PHỤC VỤ TRONG KHIÊM NHƯỜNG

Hôm nay Chúa Giêsu nói chuyện với một nhóm người cụ thể trong đạo Do Thái thời của Ngài được gọi là các thầy thông giáo và người Pharisêu. Chúng ta đã thấy họ trong các trang Tin Mừng Mátthêu những tuần vừa qua. Các thầy thông giáo, còn gọi là luật sĩ, là những thầy dạy luật chuyên nghiệp. Họ được đào tạo để sao chép Kinh thánh nhưng cũng để giải thích Kinh thánh cho mọi người. Còn người Pharisêu là một giáo phái rất nghiêm ngặt trong đạo Do Thái. Tên tiếng Do Thái của họ là perushim có nghĩa là những người tách biệt, và họ được biết đến vì sự trung thành nghiêm ngặt với luật Môsê. Họ cũng là nhóm có thẩm quyền và quyền lực nhất trong dân Do Thái thời Chúa Giêsu. Dân chúng, đa số là người theo đạo Do Thái, tuân theo lề luật của Môsê, được những người Pharisêu và các thầy thông giáo giải thích. Họ là những bậc thầy dạy luật và được trao cho thẩm quyền đó chiếu theo luật Môsê. Chúa Giêsu xác nhận điều đó ở đây: “Các kinh sư và các người Pharisêu ngồi trên toà ông Môsê mà giảng dạy” (Mt 23: 2).

Trước hết, Chúa Giêsu bảo các môn đệ và những người nghe của Ngài rằng họ nên nghe theo lời dạy của người Pharisêu. Ngài không phê phán gì lời dạy của họ vì lời dạy của họ là từ “tòa ông Môsê”. Chúa Giêsu dạy các môn đệ phải phục tùng thẩm quyền hợp pháp theo giao ước cũ. Tuy nhiên, ở đây Chúa Giêsu chỉ trích những người Pharisêu và các thầy thông giáo rất gay gắt, vì nhiều người Pharisêu không thực hành những gì họ rao giảng. Người Pharisêu trói buộc dân chúng bằng nhiều luật lệ, 613 điều luật gồm 365 điều cấm làm và 248 điều buộc làm, và muốn dân chúng thi hành tất cả luật lệ, nhưng họ không luôn luôn làm theo luật lệ mà họ giảng dạy: “Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào” (Mt 23: 4). Vì vậy Chúa Giêsu bảo: “Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm” (Mt 23: 3). Trong thực tế, họ là những kẻ đạo đức giả. Họ biết sự thật, thậm chí họ còn dạy sự thật cho người khác, nhưng bản thân họ lại không tuân theo sự thật; họ đã tạo một thứ tôn giáo rỗng ruột, hư nát. Chúa Giêsu muốn nói với họ cũng như với các môn đệ của Ngài, và cả chúng ta ngày nay: Hãy thực hành những gì bạn rao giảng, hãy làm những gì bạn dạy dỗ. 

Nhiều người Pharisêu cũng thích ngồi ở chỗ danh dự và được gọi là “Rabbi -Thầy”. Vì vậy, khi đến hội đường hay dự tiệc, họ tự động ngồi vào chỗ tốt nhất. Người Pharisêu thích thú với sự tôn trọng dành cho họ do địa vị tôn giáo của họ: “Họ ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là rabbi” (Mt 23: 6-7). Từ rabbi có nghĩa là thầy dạy; nghĩa đen là “đại nhân của tôi”. Đó là một danh hiệu cao quý, lớn lao. Các nhà lãnh đạo Do Thái trong các hội đường ngày nay vẫn được gọi là rabbi. Điều Chúa Giêsu muốn nói ở đây là các kinh sư và các người Pharisêu thời Ngài thích được người khác gọi là rabbi – đại nhân. 

Họ đúng là những thầy dạy hợp pháp của người Do Thái, nhưng vai trò ấy khiến họ trở nên kiêu ngạo. Chính vì thế Chúa Giêsu nói: “Phần anh em, thì đừng để ai gọi mình là rabbi, vì anh em chỉ có một Thầy; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau” (Mt 23: 8). Theo tâm tưởng ấy, Chúa Giêsu nói rộng hơn: “Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời. Anh em cũng đừng để ai gọi mình là người lãnh đạo, vì anh em chỉ có một vị lãnh đạo, là Đấng Kitô” (Mt 23: 9-10). Rõ ràng Chúa Giêsu muốn mặc khải rằng chỉ có Thiên Chúa trên trời, mới thật là Cha của mọi người. Từ đó, chỉ có Đấng Kitô do Cha trên trời sai đến mới thật là Thầy và là người lãnh đạo. Còn tất cả mọi người chỉ là anh em với nhau, là con cái của cùng một Cha, là Thiên Chúa, như thánh Phaolô khẳng định sau này: “Quả vậy, phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa. Phần anh em, anh em đã không lãnh nhận Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên: Abba! Cha ơi!” (Rm 8:14-15).  Những ai tự cho mình là Thầy dạy, là lãnh đạo, như một vị thần, một vị chúa nào đó, đều là những kẻ “giả hình gian trá” mà thôi. 

