SUY NGHĨ THEO CÁCH CỦA THIÊN CHÚA

Trong bài Tin Mừng tuần trước, khi các môn đệ, qua Phêrô, thừa nhận Chúa Giêsu là: “Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16: 16) thì Chúa Giêsu đã trao cho Phêrô và các ông một quyền hạn cao nhất. Các ông được trao quyền của chính Thiên Chúa trên cộng đoàn tương lai của họ, một quyền năng lớn lao đến nỗi “quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi” (Mt 16: 18): “Dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy” (Mt 16: 19). Chính Thánh Phêrô được nói đến như một tảng đá, vững chắc và không thể lay chuyển: “Trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy” (Mt 16: 18).

Có lẽ các môn đệ đang nghĩ rằng Chúa Giêsu sẽ là một vị vua vinh quang và quyền năng đúng như mong đợi của người Do Thái. Và tất nhiên, họ sẽ có một phần đặc biệt trong vinh quang và những quyền lợi đi kèm với vinh quang đó, vì họ là những người đi theo Rabbi Giêsu.

Một cú sốc

Tuy nhiên, sự hưng phấn không kéo dài được lâu. Bản văn Tin mừng hôm nay thuật lại: “Chúa Giêsu Kitô bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết: Ngài phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại” (Mt 16: 21). Điều này chắc chắn là một cú sốc khủng khiếp đối với các môn đệ, hoàn toàn không thể nằm trong tâm trí của họ khi họ nghĩ về sự xuất hiện của Đấng Mêsia! Tệ hơn nữa, nguyên nhân gây ra sự sỉ nhục và cái chết của Chúa Giêsu sẽ không phải là một số kẻ thù bên ngoài, như những người ngoại đạo và dân tộc man rợ nào, mà lại là những người lãnh đạo và những người nổi trội nhất trong cộng đồng Do thái giáo của họ: “Ngài phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại” (Mt 16: 21).

Hơn nữa, điều đó sẽ xảy ra tại Giêrusalem, thành thánh, nơi có Đền Thờ nơi Thiên Chúa ngự giữa dân Ngài, nơi các tiên tri đã chết và Chúa Giêsu đã nói với những người Pharisêu: “Giêrusalem, Giêrusalem, ngươi giết các ngôn sứ và ném đá những kẻ được sai đến cùng ngươi! (Mt 23:37). Hẳn các môn đệ đã cảm thấy rất băn khoăn và bối rối.

Một cuộc phản đối

Vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi ấy, Phêrô, có lẽ vẫn còn hào hứng với địa vị mới có được của mình, đã kéo Chúa Giêsu sang một bên, nói chuyện với Ngài gần như một người ngang vai vế: “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy!” (Mt 16: 22). Làm sao điều này có thể xảy ra với Đấng Mêsia của Israel? Tuy nhiên phản ứng giận dữ của Chúa Giêsu xảy ra một cách hơi bất ngờ: “Satan, lui lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người” (Mt 16: 23).

Đây là những lời lẽ cứng rắn dành cho một người vừa được trao quyền lãnh đạo cộng đoàn mà Chúa Giêsu sẽ để lại. Dù không thể coi Phêrô thực sự là một con quỷ, nhưng lời nói của ông được hiểu như một lời cám dỗ thực sự muốn Chúa Giêsu quay lưng lại với con đường mà Thiên Chúa muốn Ngài đi theo. Dù vô tình và có ý định tốt, nhưng Phêrô đang làm công việc của ma quỷ – cố gắng lèo lái Chúa Giêsu ra khỏi con đường mà Chúa Cha đã vạch ra cho Ngài. 

Thánh Phêrô bị coi như một chướng ngại vật, một skandalon – cớ vấp phạm, một hòn đá cản đường khiến người ta vấp ngã. Trớ trêu thay, “tảng đá” mà Chúa Giêsu vừa nói sẽ là nền tảng cho “xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi” giờ đây lại bị coi là vật cản cho công cuộc và sứ mệnh của Chúa Giêsu!

Đã bao nhiêu lần chúng ta trở thành cám dỗ hoặc trở ngại cho người khác như vậy? Có lẽ thường xuyên hơn chúng ta nghĩ. Chúng ta gây ra chướng ngại cho người sống bên cạnh mình, vì Chúng ta không chú tâm đến chuyện của Thiên Chúa mà chú tâm đến việc của loài người.

Những tâm tình của Chúa

Các môn đệ của Chúa Giêsu có thể thừa nhận rằng Ngài là Đấng Mêsia, nhưng rõ ràng họ không biết Chúa Giêsu sẽ trở thành Đấng Mêsia theo cách nào. Như Chúa nói, họ chỉ suy nghĩ theo cách thuần túy của con người và chưa có được “những tâm tình như chính Chúa Kitô Giêsu” (Philípphê 2:5). Họ sẽ phải thay đổi hoàn toàn ý tưởng của mình về việc Đấng Mêsia sẽ như thế nào. Đấng Mêsia sẽ không phải là một nhà lãnh đạo chính trị và quân sự vĩ đại, có thể quét sạch mọi kẻ thù của Israel. Ngay cả sau khi Chúa sống lại họ vẫn nghĩ theo cách đó. Trên đường đi Emmau, hai môn đệ của Chúa vẫn nhắc lại ước mong đó: “Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Ngài là Đấng sẽ cứu chuộc Israel” (Lc 24:21). Ngay cả khi Chúa Giêsu chuẩn bị chia tay các môn đệ vào ngày Chúa Về Trời, các ông vẫn cứ hỏi: “Thưa Thầy, có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Israel không?”  (Công vụ 1:6)

