Chúa Nhật II Mùa Vọng A
Is 11,1-10; Rm 15,4-9; Mt 3,1-12
George Washington, vị tổng thống đầu tiên của Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ, đã có công đưa nước Mỹ đến độc lập, tự do và phồn thịnh. Nổi tiếng là người nóng nảy, nhưng George luôn biết phục thiện và yêu sự thanh liêm. Ngay từ lúc thiếu thời, ông đã tỏ ra là người đơn thành và sẵn sàng nhận lỗi của mình…
Ngày kia, cậu bé George được trao cho một con dao để ra vườn làm cỏ. Trong vườn có một cây anh đào nhỏ mà cha mẹ cậu rất quý. Chưa phân biệt được thế nào là cỏ dại thế nào là cây trái, George đã chặt đứt cây anh đào vô cùng qúy giá của cha mẹ mình.
Cha của George đau lòng nhìn thấy cây anh đào đổ xuống mặt đất. Ông đã thoáng nghi George là thủ phạm, nên mới hỏi cậu: “Con có biết ai là người đốn hạ cây anh đào không? Cha không muốn thấy điều đó lập lại một lần nữa…”. George suy nghĩ một lúc và trả lời: “Chính con là người đã đốn cây anh đào. Cha cứ phạt con đi”.
Và George ngạc nhiên vô cùng khi nghe cha cậu trả lời: “Ðiều con vừa làm là một điều sai trái. Nhưng con đã chữa được điều sai trái đó khi dám nói lên sự thật. Cha đánh giá lòng can đảm và sự thành thật của con cao hơn là trăm nghìn những cây đẹp như thế…” (theo Lẽ sống)
Nhìn nhận lỗi lầm và sám hối, là tấm lòng tan nát nhưng luôn cao đẹp hơn muôn vàn của lễ đẹp được Thiên Chúa chấp nhận hơn muôn vàn hy lễ.
“Chúa chẳng ưa thích gì tế phẩm,
con có thượng tiến lễ toàn thiêu,
Ngài cũng không chấp nhận.
Lạy Thiên Chúa, tế phẩm dâng Ngài là tâm thần tan nát,
một tấm lòng tan nát giày vò, Ngài sẽ chẳng khinh chê”
(Tv 51, 18-19)
Khi rao giảng về việc dọn đường đón Đấng Cứu Thế – Đấng mang nước Trời xuống cho nhân gian, thánh Gioan tẩy giả đã kêu gọi: “Hãy ăn năn thống hối, vì Nước Trời đã gần đến”(Mt 3,2).
Theo truyền thống Kinh Thánh: “sám hối” nguyên ngữ trong Thánh Kinh tiếng Hy Lạp là “metanoia”,: “meta” là thay đổi và “noia” tu là não trạng, vì thế “metanoia” – có nghĩa thay đổi não trạng, là quay trở lại hoàn toàn để đi theo chiều hướng ngược. Cho nên tiếng La tinh dịch ra “conversio”, từ đó mới có tiếng “conversion”: nghĩa là thay đổi tâm tư, cuộc sống. Gioan rao giảng sự sám hối là “dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi” (Mt 3,3), sửa đường vào tâm hồn mỗi tâm hồn thiện chí của Đức Chúa.
Khắp nơi, người ta tuôn đến sông Giođan thú tội, và Gioan làm phép rửa cho họ trong sông Giođan: phép rửa tỏ lòng sám hối (x. Mt 3,5).
Trong số đó có những người Pharisêu và người Sađốc. Người Pharisêu chỉ “những người tách biệt”, “những người tinh sạch” cho nên có gọi là Biệt Phái, họ lo lắng đến sự tinh sạch và tuân theo lề luật cách máy móc nên chú trọng bề ngoài và hình thức mà quên di tinh thần và ý nghĩa lề luật. Còn người Sađốc là những tư tế thực hành việc tế tự trong đền thờ, rất bảo thủ trong vấn đề tôn giáo đặc biệt là trong vấn đề kẻ chết sống lại (trái ngược với Biệt phái). Cả hai thành phần là những người vị vọng, có chức có quyền trong đạo Do Thái. Tuy nhiên chức quyền không phải để phục vụ , trái lại hà hiếp và bóc lột người nghèo, người bị bỏ rơi, những người đáng lẽ được bảo vệ, như Chúa Giêsu đã vạch ra sau này: “họ nuốt hết tài sản của các bà goá, lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ” (Mt 23,14). Như thế bề ngoài là đạo đức thánh thiện mà trong lòng thì đầy hiểm ác, nói như cách nói bình dân: “khẩu Phật tâm xà”, như Chúa Giêsu đã nói: “bên ngoài thì có vẻ công chính trước mặt thiên hạ, nhưng bên trong thì toàn là giả hình và gian ác” (Mt 23,28), “rửa sạch bên ngoài chén đĩa, nhưng bên trong thì đầy những chuyện cướp bóc và ăn chơi vô độ” (Mt 23,25). Chính vì đối nghịch với tinh thần của Tin Mừng, sau này họ cùng liên kết với nhau để chống Đức Giêsu. Do tấm lòng hiểm ác, thiếu sự sám hối thật sự mà Gioan đã vạch trần họ: “loài rắn độc”, những con người chỉ trên môi miệng, bề ngoài đạo đức nhưng tâm hồn độc địa, tình trạng hai mặt trong cuộc sống không phải là sám hối mà là giả hình, sám hối phải thay đổi tận canh từ tâm đến cuộc sống. Thay đổi phải : “sinh hoa kết quả”, hoa trái biểu lộ sự trở về và kết hợp cùng Thiên Chúa sống trong công bình bác ái. Nếu chỉ dựa vào cái danh Biệt Phái, dân Sađốc, hay dân chúng khi nhận là con cái của Abraham, không đủ để được tha thứ, nhưng phải biểu lộ “Con cái đích thực của Abraham” là trở nên như Tổ Phụ luôn lắng nghe và làm theo Lời của Giavê. Thực tế họ chỉ có hình thức bề ngoài và Gioan tố cáo sự giả hình và thái độ tự mãn của người Do thái cụ thể là Biệt Phái và Sađốc vì hãnh diện là con cháu Abraham.
