THIÊN CHÚA NHẬP THỂ TRONG CUỘC ĐỜI CHÚNG TA

Cuộc sống hàng ngày, với những vấn đề khó khăn, những trở ngại, có thể là cách để Thiên Chúa nhập thể một cách kín đáo trong cuộc sống của chúng ta. Thiên Chúa tỏ mình ra ở trung tâm của những gì là vấn đề khó khăn đối với chúng ta, miễn là “Còn phần tôi, khác gì cây ôliu xanh rờn trong nhà Thiên Chúa, tôi tin cậy vào tình thương Thiên Chúa mãi mãi đến muôn đời!” (Tv 52, 10)

Ông Giuse mang nặng một vấn đề trong lòng: “Bà Maria đã thành hôn với ông Giuse. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần” (Mt 1: 17-18). Là một người công chính, ông không muốn tố giác Maria và ông đã quyết định bí mật ly hôn với bà để giữ nguyên danh dự cho vị hôn thê của mình: “Ông Giuse, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo” (Mt 1: 19). Đúng vào thời điểm này, Thiên Chúa, qua trung gian của thiên thần, là dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa, đã mở ra cho Giuse một cách hiểu khác về thực tại: “Này ông Giuse, con cháu Đavít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Ngài sẽ cứu dân Ngài khỏi tội lỗi của họ. Tất cả sự việc này đã xảy ra, là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ: Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta” (Mt 1: 20-23). Những lời của thiên thần đã đáp ứng sự chính trực của Giuse và khi tỉnh dậy, ông quyết định đón bà Maria về nhà: “Khi tỉnh giấc, ông Giuse làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà. Ông không ăn ở với bà, cho đến khi bà sinh một con trai, và ông đặt tên cho con trẻ là Giêsu” (Mt 1: 24-25).

Đoạn trích ngắn này thuật lại chi tiết rằng Thiên Chúa can thiệp vào cuộc sống của con người ngay tại chính những vấn đề của họ. Chính khi một vấn nạn cuộc sống được đặt ra, khi mối quan tâm đến người khác hoặc đến thế giới bộc lộ ra, khi người ta sợ làm điều sai trái hoặc làm hại người khác, thì chính khi ấy người ta có thể nhận ra Thiên Chúa đang hiện diện và đến với Ngài. Giuse đã cố gắng đối mặt những vấn nạn trong cuộc sống của mình một cách trung tín, và khi làm như vậy, Thiên Chúa đã tỏ mình ra cho ông.

Chẳng lâu nữa chúng ta sẽ tổ chức lễ Giáng sinh. Nhưng khác xa với bất cứ sự ngây ngất khoa trương hào nhoáng nào, Kinh thánh mang đến cho chúng ta những khía cạnh ẩn kín rất con người về sự giáng sinh của Thiên Chúa trong những chiều sâu thăm thẳm của nhân tính. Mọi thứ đôi khi bắt đầu với một vấn đề cần phải giải quyết, với sự nghi ngờ không biết phải làm gì, với nỗi sợ hãi bị lạc lối và gây ra tai hại.

Câu chuyện Chúa Giáng Sinh, được nhìn dưới góc độ cuộc đời của Thánh Giuse, là điều cần thiết để hiểu ý nghĩa của ngày lễ này. Cuộc hành trình của Thánh Giuse là bằng chứng cho thấy những lo lắng và phiền muộn của chúng ta có thể là con đường mà qua đó Thiên Chúa nhập thể một cách kín đáo trong cuộc đời chúng ta. Do đó, Lễ Giáng Sinh không phải là ngày lễ để tẩy xóa những gì là vấp váp, gây xáo trộn, khiến chúng ta lo lắng hay làm cho chúng ta xấu hổ. Đây là lúc để cảm thấy rằng các vấn đề trong cuộc sống của chúng ta chính là nơi để Thiên Chúa mặc khải chính Ngài và sinh xuống. Vì vậy, không cần phải chờ đợi mọi thứ diễn ra tốt đẹp trong cuộc sống thì chúng ta mới vui mừng. Giáng sinh là thời gian để vui mừng, ngay tại trung tâm của những gì đang xảy ra với chúng ta, ngay cả không như chúng ta tưởng nghĩ và mong chờ.