Vâng, Chúa Giêsu sẽ là Vua, nhưng Ngài sẽ là Vua tình yêu, một Vua sẽ cai trị bằng cách phục vụ. Bởi vì Ngài yêu thương và phục vụ họ, nên nếu cần, Ngài sẽ sẵn sàng chết vì họ, vì đây là tình yêu lớn nhất mà một người có thể biểu lộ cho bạn bè của mình. Điều này không có nghĩa là Chúa Giêsu muốn chết trên thập giá, nhưng Ngài hoàn toàn sẵn sàng chịu đau khổ và chết, nếu tình yêu đòi hỏi điều đó – và điều đó đã xảy ra. Cuối cùng, các môn đệ sẽ hiểu ra rằng cái chết của Chúa Giêsu là nguồn gốc vinh quang và quyền năng lớn nhất của Ngài: “Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi” (Ga 12:32). 

Bước đi với Chúa Giêsu

Tin Mừng hôm nay yêu cầu chúng ta hiểu tại sao vinh quang của Chúa Giêsu, là Vua và là Chúa của chúng ta, lại được tìm thấy qua đau khổ và cái chết nhục nhã trên Thập Giá. Còn có một lời mời gọi nữa để chúng ta bước đi cùng con đường với Chúa Giêsu: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16: 24). Chúa Giêsu đang yêu cầu mỗi người chúng ta trao ban cuộc đời mình để hoàn toàn yêu thương và phục vụ người khác, ngay cả khi điều này dẫn đến sự hiểu lầm, chế giễu, đau đớn và thậm chí cả cái chết, như tiên tri Giêrêmia nói trong bài đọc thứ nhất: “Suốt ngày con đã nên trò cười cho thiên hạ, để họ nhạo báng con… Vì lời Chúa mà con đây bị sỉ nhục và chế giễu suốt ngày…” (Gr 20: 7-8).

Sẽ hoàn toàn sai lầm khi nghĩ rằng Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta rằng để trở thành những Kitô hữu tốt lành thì chúng ta cần phải sống cuộc đời khốn khổ, vì một số người đã giải thích bản văn Tin mừng này như thế. Thực ra, để theo Chúa Giêsu một cách trọn vẹn, chúng ta phải có khả năng nhìn nhận cuộc sống như Chúa Giêsu nhìn nhận, nghĩa là phải có “những tâm tình như chính Chúa Kitô Giêsu”.

Khi chúng ta có những tâm tình như chính Chúa Kitô Giêsu, thì chúng ta có thể nhìn nhận cuộc sống của mình theo hướng yêu thương và phục vụ người khác chứ không theo đuổi tham vọng thuần túy lấy bản thân hoặc thậm chí lấy gia đình mình làm trung tâm. Như vậy, toàn bộ hướng đi của cuộc đời chúng ta sẽ thay đổi. Toàn bộ cách nhìn nhận của chúng ta về hạnh phúc sẽ thay đổi. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta không sống một cuộc sống hy sinh và đau khổ vì chính nó, mà là một cuộc sống hoàn toàn yêu thương và tự do, đến độ sẵn sàng chấp nhận hy sinh và đau khổ. “Từ bỏ chính mình” không phải là vất bỏ nhân cách của mình. Buông bỏ chính mình để có thể thực sự tìm thấy con người thật của chính mình, như Thánh Phaolô nói trong bài đọc thứ hai: “Vì Thiên Chúa thương xót chúng ta, tôi khuyên nhủ anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Ngài. Anh em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo” (Rm 12: 1-2).

Đây chính là điều mà các bài đọc hôm nay muốn nói đến: Chúa Giêsu mời gọi chúng ta đến hạnh phúc đích thực. Có thể khi chúng ta đi theo con đường của Chúa Giêsu sẽ có người chê bai chúng ta ngu ngốc, thậm chí công kích chúng ta. Tuy nhiên, những người đã chọn con đường của Chúa Giêsu, vốn có vẻ như trái ngược với xã hội loài người, lại là “Một sự khôn ngoan cao cả và luôn có giá trị…Vì nghịch lý này chứa đựng quy luật vàng mà Thiên Chúa đã khắc ghi trong bản chất con người được tạo dựng trong Chúa Kitô: quy luật rằng chỉ có tình yêu mới mang lại ý nghĩa và hạnh phúc cho cuộc sống. Dành tài năng, sức lực và thời gian của mình chỉ để cứu, bảo vệ và hoàn thiện bản thân, trên thực tế, dẫn đến đánh mất chính mình, tức là một cuộc sống buồn bã và cằn cỗi. Thay vào đó, chúng ta hãy sống cho Chúa và đặt đời sống mình trên tình yêu, như Chúa Giêsu đã làm: chúng ta sẽ có thể nếm trải niềm vui đích thực, và cuộc sống của chúng ta sẽ không cằn cỗi; nó sẽ có kết quả” (ĐTC Phanxicô, Kinh truyền tin, 03 tháng 9 năm 2017).

 

Phêrô Phạm Văn Trung.

Chia sẻ Bài này:

Related posts