SỬA SAI BẰNG TÌNH THƯƠNG CỦA CHÚA

Sách Tin mừng theo Mátthêu đôi khi được gọi là Sách của Giáo hội vì dường như cho thấy rõ ràng hơn các sách Tin mừng khác về các vấn đề liên quan đến sự lãnh đạo, tổ chức, quyền bính và trật tự trong cơ cấu và đời sống của Giáo hội. Trong Mátthêu chương 18, chúng ta có thể nhận ra các vấn đề và những tranh chấp trong các cộng đoàn Kitô giáo đầu tiên mà Mátthêu viết cho họ. Trong số những vấn đề như vậy có tranh giành quyền lực: “Lúc ấy, các môn đệ lại gần hỏi Chúa Giêsu rằng: ‘Thưa Thầy, ai là người lớn nhất trong Nước Trời?’ Chúa Giêsu liền gọi một em nhỏ đến, đặt vào giữa các ông và bảo: “Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (1-4); hành vi gây cớ vấp phạm khiến người khác đi chệch khỏi con đường ngay chính: “Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin Thầy đây phải sa ngã, thì thà treo cối đá lớn vào cổ nó mà xô cho chìm xuống đáy biển còn hơn. Khốn cho thế gian, vì làm cớ cho người ta sa ngã. Tất nhiên phải có những cớ gây sa ngã, nhưng khốn cho kẻ làm cớ cho người ta sa ngã” (5-7); sự cần thiết phải mang những người lạc lối về với cộng đoàn: “Anh em nghĩ sao? Ai có một trăm con chiên mà có một con đi lạc, lại không để chín mươi chín con kia trên núi mà đi tìm con chiên lạc sao?…” (12-14) và trên hết là nhu cầu được tha thứ vì không có tha thứ thì không cộng đoàn nào có thể vững bền lâu dài được: “Bấy giờ, ông Phêrô đến gần Chúa Giêsu mà hỏi rằng: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không? ” Chúa Giêsu đáp: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy” (21-22).

Bản văn Tin mừng hôm nay đề cập đến vấn đề tế nhị là khiển trách những người có hành vi tội lỗi đến mức cần được sửa dạy. Đoạn văn cho thấy Mátthêu hiểu rõ một việc sửa chữa như vậy cần phải được thực hiện lần lần như thế nào: “Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã chinh phục được người anh em. Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân” (18-19). Mátthêu khẳng định Hội thánh là thẩm quyền cuối cùng khi các vấn đề không thể giải quyết giữa các cá nhân: “Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh” (18-20 ).

Hội Thánh có năng quyền và trách nhiệm giảng dạy về đức tin và luân lý vì Chúa Giêsu hiện diện liên tục trong Hội Thánh để bảo vệ và duy trì Thân Mình nhiện mầu của Ngài trong suốt lịch sử. Đó là một Giáo hội luôn cố gắng sống theo Lời dạy căn bản của Thầy mình: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15: 12-13).

Hôm nay Chúa Giêsu muốn nói một điều gì đó giống như vậy, đó là một lòng một ý ở trong tình yêu thương của Ngải: “Ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ” (Mt 18:20). Do vậy, trên nhiều phương diện, chúng ta cơ bản cần phải là những người yêu thương bảo vệ anh chị em của mình. Chúng ta có trách nhiệm trong gia đình và trong xã hội. Chúng ta có trách nhiệm với nhau, vì lợi ích chung. Ngay cả khi chúng ta cần phải sửa dạy thì cũng phải thực hiện bằng gương lành và bằng tình yêu thương, theo cung cách của Chúa Giêsu để: “chinh phục được người anh em”. Khi một người anh em mắc một số sai lầm, như phạm phải một tội ác, nghiện rượu, ma túy hay một khoảnh khắc sa ngã…trên hết, hãy nghĩ rằng tất cả những sai lầm ấy đều là ngoài ý muốn của họ. “Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán” (Mt 7: 1). Chúng ta hy vọng đó không phải là những sai lầm tồn tại mãi mãi. Chỉ Thiên Chúa mới thấu hiểu tâm can mọi người, ta cũng như người khác: “Bởi vì Thiên Chúa thấu suốt tâm can, dò xét lòng dạ đến nơi đến chốn và nghe thấy mọi lời miệng lưỡi thốt ra” (Kn 1: 6) và “Lạy Chúa, Ngài dò xét con và Ngài biết rõ, biết cả khi con đứng con ngồi. Con nghĩ tưởng gì, Ngài thấu suốt từ xa, đi lại hay nghỉ ngơi, Chúa đều xem xét, mọi nẻo đường con đi, Ngài quen thuộc cả. Miệng lưỡi con chưa thốt nên lời, thì lạy Chúa, Ngài đã am tường hết” (Tv 139, 1-5). Thiên Chúa không bao giờ giam hãm bất cứ ai vào cuộc đời quá khứ của họ, dù quá khứ ấy có tội lỗi “bảy quỷ” đến đâu chăng nữa (Lc 8 :2). Để được tha thứ, chỉ cần nghe và làm theo lời thánh Gioan mời gọi: “Nếu chúng ta thú nhận tội lỗi, Thiên Chúa là Đấng trung thành và công chính sẽ tha tội cho chúng ta, và sẽ thanh tẩy chúng ta sạch mọi điều bất chính” (1Ga 1:9).