Chúa Giêsu nhìn thấy tất cả những biểu hiệu bên ngoài của việc sùng đạo mà người Pharisêu thể hiện: “Họ ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng” (Mt 23: 6-7), giống như bây giờ, nhiều người tranh nhau chỗ ngồi nổi bật trong Nhà thờ, trong hội đoàn, ca đoàn, khi chụp hình… Chúa Giêsu thấy nhiều người Pharisêu muốn được người ta ca tụng; họ giữ những tập tục của đạo chính là để được người ta khen ngợi, chứ không phải để làm đẹp lòng Thiên Chúa: “Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy. Quả vậy, họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài” (Mt 23: 5).

Hộp kinh là gì, tua áo là gì? Thánh Mátthêu hẳn biết rằng những Kitô hữu mà ngài đang viết cho là những Kitô hữu gốc Do Thái giáo hiểu các phong tục của người Do Thái, biết những hộp kinh là gì: là hai cái hộp màu đen, gọi là Shel Rosh, ở đầu một sợi dây gọi là Shel yad, tiếng Hy Lạp là phylakterion, có nghĩa là bùa hộ mệnh. Một chiếc hộp có một ngăn, chứa các văn bản được viết trên một tờ giấy da, chiếc còn lại có bốn ngăn, mỗi ngăn chứa một dải giấy da chép lại Kinh Shema trích từ sách Đệ nhị luật chương 6, câu 4 đến câu 8: “Nghe đây, hỡi Israel! Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Chúa duy nhất. Hãy yêu mến Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ, hết sức anh em. Những lời này tôi truyền cho anh em hôm nay, anh em phải ghi tạc vào lòng. Anh em phải lặp lại những lời ấy cho con cái, phải nói lại cho chúng, lúc ngồi trong nhà cũng như lúc đi đường, khi đi ngủ cũng như khi thức dậy, phải buộc những lời ấy vào tay làm dấu, mang trên trán làm phù hiệu”, và Đệ nhị luật 11: 13-21, Xuất hành13: 1-10 và Xuất hành 13: 11-16. Trong thực hành tôn giáo của người Do Thái , các hộp kinh phải được nam giới Do Thái từ 13 tuổi trở lên đeo để nhắc nhở về Chúa Trời và về nghĩa vụ tuân giữ Lề luật trong cuộc sống hàng ngày.

Theo quy định của giáo sĩ Do Thái, chiếc hộp kinh bốn ngăn được đeo trên trán, chiếc hộp một ngăn được dây da quấn quanh cánh tay, tới tận các ngón tay, sao cho chiếc hộp hướng về phía trái tim lúc họ cầu nguyện. Đó là một cách tập trung tâm trí suốt trong các buổi cầu nguyện ban sáng vào các ngày trong tuần. Mặc dù ý nghĩa của đoạn văn này là một lời nhắc nhở tượng trưng hãy luôn luôn hướng lòng về Thiên Chúa, nhưng các giáo sĩ Do Thái thời xưa tuyên bố rằng những lời này nên được thực hiện theo nghĩa đen: “phải buộc những lời ấy vào tay làm dấu, mang trên trán làm phù hiệu”. Cho đến ngày nay người ta vẫn có thể thấy người Do Thái đạo gốc sử dụng hộp đựng kinh này khi cầu nguyện. 