Sám hối là bước khởi đầu và là nền tảng của đời sống đức tin: khi nhận ra sự nhỏ bé yếu đuối, thiếu thốn của mình, con người lớn lên trong ân sủng và tình thương bao trùm của Đức Chúa. Và dưới cái nhìn nhân bản, khi nhận ra thân phận tội lỗi của mình, con người càng dễ cảm thông trước vấp ngã của anh em.
Thánh Vịnh có nói: “Chúa ở bên những người sám hối, và cứu chữa những ai sầu khổ” (Tv 33,19). Chính tấm lòng sám hối chân thành đã đem lại niềm vui cho cả nước Trời như Chúa Giêsu đã khẳng định : “Trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối” (Lc 17,7). Chúng ta thấy trong Tin Mừng, Đức Giêsu luôn nhân hậu bao dung với người tội lỗi biết sám hối. Đức Phật ca ngợi “Ở đời có hai hạng người đáng khen: hạng người thứ nhất là người không có lỗi, hạng thứ hai là người có lỗi mà biết ăn năn sám hối”
Cho nên, sách Cách Ngôn nói: “Người nào giấu tội lỗi của mình sẽ không được may mắn, nhưng ai xưng nó ra và lìa bỏ nó sẽ được thương xót” (Cn 28,13). Xưng thú, sám hối luôn được tha thứ: “Tôi đã thú tội cùng Chúa, không giấu điều gian ác của tôi. Tôi nói: Tôi sẽ xưng các lỗi phạm của tôi cùng Chúa, còn Chúa tha tội ác tôi” (Tv 32,5). Ai kiêu ngạo không xưng thú thì bị lên án: “Người nào nói mình vô tội và chối không nhận mình đã phạm tội thì bị lên án” (Gr 2,35).
Thật thế, trong cuộc sống do bản tính yếu đuối của con người, cộng thêm gương xấu của thế gian và muôn vàn cám dỗ của các thế lực bóng tối như thánh Phêrô có đề cập bằng hình ảnh: “sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé” (1Pr 5, 8). Thánh Gioan nói: “Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, chúng ta tự lừa dối mình,và sự thật không ở trong chúng ta” (1Ga 1,8). Cho nên sám hối để nhìn nhận lỗi lầm, sửa chữa trong thay đổi, sám hối như Ngôn sứ Giôen kêu gọi: “Đừng xé áo nhưng hãy xé lòng” (Ge 2,13).
Sám hối, nhìn nhận và sửa chữa như Gioan rao giảng bằng hình ảnh sửa đường: Sửa lời nói thiếu trung thực, sửa lỗi ăn gian nói dối, thành lời theo tinh thần lời xây dựng của Phaolô: “đừng bao giờ thốt ra những lời độc địa, nhưng hãy nói những lời tốt đẹp, để xây dựng và làm ích cho người nghe” (Ep 4,29). Sửa những việc làm thiếu trong sáng, lươn lẹo thành hành động luôn ngay thẳng, chu toàn bổn phận, trách nhiệm và luôn “làm tận tâm như thể làm cho Chúa, chứ không phải cho người đời” (Cl 3,23)
Người Phi Châu kể lại rằng: một người Ả Rập sống ở sa mạc có thói quen nằm sát xuống đất, úp tai trên cát từng giờ lâu. Có người hỏi tại sao làm thế, anh ta giải thích như sau: “Tôi nghe sa mạc khóc vì nó rất muốn được làm một ngôi vườn xinh tươi”.
Vâng, tiếng Gioan giữa sa mạc kêu chúng ta sống tinh thần biết sửa chữa đường vào tâm hồn, để có những con đường thẳng tấp đầy hoa lá bằng tinh thần sám hối. Tiếng gọi mỗi tấm hồn hoang vắng như sa mạc khô khan thành ngôi nhà xinh tươi sức sống. Phải có nước hồng ân cộng với sự chăm sóc của con người, sa mạc mới thành đất màu mỡ với ngôi nhà tâm hồn màu xanh, được công sức cày xới và vun trồng mỗi ngày của con người bằng cố gắng, phấn đấu, hy sinh và tình yêu.
Trong đại sa mạc cuộc đời, góc sa mạc tâm hồn, tiếng của Gioan luôn vang vọng:
“Hãy dọn đường, hãy sửa đường …”
Lm. Vinh Sơn scj, Sài Gòn 03/12/2016