HIỆP SỐNG TIN MỪNG
CHÚA NHẬT 30 THƯỜNG NIÊN A
Xh 22,20-26; 1 Tx 1,5c-10; Mt 22,34-40
I. HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG: Mt 22,34-40
(34) Khi nghe tin Đức Giê-su đã làm cho nhóm Xa-đốc phải câm miệng, thì những người Pha-ri-sêu họp nhau lại. (35) Rồi một người thông luật trong nhóm hỏi Đức Giê-su để thử Người rằng: (36) “Thưa Thầy, trong sách Luật Mô-sê, điều răn nào là điều răn lớn nhất ?”. (37) Đức Giê-su đáp: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của người hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn đứng đầu. (39) Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. (40) Tất cả Luật Mô-sê và các sách Ngôn sứ đều tùy thuộc vào hai điều răn ấy”.
2. Ý CHÍNH:
Câu hỏi của người thông luật trong nhóm Pha-ri-sêu nêu ra với Đức Giê-su để thử Người vốn là một trong những vấn đề lớn mà các Rá-bi Do Thái luôn bất đồng ý kiến và không ngừng tranh cãi với nhau: “Trong sách Luật Mô-sê thì điều răn nào là điều răn lớn nhất ?” Nhưng điều họ cho là khó thì trong Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su đã giải đáp cách dễ dàng. Theo Người thì toàn bộ sách Luật và các Ngôn sứ đều tóm gọn trong hai điều răn lớn nhất là mến Chúa và yêu Người.
3. CHÚ THÍCH:
– C 34-35: + Đức Giê-su đã làm cho nhóm Xa-đốc phải câm miệng: Trong dân Do Thái có nhiều phe nhóm khác nhau. Phái Xa-đốc vì chỉ dựa trên Luật thành văn là bộ sách Ngũ Thư, nên nghĩ rằng không có chuyện kẻ chết sống lại (x. Mt 22,23). Họ đã dựa trên luật “thế huynh” (x. Đnl 25,5-10) để đặt vấn đề với Đức Giê-su. Người đã trả lời bằng hai điểm: Một là khi sống lại, người ta sẽ sống như các thiên thần (x. Mt 22,30). Hai là Người nhắc lại lời Thiên Chúa phán với Mô-sê rằng Người là Thiên Chúa của các tổ phụ, ngầm ám chỉ các tổ phụ ấy vẫn đang sống với Người (x. Xh 3,6). Trước những bằng chứng rút từ Thánh Kinh ấy, họ đuối lý và đành phải câm miệng. + Thì những người Pha-ri-sêu họp nhau lại: Họp nhau ở đây nhằm đối phó với Đức Giê-su. Sau này các đầu mục Do Thái cũng họp nhau để tìm cách giết hại Người (x. Mt 26,3-4). + Một người thông luật trong nhóm: Đây là một kinh sư trong nhóm Pha-ri-sêu. Thời Đức Giê-su có khoảng sáu ngàn người thuộc nhóm Pha-ri-sêu hay Biệt Phái. Cũng như nhóm Ét-sê-ni, nhóm Pha-ri-sêu thường kết nạp những người có lòng đạo đức muốn chống lại ảnh hưởng ngoại giáo. Nhóm gồm các kinh sư, các tiến sĩ Luật và cả tư tế nữa. Họ tổ chức thành hội, nhằm giúp nhau giữ đạo của cha ông và trung thành với Luật Mô-sê. + để thử Người: Ở đây nhóm Pha-ri-sêu nêu câu hỏi để đưa Đức Giê-su vào thế bí, xem Người sẽ giải quyết thế nào đối với vấn đề nan giải, thường gây tranh cãi giữa các ráp-bi với nhau.
