Có một ngụ ngôn kể rằng: Sau khi Adam và Evà bị đuổi khỏi vườn địa đàng (St 3:23), họ lang thang khắp mặt đất, mong tìm được một vùng đất tốt để an cư lập nghiệp. Sau bao nhiêu ngày tháng vất vả rong ruổi trên nhiều hoang địa, sau cùng ông bà tìm được vùng đất phì nhiêu, cây cối xanh tươi, suối nước dư tràn. Tìm được nơi định cư, ông bà dựng nhà, khai hoang, trồng cấy… làm việc cực nhọc, đổ mồ hôi trán để kiếm của ăn mỗi ngày (St 3:19). Ông bà nguyên tổ sinh sản con cái và một thời gian sau, dân số gia tăng nhanh và phân tán khắp nơi. Những tháng năm dài sau đó, với lối sống đầy từ tâm, hiếu khách, quảng đại… khiến nhiều người biết đến ông bà, bày tỏ lòng trọng kính đối với bậc “lão thành” mà họ hân hạnh được tiếp xúc. Lúc này, ông bà nguyên tổ hoàn toàn hài lòng những gì đã qua, vì chính họ không thu góp của cải quá dư thừa hay ước muốn những gì không cần thiết. Xem ra ông bà hưởng một cuộc sống thật tốt đẹp?
Vào một buổi hoàng hôn, sau một ngày ngoài cánh đồng, hai người ngồi bên nhau trước nhà ngắm mặt trời đang khuất sau rặng núi, Adam liền quay sang hỏi Evà: “Em nghĩ sao? Thiên Chúa phải chăng nhầm lẫn khi Ngài đặt chúng ta trong vườn Địa Đàng, nơi đó chúng ta không phải vất vả lao nhọc gì hết? Là con người phải phấn đấu không ngừng, phải đổ mồ hôi, sinh trưởng và lớn lên, luôn sống trong hy vọng cho tới khi lià cõi thế. Đó là thân phận của nhân loại phải không em? Evà chưa kịp đáp liền thấy Ađam đứng dậy, ra vẻ như mình có tư tưởng khôn ngoan, bước ra giữa sân và chỉ tay lên trời hét lớn: “Chúa ơi! Ngài lầm rồi!” Trên thiên quốc Thiên Chúa chỉ mỉm cười.
“Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó.” (Mt 5:3) Lời rao giảng mở ra một viễn tượng đầy hy vọng, đồng thời nhắc nhớ thân phận thụ tạo phải lệ thuộc vào Đấng Tạo Hóa trong mọi sự. Hạnh phúc hơn hết hay nói khác đi: người hạnh phúc nhất là người nhận ra sự nghèo nàn, trống rỗng trong tâm hồn, và phó trọn đời mình cho Thiên Chúa. Khi nghe những lời trên, có lẽ nhiều người trong thâm tâm sẽ thốt ra những lời lẽ tương tự: “Tôi không thể làm được điều này! Tôi không thể sống và lớn lên trong tình trạng như thế! Tôi có chủ quyền trên số phận và linh hồn tôi!” Tiếp đó, cũng bắt chước điệu bộ như Adam trong câu truyện trên la to: “Chúa ơi! Ngài lầm rồi!” Khi ấy, Thiên Chúa là Đấng hay thương xót, sẽ mỉm cười vì thái độ kiêu hãnh khờ dại nơi tâm hồn ấy.
Chúa Giêsu, kiến trúc sư thần linh, miêu tả một bản thiết kế tuyệt vời về “ngôi nhà Bát Phúc” qua Bài giảng trên núi, như lời mời gọi mọi Kitô hữu hoàn thành “ngôi nhà thánh” này sao cho phù hợp với bản thiết kế. Ai cũng có thể đọc và hiểu các đòi hỏi của bản thiết kế, nhưng để hoàn thành nó thì không đơn giản chút nào, vì Vị Kiến Trúc Sư này đòi họ phải hoàn toàn lệ thuộc vào Ngài và thực hiện những điều này trong suốt cuộc sống của họ. Xét theo phương diện nhân loại, mấy ai có thể theo nổi những “đường nét tinh tế” của bản thiết kế này khi gặp: “Hãy yêu mến thù địch và làm ơn cho những người oán ghét các ngươi, hãy chúc lành cho những kẻ nguyền rủa các ngươi…” (Lc 6:27). Lời Chúa còn mời gọi họ đến chỗ quyết liệt hơn nữa khi: “…phàm ai xin, ngươi hãy cho và kẻ đoạt của ngươi, đừng đòi lại… hãy nhân từ…đừng xét đoán, đừng lên án…” (Lc 6: 30;35-37). Ai muốn hoàn thành “ngôi nhà Bát Phúc” này, phải tuyệt đối tin tưởng vào quyền năng vô biên nơi Vị Kiến Trúc Sư này. Nói thế không có nghĩa là tin tưởng cách mù quáng, thiếu hiểu biết. Nhưng qua Chúa Giêsu, Thiên Chúa Cha mời gọi mọi người hoàn toàn lệ thuộc vào Ngài, vì Người luôn yêu ta và biết những gì mang lại lợi ích cho thọ tạo của Ngài.
