SỐNG ĐẠO YÊU THƯƠNG

Kitô hữu chúng ta không ít lần được nghe diễn giải về giới luật yêu thương là mến Chúa và yêu người. Chúa Giêsu đã lấy lại lời Cựu Ước và khẳng định: “Ngươi hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn trọng nhất và điều răn thứ nhất”(Mt 22,38). Đã là điều răn đứng đầu và trọng nhất thì chỉ có một. Xét như loài thụ tạo thì nghĩa vụ thờ phượng Đấng Tạo Thành là nghĩa vụ hàng đầu và không có gì có thể thay thế. Nếu nhìn nhận mọi sự chúng ta đang có, đang là, đều do bởi lãnh nhận từ trên cao, thì việc thần phục Đấng Tạo Thành là chuyện mang tính sống còn. Nếu Chúa rút hơi lại thì không có loài nào được tồn tại.

Thiên Chúa không chỉ nhận chúng ta làm con theo nghĩa được dựng nên giống hình ảnh của Người mà còn nhận chúng ta làm nghĩa tử trong Con Một chí ái của Người là Đức Giêsu Kitô. Con người là chi mà Chúa đoái trông (x.Tv 8). Loài người là gì mà Chúa lại phó ban Con Một. Tất thảy chỉ vì Chúa muốn thông phần hạnh phúc cho chúng ta mà thôi. Như thế bổn phận yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực là bổn phận liên hệ đến phần phúc loài người chúng ta.

Điều răn thứ hai là yêu thương tha nhân như chính mình. Chúa Giêsu nói điều răn thứ hai “cũng giống” điều răn thứ nhất. Cái từ “giống” rất dễ bị hiểu lầm là tương đương, là ngang bằng. Tuy nhiên khi nói đến trạng thái “giống” là nói đến một sự phản ánh có điểm quy chiếu. Người ta nói cái hình, cái ảnh giống với người, với vật, với cảnh, chứ không nói ngược lại rằng người, vật, cảnh giống với hình, với ảnh. Tương tự như thế, người ta nói đứa con giống người cha chứ không bao giờ nói người cha giống đứa con. Như thế người cha là nguồn, là điểm quy chiếu của sự được gọi là “giống”.

Với hệ luận như trên thì điều răn thứ nhất là yêu mến Thiên Chúa chính là nguồn, là điểm quy chiếu cho giới răn thứ hai là yêu người. Chính nhờ yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết sức, hết trí khôn, vì Người là Cha toàn năng chí ái nên chúng ta mới có thể yêu mến nhau như anh chị em. Trong tình yêu mến Thiên Chúa, nhờ lòng yêu mến Thiên Chúa và bởi việc yêu mến Thiên Chúa, chúng ta mới có thể yêu thương tha nhân cho dù họ dễ thương hay đáng ghét, cho dù làm ơn, làm phước cho ta hay làm hại và thù ghét chúng ta…(x.Mt 5,43-48).

Có đó một số người nói rằng mến Chúa thì dễ còn yêu người thì quả là khó. Một sự “biện bạch” xem ra gần với đời thường và có vẻ mang tính hiện sinh nhưng lại hơi lệch chuẩn. Sự lệch chuẩn ở đây là nơi cách hiểu về đạo mến Chúa, vì người ta những tưởng rằng tuân giữ một vài hành vi tế tự, một vài nghi lễ thờ phượng bên ngoài là đã giữ đạo mến Chúa. (vd: đọc kinh, tham dự Thánh Lễ…).

Quả thật, trong thực tế, sống đạo yêu người cũng không phải dễ dàng. Chúng ta có thể không ngược đãi và áp bức khách ngoại kiều, mẹ goá, con côi, có thể cho vay mượn mà không chú trọng đến lãi lời, có thể trả áo choàng người nghèo cầm cố trước khi đêm về để họ có cái mà đắp ấm, cũng có thể gặt lúa, hái tiêu, cà phê mà không mót phần rơi vải, nhằm để cho người nghèo mót lượm (x.Lv 19). Tuy nhiên, để yêu thương người không mấy dễ thương, yêu thương người đang hành khổ, thù ghét, làm hại chúng ta thì không dễ chút nào. Làm sao chúng ta có thể yêu thương họ như chính mình đây? Ngay cả những người cùng chung niềm tin, tôn giáo mà vẫn không thiếu người thú nhận rằng đạo thì con giữ đạo nhưng con không thể làm hoà hay tha thứ cho mấy cái người làm hại con, làm hại gia đình chúng con… Tuy nhiên nếu chúng ta thực tâm giữ giới răn thứ nhất thì sẽ có khả năng thực thi giới răn thứ hai. Vấn đề là giữ giới răn thứ nhất như thế nào?

Thiên Chúa là Đấng không ai thấy bao giờ. Nhưng Người đã nên hữu hình nơi Đức Giêsu Kitô. Ai thấy Chúa Kitô là thấy Chúa Cha (x.Ga 14,9). Và yêu mến Chúa Kitô là yêu mến Thiên Chúa. Yêu mến Chúa Kitô là hãy ở lại trong tình yêu của Người và hãy giữ giới răn của Người (x.Ga 14 23-24). “Hãy mặc lấy tâm tình của Đức Kitô” (x.Pl 2,5). Đây chính là chìa khoá để thánh tông đồ dân ngoại sống giới răn thứ nhất và nhờ đó mà thực thi giới răn thứ hai.

Vì biết cùng chung cha mẹ nên người ta nhận nhau là anh chị em, chứ không phải vì đã nhận nhau làm anh chị em nên mới biết mình cùng chung một mẹ cha. Trong tình yêu, nhiều điều như nghịch lý vẫn hiện hữu. Dù không thể đòi hỏi và không có quyền đòi hỏi rằng khi anh chị em thương nhau là đã yêu cha mẹ, nhưng chính cha mẹ tự nhận lấy việc con cái yêu thương nhau là cách thế tốt đẹp mà chúng tỏ bày lòng hiếu thảo với mình. Là Tình Yêu, Thiên Chúa đã nhận việc loài người chúng ta yêu thương nhau là một phương thế yêu thương Người cách tốt đẹp. Chúa Kitô đã nói rõ chân lý này trong dụ ngôn ngày cánh chung (x.Mt 25,31-46).

Để thực thi đạo mến Chúa – yêu người thì cần phải biết Thiên Chúa, một sự “biết” theo nghĩa Thánh Kinh đó là gắn bó nên một với Người. Để gắn bó với Thiên Chúa thì không gì hơn hãy ở lại trong tình yêu của Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã vắt kiệt giọt máu cuối cùng từ Trái tim cực thánh vì chúng ta, để cho chúng ta được thứ tha tội lỗi, được hoà giải với Cha trên trời và được hưởng hạnh phúc vĩnh hằng. Ở lại trong tình yêu của Chúa Kitô thì dần dà chúng ta sẽ mặc lấy tâm tình của Đấng cứu độ mà hết tình yêu thương phục vụ tha nhân cho đến cùng. Ngoài các giờ kinh nguyện, ngoài các buổi tham dự Phụng vụ, thì thiết nghĩ rằng nếu mỗi ngày chúng ta giữ tỉnh lặng khoảng năm, mười phút hay lâu hơn một chút để kết hiệp với Chúa Giêsu thì sẽ giúp chúng ta nhiệt thành yêu mến Chúa trên hết mọi sự và yêu thương tha nhân như chính mình cách hữu hiệu hơn.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Chia sẻ Bài này:

Related posts