– C 36-37: + Luật Mô-sê: Luật hay “Tô-ra” trong tiếng Do Thái, ám chỉ giáo huấn mặc khải của Thiên Chúa nhằm hướng dẫn nếp sống của con người về nhiều lãnh vực như: Luân lý, tổ chức gia đình và xã hội, nghi thức phụng tự, các thừa tác viên và các điều kiện cử hành… Đây là toàn bộ những điều luật ghi trong Ngũ Thư và chi phối đời sống tôn giáo và trần thế của dân It-ra-en. Luật Mô-sê gồm 613 điều khác nhau, trong đó có 246 điều luật truyền và 365 điều luật cấm. + Điều răn nào là điều răn lớn nhất: Lớn nhất tức là quan trọng nhất. Sở dĩ họ đặt câu hỏi này với Đức Giê-su, phần vì không nhất trí được với nhau, phần vì muốn thử Đức Giê-su để mong đặt người vào thế bí không thể giải đáp được. + Ngươi phải yêu mến Đức Chúa hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi: Lòng mến Chúa phải toàn diện, liên quan đến trái tim, linh hồn và cả khối óc của con người. Tình yêu ấy phải là động lực thúc đẩy tất cả mọi hoạt động tinh thần cũng như thể xác. + Đó là điều răn lớn nhất và điều răn đứng đầu: Đây là điều răn thứ nhất trong Thập Giới (x. Đnl 6,5). Tầm mức quan trọng của điều luật này không phải vì được xếp đầu tiên, nhưng vì việc mến Chúa là điều quan trọng bậc nhất. Vì thế mỗi người Ít-ra-en đều phải đọc đi đọc lại Luật này mỗi ngày hai lần: lúc vừa thức giấc cũng như trước khi nghỉ đêm.
– C 38-40: + Điều răn thứ hai cũng giống điều thứ nhất: Điều răn thứ hai tuy về lòng yêu người, nhưng cũng quan trọng ngang với điều răn thứ nhất về lòng mến Chúa. Vì lòng yêu người phát xuất từ lòng mến Chúa và cũng cần thiết như lòng mến Chúa vậy. + Yêu người thân cận: Đối với dân Ít-ra-en: người thân cận là những người đồng chủng tộc, cùng huyết thống. Nhưng Đức Giê-su đã mở rộng tình yêu tha nhân đến hết mọi người: Dù là Do Thái hay dân ngoại, nô lệ hay tự do… và yêu cả kẻ thù của mình nữa (x. Mt 5,43-48). + như chính mình: Yêu kẻ khác giống như yêu bản thân mình, là đặt mình vào hoàn cảnh của người khác. Nói cách khác yêu người bằng mình là: “Muốn người ta làm gì cho mình, thì hãy làm cho người ta như vậy” (x. Mt 7,12), và ngược lại “Điều gì con không thích thì đừng làm cho ai” (Tb 4,15). + Tất cả Luật Mô-sê và các sách Ngôn sứ: Luật Mô-sê và các sách Ngôn sứ là cách nói chỉ toàn bộ Cựu Ước. Luật Mô-sê gồm có năm cuốn sách trong bộ Ngũ Thư. Còn sách các Ngôn sứ gồm hai loại: sách các Ngôn sứ lớn như I-sai-a, Giê-rê-mi-a, Ê-dê-ki-en, Đa-ni-en và sách các Ngôn sứ nhỏ như Ba-rúc, Hô-sê, Giô-en, A-mốt, Giô-na, Mi-kha, Na-khum, Kha-ba-cúc, Xô-phô-ni-a, Khác-gai, Da-ca-ri-a, Ma-la-khi. + đều tùy thuộc vào hai điều răn ấy: Thánh ý của Thiên Chúa biểu lộ qua các giới răn, và qui về hai giới răn này là “Mến Chúa” và “Yêu người”. Như vậy, Đức Giê-su đã gắn liền điều răn yêu người với điều răn mến Chúa, bằng cách cho cả hai cùng quan trọng như nhau, và tập trung tất cả lề luật vào hai điều răn này. Từ nay, người ta không cần phải lo lắng chu toàn tất cả 613 điều khoản, với các chi tiết khó nhớ và khó áp dụng. Nhưng họ chỉ cần giữ hai điều then chốt là “Mến Chúa hết lòng hết sức” và “Yêu thương tha nhân như chính mình”. Giữ hai điều này là đã giữ trọn Lề Luật và đã làm theo thánh ý Thiên Chúa rồi. Sau này, Đức Giê-su còn thêm một điều răn mới là: “Anh em hãy thương yêu nhau, như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34).
4. HỎI ĐÁP:
HỎI 1: Thái độ của nhóm Pha-ri-sêu đối với Đức Giê-su thế nào?
