Sống trong lắng đọng để gặp Chúa

Chúa nhật 2 MV năm A

Is 11, 1-10; Rm 15, 4-9; Mt 3, 1-12

Trang sách Ngôn sứ Isaia hôm nay được công bố có điều gì đó phải suy nghĩ, không phải suy nghĩ ít mà là suy nghĩ nhiều. Suy nghĩ nhiều bởi lẽ từ một gốc Giesê lại đâm ra một nhánh nhỏ thôi và rồi nhánh đó mọc lên mầm non và từ mầm non đó mọc lên một cây um tùm hoa lá. Cây um tùm hoa lá đó chính là hình ảnh được dùng để nói về Chúa Giêsu.

Và rồi, chúng ta nghe tiếp Isaia mô tả :

Thần khí Đức Chúa sẽ ngự trên vị này:

thần khí khôn ngoan và minh mẫn,

thần khí mưu lược và dũng mãnh,

thần khí hiểu biết và kính sợ Đức Chúa.

Điều suy nghĩ nữa là trong đất nước mà Isaia miêu tả đó thì :

Bấy giờ sói sẽ ở với chiên con, beo nằm bên dê nhỏ.

Bò tơ và sư tử non được nuôi chung với nhau,

một cậu bé sẽ chăn dắt chúng.

Bò cái kết thân cùng gấu cái,

con của chúng nằm chung một chỗ,

sư tử cũng ăn rơm như bò.

trẻ thơ còn đang bú giỡn chơi bên hang rắn lục,

trẻ thơ vừa cai sữa thọc tay vào ổ rắn hổ mang.

Có thể hình ảnh mà Isaia miêu tả đây ta chưa thấy nhưng ta vẫn mường tượng, vẫn hình dung sự thái bình thịnh vượng trong vương quốc này.

Vương quốc này là một vương quốc mà phải nói rằng ai cũng mơ tưởng và nghĩ đến rằng mình sẽ được đến và ở trong vương quốc bình an và hạnh phúc như vậy.

Quả thật, Chúa Giêsu chính là Hoàng Tử mà muôn dân đợi trông suốt hành trình cứu độ ở Cựu Ước. Cựu Ước không dừng mơ ước mong đợi này nhưng qua Tân Ước người ta cũng mong Đấng Cứu Độ từng loan báo đến với dân để cứu dân thoát khỏi ách nô lệ.

Nhiều ngôn sứ được gửi đến như là người dọn đường cho Hoàng Tử Bình An này. Gioan Tẩy Giả là vị ngôn sứ giữa Cựu Ước và Tân Ước đã công bố sự hiện diện của Hoàng Tử Bình An : “Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi”.

Tâm tình chờ đó, tâm tình đón tiếp của Gioan Tẩy giả ta thấy cũng ngồ ngộ : Gioan Tẩy Giả sống trong sa mạc, sống như người sống trong sa mạc thật sự : Ông Gio-an mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, lấy châu chấu và mật ong rừng làm thức ăn.

Sau thời gian chuẩn bị, Gioan đi đón Hoàng Tử Bình An. Gioan rất thẳng thắn trong dòng sông Gio đan hôm nay : “Nòi rắn độc kia, ai đã chỉ cho các anh cách trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống vậy? Các anh hãy sinh hoa quả để chứng tỏ lòng sám hối.9 Đừng tưởng có thể bảo mình rằng: “Chúng ta đã có tổ phụ Áp-ra-ham.” Vì, tôi nói cho các anh hay, Thiên Chúa có thể làm cho những hòn đá này trở nên con cháu ông Áp-ra-ham.Cái rìu đã đặt sát gốc cây: bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa. Tôi, tôi làm phép rửa cho các anh trong nước để giục lòng các anh sám hối. Còn Đấng đến sau tôi thì quyền thế hơn tôi, tôi không đáng xách dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho các anh trong Thánh Thần và lửa. Tay Người cầm nia, Người sẽ rê sạch lúa trong sân: thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi.”

