Kết thúc mùa Giáng sinh, Giáo hội mời gọi chúng ta cử hành lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa để nhận biết Chúa Giêsu một cách trọn vẹn hơn biến cố Chúa giáng sinh. Lễ này đã được các Giáo phụ quan tâm đặc biệt ngay từ những thời kỳ đầu, vì tầm quan trọng đặc biệt có tính cổ thời của nó. Đây là lễ được mừng sớm nhất, chỉ sau lễ Phục sinh, vì nó bao hàm lời rao giảng của các Tông Đồ, là điểm khởi hành cho tất cả những việc mà các Tông Đồ phải làm chứng cho (x. Tđcv 1, 21-22; 10, 37-41). Chính vì thế Tin Mừng cho chúng ta thấy hai yếu tố quan trọng: mối tương quan giữa Chúa Giêsu và dân chúng; mối tương quan giữa Chúa Giêsu và Chúa Cha và Chúa Thánh Thần.
Để thực hiện ơn cứu rỗi nhân loại, trước khi dìm mình vào dòng nước, Chúa Giêsu hòa mình vào trong đám đông, liên đới trọn vẹn với thân phận con người ngoại trừ tội lỗi. Dù là Đấng vô tội, Chúa Giêsu đã mang trên mình tội lỗi thế nhân. Hành động khiêm nhường và tự hủy này, đã được Chúa Cha chứng dám: “Này là Con yêu dấu của Ta, Con đẹp lòng Ta” (Mt 3, 17).
Hòa mình với tội nhân trong cùng một dòng sông
Mừng Con Thiên Chúa nhập thể làm người là mừng: “Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,14). Nên hôm nay, chúng ta chứng kiến việc Chúa Giêsu hòa mình vào đám đông trong cùng dòng sông Giođan, với những con người có tội để sám hối thay cho loài người đang cần sám hối để được tha thứ. Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu đến xin Gioan làm phép rửa cho mình, lúc mà Gioan đang làm phép rửa cho dân chúng để giúp họ sám hối xin tha tội lỗi.
Khởi đầu sứ vụ, Chúa Giêsu đã kêu gọi người ta ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng. Sám hối để nhận biết tội mình đã phạm để xin Chúa tha thứ. Con Thiên Chúa đến trần gian với mục đích đi tìm kẻ có tội để tha thứ. Cố ý cứu cho con người khỏi phải chết đời đời vì tội, Chúa Giêsu, Chiên Thiên Chúa đã gánh tội trần gian.
Người thấy Thánh Thần Chúa ngự xuống như một bồ câu, và đậu trên Người (x. Mt 3,17). Đây là phép lạ vĩ đại đã xảy ra sau khi Đấng Cứu Thế chịu phép rửa; phép lạ này là khúc dạo đầu cho những gì sẽ xảy ra. Đây không phải là Thiên Đàng khi xưa đóng lại vì tội của Ađam nay mở ra, mà chính trời mở ra: “Giêsu chịu phép rửa, rồi bước lên khỏi nước. Này đây các tầng trời mở ra ” (Mt 3,16).
Chúa Giêsu bước lên khỏi nước, các tầng trời mở ra là Chúa Giêsu nâng thế gian lên cao với Người. Vì xưa kia, khi bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng và bị lưỡi gươm lửa cấm đoán, chính A-đam đã đóng cửa trời lại, không cho mình mà cũng không cho con cháu vào. Nay nhờ Chúa Giêsu mà cửa trời được mở ra.
Trời mở ra, còn mạc khải cho Gioan Tẩy Giả và những người Do Thái biết rằng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa. Thiên Chúa mở cửa trời để kêu gọi chúng ta hướng về trời, vì quê hương chúng ta là quê trời, và mách bảo chúng ta rằng, chúng ta không có gì ở dưới đất.
Phép rửa của Chúa Giêsu và Phép rửa của chúng ta
Vậy, phép rửa của Chúa Giêsu và phép rửa của chúng ta có liên kết chặt chẽ với nhau. Phụng Vụ của ngày lễ này đã hát lên như sau: “Đức Kitô chịu phép rửa, cả trần gian được thánh hoá, chúng ta được tha thứ tội lỗi, được thanh tẩy nhờ nước và Thánh Thần” (Tiền xướng của Kinh Bênêdictus, của Giờ Kinh Sáng). Chúng ta hãy thanh tẩy mình cho thanh sạch, hãy tiếp tục thanh tẩy cho thanh sạch hoàn toàn và đem lòng tôn kính mà tưởng niệm ngày Đức Ki-tô chịu phép rửa, và hãy mừng lễ cách xứng đáng. Thiết nghĩ, thực hành và sống lời hứa khi chịu phép Rửa tội là việc phải làm trong đời sống người kitô hữu chúng ta.
Sống lời hứa khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội
Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa là cơ hội tốt lành để đổi mới với lòng biết ơn và xác tín lời hứa trong ngày chúng ta lãnh nhận Bí tích Rửa tội, hãy dấn thân sống xác tín này trong đời sống hàng ngày. Chúa Giêsu cứu độ chúng ta không phải vì cộng trạng của chúng ta nhưng là để thực hiện lòng tốt vô biên của Cha với cả nhân loại. Vì thế, mỗi ngày chúng ta hãy cố gằng thực hiện những điều đã hứa khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội là từ bỏ ma quỷ, xa lánh các dịp tội và tin vào Thiên Chúa, như thế chúng ta mới có thể đón nhận mọi ơn lành Thiên Chúa ban và sống xứng đáng là con Thiên Chúa.
Không phải cứ được rửa tội, cứ nói tôi tin Chúa Kitô, là được cứu rỗi để vào Thiên Đàng hưởng hạnh phúc đời đời với Chúa. Rửa tội chỉ là bước đầu cần thiết cho việc cứu rỗi mà thôi. Bước tiếp theo quan trọng hơn, đó là thi hành những điều cam kết khi được rửa tội. Nếu không thi hành những lới hứa hay cam kết này thì Phép Rửa sẽ thành vô ích.
Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con trung thành với lời hứa khi chịu phép Rửa tội trong suốt cuộc đời chúng con, nhờ lời chuyển cầu của thánh Gioan Tẩy Giả. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