ĐÁP:
Trong nhóm Pha-ri-sêu, một số người có thiện cảm với Đức Giê-su, nên đã mời Người đến nhà (x. Lc 7,36;11,37), trong số đó cũng có người có chức vị thủ lãnh (x. Lc 14,1). Có người đã bảo vệ Người tránh khỏi bị Hê-rô-đê bắt (x. Lc 13,31). Ông Ni-cô-đê-mô một thành viên của nhóm Pha-ri-sêu cũng đã bí mật gặp Đức Giê-su vào ban đêm (x. Ga 3,1-2), và sau đó đã công khai bênh vực Người (x. Ga 7,50), và góp phần vào việc mai táng Người như một môn đệ (x. Ga 19,39-40). Ông Ga-ma-li-ên, một kinh sư thuộc nhóm Pha-ri-sêu trong Thượng Hội Đồng có lần đã lên tiếng bênh vực các Tông đồ (x. Cv 5,34-39). Tông đồ Phao-lô trước khi theo Chúa đã từng là một thành viên nhiệt thành nhất trong nhóm Pha-ri-sêu (x. Cv 26,4-5). Tuy nhiên, đại đa số người Pha-ri-sêu không tin Đức Giê-su là Đấng Thiên Sai, nên kịch liệt chống lại con người và giáo lý của Người.
HỎI 2: Thái độ của Đức Giê-su đối với nhóm Pha-ri-sêu ra sao?
ĐÁP:
Về phần Đức Giê-su, tuy nhiều lần nặng lời quở trách nhóm Pha-ri-sêu về lối sống vụ Lề Luật, giả đạo đức, vụ lợi, nói mà không làm, kiêu căng, ưa xu nịnh, khinh thường các tội nhân và dạy giáo lý sai lạc (x. Mt 9,10-11;23,1-7;16,5.12)… Nhưng Người công nhận họ siêng năng cầu nguyện, bố thí và ăn chay (x. Mt 6,1-18); nhiệt tâm truyền giáo (x. Mt 23,15), phần nào ăn ở công chính (x. Mt 5,20), gắn bó với truyền thống của cha ông (x. Mt 6,16), giữ Luật cách nghiêm nhặt (x. Mt 23,23). Riêng Đức Giê-su đã đến không nhằm bãi bỏ, nhưng kiện toàn luật Mô-sê hay lời các ngôn sứ nói chung (x. Mt 5,17-19), và Luật về ngày hưu lễ, về sự nhơ uế nói riêng (x Mt 12,2; 15,1-2).
II. SỐNG LỜI CHÚA
1. LỜI CHÚA: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn đứng đầu. Còn điều răn thứ hai cũng giống điều răn ấy là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” (Mt 2,37-39).
2. CÂU CHUYỆN:
1) SỨC MẠNH BIẾN ĐỔI LÒNG NGƯỜI CỦA TÌNH YÊU THƯƠNG:
Có một cậu bé 7 tuổi bị mồ côi cha mẹ, nên được ông nội đón về nhà nuôi. Ông này là chủ một xí nghiệp sản xuất quy mô dây chuyền lớn, có hằng trăm công nhân. Ông vốn là một người tham lam và độc ác, thường tỏ thái độ hách dịch và hay tìm cách ăn chặn số tiền lương ít ỏi của công nhân. Nhưng mỗi khi có mặt cậu bé, ông ta lại tỏ thái độ nhân hậu và biết quan tâm đến những người nghèo khổ. Nhất là ông luôn tận tình yêu thương và chăm sóc cho cậu bé, khiến cậu coi ông giống như thần tượng. Cậu luôn miệng khen những việc tốt ông làm, và cả những việc xấu nhưng đã được cậu cắt nghĩa lành là do động cơ tốt. Cậu thường nói với ông như sau: “Nội ơi, nội được nhiều người yêu quý lắm phải không ? Cháu dám cá là mọi người đều yêu mến nội thật nhiều, giống như cháu yêu ông nội vậy !” Chính tình yêu chân thành của cậu bé khiến trái tim sơ cứng của ông cụ dần dần hóa ra mềm mại, và cuối cùng đã biến đổi ông trở nên một người tốt lúc nào không hay. Đúng như những đức tính tốt mà cậu bé vẫn thường ca ngợi ông.
