Người Công giáo bước vào tuần thứ hai của mùa Vọng. Nghĩa là thế giới càng lúc càng gần lễ Giáng Sinh.
Giáng Sinh cử hành ngày Con Thiên Chúa, Đấng đã từng được mệnh danh là “Hoàng Tử Bình An” (Is 9,5), “Ông Vua Thái Bình” (Is 9, 6).
Giữa lúc chờ đời ngày sinh nhật của vị Hoàng tử Bình An ấy, Ông Vua Thái Bình ấy, bên cạnh sự xáo trộn thường xuyên nỗ ra những tranh cãi về chủ quyền của những vùng biển thuộc Thái Bình Dương của châu Á là những lần thử vũ khí độc của Triều Tiên, ngày càng nhặt hơn, đe dọa hơn…
Trong khi cuộc chiến Nga xâm lược Ukraina tiếp diễn và leo thang, không những chưa có tín hiệu hòa bình, lại thêm đe dọa hạt nhân trên đầu nhân loại.
Những tháng qua và sẽ còn tiếp tục, nỗi thống khổ của người dân Ukraina cứ theo thời gian và điều kiện thời tiết mà tăng dần. Từ cuối tháng 2.2022 đến nay, họ phải đối diện hầu như từng giờ với chết chóc; thương tật; lạc mất người thân; vượt biên để tránh bom đạn; chết mất xác trong rừng, trên biển, dọc biên giới; những người lính trẻ bảo vệ tổ quốc hy vọng mong manh giữ được mạng sống để về lại gia đình; hàng triệu người lao đao vì thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu ấm, thiếu điều kiện chữa trị bệnh tật; biết bao nhiêu cơ sở và nhà cửa bị tàn phá; hiện tại phải đối diện với cái khắc nghiệt dữ dội của mùa đông đang ập đến…
Lắng nghe Lời Chúa công bố cho tuần thứ hai của mùa Vọng mà thèm khát một nỗi yên bình, hòa thuận cho nơi nơi trong chốn loài người này.
Làm sao để có một ngày mà “sói sống chung với chiên con; beo nằm chung với dê; bò con, sư tử và chiên sẽ ở chung với nhau; con trẻ sẽ dẫn dắt các thú ấy. Bò (cái) và gấu (cái) sẽ ăn chung một nơi, các con của chúng nằm nghỉ chung với nhau; sư tử cũng như bò đều ăn cỏ khô…”?
Làm sao sẽ đến thời điểm mà “thế gian sẽ đầy dẫy sự hiểu biết Chúa, như nước tràn đầy đại dương”?
Bởi chỉ khi đơm đầy sự hiểu biết Chúa, thế gian mới chất chứa yêu thương, chất chứa tha thứ, chất chứa niềm vui tha thứ, chất chứa chỉ một lối đường, đó là nhân đạo, tương trợ và làm giàu sự sống.
Vũ khí ư? nguyên tử ư? Tất cả những phương tiện gieo chiến tranh, nhằm giết chóc và hủy diệt ư, nhằm cướp mất hòa bình nơi hành tinh ư?
Sẽ không có gì hết, nếu lòng người không ham muốn, không tìm kiếm chúng. Nơi này nơi khác đã không còn hòa bình, ngay cả nơi tưởng chừng có hòa bình, thì vẫn có thể có sự ngấm ngầm nuôi dưỡng chiến tranh. Tất cả đều xuất phát từ sự dữ của lòng người.
Để Chúa ở với mình, để Chúa có thể khai thông con đường của tình yêu mà từ đời đời Chúa đã mang đến, lòng người mới hết sự dữ, lòng người mới có cơ may mở ngỏ cho tình yêu.
Nếu không để Chúa làm trung tâm của một thế giới đầy xáo trộn, không mời Chúa đến trong các cuộc gặp gỡ dù đó là gặp gỡ thương mại hay để giải quyết khúc mắc và xung đột, không cho Chúa có cơ hội hiện diện trên bàn đàm phán…, còn lâu thế giới mới có thể có những ngày mà “chiên, dê, bò, beo, sư tử, trẻ con, gấu và rắn độc…” hòa cùng nhau, ở bên nhau trong cùng không gian, cùng lối hành xử, cùng ánh nhìn hay trong một suy tư và nhận định…
Một thế giới sa thải Thiên Chúa khỏi mọi ảnh hưởng của lý trí, lẽ sống, sự sống, đương nhiên sẽ cho ra một thế giới lạnh lẽo, giàn giụa khổ đau, giãy chết.
Khi Thiên Chúa không còn ở với, thế giới tồn tại sự dữ. Đã vắng bóng Thiên Chúa trong lòng, con người còn sợ ai mà không giết nhau, không đem mọi phương tiện giết người dữ dội nhất, khủng khiếp nhất tàn sát nhau, tàn sát mọi thứ trên đường mà cái ác ấy đi qua!
Lòng người đã là thứ đáng khiếp sợ. Lòng người xua đuổi Thiên Chúa khỏi ảnh hưởng của nó, sẽ còn kinh hoàng hơn, khiến phải run rẫy hơn.
Nhưng chiến tranh hay hòa bình, đâu chỉ là chuyện của một vùng, một quốc gia, mà còn là chuyện của mỗi chúng ta.
Là Kitô hữu, lòng chúng ta phải là cõi lòng đầy Chúa. Người Kitô hữu, gia đình Kitô hữu, cộng đoàn Kitô hữu mà không còn Chúa hiện diện, không còn ảnh hưởng bởi tình yêu của Chúa, người ấy, gia đình hay cộng đoàn ấy sẽ vô cùng ảm đạm, tăm tối và khổ đau.
Đừng để lòng đầy thù hận, đầy chiến tranh, đầy bóng đêm. Là Kitô hữu, dù cá nhân, hay gia đình, hay cộng đoàn, chúng ta là người của Lời Chúa, người của ân sủng, người của bí tích, người của sự thánh…
Hãy tận dụng tất cả những phương tiện trên để, hận thù nếu có, chiến tranh nếu có, bóng đêm nếu có sẽ được dập tắt, sẽ chỉ thay vào bằng một lối mở duy nhất cho tình yêu, cho ánh sáng cứu độ, cho chân lý đức tin, cho sự tương trợ, cho lòng vị tha, cho lẽ sống và hạnh phúc của từng ngày sống…
Nếu chiến tranh là do lòng người, thì tình yêu, hạnh phúc, nhân nghĩa, tương thân… cũng chỉ từ lòng người. Lòng người mà có Chúa, lòng người sẽ trổ sinh hoa trái cho mùa xuân sự sống.
Kitô hữu hãy nhanh chóng làm cho thế giới quanh mình có Chúa hiện diện nhờ bản thân luôn mang Chúa trong cõi lòng.
Kitô hữu hãy mau chóng làm cho thế giới xung quanh là thế giới lý tưởng của hòa hợp, liên kết, thế giới mà “chiên, dê, bò, beo, sư tử, trẻ con, gấu và rắn độc…” dù có phân biệt vùng của mình, kiểu sống riêng mình, cách thể hiện chỉ là mình mà vẫn tôn trọng sự hòa dịu, hòa hợp của một môi trường chung sống…
Lm JB NGUYỄN MINH HÙNG