Chúa nhật 23 thường niên, Chúa Giêsu dạy “Hãy đi sửa lỗi cho nhau”. Chúa nhật tuần này, Chúa nhật 24 thường niên, Chúa dạy “Hãy tha thứ cho nhau”.
Nếu việc sửa lỗi là một khía cạnh, một khuôn mặt của tình yêu, thì tha thứ những lỗi lầm của nhau lại là một khuôn mặt khác của tình yêu: tình yêu tha thứ. Tình yêu tha thứ theo Chúa Kitô, phải là tình yêu không giới hạn.
Thánh Phêrô, trong câu hỏi của mình, đã vô tình để lộ ra cái ý muốn giới hạn tình yêu của mình. Ngài đưa ra con số 7 mà hỏi Chúa: “Lạy Thầy, khi anh em xúc phạm đến con, con phải tha thứ cho họ mấy lần, có phải đến bảy lần không?”.
Có lẽ thánh nhân nghĩ rằng mình đã tha thứ đến 7 lần, đã là nhiều lắm, đã là không thể tưởng. Nhưng thánh Phêrô lầm. Đối với Thiên Chúa, đối với Chúa Kitô, giới hạn của tình yêu là yêu không giới hạn.
Câu trả lời Chúa dành cho thánh Phêrô: “Thầy không bảo các con hãy tha 7 lần, nhưng 70 lần 7”, trở thành điểm qui chiếu cho tình yêu tha thứ của chúng ta.
Tha thứ đến 70 lần 7 nghĩa là tha thứ không giới hạn, tha thứ vô cùng, tha không tính toán, không đếm bằng những con số. Vì khi đếm là đã giới hạn lòng yêu thương của mình.
Thói thường trong đời, chắc ai cũng từng nghe những kiểu nói: “Nó với tôi không đội chung trời”, hoặc “sống để bụng, chết đem theo”, có khi những kiểu nói đó còn xuất hiện trên chính môi miệng của người đã vô vàn lần lãnh nhận sự tha thứ của Thiên Chúa, lãnh nhận lời dạy của Chúa Giêsu: hãy tha vô hạn.
Là người Công giáo, bạn và tôi đã có ai ý thức những kiểu nói đó đi ngược Tin Mừng, đi ngược Lời Chúa dạy không?
“Thầy không bảo các con hãy tha 7 lần, nhưng 70 lần 7”. Hãy nghe Lời Chúa dạy để đừng đặt giới hạn của lòng tha thứ, mà hãy tha thứ không giới hạn.
Có những chuyện ta tưởng chừng rất nhỏ trong cuộc sống, lại sinh ra oán thù lớn. Ví dụ: hai đứa bé đánh nhau, lẽ ra chỉ cần dạy bảo chúng đúng sai, hai người hàng xóm, thậm chí hai gia đình, vì bênh vực con cháu mình, lại mắng chửi nhau, thù hận nhau, không thèm nhìn nhau…
Có khi chỉ là một câu nói lỡ lời, chạm tự ái, dẫn đến chuyện trách móc, phàn nàn nhau. Tệ hại hơn, không thể tha thứ cho nhau, người ta đi quá đà đến nỗi hạ nhục nhau, chửi bới hoặc tìm cách trả thù nhau, chí ít thì cũng nói xấu nhau…
Những điều đó đã là xấu đối với những người không có quan hệ họ hàng. Vậy mà những điều xấu đó lại xảy ra trong dòng tộc, trong gia đình: vợ chồng, cha mẹ, anh chị em…. ngày càng nhiều. Những người thân của nhau mà còn không thể tha thứ cho nhau, thì huống hồ là người dưng.
Hàng ngày chúng ta đọc kinh Lạy Cha. Ngay trong từng thánh lễ, bạn và tôi cũng sẽ đọc kinh Lạy Cha: “Xin Cha tha nợ chúng con như chúng con cũng tha cho những người có nợ chúng con”.
Hãy ý thức hơn nữa mỗi lần đọc kinh Lạy Cha, để lời cầu nguyện trở nên sự thật trong cuộc đời mình.
Hãy nhớ, Cha tha nợ cho ta khi ta hết lòng tha cho anh em mình.
Mỗi lần đọc kinh Lạy Cha, ta xin Chúa ban cho ta và cho từng người khả năng tha thứ: Tha thứ không phải bảy lần, nhưng là bảy mươi lần bảy. Nghĩa là tha liên tục, tha không giới hạn.
Lm JB. NGUYỄN MINH HÙNG