2) LỜI NÓI HƯƠNG BAY, GƯƠNG BÀY LÔI KÉO:
Một hôm một người khách đến thăm một tu viện thuộc dòng Thừa Sai Bác Ái do Mẹ Tê-rê-sa Can-quýt-ta sáng lập. Ông ta nhìn thấy các sơ vừa đem về tu viện một bệnh nhân sắp chết, được tìm thấy đang nằm trên vỉa hè bên một lỗ cống hôi thối và trên mình đầy những chí rận. Ông khách thấy các sơ vui vẻ giúp người này tắm rửa, diệt trừ chí rận với sự ân cần và đầy cảm thông. Sau đó, ông đến gặp Mẹ Tê-rê-sa và nói: “Thưa mẹ, khi đến đây con vẫn đang mang ác cảm và thù ghét Hội thánh. Con nghĩ rằng các linh mục và nữ tu chỉ là những kẻ đạo đức giả ! Nhưng giờ đây, con đã loại trừ được tất cả những sự hiểu lầm và thành kiến lâu nay. Vì tại tu viện này, con đã chứng kiến tình yêu Chúa được diễn tả cách cụ thể qua hành động và thái độ của các sơ trong tu viện, khi các chị săn sóc cho một bệnh nhân sắp chết kia. Bây giờ thì con đã xác tín rằng: “Thiên Chúa là tình yêu”. Vì nếu không có Thiên Chúa ở trong tâm hồn, thì chắc các sơ đã không đủ nghị lực để quên mình và xả thân phục vụ cách vô vụ lợi những người bệnh tật và bất hạnh như vậy !”
3) PHÉP LẠ CỦA LÒNG NHÂN ÁI :
Mẹ Tê-rê-sa Can-quýt-ta kể: “Hôm ấy, có một người khách lạ đến thăm nhà dòng. Ông thấy một nữ tu trong dòng vừa mang về tu viện một bệnh nhân bị bệnh nặng gần chết, bị bỏ rơi bên ống cống, mình đầy giòi bọ hôi thối. Thế mà, chị nữ tu này lại ngồi nhặt từng con bọ với vẻ mặt vui tươi, thanh thản và đầy sự cảm thông… Rồi ông khách kia đã đến xin gặp mẹ Tê-rê-sa và nói: “Thưa mẹ, khi con đến đây, lòng con đầy thành kiến và thù ghét đạo công giáo. Nhưng bây giờ con sẽ ra về với một tâm hồn hoàn toàn đổi mới. Con đã bắt đầu tin vào Chúa, bởi vì con đã được chứng kiến tình yêu của Chúa, biểu lộ cụ thể qua hành động yêu người của một nữ tu trong dòng, qua cách thức sơ ấy thực hiện với một người dơ bẩn đang hấp hối kia. Bây giờ thì con vững tin: “Thiên Chúa là Tình Yêu”. Vì nếu không có Chúa trong tâm hồn, thì chắc là sơ sẽ không muốn chăm sóc bệnh nhân hôi hám và đáng thương kia được”.
Thực vậy, nếu ai không có lòng mến Chúa thì cũng không thể yêu người cách vô vụ lợi. Chúa Giê-su đã nêu ra hai điều răn trọng nhất là: ” Ngươi phải yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn ngươi… và ngươi phải yêu người đồng loại như yêu chính mình”.
4) ĐỔI MỘT CHIẾC QUẦN LẤY HAI LINH HỒN:
Một hôm, một linh mục già của thị trấn PI-CAR-DIE đang trên đường trở về nhà xứ, vừa đi đường ngài vừa đọc kinh nhật tụng trong sách. Có hai viên sĩ quan trẻ cũng đi chung đường với vị linh mục này. Khi rảo bước ngang qua vị linh mục, cả hai anh đều tỏ thái độ khinh dể cha đạo, vì từ lâu họ đã bị mất đức tin và không đến nhà thờ dự lễ Chúa Nhật. Trong câu chuyện, hai viên sĩ quan liên tục khích bác các tu sĩ, và hai anh đã đi nhanh hơn vị linh mục một đoạn khá xa.
Chợt hai anh thấy một người hành khất ngồi bên vệ đường lên tiếng xin: “Các anh ơi, xin giúp đỡ cho kẻ hèn này với.” Nghe vậy, một trong hai viên sĩ quan trẻ lục túi tìm bạc lẻ để cho người ăn xin, còn người kia lại nói với bạn mình rằng: “Ông cha già hồi nãy gặp thế nào cũng sẽ đi ngang qua người hành khất này. Tớ dám cá với cậu là ông ta sẽ chẳng thèm thí cho lão ăn mày này một đồng xu nào cho coi ! Cái bọn tu sĩ đạo đức giả ấy thường chỉ nói hay mà làm không hay. Vậy tụi mình nên núp vào sau bụi cây kia để xem ông cha kia sẽ hành xử như thế nào nhé”.