Thật vậy, ngay ở nguồn gốc của bản tính con người đã có sự hiện diện của Thiên Chúa, vì Thiên Chúa phán: “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta” (Stk 1: 26). Nói rằng Chúa Kitô:

Thánh Tử là hình ảnh Thiên Chúa vô hình,

là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thọ tạo,

vì trong Ngài, muôn vật được tạo thành

trên trời cùng dưới đất,

hữu hình với vô hình.

Dẫu là hàng dũng lực thần thiêng

hay là bậc quyền năng thượng giới,

tất cả đều do Thiên Chúa tạo dựng

nhờ Ngài và cho Ngài.

Ngài có trước muôn loài muôn vật,

tất cả đều tồn tại trong Ngài

(Cl 1: 15-17)

nghĩa là Ngài luôn hoạt động trong vũ trụ và trong cuộc sống của loài người. Sự hiện diện đầy sáng tạo này tìm thấy sự viên mãn và được thể hiện nơi một con trẻ, Đấng mà thánh Mátthêu trong bài Tin Mừng của chúng ta hôm nay, trước hết gọi là Giêsu, sau đó là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”, nhắc lại lời tiên tri Isaia chương 7 câu 14: “Này đây người thiếu nữ mang thai, sinh hạ con trai, và đặt tên là Emmanuel”. Từ nay trở đi, cái vô hình của Thiên Chúa trở nên hữu hình đối với chúng ta, đồng thời nhân tính theo hình ảnh và giống Thiên Chúa đạt đến sự hoàn hảo, viên mãn của nó. Nhìn và nghe Chúa Giêsu là nhìn và nghe Thiên Chúa.

Các tường thuật Tin Mừng, dù chất liệu của chúng có thực đến mức nào không thì các sự kiện đều cho chúng ta thấy chân lý sâu xa về Chúa Giêsu, trong chừng mực chúng ta có thể tiếp nhận được chân lý đó. Các tường thuật Tin Mừng là con đường chắc chắn mà qua đó Chúa Kitô đến với chúng ta ngày nay và nhờ đó chúng ta có thể tiếp xúc được với Ngài. Chúng ta đọc trình thuật “truyền tin” cho thánh Giuse trong chính tinh thần này. Thánh Giuse đưa ra quyết định của mình là để phục vụ chức vụ từ mẫu của Mẹ Maria, Mẹ Chúa Giêsu, và trên hết là để phục vụ sứ mạng cứu độ của Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa: “vì chính Ngài sẽ cứu dân Ngài khỏi tội lỗi của họ” (Mt 1: 21).

Thiên Chúa luôn “giáng sinh và hiện diện” trong mọi biến cố vui buồn của những ai chạy đến và kêu cầu Ngài. Ngài không bao giờ là một vì sao lấp lánh lung linh trên trời cao nhưng lại không liên quan mấy đến cuộc đời của bạn và của tôi! Ngài sinh xuống trần gian là vì chúng ta, như trong Kinh tin kính chúng ta vẫn thường đọc: “vì loài người chúng tôi và để cứu rỗi chúng tôi, Ngài đã từ trời xuống thế”. Hay trong một kinh chúng ta đọc hằng ngày khi bắt đầu một buổi cầu nguyện: “Lạy Chúa, con sấp mình xuống trước mặt Chúa. Con tin thật Chúa ở khắp mọi nơi, thông biết mọi sự, hằng xem thấy con, hằng nghe lời con cầu nguyện. Xin Chúa rất nhân từ hãy đoái xem sự nghèo ngặt con và nhận lời con nguyện.”

