Thiên Chúa. Không ai có thể tự khen mình trước mặt Thiên Chúa bằng những việc lành và đức hạnh của mình, nhưng bất cứ ai cũng có thể thú nhận tội lỗi của mình và khiêm nhường kêu đến Giêsu Kitô để mình được cứu độ.
Chúa Giêsu mời gọi tất cả những ai đang mệt đi tìm sự nghỉ ngơi trong Ngài: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11: 28). Đây là những người đang mệt mỏi dưới sức nặng của những áp lực và những đòi hỏi nặng nề mà các điều luật chi li yêu cầu tuân giữ. Nhiều lần các điều luật này đã được vận dụng để yêu sách mọi người phải phục tùng, một cách miễn cưỡng. Điều Chúa Giêsu muốn nói là ngược lại. Chúa Giêsu nói: “Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11: 29). Ngài yêu cầu mọi người hãy gạt sang một bên những thầy dạy tôn giáo thời bấy giờ, hãy nghỉ ngơi và bắt đầu học hỏi nơi Ngài, Đấng “hiền lành và khiêm nhường trong lòng”. Chúa Giêsu không thích những Kinh sư tự hào về hiểu biết của mình, nhưng Ngài giống những người đang mệt mỏi dưới sức nặng của các điều luật quá chú trọng đến thể hiện bên ngoài mà quên đi thực chất bên trong: “Trở về với Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ” (Đnl 30:10). Chúa Giêsu, vị Thầy dạy mới, nói lên những gì từ kinh nghiệm của cuộc sống vì Ngài biết rõ những gì xảy ra trong lòng dân chúng, một dân chúng đau khổ biết bao: “Chúa Giêsu thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt” (Mt 9: 36).
Chúa Giêsu mời gọi tất cả những ai bị đè bẹp dưới gánh nặng của việc tuân giữ lề luật đi tìm sự nghỉ ngơi nơi Ngài, bởi vì Ngài có khả năng xoa dịu và an ủi những người đau khổ, mệt mỏi và chán nản: “Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng” (Mt 11, 30). Trong lời mời gọi này vang lên những lời đẹp đẽ của ngôn sứ Isaia an ủi những người sống trong cảnh lưu đày: “Đến cả đi, hỡi những người đang khát, nước đã sẵn đây! Dầu không có tiền bạc, cứ đến mua mà dùng; đến mua rượu mua sữa, không phải trả đồng nào. Sao lại phí tiền bạc vào của không nuôi sống, tốn công lao vất vả vào thứ chẳng làm cho chắc dạ no lòng? Hãy chăm chú nghe Ta, thì các ngươi sẽ được ăn ngon, được thưởng thức cao lương mỹ vị. Hãy lắng tai và đến với Ta, hãy nghe thì các ngươi sẽ được sống” (Is 55, 1-3).
Lời mời gọi này gắn liền với sự khôn ngoan của Thiên Chúa, vốn mời gọi mọi người đến gặp gỡ sự khôn ngoan: “Hỡi những kẻ khao khát Ta, nào hãy đến. Hãy ăn cho no thoả hoa trái của Ta” (Hc 24, 19) dành cho tất cả những ai đi tìm kiếm sự khôn ngoan đó: “Đường khôn ngoan là đường thú vị, nẻo khôn ngoan là nẻo bình an” (Châm ngôn 3, 17). Và sách Huấn ca nói thêm: “Khôn ngoan làm cho con cái mình nên cao trọng, và săn sóc những ai kiếm tìm mình” (Hc 4: 11-6). Lời mời gọi này chứa đựng một đặc điểm rất quan trọng của khuôn mặt đầy yêu thương của Thiên Chúa, như khuôn mặt của một người mẹ dịu dàng và chăm lo, mang lại sự an ủi, sức sống cho dân Ngài và khiến họ cảm thấy hạnh phúc, như tiên tri Dacaria mời gọi trong bài đọc thứ nhất: “Nào thiếu nữ Xion, hãy vui mừng hoan hỷ! Hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy vui sướng reo hò! Vì kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi: Ngài là Đấng Chính Trực, Đấng Toàn Thắng, khiêm tốn ngồi trên lưng lừa, một con lừa con vẫn còn theo mẹ. Ngài sẽ quét sạch chiến xa khỏi Épraim và chiến mã khỏi Giêrusalem; cung nỏ chiến tranh sẽ bị Ngài bẻ gãy, và Ngài sẽ công bố hoà bình cho muôn dân. Ngài thống trị từ biển này qua biển nọ, từ sông Cả đến tận cùng cõi đất” (Dcr 9: 9-10).
Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, giống như Chúa Cha, cũng là cung lòng từ mẫu mà Chúa Cha ban cho những người mệt mỏi: “Các ngươi sẽ được nuôi bằng sữa mẹ, được bồng ẵm bên hông, nâng niu trên đầu gối. Như mẹ hiền an ủi con thơ, Ta sẽ an ủi các ngươi như vậy, tại Giêrusalem, các ngươi sẽ được an ủi vỗ về” (Is 66, 10-13).
“Hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11: 29). Tôi có muốn học nơi Chúa Giêsu không? Là con cái bé nhỏ của Chúa Cha, và được sống trong cộng đoàn Dân Chúa là Hội thánh, tôi có nhận ra mình được nghỉ ngơi bồi dưỡng không? Với sự cố gắng lắng nghe, phân định và làm theo ơn thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, tôi có thể giúp cho gia đình, giáo họ, giáo xứ, là những cộng đoàn gần gũi của tôi, trở thành nơi nghỉ ngơi bồi dưỡng tâm linh cho cuộc đời mọi người không? Tôi cần phải nghe lời Thánh Phaolô nói với cộng đoàn tín hữu Rôma: “Anh em không bị tính xác thịt chi phối, mà được Thần Khí chi phối, bởi vì Thần Khí của Thiên Chúa ngự trong anh em. Ai không có Thần Khí của Chúa Kitô, thì không thuộc về Chúa Kitô…nếu Thần Khí ngự trong anh em, Thần Khí của Đấng đã làm cho Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết, thì Đấng đã làm cho Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết, cũng sẽ dùng Thần Khí của Ngài đang ngự trong anh em, mà làm cho thân xác của anh em được sự sống mới” (Rm 8: 9, 11-13).
Phêrô Phạm Văn Trung