Ít phút sau, quả nhiên vị linh mục già cũng chậm rãi đi tới nơi. Khi nghe lời người hành khất xin, ngài dừng lại, đưa tay lục hết túi trên đến túi dưới, rồi ái ngại nói với lão ăn mày: “Ông bạn đáng thương ơi, rất tiếc là hôm nay ta chẳng mang theo một đồng xu nào để có thể chia sẻ cho ông.”
Anh thứ nhất nghe tiếng vị linh mục nói liền nói thầm vào tai anh kia rằng: “Đấy, cậu thấy chưa ? Tớ nói có sai đâu !” Đang lúc đó, vị linh mục trông thấy bộ quần áo của lão ăn mày đã bị rách nát liền động lòng thương, ông bảo lão ăn mày: “Ông bạn hãy chịu khó ngồi đợi ta một lát nhé, ta sẽ quay lại ngay !” Dứt lời, vị linh mục cũng chạy đến chui vào bụi cây gần bên hai anh sĩ quan đã núp trước đó. Sau khi loay hoay một lúc, vị linh mục đã quay lại chỗ người ăn mày và trao cho lão ta chiếc quần dài đã được xếp gọn và nói: “Đây, tôi xin biếu ông chiếc quần dài tôi đang mặc. Tuy nó hơi cũ, nhưng nói chung vẫn còn tốt chán ! Ông không nên kể ra cho người khác biết việc tôi làm cho ông hôm nay, hầu tránh khỏi bị xấu hổ”. Sau đó vị linh mục sửa lại chiếc áo chùng thâm đang mặc cho ngay ngắn, tiếp tục mở Các Giờ Kinh Phụng Vụ và vừa đi vừa đọc kinh.
Hôm sau, ngay từ sáng sớm đã có hai viên sĩ quan đến bấm chuông cổng nhà xứ từ sớm. Vị linh mục già ra mở cửa rồi mời hai người này vào phòng khách và họ đã thuật lại những điều họ đã mắt thấy tai nghe với thái độ thành tâm thán phục hành động cao đẹp của linh mục. Khi ấy vị linh mục chỉ biết ngẩn ngơ thốt lên với Chúa: “Ôi, con tạ ơn Chúa nhân lành. Chỉ với một chiếc quần cũ cho một người nghèo mà Chúa lại quảng đại ban cho con tới hai linh hồn hay sao ?”
(Theo Đức Ông DE SÉGUR)
3. SUY NIỆM:
Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại câu chuyện một luật sĩ đã đến hỏi Đức Giê-su: “Trong các giới răn điều nào trọng nhất?”(Mc 12,28). Đức Giê-su đã dạy như sau: “Điều răn đứng đầu là: Nghe đây, hỡi Ít-ra-en, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. Điều răn thứ hai là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó.” (Mc 12, 29-31). Như vậy Đức Giê-su đã chính thức xác nhận điều răn trọng nhất là mến Chúa và yêu người. Mến Chúa Yêu Người là hai chiều kích của tình yêu và luôn đi đôi với nhau. Người ta không thể chỉ tuân giữ điều này mà bỏ qua điều kia, như Thánh Gio-an viết: “Nếu ai nói: Tôi yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; Vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1 Ga 4,20). Và Ngài kết luận: “Ai yêu mến Thiên Chúa, thì cũng phải yêu thương anh em mình” (1 Ga 4,21).
1. PHẢI MẾN CHÚA HẾT LÒNG:
– Người ta thường nói: “Có đi có lại mới toại lòng nhau”. Thiên Chúa yêu thương chúng ta và chúng ta phải biết đáp lại tình yêu của Thiên Chúa bằng nhiều cách như: Tuân giữ các giới răn của Chúa; năng đọc và suy niệm Lời Chúa; năng cầu nguyện, tham dự thánh lễ và chịu các bí tích, chu toàn sứ vụ loan báo Tin Mừng để đưa nhiều người về làm con cái Thiên Chúa…
– Hãy làm việc thờ phượng Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực của chúng ta. Có nghĩa là phải đặt Chúa lên chỗ nhất cuộc đời mình, trên tất cả mọi thứ tình yêu dành cho cha mẹ, vợ chồng, anh chị em, trên cả của cải, chức quyền danh vọng và mọi thứ khác như lời Chúa Giê-su: “Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy” (Mt 10,37-38).