Thiên Chúa, Đấng hành động hết sức khéo léo và tế nhị với con người, không muốn hành động mà không có chúng ta. Hoặc ít nhất, nếu Ngài kêu gọi, thì đó là vì Ngài đang chờ câu trả lời từ chúng ta. Thiên Chúa không dùng sức mạnh can thiệp vào sự cuộc sống của chúng ta. Ngài không đến để nắm lấy dây cương cuộc đời của chúng ta, hủy bỏ tự do của mỗi người chúng ta, thứ tự do có khả năng khước từ hoặc đón nhận tình yêu của Thiên Chúa và làm nên giá trị siêu việt của hiện hữu nhân linh, là cuộc đời chúng ta. Khi chúng ta lắng nghe và đáp lại lời Chúa, chúng ta sẽ không hiện hữu tự mình nữa, nhưng sẽ sống với Chúa. Thiên Chúa có mặt và hành động với chúng ta trong cuộc sống của chúng ta. Nhiều khi chúng ta cảm thấy được Thiên Chúa hành động, nhưng không bao giờ thiếu chúng ta. Ngài hoạt động trong một mối liên hệ hỗ tương, trong một câu chuyện mà chúng ta là bạn diễn của Ngài. Ngài hành động đôi khi bằng những phương cách con người không thể tưởng ra được, hoặc bằng những tác động nho nhỏ. Ví dụ, chúng ta nhận ra rằng các tình huống hoặc nhiệm vụ tưởng chừng phức tạp, thậm chí là bất khả thi, đột nhiên được giải quyết nhanh chóng khiến chúng ta không ngờ và vô cùng ngạc nhiên. Những tình huống mù mờ mà chúng ta phải đối mặt, trong đó chúng ta phải ra sức để tiến lên, đột nhiên trở nên rõ ràng và chúng ta có thể thấy hành động của Thiên Chúa ở đó.

Thiên Chúa can thiệp như kiểu đáp lại, như một người đồng diễn trong hành động mà chúng ta đang tham gia. Chính khi chúng ta dấn thân, khi chúng ta chấp nhận rủi ro, lúc đó Ngài mới có thể hành động. Ngài không hành động mà không có chúng ta hoặc chống lại chúng ta. Ngài không cản trở hành động trực tiếp của chúng ta, ngay cả khi một số người đi rất xa trong tội ác, bạo lực, bắt bớ, tra tấn…

Thiên Chúa không can thiệp trực tiếp, bởi vì cách hành động của Ngài không theo trật tự đó. Giống như một luật chơi mà Thiên Chúa đã đặt ra cho chính Ngài, Ngài không can thiệp nếu không có chúng ta. Chúng ta tin rằng Ngài làm như thế nhằm mục đích tăng cường tự do và trách nhiệm của con người. Nếu Thiên Chúa áp đặt hành động của Ngài trên chúng ta, ngay cả khi chúng ta đi sai hướng, thì còn lại gì cho chúng ta làm nữa, vì khi ấy chúng ta chỉ còn là con rối mà thôi?

Như thánh Giuse, chúng ta được Thiên Chúa mời gọi đón nhận và cộng tác tích cực vào kế hoạch Cứu độ của Ngài, trong tin tưởng phó thác vào quyền năng mạnh mẽ vô biên nhưng cũng là tình thương vô cùng dịu dàng của Ngài. Nếu Mẹ Maria đã nói lên lời: “Fiat – Xin vâng” (Lc 1: 38) thì thánh Giuse im lặng: “làm như sứ thần Chúa dạy” (Mt 1: 24).

Vào Chúa nhật thứ tư Mùa vọng hôm nay, chúng ta được Thiên Chúa mời gọi nói lên, với tất cả tấm lòng, như Mẹ Maria “Xin vâng” và như Thánh Giuse “làm như sứ thần Chúa dạy.

 

Phêrô Phạm Văn Trung.

 

Chia sẻ Bài này:

Related posts