Nước uống luôn là một thành phần quan trọng để duy trì cuộc sống con người. Nước là điều kiện cần thiết cho sự sống không chỉ cho con người mà còn cho tất cả các sinh vật trên trái đất này. Nước chiếm khoảng 70% khối lượng của cơ thể con người và là một thành phần quan trọng của quá trình trao đổi chất và hòa tan của cơ thể. Con người cần uống 2,0 lít nước mỗi ngày để tốt cho sức khỏe. Khi ta nói nước là nhu cầu không thể thiếu trong cuộc sống con người, thì đoạn Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu lại giới thiệu cho người phụ nữ Samaria và cho chúng ta nước hằng sống tại bờ giếng Giacóp. Điều gì đã xẩy ra tại bờ giếng này.
Trong hành trình đi rao giảng, Chúa Giêsu đến thành xứ Sa-ma-ri-a vào giữa trưa trời nắng cháy, và tại đây có cái giếng nước gọi là giếng Giacóp. Trong lúc mệt mỏi và khát nước, Ngài dừng chân bên bờ giếng, thì thấy một người phụ nữ Sa-ma-ri-a đến lấy nước. Chúa Giê-su nói với chị ta: “Chị cho tôi xin chút nước uống!” Chị ta trả lời: “Ông là người Do thái, mà lại xin tôi là người phụ nữ Sa-ma-ri-a sao?” Chị ta quá ngạc nhiên về những gì Chúa Giêsu đã làm, và chị cũng không thể hiểu được, bởi vì giữa người Do Thái và người Samaria luôn có một mối thù. Người Do thái không bao giờ nói chuyện với người Samaria. Họ xem người Samaria là dân ngoại bang. Hơn nữa, theo phong tục của người Do thái lúc giờ, một người đàn ông Do thái thì không được nói chuyện với người phụ nữ tại nơi công cộng. Ấy thế mà Chúa Giêsu lại hỏi xin nước chị ta. Việc làm của Ngài là phá vỡ luật lệ của dân Do thái. Chúa Giêsu nói với chị ta rằng: “Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban, và ai là người nói với chị, và người ấy hứa ban cho chị nước hằng sống.” Chúa Giêsu đưa chị ta từ ngạc nhiên đến ngạc nhiên khác. Nhưng chị ta vẫn không hiểu được lời của Giê-su nói, nước hằng sống có ý nghĩa gì.? Chị ta hỏi thêm, vậy ông lấy đâu ra nước hằng sống. Chúa Giêsu bảo cho chị ta: “Ai uống nước của tôi cho sẽ không bao giờ khát.”
Ngay lập tức, chị ta xin uống thứ nước đó. Đó là nguồn nước của chân lý và sự thật khi Chúa Giêsu hỏi chồng chị đâu? Chị trả lời không có chồng. Ngài đáp lại, chị không có chồng là phải, vì chị đã có 5 đời chồng, và chị đang ở với người chồng thứ sáu. Chúa Giê-su làm cho chị ta ngạc nhiên vì Ngài thấu hiểu nơi thẳm sâu cõi lòng của chị ta. Thay vì, Chúa Giêsu là người xin nước, thì chính Ngài là người cho nước chị ta. Đây là một ý nghĩa sâu sắc trong đoạn Tin Mừng này. Thứ nhất, Chúa Giêsu làm thay đổi về cách nhìn của chị ta, và sự chia rẽ giữa hai dân tộc. Ngài bắt một nhịp cầu để nối kết. Người phụ nữ này là người đại diện cho dân tộc Samaria. Kế đến, Chúa Giêsu không chỉ xin nước chị ta mà con quan tâm đến cuộc sống riêng tư của chị. Ngài giúp chị ta nhận ra sự thật. Sự khát khao của chị không chỉ là khát về thể lý nhưng là cái khát của tâm linh. Sự khát khao của chị ta thì không có điểm dừng và không bao giờ đủ bởi dục vọng và ước muốn thể xác. Qua cuộc đối thoại, Chúa Giê-su đã khai sáng cho chị ta nhận thức về con người thật của chị, nhờ đó chị đã nhận ra Chúa Giêsu là vị ngôn sứ, và là Đấng cứu độ.
Sau đó, các môn đệ trở về và nhìn thấy Chúa Giêsu nói chuyện với người phụ này. Các ông không thể tưởng tượng được tai sao có thể xẩy ra khi thấy Chúa Giêsu ngồi tiếp chuyện với một người phụ nữ tại nơi công cộng. Đó là điều cấm kỵ theo luật của người Dothái. Khi phân tích chi tiết về bối cảnh của đoạn Tin Mừng này, chúng ta có thể nói, Chúa Giêsu đây là một nhà cách mạng đã làm thay đổi luật lệ đóng khung và khép kính mà con người thường gán ghép bởi những thứ luật lệ nặng nề. Đồng thời, Ngài mở ra cánh cửa hiệp thông và liên kết giữa hai dân tộc. Thiên Chúa không chỉ dành cho một dân tộc nào mà là cho tất cả mọi người. Chúa Giêsu phá đi bức tường ngăn cách kỳ thị và cách đánh giá người khác. Đó cũng là lý do tại sao Chúa Giêsu thường đến với người tội lỗi và ăn uống với họ. Tình yêu Thiên Chúa thì không có thiên vị riêng tư. Ơn cứu độ là dành cho hết tất cả mọi người. Người phụ nữ Samaria làm đại diện cho dân ngoại, chính chị ta là người đi giới thiệu Chúa Giêsu cho những người khác biết và tin vào Chúa Giêsu, chính Ngài là Đấng cứu độ trần gian.
Cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và người phụ nữ Samari bên bờ giếng Giacóp là câu chuyện tình mang tính cách mạng làm thay đổi về tư tưởng văn hóa và luật lệ trong mối tương giữa con người với nhau. Qua cách cư xử và hành động của Chúa Giêsu, chúng ta rút ra bài học về cách hành xử với tha nhân. Ngài đã dẫn dắt người phụ nữ ấy từ một người dân ngoại trở thành môn đệ của Chúa. Từ một con người tội lỗi, chị đã trở thành con người biết ăn năn và hoán cải. Kinh nghiệm gặp gỡ giữa Chúa Giêsu với chị ta là bằng chứng thiết thực cho chúng ta hôm nay, chính Ngài là nguồn nước hằng sống, nguồn nước tái sinh và biến đổi: “Ai uống nước của Ta sẽ không bao giờ khát. Ai tin vào Ta sẽ được sống đời đời.”
Lạy Chúa, hằng ngày chúng con cần uống nước để sống và để tồn tại, thì hôm nay xin cho chúng con biết nhận ra Chúa Giêsu là nguồn nước hằng sống cho chúng con. Như lời Ngài nói: “Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta sẽ được sự sống đời đời.” Amen.
Lm. John Nguyễn