– Rất có thể chúng ta đã yêu mến Chúa nhưng nhiều lúc chúng ta chưa yêu hết lòng, hết sức, trên hết mọi sự, là khi chúng ta chỉ dành cho Chúa một chỗ nhỏ bé trong tâm hồn, có khi còn thua kém những thứ khác. Chẳng hạn chúng ta chỉ mến Chúa khi được bình an hạnh phúc. Còn khi gặp phải thử thách đau khổ, chúng ta dễ dàng bỏ Chúa để đạt được chức quyền, danh vọng, các thú vui trần thế, lợi lộc thấp hèn, giống như tông đồ Giu-đa đã bán Thầy với giá 30 quan tiền. Mỗi ngày trước khi nghỉ đêm hãy dành ra ít phút để xét mình xem chúng ta dành tình yêu cho Chúa thế nào? Quyết tâm yêu mến Chúa hết lòng, hết sức, trên hết mọi sự, để nói được như Thánh Phaolô: “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Ki-tô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo ? ” (Rm 8,35).
2. PHẢI YÊU NGƯỜI NHƯ YÊU MÌNH:
– Về mặt tiêu cực, chúng ta yêu thương tha nhân là không làm cho tha nhân những gì chúng ta không muốn họ làm cho mình, như Tô-bi-a cha đã khuyên ông Tô-bi-a con : “Điều con không thích thì đừng làm cho người khác” (Tb 4,15a). Và Đức Khổng Tử cũng khuyên các đệ tử: “Điều mình không muốn thì đừng làm cho kẻ khác”. Về mặt tích cực, chúng ta hãy làm cho người khác những gì mình muốn người khác làm cho mình. Đây chính là lời dạy của Đức Giê-su: “Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì Luật Mô-sê và lời các ngôn sứ là thế đó” (Mt 7,12).
– Để thực hiện giới răn Yêu Người, trước hết, cần phải yêu thương những thành viên trong gia đình như : Ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cái, anh chị em ruột thịt… Sau đó, phải yêu thương những người thân cận như : Bạn bè, làng xóm láng giềng, những người chúng ta gặp gỡ hằng ngày. Từ đó, chúng ta mới có thể yêu thương mọi người xa lạ, kẻ làm hại chúng ta. Bởi vì, nếu không yêu thương những người có liên hệ với chúng ta thì làm sao có thể yêu thương những người xa lạ, yêu thương cả kẻ thù của mình như lời Chúa dạy (x. Lc 6,27), và theo gương Chúa làm khi sẵn sàng tha thứ cho kẻ thù ghét bách hại mình: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34). Noi gương Chúa, nhiều vị thánh đã sẵn sàng tha thứ cho kẻ làm hại mình. Chẳng hạn, thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã vào tù để thăm kẻ đã ám sát mình; thánh nữ Ma-ri-a Go-ret-ti cũng sẵn sàng tha thứ cho kẻ giết mình.
3. YÊU THƯƠNG CỤ THỂ LÀ LÀM GÌ ?
– Yêu thương là hy sinh, dâng hiến: Cả cuộc đời của Chúa Giêsu đã hy sinh vì nhân loại. Cao điểm của sự hy sinh đó là hiến chính mạng sống mình trên thập giá vì nhân loại. Noi gương Chúa Giêsu, biết bao vị thánh đã hy sinh, trao hiến cả cuộc đời để phục vụ tha nhân như Mẹ Tê-rê-sa Can-quýt-ta, sẵn sàng tình nguyện chết thay cho một bạn tù như Thánh Ma-xi-mi-li-a-nô Kôn-bê.
– Yêu thương là đi thăm viếng, giúp đỡ cả về tinh thần cũng như vật chất cho những kẻ nghèo đói. Đến ngày chung thẩm, Chúa Giêsu dựa vào tiêu chuẩn này để phán xét chúng ta. Ai thương yêu giúp đỡ những kẻ nghèo hèn là giúp đỡ chính Chúa: “Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han”(Mt 25, 35-36). Ngược lại, ai không giúp đỡ những kẻ bé mọn là không giúp Chúa: “Vì xưa Ta đói, các ngươi đã không cho ăn; Ta khát, các ngươi đã không cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã không tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã không cho mặc; Ta đau yếu và ngồi tù, các ngươi đã chẳng thăm viếng.” (x. Mt 25, 42-43).
