SỰ CÔNG CHÍNH CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ CHÚA KITÔ

Có một câu chuyện kể về một nhà thờ cổ ở Ucraina có tiền sảnh với một bức tường trắng và khi mọi người bước vào họ luôn cung kính cúi đầu trước bức tường đó và tất nhiên điều này đã diễn ra trong nhiều thế kỷ và đã trở thành một truyền thống mà mọi người đều làm theo. Điều buồn cười là không ai thực sự biết tại sao họ lại cúi đầu trước bức tường. Mãi cho đến khi một trận động đất làm vỡ bức tường thì người ta mới khám phá ra rằng đằng sau bức tường là một bức ảnh Mẹ Maria tuyệt đẹp.

Hôm nay, Chúa Giêsu muốn chúng ta xem xét lại các thói quen mà chúng ta làm trong các nghi lễ, trong việc tuân giữ lề luật, nhưng không hiểu được điều cốt yếu của chúng. Chúa Giêsu muốn đánh thức chúng ta ra khỏi cách sống đạo mộng du của mình để chúng ta có thể thực sự sống đúng tinh thần của lề luật: “Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11: 28).  Nói như thế không có nghĩa Chúa Giêsu bãi bỏ Lề Luật: “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Môsê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ” (Mt 5: 17). Trái lại Ngài nhấn mạnh giá trị trường tồn của Cựu Ước: “Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành” (Mt 5: 18). Giao ước này là giao ước của Thiên Chúa, có một thẩm quyền thiêng liêng đáng được tôn trọng trọn vẹn, như bài đọc thứ nhất trích sách Huấn  ca: “Nếu người muốn tuân giữ các giới răn: việc trung thành giữ các giới răn là tùy ở ngươi… Bởi chưng, Thiên Chúa đầy khôn ngoan, hùng dũng và toàn năng. Ngài luôn luôn nhìn thấy mọi loài. Chúa nhìn đến những kẻ kính sợ Ngài, và thấu suốt mọi hành động của con người. Ngài không truyền dạy cho một ai làm điều gian ác, và không cho phép một ai phạm tội” (Hc 15: 15, 18-20). Lề luật được ban hành bởi Môsê và được giải thích bởi các nhà tiên tri là món quà Thiên Chúa ban cho dân Israel, dân riêng của Ngài, trong khi mong chờ một Đấng Mêsia sẽ đến ban cho một Luật tối hậu.

Tuy nhiên những người Pharisêu đã bóp méo tinh thần của Lề luật, hoàn toàn nhấn mạnh vào việc tuân thủ các lễ nghi bề ngoài của Lề luật. Đối với họ, thực hiện chính xác và chi tiết các thủ tục đó là bảo đảm cho sự cứu rỗi của con người: “Nếu tôi làm trọn điều này thì tôi là người công chính, tôi thánh thiện và Chúa có nhiệm vụ phải cứu tôi.” Họ nghĩ con người trở nên công chính là nhờ vào việc tuân giữ tỉ mỉ các qui định trong Lề Luật! Họ chủ trương duy luật (legalism), cố gắng tuân giữ luật pháp Môsê để được gọi là người công chính. Não trạng này là không phù hợp nữa, như Chúa Giêsu xác định: “Vậy, Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pharisêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 5: 20). Ở đây, Chúa Kitô có ý nói: để vào Vương quốc của Thiên Chúa thì khái niệm công chính hay sự cứu rỗi được khai triển bởi các thầy thông giáo và những người Pharisêu nệ luật là lạc hướng, nói cách khác, sự công chính hóa hay sự nên thánh là một ân huệ từ Thiên Chúa; vai trò của con người là hợp tác với ân sủng của Thiên Chúa bằng cách trung thành với ân sủng đó, nhờ Thánh Thần: “Nếu anh em để cho Thần Khí hướng dẫn, thì anh em không còn lệ thuộc Lề Luật nữa” (Gl 5: 18).

Chúa Giêsu đưa ra giáo huấn tương tự một cách rõ ràng hơn trong dụ ngôn người  Pharisêu và người thu thuế lên đền thờ cầu nguyện: “Người Pharisêu đứng thẳng, nguyện thầm rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con. Còn người thu thuế thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi. Tôi nói cho các ông biết: người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người kia thì không” (Lc 18: 9-14). Đó cũng là lý do khiến Thánh Phaolô quở trách nặng lời các tín hữu miền Galát: “Hỡi những người Galát ngu xuẩn, ai đã mê hoặc anh em là những người đã được thấy hình ảnh Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh vào thập giá phơi bày ra trước mắt? Tôi muốn anh em cho tôi biết điều này thôi: anh em đã nhận được Thần Khí là vì đã làm những gì Luật dạy, hay là vì đã tin nhờ được nghe? Anh em ngu xuẩn như thế sao? Anh em đã khởi sự nhờ Thần Khí, nay lại kết thúc nhờ xác thịt sao? Bấy nhiêu kinh nghiệm anh em đã trải qua, lại uổng công sao? Mà quả thật là uổng công! Vậy Đấng đã rộng ban Thần Khí cho anh em và thực hiện những phép lạ giữa anh em, có phải là vì anh em làm những gì Luật dạy, hay là vì anh em đã tin nhờ được nghe?” (Galát 3: 1-5).

