Thiên Chúa thật kỳ diệu trong việc tạo dựng con người: Ngài dựng nên mỗi người là duy nhất, xét trên mọi phương diện, không ai giống ai, không một người nào giống người nào. Hơn thế nữa, mỗi người lại có một điều kiện và hoàn cảnh sinh sống riêng, với những thế mạnh và điểm yếu khác biệt và không ai là hoản hảo về mọi mặt. Đây là điểm quan trọng để chúng ta ý thức mình, hiểu người khác để sống khiêm nhường trong tương quan đời sống thường ngày.
Sự khiêm nhường nghe có vẻ khá xa lạ không những trong cuộc sống hiện đại hôm nay, mà nó đã luôn được nhắc nhở ngay trong thời Đức Giêsu. Điều đó đã không ngừng đánh động mỗi chúng ta cân nhắc về thái độ sống cũng như quan điểm của mình. Biết chấp nhận “cái tôi” cũng như hiểu người khác, tôn trọng sự khác biệt và giữ đúng tương quan, liên hệ giữa mình và mọi người, suy nghĩ và cư xử đúng mực, chính là thái độ sống khiêm nhường đúng nghĩa.
Xa hơn nữa, sự khiêm nhường còn cho ta nhận ra sự yếu đuối, bất toàn trong thân phận con người để nhận ra hồng ân Thiên Chúa nơi chính mình. Nếu không nhận ra điều đó thì sự tự cao, tự đại, thái độ kiêu ngạo sẽ che dần hình ảnh của Thiên Chúa trong cuộc sống và biến mình thành “trung tâm vũ trụ”. Đây là một hiện tượng đáng được báo động trong thời kỳ khoa học kỹ thuật phát triển vượt bậc như hôm nay.
Nhìn lại đời sống của mỗi người, chúng ta đã sống khiêm nhường hay chưa? Nhìn lại hành trình Đức tin của mình, chúng ta đã sống đúng tinh thần khiêm nhường như Chúa Giêsu mời gọi trong bài Tin Mừng hôm nay hay chưa?
Thật vậy, sống khiêm nhường trước hết là luôn ý thức thân phận bất toàn của mình. Trước những thành công cũng như thất bại của cuộc sống, con người dễ rơi vào cách suy nghĩ và sống ở hai thái cực: hoặc băn khoăn, tự ti, nhút nhát, hoặc vênh vang, tự đắc, kiêu căng. Họ tự xếp mình vào hai trạng thái: “mình chẳng bằng ai” hoặc “không ai bằng mình”.
Vì thế, sự khiêm nhường là điều trái ngược với tự cao, tự mãn… nhưng cũng không phải là thái độ tự ti, mặc cảm, thua kém đến mức trở nên nhu nhược. Khiêm nhường đó là nhận ra sự thật con người của mình: chấp nhận những nhược điểm trong sự học hỏi, ý thức những ưu điểm trong sự chia sẻ hài hòa và luôn can đảm làm chứng cho sự thật. Đó là điểm căn bản để chúng ta gạt bỏ đi sự kiêu căng, ngạo mạn với mọi người lúc thành công, bớt đi tự ti, mặc cảm với mọi người trong những lúc thất bại và luôn mạnh mẽ can trường để bên vực lẽ phải trong sự công bằng.
Không những ý thức thân phận của mình, sống khiêm nhường còn giúp ta yêu thương, đồng cảm với mọi người. Ý thức được chính mình sẽ là điều quan trọng để hiểu và sẻ chia với mọi người xung quanh. Là con người với nhau, nếu chúng ta hiểu được điểm yếu, điểm mạnh nơi chính mình cũng có nghĩa chúng ta cảm thông được điều đó nơi những người anh em.
Giúp đỡ nhau những lúc khó khăn, động viên nhau những lúc thất bại và chia sẻ với nhau những lúc thành công, đó là những cử chỉ đẹp của con người. Hay nói cách khác, nếu sống khiêm nhường, mỗi chúng ta sẽ hiểu và sẻ chia với nhau trong bất cứ hoàn cảnh nào của cuộc sống. Nếu không, chúng ta sẽ chỉ biết trách mắng, khinh chê mọi người và tự cao, tự mãn với chính mình. Đó là lúc chúng ta đã và đang làm hại mình và làm hại người khác bằng thái độ vô tâm. Đây là một trong những lối sống dẫn đến sự vô cảm, thờ ơ ngày càng nhiều trong xã hội hiện đại.
Ý thức thân phận của mình, hiểu được hoàn cảnh đồng loại sẽ giúp ta nhận ra ân sủng của Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa đã tạo dựng và ban cho mỗi người những ơn riêng đặc biệt để nhờ đó chúng ta phụng sự Ngài và phục vụ anh em trong khả năng của mình.
Nhận ra ân sủng của Thiên Chúa là biết dùng những ân ban của Ngài đúng mục đích và luôn ý thức Chúa đang dùng mình như “khí cụ bình an” cho thế giới. Để được như thế, sự khiêm nhường sẽ giúp chúng ta lắng nghe được tiếng Chúa đang kêu mời nơi mỗi người: Đó là san lấp những kiêu căng, cao ngạo trong chính mình. Đó là nâng đỡ, ủi an những tâm hồn nghèo khổ và cô đơn. Đó là lên tiếng cho những thân phận bị chà đạp, bỏ rơi. Đó là dựng nên hình ảnh một Thiên Chúa luôn yêu thương và phục vụ bằng chính đời sống Đức tin của mình giữa một thế giới hận thù, bạo lực.
Hơn bao giờ hết, bài học khiêm nhường vẫn luôn mang tính thời sự đối với đời sống cá nhân mỗi chúng ta. Không ý thức được sự hiện hữu của Thiên Chúa, ai dám đảm bảo mình luôn có thái độ đúng mực với anh em? Không ý thức được chính mình, ai dám đảm bảo sẽ hiểu và cảm thông với những khó khăn của đồng loại?
Đó đây trong ngõ ngách của tâm tư, trong bản năng của con người, một lúc nào đó, những tư tưởng tự cao tự đại lại bùng lên và chi phối suy nghĩ cũng như hành động của chúng ta. Vì thế, thái độ khiêm nhường sẽ luôn nhắc nhở chúng ta đề cao cảnh giác trước những tư tưởng như thế.
Thật vậy, sự khiêm nhường trong đời sống Đức tin giúp chúng ta ý thức chính mình, hiểu được tha nhân và hơn hết là nhận ra hình ảnh Thiên Chúa trong từng giây, từng phút cuộc sống. Đó là những gì chúng ta cần để được ơn Cứu độ trong ngày sau hết.
JB. Lê Đình Nam