4. BA BẬC THỰC HÀNH MẾN CHÚA:
Lòng mến Chúa thường được phân thành ba bậc : Một là mến Chúa hình thức; Hai là mến Chúa bình thường và ba là mến Chúa hết lòng hết sức như sau:
+ Mến Chúa hình thức: Một số người chỉ giữ những việc đạo như mười điều răn, đi lễ Chúa Nhật, xưng tội rước lễ… vì sợ bị mắc tội nặng khi chết phải sa hỏa ngục. Còn những tội nhẹ như: chửi nhau, tục tĩu, ăn cắp vặt, gian dối, tham lam… thì họ không quan tâm chừa cải. Những người này giống như những đứa trẻ chỉ học hành hay làm các việc nhà vì sợ cha mẹ rầy la trừng phạt, nên dễ dàng bỏ đi chơi khi cha mẹ vắng nhà. Đó là những người “chỉ mến Chúa ngoài môi miệng, còn lòng họ thì ở xa Chúa” giống như người Pha-ri-sêu được đề cập trong Tin mừng hôm nay.
+ Mến Chúa bình thường: Một số người khác cũng cố gắng sống đạo nghĩa là tuân giữ các giới răn để sau khi chết được lên thiên đàng. Nhưng vì lòng mến Chúa không nhiều, nên đến khi phải hy sinh bản thân thì họ liền phạm tội giống như các môn đệ trong cuộc khổ nạn của Chúa: Kẻ thì “bỏ Thầy để chạy thoát thân”, kẻ khác “hèn nhát chối không biết Thầy là ai”. Thậm chí có kẻ còn phản bội “liên kết với kẻ thù để bán nộp Thầy”.
+ Mến Chúa hết lòng: Chúng ta phải có đức “Mến Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn”, nghĩa là phải yêu mến Thiên Chúa hơn mọi người và mọi sự khác trên đời. Chúa Giê-su cũng đòi môn đệ phải yêu Thầy hơn yêu cha mẹ và con cái (x. Mt 10,37-39), và nếu cần phải sẵn sàng hy sinh cả mạng sống để chứng tỏ lòng mến Thầy (x. Ga 15,13). Thánh Phao-lô đã đạt tới lòng mến như thế khi viết : “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu Đức Ki-tô ? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo ?” (Rm 8,35). Mỗi người chúng ta hãy xin ơn Thánh Thần giúp ta yêu mến Chúa như vậy. Thánh Augustinô đã khuyên “Hãy yêu đi, rồi muốn làm gì thì làm” (Ama et fac quod vis).
4. THẢO LUẬN:
1) So sánh lời dạy trong Luật Mô-sê: “Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” (Mt 22,39) và lời dạy của Đức Giê-su: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34) khác nhau ra sao ? 2) Mỗi tín hữu cần áp dụng lời dạy của Chúa Giê-su : “Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta” (Mt 7,12) trong cuộc sống hằng ngày thế nào ?
5. LỜI CẦU:
– LẠY CHÚA GIÊ-SU. Ngày nay Chúa cũng muốn cho chúng con mở rộng vòng tay đến với hết mọi người. Chúng con chỉ có thể nối vòng tay lớn nếu chúng con gắn bó với Chúa. Ước gì khi nhìn lên cây thánh giá, chúng con thấy biểu tượng của tình thương tột đỉnh của Chúa là hy sinh chịu chết để cho nhân loại chúng con được sống. Tình thương của Chúa mời gọi chúng con luôn giang tay cầu nguyện với Chúa, rồi cùng nắm tay nhau xây dựng một thế giới công bình, yêu thương và hòa bình thịnh vượng.
– LẠY CHÚẠ. Ước chi chúng con biết noi gương Me Ma-ri-a: Luôn làm mọi việc vì lòng yêu mến Chúa và dâng trọn cuộc đời để phục vụ Chúa như Tông đồ Phao-lô: “Tình yêu Chúa Ki-tô thôi thúc chúng tôi” (2 Cr 5,14). “Đối với tôi sống là Đức Ki-tô, và chết là một mối lợi” (Pl 1,21); Từ nay “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi” (Gl 2,20); Tôi “Không còn được sống cho chính mình nữa, mà sống cho Đấng đã chết và sống lại vì tôi” (2 Cr 5,15).
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
LM ĐAN VINH – HHTM