Còn “những tua áo thật dài” thì sao? Trong tiếng Do Thái những tua áo này được gọi là tzitzit. Đó là những tua rua ở tà áo choàng hay khăn choàng. Người Do Thái làm ra những chiếc tua này nhằm nhắc nhở họ về 10 Điều Răn ghi chép trong Xuất hành: “Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta. Ngươi không được tạc tượng…Ngươi không được phủ phục trước những thứ đó mà phụng thờ … Ngươi hãy thờ cha kính mẹ…Ngươi không được giết người…Ngươi không được ngoại tình. Ngươi không được trộm cắp…Ngươi không được ham muốn nhà người ta…” (20: 1-17). Những chiếc tua này là dấu hiệu bên ngoài của việc tuân giữ các Điều Răn. Nhưng nhiều người Pharisêu làm như thế là để cho người khác thấy họ ngoan đạo, sùng mộ và trung thành với Lề luật. Chúa Giêsu muốn nói ra sự thật rằng nhiều người Pharisêu không thực sự ghi nhớ và tuân giữ Giới Răn của Chúa; họ chỉ muốn phô trương lối sống đạo đức giả hình của mình: “Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy” (Mt 23: 5) 

Chúa Giêsu có đeo những chiếc tua áo như vậy không? Thưa có: “Một người đàn bà bị băng huyết đã mười hai năm tiến đến phía sau Ngài và sờ vào tua áo của Ngài vì bà nghĩ bụng: “Tôi chỉ cần sờ được vào áo của Ngài thôi là sẽ được cứu!” Chúa Giêsu quay lại thấy bà thì nói: “Này con, cứ yên tâm, lòng tin của con đã cứu chữa con.” Và ngay từ giờ ấy, bà được cứu chữa.” (Mt 9: 20) và: “Dân địa phương nhận ra Chúa Giêsu, liền tung tin ra khắp vùng, và người ta đem tất cả những kẻ đau ốm đến với Ngài. Họ nài xin Ngài cho họ chỉ sờ vào tua áo của Ngài thôi, và ai đã sờ vào thì đều được khỏi” (Mt 14: 35-36). Điều này chứng tỏ Chúa Giêsu hoàn toàn là người Do Thái, Ngài khiêm nhường tuân theo tôn giáo của dân tộc mình. Tua áo của Chúa Giêsu không dùng để nhắc nhở Ngài tuân giữ các Điều Răn, lại càng không phải là cách Ngài trình diễn cho mọi người thấy Ngài tuân giữ Mười Điều Răn của Thiên Chúa, như nhiều người Pharisêu, nhưng là để biểu lộ quyền năng thương xót của Thiên Chúa Cha đầy yêu thương, Đấng sai Ngài đến, trong tư cách Lời của Thiên Chúa, xuống thế ở với con người để cứu họ khỏi mọi gánh nặng nề: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11:28).

Chúa Giêsu dạy các môn đệ “hãy làm, hãy giữ tất cả những gì họ nói” nhưng “những việc họ làm, thì đừng có làm theo”. Chúa Giêsu hy vọng các môn đệ của Ngài, là chúng ta, sống khiêm nhường theo nghĩa đích thực của từ này: “Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên” (Mt 23: 12). Chỉ Thiên Chúa là Cha mới là Đấng chúng ta cần phải tôn vinh như Tiên tri Malakhi đã cảnh báo trong bài đọc thứ nhất: “Chúa các đạo binh phán, và danh Ta được kính sợ giữa chư dân. Và giờ đây, hỡi các tư tế, đây là lệnh truyền dành cho các ngươi: Nếu các ngươi không nghe và không lưu tâm tôn vinh Danh Ta, Ta sẽ khiến các ngươi mắc tai hoạ. Ta sẽ làm cho các ngươi đáng khinh và ra hèn mạt trước mặt toàn dân, vì các ngươi không tuân giữ đường lối Ta, và hay nể vì khi áp dụng Luật. Tất cả chúng ta chẳng có cùng một cha sao? Chẳng phải cùng một Thiên Chúa đã dựng nên chúng ta sao?” (Ml 1:14; 2: 1, 8-10).

Tất cả để tôn vinh Thiên Chúa. Hôm nay là một ngày tốt lành để chúng ta nhận thức được lý do hành động cá nhân của mình! Những điều chúng ta làm có mục đích gì, vì Vinh Quang Thiên Chúa là Cha, hay chỉ nhằm để cho người khác thấy mà khen ngợi tên tuổi của ta? Gương mẫu của Thánh Phaolô trong bài đọc thứ hai đáng để chúng ta suy gẫm và noi theo: “Thiên Chúa đã thử luyện chúng tôi và giao phó Tin Mừng cho chúng tôi, thì chúng tôi cứ vậy mà rao giảng, không phải để làm vừa lòng người phàm, mà để làm đẹp lòng Thiên Chúa…Không bao giờ chúng tôi đã tìm cách để được một người phàm nào tôn vinh, dù là anh em hay người khác” (1Tx 2: 3-7).

 

Phêrô Phạm Văn Trung.

Chia sẻ Bài này:

Related posts