Theo Tin Mừng của Thánh Gioan, Chúa Giêsu mời gọi mọi người trực diện thân phận con người mà hướng về đời sống vĩnh cửu. Cách sống đó là: “…nhận biết Chúa Cha, Thiên Chúa độc nhất, chân thật và Đấng Ngài đã sai đến là Đức Kitô.” (Ga 17:3) Mặc dầu, lời mời gọi hướng mọi người về phía trước, về tương lai, nhưng không có nghĩa một điều gì xa vời, đâu đâu, hay nhận biết Thiên Chúa về mặt tri thức, mà phải được cụ thể hóa trong đời sống thường nhật, trong tâm tình ‘yêu mến Chúa hết lòng và nhiệt tâm chu toàn ý Chúa’, đó là những nẻo đường dẫn tới cuộc sống vĩnh hằng.
Một ông sồn sồn vừa nghe báo cơn bịnh của ông đang trong giai đoạn cuối, ông liền viết thư cho người bạn như sau: Khi nghe tin này, tôi chất vấn mình sẽ làm gì cho cuộc sống này, vì của cải trong ngân hàng sẽ không giúp gì cho tôi khi tôi chết. Tại sao tôi vô tình sống một lối sống vô vị trong khi tôi cảm nhận một cách sống khá hơn? Ông đã tìm cho mình câu trả lời qua một lối sống mới. Thật vậy, ông đã sống thêm 18 tháng và trước khi chết, và ông bày tỏ: chỉ có 18 tháng vừa qua mới thật sự sống có ý nghĩa, trọn vẹn và muôn ơn phúc xác hồn. Ông đã sống một khoảng thời gian mà “án tử” treo trước mặt, nhưng không dễ dàng để cho nỗi thất vọng, sự chán chường lôi cuốn ông chìm sâu trong màn đêm u tối, hay một đời sống vô nghĩa. Điều gì đã làm nên sự thay đổi bất ngờ này? Lúc mà con người nhận ra sự bất lực và giới hạn của mình, đồng thời nhận ra phúc biết bao cho “ai có tâm hồn nghèo khó”, khi đó họ chỉ còn biết tin tưởng phó đời mình cho Chúa và cho Tình yêu vô biên của Ngài. Điều không thể, giờ đây mở lối cho Thiên Chúa thực thi điều có thể cho những tâm hồn thành tâm yêu Người. Qua đó, họ biết phải ‘sống ra sao và chết thế nào’.
Ai trong chúng ta đều có kinh nghiệm rất thực tế khi đi trên tuyến đường xa lộ cần sửa chữa. Các loại xe dùng vào việc đào, đổ nhựa, cán cho mặt đường phẳng hay một vài tuyến đường bị đóng lại… đều gây cản trở rất nhiều cho xe lưu thông lúc này. Sự thiếu kiên nhẫn cộng thêm thời tiết nóng sẽ làm cho bác tài, chỉ một chút sơ suất, có thể gây ra tai nạn. Để giảm bớt căng thẳng và tránh các sự cố có thể xẩy ra cho các xe sau, người điều khiển bảng chữ điện một ngày nọ đánh lên hàng chữ được đọc phía trước và sau tấm bảng như sau: “Con đường tới hạnh phúc thì luôn luôn cần sửa chữa.” Thật vậy, đường tới hạnh phúc vĩnh cửu cũng luôn cần sửa chữa. Dù bất cứ điều gì xảy đến, những bất toàn trong cuộc sống, Đức tin luôn thúc đẩy đương sự , thách đố đương sự trong việc chọn lựa vâng phục hay phản kháng. Chỉ khi con người sống thành thật, thành tâm và công minh trong mọi hành vi trong ngoài, lúc đó con người biết ‘sống ra sao và chết thế nào’, đồng thời góp phần thêm chất liệu cho “ngôi nhà Bát Phúc” sau này.
Đền Thánh Khiết Tâm Mẹ