Dù chứng cứ là các vật hóa thạch không là bao nhưng học thuyết tiến hóa dường như thu hút nhiều người khi giải thích mối liên hệ giữa các loài. Tuy nhiên gần đây một số nhà khoa học chợt thấy một vài khập khiễng trong hệ thống học thuyết vốn được xem là thời thượng này. Học thuyết tiến hóa đề cao sự chọn lọc tự nhiên, thích nghi môi trường và sự đấu tranh sinh tồn. Như thế loài càng phát triển cao thì hẳn nhiên khả năng đấu tranh sinh tồn và thích nghi môi trường sẽ mạnh. Thế nhưng, khi phân tích dáng đứng thẳng của loài người thì người ta thấy kiểu dáng đứng thẳng của con người lại gây trở ngại cho việc sinh sản hơn so với kiểu dáng đi bốn chân của loài vật. Bên cạnh đó trẻ sơ sinh hoàn toàn như không thể tự đấu tranh sinh tồn so với nhiều loài vật bậc thấp khi chúng ra khỏi dạ mẹ là có thể tự tìm đến vú mẹ.
Qua một vài hiện tượng trên người ta có thể nói rằng con người là sinh vật sống bởi và sống nhờ kẻ khác. Không có tha nhân thì con người không thể hiện hữu, không thể tồn tại và phát triển đúng nghĩa là con người. Và ngược lại, người ta có thể nói rằng con người là sinh vật sống với và sống cho ai đó. Vì sự sống, sự tồn tại và phát triển của tôi là nhờ tha nhân thì một trong những ý nghĩa của đời tôi đó là để cho ai đó nhờ tôi mà được sống, tồn tại và phát triển. Con người không hiện hữu cho chính nó. Không ai là một hòn đảo. Đây là một trong những nội hàm của câu Thánh Kinh: “Con người ở một mình không tốt” (St 2,18)
“Chính anh em là muối cho đời… Chính anh em là ánh sáng cho trần gian” (Mt 5,13-14). Muối hiện hữu không cho chính nó nhưng để làm mặn các vật thể khác, để ướp cho thực phẩm được tươi lâu… Cũng thế ánh sáng không có ra cho nó mà là để chiếu sáng môi trường, chiếu sáng các vật thể chung quanh…đúng hơn là để giúp các vật thể, môi trường cũng như con người thể hiện mình ra, nghĩa là được nhận thấy. Chúa Giêsu cũng đã từng ví các môn đệ như là men. Tương tự như ánh sáng và muối, men không hiện hữu cho nó nhưng là cho bột hay vật cần dậy men.
Để hữu ích cho tha nhân thì trước tiên chúng ta phải là chính mình trong sự chính hiệu và hoàn hảo một mức nào đó. “Muối mà nhạt đi, thì lấy gì mà muối cho mặn lại? Nó đã thành vô dụng, thì chỉ còn quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi” (Mt 5,13). Có thể xem như chưa xứng đáng là người, khi một ai đó bị liệt vào hàng “đồ vô tích sự”. Ngay cả những người vì lý do nào đó mà sống cảnh tàn phế về thể lý thì luôn có đó khát khao sống cuộc đời “tàn”, nhưng không “phế”, tức là dù bị tàn tật mà không phải là “đồ bỏ đi”. Trong đức tin thì sự hiện hữu và chào đời của một em bé dị tật từ lòng mẹ cũng có một ý nghĩa nào đó cho nhiều người. Có thể có nhiều em bé dị tật bẩm sinh không ý thức gì, nhưng sự hiện hữu của em là một lời mời gọi tha nhân biết cách sống “có một tấm lòng”.
Định luật vạn vật hấp dẫn minh định sự tương tác giữa các hiện hữu đời này. Với trí khôn biết phản tỉnh thì con người một cách nào đó có thể nhận ra ý nghĩa của việc làm người của mình. Không chỉ nhìn nhận như là hiện tượng mà còn xác tín “sỏi đá cũng cần có nhau”, cố nhạc sĩ họ Trịnh trong những ngày vất vả ở chốn “kinh tế mới” đã kiên định “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui”. Đó là một bông hoa dại, là một nụ cười trao cho đời, cho người bên cạnh. Dù ở trong tình trạng như “bị thất sủng”, ông đã quyết tâm “chọn con đường đến với anh em, đến với bạn bè, đến với mọi người”, bởi chưng nhạc sĩ mãi vững tin vào cái lẽ sống của mình đó là “vì đất nước cần một trái tim”.
Trong số tha nhân xa gần thì những người mà chúng ta cần sống với và sống cho cách đặc biệt hơn cả là những người đang cần tình yêu của Thiên Chúa qua chính chúng ta. Ngôn sứ Isaia trong bài đọc thứ nhất cụ thể hóa điều này: “Thiên Chúa phán: Hãy chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục. Bấy giờ ánh sáng của ngươi sẽ bừng lên như rạng đông…” (Is 58,7-8).
Lẽ sống của con người cũng chính là hạnh phúc của con người. Khi biết sống với và sống cho người anh em đồng loại, nhất là những người hèn mọn, yếu thế, cô thân, thì chúng ta sẽ được hưởng nhận hạnh phúc vĩnh cửu Thiên Chúa dành sẵn từ đời đời. Chúa Kitô đã khẳng định rõ chân lý này trong dụ ngôn ngày cánh chung. “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay tự thưở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các người đã cho Ta ăn; Ta khát, các người đã cho Ta uống, Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước, Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc, Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han…Ta bảo thật các ngươi, mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,34-40).
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột