“Hãy ra đứng trên núi trước tôn nhan Chúa”;
“Hãy yên tâm. Thầy đây, đừng sợ!”.
Kính thưa Anh Chị em,
Cách đây mấy tuần, chúng ta chia sẻ với nhau câu chuyện Êlia gặp Chúa trên núi; cách đây mấy ngày, chúng ta cùng suy nghĩ về câu chuyện Chúa đi trên nước… vậy thì Chúa Nhật hôm nay, với hai bài đọc này, chúng ta còn gì để nói với nhau. Vậy mà có đó, nếu không nói là sẽ thú vị hơn. Nào, hãy cùng nhau dừng lại ở một chủ đề khác, Thiên Chúa ở gần con người đến mức nó phải sợ; nhưng, sợ Thiên Chúa hay sợ một cái gì khác; đó là vấn đề. Trên núi Horeb, Thiên Chúa gọi Êlia; giữa biển hồ, Chúa gọi các môn đệ, và những con người này không thể tưởng tượng một Thiên Chúa lại có thể ở gần họ đến thế.
Bài đọc thứ nhất nói đến cuộc thần hiện trên núi của Thiên Chúa cho Êlia. Theo quan niệm Do Thái, núi là nơi Thiên Chúa ngự. Trên núi Sinai, Chúa hiện ra với Môisen; trên núi Horeb, Người hiện ra với Êlia; trên một ngọn núi khác, Chúa Giêsu công bố hiến chương Nước Trời; trên núi Taborê, Ngài hiển dung xán lạn và trên núi Sọ, Ngài hiến mình thê lương. Từ núi Horeb, nơi Êlia đang ẩn mình cho khỏi quân thù đang tiễu phỉ, Thiên Chúa gọi ông, buộc ông trở về để phong vương, để xức dầu cho những ai Người định.
Nếu núi là nơi Thiên Chúa ngự thì cũng theo quan niệm Do Thái, biển là chốn ma vương trị vì. Sách Khải Huyền nói, “Biển đã trả lại những người chết trong nó; tử thần và âm phủ hoàn lại những người chết chúng giam giữ”; “Tôi thấy một trời mới đất mới, vì trời cũ đất cũ đã qua, và biển không còn nữa”; hoặc quỷ nhập vào đàn heo và lao xuống biển. Vì thế, việc Chúa Giêsu hiện diện giữa đêm khuya trên biển hồ khiến gió yên biển lặng có nghĩa là Ngài chiến thắng, thống trị ma quỷ và các thế lực thù nghịch. Tin Mừng hôm nay nói, Ngài lên tiếng với các môn đệ, “Hãy yên tâm. Thầy đây, đừng sợ!”. “Thầy đây” theo bản dịch Hy Lạp, có nghĩa “Ta là”, một thuật ngữ Thánh Kinh gợi lên sự hiện diện đầy quyền năng của Thiên Chúa. Trước bụi gai, Chúa gọi Môisen, sai ông đi giải phóng dân; ông lấy tay che mặt, miệng ú ớ. Ông hỏi Người là ai, Chúa trả lời, “Ta là Đấng Hiện Hữu”, Đấng Hiện Hữu luôn mang theo sức mạnh của Người.
Anh Chị em,
Thiên Chúa đó có khiến chúng ta sợ hãi không? Hoặc một câu hỏi hay hơn, ý muốn tốt lành của Thiên Chúa có làm chúng ta sợ không? Hy vọng là không; thế nhưng, có lúc chúng ta sợ thật, ít nữa là lần đầu. Câu chuyện Tin Mừng hôm nay hé mở cho chúng ta phần nào sự hiểu biết thiêng liêng và cách thức chúng ta phản ứng trước ý muốn của Thiên Chúa trong đời mình.
Trước hết, bối cảnh Tin Mừng thật quan trọng. Các môn đệ ở trong thuyền, giữa biển hồ sóng gió một đêm khuya. Bóng tối tượng trưng cho màn đêm chúng ta phải đương đầu với vô vàn khó khăn; con thuyền, theo truyền thống, được coi như Giáo Hội và biển hồ, biểu tượng cho thế gian. Vì thế, trình thuật Tin Mừng nói với chúng ta rằng, rất thực tế, mỗi người, giữa thế gian, trong Giáo Hội, đang phải đối mặt với những “đêm tối” cuộc đời.
Một đôi khi, trong đêm tối đời mình, Thiên Chúa đến với chúng ta và chúng ta sợ hãi. Thế nhưng, không phải chúng ta sợ chính Chúa, cho bằng, chúng ta sợ những ý muốn và đòi hỏi của Người. Ý muốn của Thiên Chúa luôn luôn mời gọi chúng ta vươn tới một điều cao cả hơn, hướng thượng hơn, thánh thiện hơn; đó là một sự quên mình để trao ban, đó là một tình yêu đòi phải có hy tế. Đó là những lý do khiến chúng ta sợ và lắm lúc, điều này thật khó chấp nhận. Thế nhưng, trong niềm tin, nếu chúng ta chịu nhượng bộ Chúa, thuận thảo, mềm mỏng với Người… thì Chúa Giêsu cũng sẽ dịu dàng nói với chúng ta như đã nói với các môn đệ, “Hãy yên tâm. Thầy đây, đừng sợ!”. Ý muốn của Người không là điều để chúng ta sợ; trái lại, chúng ta tìm kiếm và ôm lấy nó, lòng đầy tin yêu phó thác. Thoạt tiên, điều này có vẻ thách đố; thế nhưng, với lòng cậy tin, việc đáp ứng ý muốn của Thiên Chúa sẽ dẫn chúng ta đến một cuộc sống tràn đầy nhất, hạnh phúc nhất, một cuộc sống có tên là ân phúc.
Anh Chị em,
Hôm nay, Thiên Chúa đang mời gọi chúng ta điều gì, Người đang muốn điều gì cụ thể nơi tôi. Một điều gì đó có thể làm chúng ta chết lặng, choáng ngợp hay ngắc ngoải… thế nhưng, đó chính là điều Thiên Chúa đang chờ. Đó có thể là một lời thứ tha thật lòng cho ai đó, có thể là từ bỏ một lối sống nào đó, một ý định điên khùng nào đó hay một ước muốn quái gở nào đó… Hãy dán mắt vào Người và hãy tin, Thiên Chúa không bao giờ đòi hỏi chúng ta một điều gì đó quá sức khiến chúng ta không thể hoàn thành. Ơn Chúa luôn luôn đủ cho chúng ta và những gì Người muốn luôn luôn đáng giá để chúng ta chấp nhận và liều lĩnh tín thác.
Ngày kia, Têrêxa Avilla nói, “Chúa đã đối xử với con quá tệ, Chúa quá đòi hỏi”; Chúa Giêsu trả lời, “Ta thường đối xử với các bạn Ta như thế!”. Chị thánh mới ngoe nguẩy, “Hèn chi, chẳng mấy ai thèm làm bạn với Chúa”.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, thật lòng… con cũng không sợ Chúa mấy, nhưng con rất sợ Chúa đòi hỏi điều này điều kia nơi con. Xin hãy xua tan nỗi sợ của con với ân sủng của Ngài”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)