Rất rõ ràng, rất thẳng thắn chứ không quanh co.

Gioan mời gọi hãy dọn đường, hãy sám hối để chờ đón Đấng Cứu Độ trần gian. Và, chúng ta thấy, Đấng Cứu Độ trần gian cũng đến thật. Đến nhưng không đến trong vẻ oai phong lẫm liệt như người ta chờ nghĩ. Đến trong thân phận làm người và phải nói hết sức là người nữa. Chúa Giêsu đã đồng hàng với con người để lãnh nhận phép rửa của Gioan.

Đấng Cứu Độ trần gian đã đến nhưng người nhà của Ngài đã khước từ và không đón nhận Ngài. Bằng chứng hết sức rõ ràng qua cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá.

Lời mời của Gioan Tẩy Giả xưa vẫn còn văng vẳng bên tai của mỗi người chúng ta dẫu rằng lời ấy đã qua đi hơn hai ngàn năm. Thế nhưng, ngày hôm nay, chúng ta nghe và đón nhận lời của Gioan như thế nào trong cuộc đời chúng ta hay chúng ta lại cứ để lời gọi đó qua đi một cách uổng phí, luống công của Gioan.

Tâm tình mời gọi của Thánh Phaolô ngày hôm nay rất thực tế : Vậy, anh em hãy đón nhận nhau, như Đức Ki-tô đã đón nhận anh em, để làm rạng danh Thiên Chúa. Thật vậy, tôi xin quả quyết: Đức Ki-tô có đến phục vụ những người được cắt bì, để thực hiện những gì Thiên Chúa đã hứa với tổ tiên họ, đó là do lòng trung thành của Thiên Chúa. Còn các dân ngoại có được tôn vinh Thiên Chúa, thì đó là do lòng thương xót của Người, như có lời chép: Vì thế giữa muôn dân con cất lời cảm tạ, dâng điệu hát cung đàn ca mừng danh thánh Chúa

Đức Giêsu Kitô đã đến trong thế gian, đã sống trong thế gian để ôm con người tội lỗi và yếu đuối vào trong cuộc đời của mình nhưng ta, ta có đón nhận Chúa hay không ? Điều này rất dễ khi nhìn thấy cuộc đời của mỗi người chúng ta. Chúng ta không đón nhận Đức Kitô, bằng chứng là chúng ta không đón nhận anh chị em đồng loại vì anh chị em đồng loại chính là hình ảnh của Thiên Chúa ngay trong đời của ta.

Ta vẫn còn ích kỷ, ta vẫn còn tham lam, ta vẫn còn hơn thua, ta vẫn còn tranh giành với anh chị em đồng loại … khi ta sống như thế thì lòng ta quanh co và đầy những hố sâu cũng như đồi núi. Chỉ khi nào ta bỏ đi những đố kỵ, ghen tuông trong lòng ta thì khi đó Chúa mới có một chỗ trong lòng chúng ta.

Gioan đã đến, đã chỉ cho ta Đấng Cứu Độ trần gian. Đấng Cứu Độ trần gian cũng đã đến trong nhân loại, trong thế gian này rồi. Chuyện còn lại là chúng ta có mở lòng ra để đón nhận Đấng Cứu Độ trần gian, Vua Bình an vào trong cuộc đời của ta hay không mà thôi.

Gioan đã chìm mình trong sa mạc hoang khô cháy để đón chờ Đấng Cứu Độ trần gian. Những ồn ào, những náo nhiệt của cuộc đời, những chộn rộn của cuộc sống sẽ là bước cản trở ta đến để gặp Chúa.

Trở về với sa mạc lòng ta, nơi cô quạnh và sâu lắng khi đó ta mới có cơ hội gặp Chúa và gặp anh chị em đồng loại.

 

Lm. Anmai, C. Ss.R

Chia sẻ Bài này:

Related posts