Chúng ta cần phải rút ra được bài học từ những người Pharisêu, những người đã quên mục đích của lề luật mà lại biến nó thành một mớ những qui định gồm những điều cấm làm và những điều phải làm, phải “cúi đầu tuân giữ” một cách cứng nhắc đến độ trở thành chi li, trói buộc con người vào một thứ gánh nặng. Thay vì trở thành một phương tiện để đạt được mục đích, bản thân lề luật lại trở thành mục đích, và trở thành vật cản đường. Vì vậy, nhiều người, kể cả những người Pharisêu, tìm cách đối phó, thậm chí thao túng, coi lề luật giống như một thứ “chốt chặn” cần phải luồn lách sao cho đáp ứng được những gì mình muốn, bất chấp việc vi phạm lề luật thực sự: “Thật, nhóm Pharisêu các người, bên ngoài chén đĩa, thì các người rửa sạch, nhưng bên trong các người thì đầy những chuyện cướp bóc, gian tà…Khốn cho các người, hỡi các người Pharisêu! Các người nộp thuế thập phân về bạc hà, vân hương, và đủ thứ rau cỏ, mà xao lãng lẽ công bình và lòng yêu mến Thiên Chúa” (Lc 11: 39,42). Họ quên mất tinh thần đích thực của các giới luật và thực thi các giới luật đó theo “lẽ công bình và lòng yêu mến Thiên Chúa”. Chúa Giêsu hôm nay kéo chúng ta ra khỏi lề thói sai trái đó vốn ăn sâu vào trong cách nghĩ, lời nói và cách ứng xử trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Tất cả chính là để giúp chúng ta có thể đi xa hơn trong việc làm theo Lời Chúa một cách hoàn hảo với lòng khiêm hạ chân thành: “Chúa chẳng ưa thích gì tế phẩm, con có thượng tiến lễ toàn thiêu, Ngài cũng không chấp nhận. Lạy Thiên Chúa, tế phẩm dâng Ngài là tâm thần tan nát, một tấm lòng tan nát giày vò, Ngài sẽ chẳng khinh chê” (Tv 51: 18-19) và tình yêu thương chân thành như Ngài: “Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình” (Mt 5: 23-24).

Nếu chỉ tuân giữ lề luật theo bề ngoài mà quên rằng lề luật giúp chúng ta thoát khỏi tội lỗi, nhất là những thói hư tật xấu mà chúng ta dễ xem nhẹ, như giận ghét, chửi mắng: “Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ giết người; ai giết người, thì đáng bị đưa ra toà. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà” (Mt 5: 21) thì lề luật trở thành vô hồn, thành gánh nặng. Cách giữ đạo hời hợt bề ngoài như thế không những không thể giúp chúng ta dự phần vào sự công chính của Chúa Kitô Phục sinh: “Chúa Giêsu chính là Đấng đã bị trao nộp vì tội lỗi chúng ta và đã được Thiên Chúa làm cho sống lại để chúng ta được nên công chính” (Rm 4: 25), mà còn “chẳng được vào Nước Trời” (Mt 5: 20) hưởng sự sống vĩnh cửu như Thiên Chúa đã hứa với chúng ta: “Đấng ngự trên ngai phán: “Này đây Ta đổi mới mọi sự.”…Chính Ta sẽ ban cho ai khát được uống nơi nguồn nước trường sinh, mà không phải trả tiền” (Kh 21: 5-6).

Hôm nay Chúa Giêsu dạy chúng ta sống theo tinh thần yêu thương vốn là cốt lõi của lề luật để chúng ta tìm cách thanh tẩy cõi lòng của mình, không chỉ không giết người, không phạm tội ngoại tình hoặc không dùng miệng lưỡi để nói năng như vũ khí để gây hại cho người khác: “Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt” (Mt 5: 22), mà còn không dùng trí óc để tưởng nghĩ thèm muốn: “Thầy bảo cho anh em biết: ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi” (Mt 5: 28), và không dùng con mắt của mình để sa ngã: “Nếu mắt phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy móc mà ném đi; vì thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân bị ném vào hoả ngục” (Mt 5: 29). Chúa Giêsu muốn chúng ta cảm nghiệm một đời sống mới đích thực, sống trọn vẹn tinh thần yêu thương như Thiên Chúa muốn, ẩn sau các câu chữ của lề luật.

Hầu hết chúng ta đều biết điều gì là phù hợp và không phù hợp nhưng nhiều khi chúng ta vẫn tiếp tục phán xét, giết người (câu 21), giận ghét, chửi rủa (câu 22), ngoại tình (câu 27-28), ly dị (câu 31- 32), hạ thấp người khác hoặc dối trá, bội thề (33-37), Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói rất rõ ràng về những điều chúng ta không được làm! Ngài lặp đi lặp lại đến bẩy lần, như một lệnh truyền: “Thầy bảo cho anh em biết” (Mt 5: 18, 20, 22, 26, 28, 32, 34).

Tôi có hiểu ra lời của Chúa Giêsu nói hôm nay không? Tôi có thay đổi nếp nghĩ và lối sống như Ngài “bảo cho anh em biết” không? Mỗi ngày, mỗi phút giây, tôi có một sự lựa chọn! Hôm nay tôi sẽ chọn gì? Xin Thánh Thần giúp tôi chọn Nước Trời vinh hiển là mục tiêu cuối cùng của đời tôi, như thánh Phaolô nói trong bài đọc thứ hai: “Chúng tôi giảng dạy lẽ khôn ngoan nhiệm mầu của Thiên Chúa đã được giữ bí mật, lẽ khôn ngoan mà Thiên Chúa đã tiền định từ trước muôn đời, cho chúng ta được vinh hiển” (1 Cor 2: 6-7).

 

Phêrô Phạm Văn Trung.

Chia sẻ Bài này:

Related posts