Tuy nhiên dù thế nào đi nữa, tội lỗi của con người vẫn gây tổn hại cho cá nhân và cộng đoàn. Khi cần thiết vì lợi ích chính đáng của nhiều người hoặc của cả cộng đoàn, chúng ta cần phải giúp đỡ lẫn nhau để đạt được điều tốt lành, trong đó có việc giúp nhau nhìn ra lỗi sai để sửa chữa, như lời Chúa đã phán với tiên tri Ezekiel trong bài đọc thứ nhất: “Nếu Ta phán với kẻ gian ác rằng: “Hỡi tên gian ác, chắc chắn ngươi phải chết”, mà ngươi không chịu nói để cảnh cáo nó từ bỏ con đường xấu xa, thì chính kẻ gian ác ấy sẽ phải chết vì tội của nó, nhưng Ta sẽ đòi ngươi đền nợ máu nó. Ngược lại, nếu ngươi đã báo cho kẻ gian ác phải từ bỏ con đường của nó mà trở lại, nhưng nó không trở lại, thì nó sẽ phải chết vì tội của nó; còn ngươi, ngươi sẽ cứu được mạng sống mình” (Ed 33: 6-9).

Cách tốt lành để hàn gắn một mối tương quan đã rạn nứt là gì? Đừng nghiền ngẫm về hành vi phạm tội của người khác, đừng đi rỉ tai người này kẻ nọ, lại càng đừng bao giờ rêu rao lỗi phạm của người khác – nhưng hãy nói chuyện trực tiếp và riêng tư với từng người. Nếu chúng ta thực sự muốn giải quyết sự đổ vỡ đó, chúng ta cần phải giải quyết một cách trực tiếp, cần phải cố gắng tìm hiểu lý do hành động của người đó. Không bỏ mặc bất cứ anh chị em nào, lại càng không vội vã loại trừ bất cứ ai mà ta cho là mắc phải một tội lỗi nào đó. Chỉ khi việc này không đạt được mục đích thì chúng ta mới mời thêm một hoặc hai người khác, những người khôn ngoan và nhân từ thay vì một người nóng tính hay phán xét. Mục đích không phải là đưa người phạm tội ra xét xử mà là thuyết phục người phạm tội nhìn ra sai lầm và sửa sai. Nếu điều này không thành công, chúng ta vẫn không được bỏ cuộc mà phải tìm kiếm sự giúp đỡ của cộng đoàn Kitô giáo. Nhất là khi chúng ta làm việc này với những người ngoài gia đình mình, hãy xin sự hướng dẫn và tìm kiếm sự giúp đỡ của hội đoàn họ đạo, cộng đoàn giáo xứ và những anh chị em tốt lành khác có nhiều kinh nghiệm khuyên bảo, tràn đầy lòng cảm thông và yêu thương chân thành.

Con người có thể bị tách khỏi cộng đoàn, nhưng không bao giờ bị tách khỏi Thiên Chúa. Ngay cả khi người phạm tội không muốn hòa nhập vào đời sống cộng đoàn, thì vẫn còn cơ hội cuối cùng: cầu nguyện cho người phạm tội – để người ấy được chữa lành và quay lại với cộng đoàn. Chúa Giêsu bảo đảm rằng Chúa Cha sẽ lắng nghe: “Nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho. Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ” (Mt 18: 19-20). Hai hoặc ba người họp lại trở thành cộng đoàn của Chúa – đó là nơi có Chúa. Chúa muốn điều tốt nhất cho mỗi người chúng ta, hãy kêu xin Ngài nơi cộng đoàn hai ba người đó.

Sự hiện diện của Chúa Giêsu trong cộng đoàn là lý do chắc chắn để Chúa Cha lắng nghe lời cầu xin của chúng ta. Chúa Giêsu là trung tâm, là trụ cột của căn nhà cộng đoàn, và như thế Chúa Giêsu sẽ luôn cùng chúng ta cầu nguyện với Chúa Cha, để Chúa Cha ban cho những người anh chị em, vốn đã tự loại trừ mình khỏi cộng đoàn, ơn trở về với Chúa nơi sâu thẳm lòng mình, về với sự hiệp nhất của gia đình, của cộng đoàn. Yêu thương là kim chỉ nam cho mọi suy nghĩ, lời nói và hành động của bất cứ ai bước theo Chúa Giêsu, như thánh Phaolô nói trong bài đọc thứ hai: “Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái; vì ai yêu người, thì đã chu toàn Lề Luật….Đã yêu thương thì không làm hại người đồng loại; yêu thương là chu toàn Lề Luật vậy” (Rm 13: 8-10).

 

Phêrô Phạm Văn Trung.

 

 

Chia sẻ Bài này:

Related posts